Nguồn: “Hong Kong braces itself for repression by China’s Communist Party”, The Economist, 30/06/2020.
Biên dịch: Phan Nguyên
Nhiều người Hồng Kông vẫn chưa biết chính xác luật an ninh quốc gia mới mà Trung Quốc áp đặt lên lãnh thổ này có nội dung như thế nào. Hồi tháng 5, Trung Quốc tuyên bố sẽ ban hành một đạo luật về Hồng Kông để xử lý các tội như lật đổ và ly khai mà không nhắc đến vai trò của cơ quan lập pháp thành phố. Được thông qua bởi quốc hội mang tính hình thức của Trung Quốc tại Bắc Kinh vào ngày 30 tháng 6 và được ban hành bởi một lệnh ký bởi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nội dung của nó chỉ được công bố vào tối hôm đó, khi chính phủ Hồng Kông công bố đạo luật trên công báo (một bản tóm tắt đã được công bố mười ngày trước đó). Nhưng đạo luật này đã ngay lập tức gây nên những tác động sâu sắc lên cả chính trị nội bộ Hồng Kông lẫn các mối quan hệ quốc tế.
Joshua Wong, một nhà hoạt động hàng đầu, và các đồng nghiệp trẻ của ông ở Đảng Demosisto, một đảng ủng hộ dân chủ nhỏ, đã tuyên bố giải tán. Ông Wong hứa trên Facebook sẽ tiếp tục công việc vận động của mình trên tư cách cá nhân: “Tôi sẽ tiếp tục bảo vệ quê hương của mình – Hồng Kông – cho đến khi họ bịtmiệng, xóa sổ tôi khỏi mảnh đất này”. Lời lẽ mang âm hưởng tận thế của ông cũng tượng trưng cho nỗi losợ của những người biểu tình chống Trung Quốc khác. Đến lúc đó, người ta vẫn chưa biết chính xác những tội nào sẽ được điều chỉnh bởi luật này, cũng như những hình phạt nào mà luật sẽ đưa ra. Nhưng ủng hộ độc lập cho Hồng Kông chắc chắn sẽ bị cấm và dẫn tới án tù dài. Ba nhóm nhỏ vận động cho độclập của Hồng Kông cũng đã tự giải tán.
Trên bình diện quốc tế, đạo luật đã dẫn tới sự lên án của Anh, quốc gia quản lý Hồng Kông trước đây, và nhiều nước phương Tây khác, coi đó là sự vi phạm lời hứa của Trung Quốc là sẽ tôn trọng quyền tự trị của Hồng Kông dưới mô hình “một quốc gia, hai chế độ”. Chính phủ Mỹ đã cảnh báo rằng để đáp trả, họ sẽ chấm dứt địa vị giao thương đặc biệt của Hồng Kông và coi nó y hệt như phần còn lại của Trung Quốc. Hiện tại, Mỹ đã đình chỉ chế độ ưu đãi mà Hồng Kông được hưởng trong việc miễn cho các công ty Mỹ (tại Hồng Kông) không phải xin giấy phép xuất khẩu khi bán hàng sang Trung Quốc đại lục. “Hiện tại, Bắc Kinh đã đối xử với Hồng Kông theo kiểu “một quốc gia, một chế độ”, nên chúng tôi phải hành động tương tự”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố.
Luật này đã được vội vàng thông qua ngay trước ngày 1 tháng 7, ngày kỷ niệm lễ bàn giao Hồng Kông từ Anh sang Trung Quốc vào năm 1997. Lúc ấy, Trung Quốc hứa hẹn một giai đoạn quá độ 50 năm trong đó lối sống và các quyền tự do chính trị của Hồng Kông sẽ được bảo đảm. Lễ kỷ niệm là một dịp thường niên cho các lễ kỷ niệm chính thức lẫn các cuộc biểu tình chống chính phủ lớn, gần đây nhất là vào năm ngoái, khi những người biểu tình đột nhập vào cơ quan lập pháp Hồng Kông.
Mục đích của luật mới rõ ràng là để ngăn chặn những bất ổn vốn đã gây chấn động Hồng Kông kể từ giaiđoạn đó. Các khẩu hiệu ca ngợi đạo luật đã được dán trên khắp Hồng Kông ngay cả trước khi các quan chức cấp cao trong thành phố nhìn thấy nội dung đạo luật. Bản tóm tắt dự luật nhấn mạnh rằng dự luật sẽ tuân thủ “các nguyên tắc quan trọng về pháp quyền” cũng như pháp luật quốc tế về nhân quyền. Nhưng nó sẽ được ưu tiên áp dụng nếu xảy ra xung đột giữa đạo luật mới và các quy định pháp luật hiện hành. Cơ quan lập pháp ở Bắc Kinh cũng sẽ có thể bác bỏ bất kỳ phán quyết nào của các tòa án Hồng Kông. Có thể điều đó là không cần thiết: Chính quyền ngoan ngoãn của Hồng Kông sẽ quyết định thẩm phán nào đượcgiao xét xử các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia.
Cảnh sát Hồng Kông sẽ điều tra những vụ án như vậy. Tuy nhiên, trong một số “rất ít” các vụ án quan trọng, các cơ quan chính phủ trung ương sẽ được phép tham gia. Trưởng đặc khu Hồng Kông sẽ đứng đầu một ủy ban an ninh quốc gia mới, trong đó có một ghế được dành cho một cố vấn từ chính phủ trung ương. Một cơ quan mới sẽ được thiết lập tại Hồng Kông để giúp các nhân viên an ninh đại lục thu thập và phân tích thông tin tình báo về an ninh quốc gia. Điều đó có thể có nghĩa là họ sẽ xác định các mục tiêu, dù các vụ bắt giữ có thể được thực hiện bởi một bộ phận mới của cảnh sát địa phương tập trung vào lĩnh vực an ninh quốc gia.
Lau Siu-kai, một cố vấn cấp cao cho chính quyền trung ương ở Hồng Kông, nói rằng mục đích chính là để “giết gà doạ khỉ”, hay để răn đe người dân bằng một vài vụ bắt giữ gây chú ý thay vì thực hiện các vụ bắt giữ hàng loạt. Đó là cách đảng thường dập tắt bất đồng chính kiến tại đại lục. Thử nghiệm đầu tiên củachiến thuật đe doạ này sẽ là việc có bao nhiêu người dám phản đối đạo luật mới. Ngay cả trước khi dự luật được thông qua, cảnh sát đã bác đơn xin tổ chức một cuộc biểu tình vào ngày 1 tháng 7. Tuy nhiên, dù điều gì xảy ra trên đường phố đi nữa, mô hình “một quốc gia, một chế độ” đã đến gần hơn bao giờ hết.