Con đường tới thế giới bền vững

Tác giả: Lê Trung Kiên & Lê Đình Tĩnh

Trong bối cảnh tình hình thế giới ngày càng trở nên bất định, chủ nghĩa bảo hộ, dân túy gia tăng, tác động nhiều mặt tới quá trình  toàn cầu hóa, hội nhập và liên kết kinh tế, đồng thời đặt ra những vấn đề cơ bản về quản trị và mô hình phát triển của từng quốc gia. Sự xung đột giữa các mô hình phát triển khác nhau không chỉ ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế toàn cầu mà còn liên quan tới đời sống của hảng tỷ người dân của các quốc gia liên quan. Tháng 1/2020, Tạp chí Foreign Affairs xuất bản Chuyên san “Con đường tới thế giới bền vững” tổng hợp hơn 20 bài báo đáng chú ý nhất đã xuất bản trên Tạp chí liên quan tới các chủ đề thảo luận của Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Davos 2020. Bài viết này giới thiệu tóm lược các nội dung của Chuyên san trên liên quan đến chủ đề  mô hình phát triển kinh tế thế giới, các vấn đề đặt ra và giải pháp để ứng phó.

Về mô hình phát triển kinh tế thế giới hiện nay, trong bài viết “Sự xung đột của mô hình sản xuất tư bản” (tháng 1/2020), Giáo sư Branko Milanovic, Trường Kinh tế và Chính trị Luân Đôn đánh giá cuộc chiến thực sự tác động tới triển vọng kinh tế toàn cầu là sự cạnh tranh giữa các mô hình phát triển khác nhau sử dụng phương thức sản xuất tư bản, nổi bật là giữa Mỹ và Trung Quốc.[1] Tác giả cho rằng trên thế giới hiện nay, phương thức sản xuất tư bản hiện chiếm đã ưu thế, với hai mô hình áp dụng như sau.

Mô hình sản xuất tư bản tự do theo chế độ trọng dụng nhân tài (liberal meritocratic capitalism) phổ biến ở Bắc Mỹ, Châu Âu, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Nhật Bản. Mô hình này có các đặc điểm: (i) Thể chế dân chủ và pháp quyền; (ii) Phụ nữ và các nhóm thiểu số có điều kiện nhiều hơn trong việc tham gia lực lượng lao động; (iii) Hình thành chế độ an sinh xã hội để giảm thiểu mặt trái của việc tài sản và quyền lực tập trung cao vào một nhóm nhỏ.

Trong một giai đoạn nhất định, mô hình này đem đến mức độ công bằng xã hội cao hơn mô hình tư bản truyền thống nhờ tiếp thu các đặc điểm của mô hình tư bản dân chủ xã hội (công đoàn có vai trò lớn, người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội tốt hơn, thành quả của tăng trưởng được phân chia công bằng hơn). Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ 20, đặc tính “công bằng xã hội” này giảm dần do giai cấp công nhân công nghiệp dần bị “phân hóa” và vai trò các công đoàn giảm. Tỷ lệ thu nhập từ vốn trong tổng thu nhập bắt đầu tăng, vốn trở nên quan trọng hơn lao động. Một lượng lớn tài sản tạo ra ngày càng rơi vào tay các tập đoàn và giới giàu có (giai cấp sở hữu vốn), nhất là ở Mỹ. Hệ lụy là hình thành một tầng lớp cai trị có khả năng tiếp nối từ đời này qua đời khác và gia tăng bất bình đẳng thu nhập. Đây là hai yếu tố đe dọa sự tồn vong của mô hình này.

Mô hình sản xuất tư bản chính trị (political capitalism) với đặc trưng ưu tiên cao cho tăng trưởng kinh tế đồng thời hạn chế quyền chính trị và công dân. Theo tác giả, mô hình này phổ biến ở Trung Quốc, Xin-ga-po, Mi-an-ma, Việt Nam, A-déc-bai-gian, Nga, An-giê-ri, Ê-ti-ô-pi-a, Ru-an-đa. Mô hình này có các đặc điểm: (i) Nhà nước điều hành thông qua hệ thống hành chính kỹ trị, dựa vào tăng trưởng để đảm bảo tính chính danh (legitimacy); (ii) Luật pháp được áp dụng một cách “lựa chọn” phù hợp với lợi ích của giai cấp cầm quyền; (iii) Chính quyền có tính chuyên chế cao để có thể hành động mạnh mẽ.

