Tình báo Mỹ nghi ngờ số liệu về Covid-19 của Trung Quốc

Nguồn: Julian E. Barnes, “C.I.A. Hunts for Authentic Virus Totals in China, Dismissing Government Tallies”, New York Times, 02/04/2020.

Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Trong nhiều tuần qua, các quan chức tình báo Mỹ đã nói với Nhà Trắng rằng Trung Quốc báo cáo thấp hơn thực tế sự lây lan của Coronavirus và thiệt hại do đại dịch gây ra.

Theo ý kiến của các viên chức tình báo Mỹ đương nhiệm và tiền nhiệm, ngay từ tháng 2/2020, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã thường xuyên cảnh báo Nhà Trắng là Trung Quốc đã báo cáo thấp hơn thực tế về tình hình lây nhiễm Covid-19, và khi lập mô hình dự báo chống loại virus ấy, Mỹ đã không thể dựa vào số liệu của Trung Quốc.

Các tin tức tình báo mấy tuần qua – ít nhất một phần tin tức đó dựa trên nguồn tin do nhân viên CIA tại Trung Quốc cung cấp, đã phát huy tác dụng quan trọng trong cuộc đàm phán [qua điện thoại] hôm Thứ Năm 26/3 giữa Tổng thống Trump với Chủ tịch Tập Cận Bình. Sau cuộc hội đàm đó Trung Quốc và Mỹ đã giảm bớt phê phán lẫn nhau.

Trong tình trạng còn chưa xác định được một số vấn đề cơ bản về virus và tốc độ truyền nhiễm của nó, việc có được những số liệu chính xác hơn về tỷ lệ lây nhiễm và tỷ lệ chết do virus gây ra tại Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng đối với tình hình sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu. Theo phát biểu của CIA và của quan chức Nhà Trắng, những số liệu thống kê đó có ý nghĩa rất quan trọng đối với quan chức Mỹ trong việc đánh giá ảnh hưởng của Covid-19 tại nước Mỹ trong mấy tháng tới cũng như hiệu quả của các biện pháp phòng dịch, như biện pháp bảo đảm giữ khoảng cách giao tiếp giữa mọi người với nhau [social distancing, Việt Nam gọi là “cách ly xã hội”].

Cho tới nay, Nhà Trắng và giới tình báo Mỹ đều thất vọng vì họ vẫn chưa thể có được các số liệu chính xác hơn qua việc cố gắng tự thu lượm thông tin của mình.

Tuy nhiên cơ quan tình báo Mỹ đã kết luận rằng bản thân Chính phủ Trung Quốc cũng chẳng biết phạm vi lây nhiễm của con virus đó ra sao, họ cũng mù tịt như phần còn lại của thế giới. Các nhân viên tình báo Mỹ đương nhiệm và tiền nhiệm đều nói giới quan chức trung cấp ở nơi virus xuất hiện sớm nhất – Vũ Hán – cũng như các địa phương khác thường xuyên nói dối về con số tỷ lệ nhiễm bệnh, số ca xét nghiệm và số người tử vong; họ sợ rằng nếu con số báo cáo quá lớn thì họ sẽ bị trừng phạt, bị mất chức hoặc chịu hậu quả tồi tệ hơn.

Báo cáo láo là tình trạng kinh niên tồn tại trong bất cứ chính quyền nào. Nhưng tình trạng đó tại Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn bởi ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc do ông Tập Cận Bình đứng đầu trong mấy năm nay đã tỏ ra chuyên chế độc đoán hơn trước.

Ngoài áp lực từ Chính phủ, còn do kiểm tra sót, tiêu chuẩn thống kê không thống nhất, do tình trạng tồn tại những bệnh nhân không có triệu chứng mắc bệnh, vì thế bất cứ nơi nào đều có thể không có được báo cáo hoàn chỉnh về tình hình dịch bệnh. Các nhân tố đó có thể dẫn đến hậu quả là số ca nhiễm bệnh bị bỏ sót chiếm tới 1/4 tổng số ca lây nhiễm. Iran tỏ ra thiếu minh bạch trong phòng chống dịch bệnh. Italy đã có hơn 13 nghìn người chết, đứng đầu thế giới, nhưng chưa tính số người chết ngoài bệnh viện. Còn công tác xét nghiệm ở Mỹ chậm hơn so với các nước khác.

Nhưng từ tháng 1 trở đi các quan chức Nhà Trắng bắt đầu có thái độ nghi ngờ số liệu thống kê của Trung Quốc và họ yêu cầu CIA cùng các cơ quan tình báo khác ưu tiên thu lượm tin tức về Trung Quốc.

Hãng tin Bloomberg News đưa tin đầu tiên về đánh giá của CIA rằng Trung Quốc đã thông báo thấp hơn thực tế số ca lây nhiễm và tử vong. Các quan chức Mỹ không để ý nhiều tới tiết lộ về một báo cáo tình báo gửi Nhà Trắng tuần trước, nói rằng mấy tuần nay CIA đã liên tục nhắc các quan chức Nhà Trắng chớ nên tin vào các số liệu Bắc Kinh đã báo cáo cho WHO.

