04/06/1972: Nhà hoạt động cộng sản Angela Davis được tha bổng

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Communist activist Angela Davis acquitted, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1972, Angela Yvonne Davis, một “chiến binh da đen,” cựu giáo sư Triết học tại Đại học California, và đảng viên cộng sản, đã được tha bổng các cáo buộc âm mưu, giết người và bắt cóc bởi một bồi thẩm đoàn toàn người da trắng ở San Jose, California.

Tháng 10/1970, Davis bị bắt tại Thành phố New York vì có liên quan đến vụ xả súng xảy ra vào ngày 07/08 tại một phòng xử án ở San Raphael, California. Bà bị buộc tội cung cấp vũ khí cho Jonathan Jackson, kẻ xông vào phòng xử án để giải thoát các phạm nhân đang bị xét xử ở đó, đồng thời bắt giữ con tin hòng đổi lấy tự do cho anh trai mình, George, một người da đen cấp tiến đang bị giam giữ tại nhà tù San Quentin. Trong vụ đấu súng diễn ra sau đó với cảnh sát, Jonathan Jackson đã bị giết cùng với Thẩm phán Tòa Thượng thẩm Harold Haley và hai tù nhân.

Davis, người đã đấu tranh cho sự nghiệp của các tù nhân da đen và cũng là bạn của George Jackson, đã bị truy tố trong vụ án, nhưng bà tìm cách lẩn trốn. Trở thành một trong những tội phạm bị truy nã gắt gao nhất của FBI, bà đã bị bắt giữ chỉ hai tháng sau đó. Phiên tòa xét xử Davis bắt đầu vào tháng 03/1972 và rất được dư luận quốc tế quan tâm bởi lý do truy tố thiếu thuyết phục và bản chất chính trị rõ ràng của quá trình tố tụng. Tháng 06/1972, bà chính thức được tha bổng mọi tội danh.

Sau khi được chứng minh trong sạch, Davis quay trở lại với công việc giảng dạy và viết lách; đến năm 1980, bà được chọn làm ứng viên cho chức Phó Chủ tịch Đảng Cộng sản Hoa Kỳ. Năm 1991, bà trở thành Giáo sư ngành Lịch sử Ý thức tại Đại học California ở Santa Cruz. Bốn năm sau, bà được bổ nhiệm làm hiệu trưởng tại trường dù có rất nhiều tranh cãi xung quanh xuất thân cộng sản và chiến binh da đen. Một trong các tác phẩm của bà là Angela Davis: An Autobiography and Women, Race, and Class. Mặc dù không còn là đảng viên Đảng Cộng sản, Davis vẫn tiếp tục hoạt động chính trị, đáng chú ý nhất là trong việc lên tiếng chống lại án tử hình.