Lợi thế của mô hình này là tạo ra mức tăng trưởng rất cao. Từ năm 1990-2017, Trung Quốc tăng trưởng bình quân 8%, Việt Nam tăng trưởng bình quân 6%, so với mức 2% của Mỹ và mức thấp tương tự của nhiều nước tư bản khác. Mặt trái của mô hình này là bất bình đẳng tăng cao. Từ năm 1985-2010, chỉ số Gini của Trung Quốc tăng từ 0,3 lên 0,5, cao hơn cả mức ở Mỹ. Sự bất bình đẳng về thu nhập thể hiện trên nhiều khía cạnh, giữa các địa phương, giữa các nhóm lao động, giữa nam giới và phụ nữ, giữa khu vực công và tư. Tại Trung Quốc, sự thắng lợi của Cộng sản năm 1949 và tác động của cách mạng văn hóa những năm 1960 đã gần như quét sạch tầng lớp tư sản trước đó. Do đó, việc áp dụng mô hình sản xuất tư bản sau này tại Trung Quốc đã tạo ra tầng lớp tư sản bản địa, 80% trong số này xuất thân từ các gia đình nông dân hoặc lao động phổ thông. Karl Marx đã chỉ ra logic ở các nước phương Tây là giai cấp nắm quyền kinh tế sẽ tự giải phóng và áp đặt các lợi ích của mình. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, lịch sử này khó lặp lại do tính đặc thù về quyền sở hữu tài sản tại Trung Quốc cho phép chính quyền hạn chế sự ảnh hưởng của tầng lớp tư sản mới. Học giả Jacques Gernet cho rằng từ triều Tống tới nay, giới giàu có tại Trung Quốc chưa bao giờ tập hợp được thành một tầng lớp với lợi ích chung do chính quyền nhà nước luôn tìm cách khống chế giới này. Một hệ lụy tiêu cực khác của tình trạng này là tạo ra tham nhũng.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia đang nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế, mức độ xung đột giữa hai mô hình trên sẽ ngày càng rõ. Cạnh tranh hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ ở góc độ địa chính trị mà cốt lõi là sự cọ sát giữa hai mô hình phát triển. Với tư cách là nền kinh tế phát triển thành công nhất thế giới trong 50 năm qua, Trung Quốc có “danh chính ngôn thuận” để xuất khẩu mô hình của mình ra thế giới, nhất là thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường. Ảnh hưởng của Trung Quốc tới các quốc gia khác cũng như các thể chế toàn cầu gia tăng, tạo ra thách thức ý thức hệ đối với các nước phương Tây. Đồng thời, Trung Quốc cũng có mục tiêu nội bộ, thông qua phổ biến mô hình để người dân Trung Quốc không bị mô hình phát triển phương Tây thu hút. Tuy nhiên, khác với mô hình tư bản tự do, mô hình tư bản chính trị luôn chịu sức ép, đó là cần liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và giải quyết kịp thời các vấn đề phát triển để đảm bảo tính chính danh. Rủi ro là chính quyền có thể đưa ra các chính sách tác động xấu tới xã hội. Tuy nhiên, điểm yếu này lại có thể trở thành điểm mạnh bởi áp lực liên tục tạo ra động lực khiến mô hình tư bản chính trị “tiến hóa”, nâng cao ảnh hưởng kinh tế và khả năng cung cấp các dịch vụ và hàng hóa tốt hơn mô hình tư bản tự do. Về triển vọng, tương lai của mô hình Trung Quốc phụ thuộc vào việc liệu giai cấp tư sản có thể tiến tới kiểm soát chính quyền và áp dựng mô hình dân chủ đại diện hay không. Đối với mô hình của Mỹ, câu hỏi là khả năng mô hình này phát triển lên một bước mới, trở thành “chủ nghĩa tư bản của nhân dân” (people’s capitalism), trong đó thu nhập được phân phối công bằng hơn.