Đánh giá của tình báo Mỹ về việc Trung Quốc báo cáo thấp hơn thực tế đã có từ trước khi truyền thông Trung Quốc mới đây đưa tin số người chết ở Vũ Hán có thể vượt quá 5.000 người, tức gấp đôi con số chính quyền nước này đưa ra. Các sĩ quan tình báo cho biết họ còn chưa xác minh các tin tức do truyền thông đăng tải, và trong báo cáo cũng không đề cập tới các bản tin đó.

Các quan chức Mỹ nói rằng từ ngày bùng phát nạn dịch, dù có nguồn tin riêng, nhiều cơ quan tình báo đã cảnh báo Nhà Trắng rằng những thông tin họ lấy được từ các nguồn tin của mình không khác nhiều so với tin tức của giới nhà báo – những người luôn tích cực đưa tin về dịch bệnh ở Trung Quốc và về chuyện Chính phủ nước này cố gắng ngăn chặn việc đưa tin về sự lây lan dịch bệnh.

Trung Quốc cho rằng số ca nhiễm bệnh mấy tuần nay giảm dần là do họ đã áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt, kể cả biện pháp phong tỏa gần 60 triệu dân. Thế nhưng nhiều người bên ngoài chính quyền Trung Quốc lại lo ngại rằng những số liệu đó không hoàn chỉnh.

Ví dụ, Trung Quốc không báo cáo số lượng ca bệnh không có triệu chứng mà họ nắm được. Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Bệnh tật của Mỹ cho biết có tới 25% số người nhiễm Covid-19 có thể không có dấu hiệu mắc bệnh.

Trong buổi họp báo hôm thứ Tư (25/3), khi được hỏi về số liệu của Trung Quốc, Cố vấn An ninh Quốc gia Robert C. O’Brien nói nước Mỹ “không có khả năng” xác minh các số liệu đó. Không thừa nhận bất cứ báo cáo tình báo bí mật nào, nhưng ông cho biết có những báo cáo công khai đặt vấn đề nghi vấn về các số liệu này.

“Chẳng có cách gì xác nhận bất kỳ số liệu nào trong mớ số liệu đó,” O’Brien nói. “Có rất nhiều tin tức công khai cho rằng phải chăng các số liệu ấy quá thấp.”

Các quan chức cũng nói không ai bất ngờ trước việc Trung Quốc báo cáo thấp hơn thực tế về tình hình dịch bệnh nước mình; các số liệu thống kê chính thức của nước này thường được làm giả.

Mối quan hệ căng thẳng giữa Washington với Bắc Kinh đã tăng lên sau khi Coronavirus từ Vũ Hán lan đến nước Mỹ, làm cho nhiều ngành kinh tế Mỹ phải ngừng hoạt động để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Quan chức ngoại giao Trung Quốc đã phát tán những tin tức giả, kể cả tin bịa đặt về chuyện virus có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm của quân đội Mỹ, cùng các thuyết âm mưu khác. Ông Trump đáp trả bằng cách gọi Covid-19 là “Virus Trung Quốc”. Còn Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã làm khối G7 không thể thông qua được một thông cáo chung vì khăng khăng muốn gọi đích danh virus này xuất phát từ Trung Quốc.

Nhưng sau cuộc trao đổi điện thoại giữa Tập Cận Bình và Trump vào tuần trước, đã xuất hiện một tình trạng hòa hoãn mong manh. Tuy truyền thông Trung Quốc tiếp tục truyền bá các thuyết âm mưu nhưng lời lẽ của các nhà ngoại giao nổi tiếng nhất Trung Quốc đã dịu lại.

Ngôn ngữ của Trump cũng bớt khắc nghiệt hơn. Khi được hỏi về tin tình báo nói Trung Quốc thông báo sai về mức độ thiệt hại mà dịch bệnh gây ra, Trump cho biết ông có thể sẽ bàn về đề tài này với Tập Cận Bình.

“So với những gì chúng ta đã thấy và đã được đưa tin, các số liệu ấy dường như nhẹ hơn thực tế chút ít – tôi nói thế là đã tử tế rồi đấy, nhưng chúng tôi đã cùng ông ấy bàn về vấn đề này,” ông Trump nói. “Chúng tôi chưa nói nhiều về các số liệu, chủ yếu nói họ đã làm gì, làm thế nào.”

Nhưng tiếp đó Trump nhắc tới hiệp định thương mại của ông và chuyện Trung Quốc chi trả cho việc nhập khẩu nông sản Mỹ, và ông hạ giọng khi nói những lời phê bình.

“Còn về việc số liệu của họ có chính xác hay không, “ ông nói, “tôi đâu phải là nhân viên kế toán đến từ Trung Quốc.”