Cách thức phát triển thời gian qua mang lại các thành tựu to lớn, tuy nhiên cũng tạo ra nhiều vấn đề kinh tế – xã hội. Bài viết “Trường hợp tiến bộ chống lại chủ nghĩa bảo hộ: Thương mại và nhập cư đã giúp người lao động Mỹ như thế nào” (tháng 1/2020) của Giáo sư Kimberly Clausing (chuyên gia có uy tín về thương mại và thuế quan) sử dụng trường hợp của Mỹ để chứng minh việc bất bình đẳng thu nhập, chứ không phải thương mại quốc tế và nhập cư, mới là nguyên nhân tạo ra bất mãn trong xã hội Mỹ. Từ năm 2017 khi chính quyền Trump lên nắm quyền, Mỹ thay đổi lập trường ủng hộ mở cửa kinh tế, tự do thương mại và nhập cư trước đây, cho rằng các thỏa thuận thương mại và nhập cư là yếu tố gây tổn hại cho người lao động Mỹ, làm gia tăng bất bình đẳng, khiến tầng lớp trung lưu bất mãn. Luồng quan điểm này thậm chí được coi như một “Đồng thuận Washington mới”.

Các nhà chính trị đã đổ lỗi cho thương mại quốc tế gây ra các vấn đề của nước Mỹ (gia tăng bất bình đẳng, mất việc làm, mức lương trì trệ). Phe cánh tả tại Mỹ cho rằng các thỏa thuận thương mại đã ưu tiên lợi ích của các tập đoàn hơn lợi ích người lao động, còn cánh hữu cho rằng việc ưu tiên các mục tiêu hợp tác quốc tế đã làm tổn hại lợi ích của Mỹ. Tuy nhiên, thực chất vấn đề không phải là từ bên ngoài mà là chính sách trong nước đã khiến sự thịnh vượng của nước Mỹ không được phân chia công bằng. Cụ thể, từ năm 1980-2014, xếp theo thu nhập từ thấp đến cao thì mức thu nhập của nhóm 50% đầu tiên gần như giữ nguyên, của nhóm từ 50%-90% tăng 50%, còn của nhóm 1% thu nhập cao nhất tăng tới 205%. Nhà kinh tế học Heather Boushey đánh giá tình trạng bất bình đẳng làm suy giảm nền kinh tế Mỹ bởi nó ức chế cạnh tranh, kìm hãm phát triển tài năng và ý tưởng. Bản chất của sự bất mãn kinh tế là do thiếu các chính sách trong nước phù hợp, dẫn tới sự bất bình đẳng về thu nhập ngày càng tăng. Việc “đổ tội” cho thương mại quốc tế mặc dù là câu trả lời dễ được công chúng chấp nhận, nhưng sẽ dẫn tới các giải pháp sai lầm. Giáo sư Kimberly Clausing cảnh báo, cần nhớ rằng trong quá khứ, một hệ quả của toàn cầu hoá chững lại là Đại suy thoái 1929-1933 và Thế chiến II.

Các nguyên nhân đối với sự bất mãn của người lao động Mỹ cần được đánh giá chính xác hơn. Thứ nhất, sự mở cửa về thương mại góp phần nào vào việc mất việc làm tại nước Mỹ, tuy nhiên còn có rất nhiều nhân tố quan trọng khác, ví dụ như sự điều chỉnh cơ cấu kinh tế Mỹ. Các nhà kinh tế học David Autor, David Dorn và Gordon Hanson ước tính thương mại với Trung Quốc làm mất đi 1-2 triệu vị trí việc làm tại Mỹ, tuy nhiên chỉ riêng từng quý thì kinh tế Mỹ đã có tổng số 6 triệu việc làm mất đi và được tạo mới. Việc thu hẹp các liên đoàn lao động đã giảm khả năng đàm phán của người lao động. Người lao động trình độ thấp bị thay thế bởi công nghệ tự động và máy tính. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc ứng dụng công nghệ tác động tới việc làm mạnh hơn rất nhiều thương mại. Thứ hai, các thỏa thuận thương mại không phải là nguyên nhân cho các vấn đề trong nước hay thâm hụt thương mại của Mỹ. Hầu hết điều khoản trong các thỏa thuận thương mại đều có lợi tương đối cho Mỹ. Ví dụ, trong NAFTA, Mê-hi-cô phải giảm trung bình 10% thuế, còn Mỹ giảm 2%. Bên cạnh đó, ít có bằng chứng cho thấy sự liên quan giữa các thỏa thuận thương mại đối với bất bình đẳng và mức lương trì trệ trong nước của Mỹ. Sau khi ký NAFTA, mức lương của công nhân Mỹ đã tăng chứ không giảm. Quan trọng hơn, các thỏa thuận thương mại không phải là nguyên nhân chính tạo ra thâm hụt thương mại của Mỹ. Nhiều nghiên cứu từ lâu đã chứng minh thâm hụt thương mại chủ yếu do tình trạng chi tiêu lớn hơn tiết kiệm khiến cho nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu.

Ở góc độ khái quát hơn, giáo sư Branko Milanovic cho rằng tại các nước theo mô hình sản xuất tư bản tự do, sự bất mãn về toàn cầu hóa ở các nước phương Tây chủ yếu do khoảng cách ngày càng tăng giữa một nhóm nhỏ tầng lớp thượng lưu và đại bộ phận người dân. Theo giáo sư Branko Milanovic, trong khi bất bình đẳng về thu nhập giữa các quốc gia, giữa các khu vực (châu Á với châu Âu, châu Mỹ) ngày càng được thu hẹp đáng kể thì mức độ bất bình đẳng trong lòng mỗi quốc gia lại gia tăng. Trong 40 năm qua, giai cấp thượng lưu đã hình thành và ngày càng tách biệt so với xã hội. Tại Mỹ, 10% người giàu nhất chiếm 90% tài sản tài chính. Tầng lớp thống trị này có trình độ giáo dục cao và tin rằng mình xứng đáng có vị trí và thu nhập cao trong xã hội. Trong nền dân chủ hiện đại, giới giàu có sử dụng tiền để “đóng góp chính trị” và tài trợ / sở hữu các đơn vị tham mưu chính sách (think-tank) và truyền thông để có thể “mua” các chính sách kinh tế có lợi cho họ. Do có “nguồn lực’ đầu tư vào tiến trình bầu cử cũng như xây dựng các thể chế xã hội dân sự phục vụ cho họ, vị thế của giai cấp thượng lưu trở nên “bất khả xâm phạm”, trong khi phần còn lại của xã hội ít quyền lực và trở nên ngày càng bất mãn.

Chủ nghĩa bảo hộ sẽ chỉ gây hại, thay vì mang lại lợi ích cho người lao động. Thứ nhất, thuế quan nhập khẩu ảnh hưởng tiêu cực tới thu nhập của người tiêu dùng Mỹ, thay vì các nhà sản xuất nước ngoài. Nhóm người nghèo đặc biệt bị ảnh hưởng do nhu cầu chi tiêu cơ bản (thức ăn, quần áo) chiếm phần lớn thu nhập. Việc tăng thuế quan nhập khẩu thực chất là để chính quyền Trump tăng thu ngân sách sau khi đã cắt giảm thuế trong nước theo hướng có lợi cho nhóm thu nhập cao. Thứ hai, thuế quan và chiến tranh thương mại có thể làm gián đoạn các chuỗi cung toàn cầu, gia tăng chi phí đầu vào ảnh hưởng tới nhập khẩu và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ. Thứ ba, việc các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu trả đũa thuế quan và tìm kiếm nguồn cung thay thế sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các ngành kinh tế Mỹ như nông sản. Thứ tư, chiến tranh thương mại làm suy yếu mạng lưới đồng minh của Mỹ cũng như ảnh hưởng tiêu cực tới hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề cấp bách. Đây là các nhân tố quan trọng đảm bảo hòa bình, môi trường tiên quyết cho sự thành công của kinh tế Mỹ.

Việc hạn chế nhập cư thực chất tạo ra các tác động tiêu cực thay vì mang lại lợi ích cho nền kinh tế nói chung và công nhân nói riêng. Từ lâu nay, nguồn nhập cư đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế Mỹ phát triển, thông qua đóng góp về nguồn nhân lực, kỹ năng, chất xám. Người nhập cư chỉ chiếm 14% dân số Mỹ, nhưng 55% start-up 1 tỷ USD và hơn 40% công ty trong top Fortune 500 được thành lập bởi người nhập cư và hơn 50% học giả được vinh danh giải Nobel là người nhập cư. Người nhập cư bổ sung kỹ năng cho những người lao động Mỹ bản địa. Ít có bằng chứng cho thấy nhập cư làm giảm lương của người sinh ra tại Mỹ, cũng như gia tăng tội phạm. Do đó, việc phản đối nhập cư chủ yếu là nguyên nhân có tính văn hóa, thay vì dựa trên các căn cứ thực tế. Việc giới hạn nhập cư có tác động tiêu cực: (i) Giảm lượng nhân tài nước ngoài đóng vai trò giúp Mỹ duy trì vị thế trong đổi mới và tăng trưởng kinh tế; (ii) Ngăn chặn những nhân tố tạo việc làm và những người có kỹ năng bổ sung cho những người lao động bản địa; (iii) Làm tăng áp lực lên ngân sách.

Về giải pháp ứng phó với các vấn đề trên, các quốc gia cần điều chỉnh mô hình phát triển kinh tế – xã hội thay vì phản đối và quay lưng với thương mại tự do và các thành tựu khoa học – công nghệ. GS. Kimberly Clausing nhấn mạnh Mỹ cần có các biện pháp càng sớm càng tốt nhằm: (i) Giảm bất bình đẳng; (ii) Tái thiết lại tầng lớp trung lưu; (iii) Đề ra các chính sách đối nội thực chất để giải quyết nhu cầu của người lao động, nhất là cải tổ hệ thống thuế theo hướng mang lại thịnh vượng kinh tế cho tất cả mọi người; (iv) Cải thiện chất lượng các hiệp định thương mại; (v) Tăng nhập cư. GS. Branko Milanovic cũng đề xuất cần có chính sách thuế để tầng lớp trung lưu nắm giữ nhiều tài sản tài chính hơn, áp dụng thuế thừa kế cao hơn đối với nhóm siêu giàu, cải thiện dịch vụ xã hội.

Từ một cách tiếp cận khác, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới Borge Brende (cựu Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy) có bài viết “ Mô hình Bắc Âu mới” (tháng 1/2020) giới thiệu mô hình phát triển kết hợp được các yếu tố tự do thương mại, lòng yêu nước và tính bao trùm để xử lý hiệu quả các vấn đề phát triển hiện nay.

Mô hình Bắc Âu gồm ba thành tố chính: (i) Mô hình kinh tế – xã hội; (ii) Thái độ xã hội; (iii) Tính thiết thực. Thứ nhất, mô hình kinh tế – xã hội gồm ba trụ cột là y tế toàn dân miễn phí, giáo dục chất lượng cao và nhà ở chi phí hợp lý nhằm bảo đảm mọi người dân có khả năng tiếp cận bình đẳng các dịch vụ xã hội. Cách tiếp cận là “an sinh linh hoạt” (flexicurity), một mặt đảm bảo sự linh hoạt của thị trường, cho phép các doanh nghiệp có thể linh hoạt điều chỉnh tăng giảm nhân công nếu thị trường biến động, mặt khác người lao động mất việc làm được bảo đảm an sinh xã hội và cơ hội có việc làm mới thông qua các hoạt động đào tạo lại (reskill), nâng cấp kỹ năng (upskill). Đồng thời, mô hình Bắc Âu đề cao thương mại tự do. Các nền kinh tế Bắc Âu có tính mở và cạnh tranh hàng đầu thế giới (theo bảng xếp hạng của WEF). Khi chịu sự cạnh tranh lớn từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỹ, cách thức các nước Bắc Âu thích ứng là chuyên môn hóa và vươn lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị. Ví dụ, các doanh nghiệp đóng tầu biển của Bắc Âu không thể cạnh tranh về giá cả với Trung Quốc, Hàn Quốc, do đó thay vì đóng toàn bộ con tầu, họ tập trung vào sản xuất động cơ tầu biển sử dụng công nghệ cao.

Thứ hai, về thái độ xã hội, mô hình Bắc Âu đề cao “chủ nghĩa yêu nước xây dựng” với các nhân tố sau: (i) Thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau giữa mọi chủ thể xã hội gồm người dân, khu vực tư nhân, chính phủ; (ii) Tạo ra động lực để mọi thành viên xã hội đóng góp vào sự thịnh vượng chung của xã hội thông qua đóng góp tài chính, hoạt động xã hội tự nguyện hoặc lựa chọn nghề nghiệp.

Thứ ba, về tính thiết thực, mô hình Bắc Âu chú trọng khả năng thích ứng với sự thay đổi của môi trường thông qua quá trình điều chỉnh mô hình kinh tế – xã hội. Trong xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, các nước Bắc Âu đang đi đầu trong việc ứng dụng các thành quả công nghệ thay vì lo ngại trước các hệ lụy mang tính “đột phá” (disruption) của các công nghệ mới này.

Mô hình Bắc Âu có ưu điểm giúp tạo ra khả năng thích ứng với các thách thức từ sự thay đổi môi trường thương mại và công nghệ toàn cầu. Thứ nhất, mô hình này mang lại lợi ích cho tất cả các chủ thể liên quan (stakeholders), ứng phó hiệu quả với mặt trái của kinh tế thị trường và thương mại tự do, đồng thời bảo đảm công bằng và bình đẳng xã hội. Từ đó tạo ra “sức đề kháng” đối với chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa cô lập. Điều này có được nhờ mọi người dân đều có cơ hội công bằng, bình đẳng và doanh nghiệp có sự linh hoạt trong sử dụng lao động.

Thứ hai, niềm tin cao giữa các thành viên trong xã hội tạo ra môi trường có tính hợp tác cao giữa chính phủ, khu vực tư nhân và người dân. Lợi thế của mô hình này là chính phủ, công đoàn và doanh nghiệp cùng nhau hợp tác thay vì mâu thuẫn, xung đột về lợi ích. Nhờ có hệ thống an sinh xã hội hiệu quả, các tài năng trẻ yên tâm theo đuổi các trường đào tạo nghề thay vì đại học, từ đó mang lại nguồn cung lao động cho khu vực sản xuất – chế tạo. Các doanh nghiệp có không gian tự do hơn trong việc tối ưu hóa nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ mới. Chính phủ hưởng lợi từ việc có các công ty có sức cạnh tranh cao, người dân có thu nhập cao giúp tăng thu thuế, giảm nợ công; đồng thời phải cam kết với tiêu chuẩn cao về sự liêm chính và minh bạch, từ đó tạo ra các dịch vụ công hiệu quả về y tế, giáo dục chất lượng cao.

Thứ ba, sự thích ứng linh hoạt ở mức độ cao của nền kinh tế và lực lượng lao động cho phép các nước Bắc Âu sẵn sàng chấp nhận đổi mới, đồng thời tận dụng các cơ hội và ứng phó với các thách thức từ ứng dụng khoa học  – công nghệ. Việc có một nền giáo dục chất lượng cao với đặc điểm “học tập liên tục”, “học tập suốt đời”, không ngừng nâng cao kỹ năng hoặc đào tạo lại cũng giúp tạo ra sự bền bỉ của lực lượng lao động ở mọi cấp độ, trình độ trước các tác động thay đổi của ứng dụng công nghệ.

Như vậy, qua nội dung các bài viết trên, có thể thấy trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung Quốc gia tăng, vấn đề ý thức hệ bắt đầu được chú ý trở lại, các quốc gia đứng trước nhiều thách thức phát triển, nhất là việc lựa chọn mô hình phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với đặc thù của từng quốc gia. Hội nghị Thường niên WEF Davos là diễn đàn uy tín, có sự tham dự của lãnh đạo cấp cao nhiều nước, các học giả nổi tiếng và doanh nghiệp hàng đầu thế giới. WEF Davos được coi là “chợ ý tưởng”, thường được tổ chức đầu năm. Một trong những nội dung chính của Hội nghị WEF Davos 2020 là về “chủ nghĩa tư bản toàn chủ thể” (stakeholders capitalism),[2] hướng phát triển hài hòa và cân bằng hơn so với mô hình “chủ nghĩa tư bản cổ đông” (shareholders capitalism), vốn chỉ quan tâm tới lợi ích của nhà đầu tư. Điều này cho thấy cho dù với mô hình phát triển nào thì tính bền vững và bao trùm ngày càng được thế giới chú trọng. Đây cũng có thể là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự năm 2020 của các diễn đàn, tổ chức quốc tế, khu vực và của những năm tới./.

Bài viết được đăng lần đầu trên tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam, số 1 (120).

————–

[1] Tác giả sử dụng cụm từ “tư bản chủ nghĩa” với nội hàm tập trung chủ yếu vào phương thức sản xuất thay vì chế độ/thể chế chính trị.

[2] Là khái niệm do chính Klaus Schwab, người sáng lập WEF, đưa ra.