Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary, Nikkei Asian Review, 06/2020.
Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Ngoại giao ‘chiến lang’ của Trung Quốc đang trên đà tấn công.
Thứ Năm tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump gợi ý rằng ông sẽ có các biện pháp cứng rắn chống lại Trung Quốc xoay quanh luật an ninh quốc gia mới cho Hồng Kông. Hôm sau, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngay lập tức đáp trả.
“Trung Quốc kiên quyết phản đối can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc,” ông nói. Ông thậm chí thêm nhạc nền hùng hồn vào video buổi họp báo đăng trên Twitter, như thể để thổi bùng lòng tự tôn dân tộc.
Chưa từng có nhà ngoại giao chuyên nghiệp nào của Trung Quốc thu hút nhiều sự chú ý như vậy.
Thuật ngữ ‘chiến lang’ – ngày càng được dùng để mô tả chính sách đối ngoại của Trung Quốc – xuất phát từ bộ phim “Chiến lang 2”, một bộ phim hành động đình đám năm 2017 mô tả một nhiệm vụ táo bạo của một cựu chỉ huy quân đội Trung Quốc để cứu đồng bào ở một nước châu Phi bị chiến tranh tàn phá. Bộ phim có biệt danh “Rambo Trung Quốc” vì giống với bộ phim Hollywood “First Blood” năm 1982.
Ông Triệu – người đã gây tranh cãi hồi tháng 3 khi tweet rằng quân đội Hoa Kỳ có thể đã mang coronavirus đến thành phố Vũ Hán của Trung Quốc – cũng đang trở nên nổi tiếng ở Trung Quốc. Nhiều người Trung Quốc có lẽ đánh giá cao thái độ đối đầu của ông trước Hoa Kỳ và Bắc Kinh dường như đang trao cho ông một vai chính trong cuộc chiến với Washington.
Nhưng liệu đó có phải công việc của một nhà ngoại giao?
Kể cả khi các chính trị gia chỉ trích các nước khác, những nhà ngoại giao sẽ đi tìm điểm đồng đằng sau cánh gà. Nếu không có sự phân chia vai trò như thế sẽ không thể có quan hệ ngoại giao.
Song khái niệm “ngoại giao” là tương đối mới đối với Trung Quốc. Trong lịch sử, các triều đại Trung Quốc đều dựatrên tư tưởng “dĩ Hoa vi trung” – xem Trung Quốc là trung tâm của thiên hạ – và do đó không xem các nước khác là các quốc gia có chủ quyền. Không có khái niệm về việc các nước duy trì mối quan hệ ngang bằng nhau.
Năm 1861, Nhà Thanh lập Tổng lý Nha môn, một cơ quan chính phủ phụ trách chính sách đối ngoại, ngay sau khi bị Anh và Pháp đánh bại trong Chiến tranh Nha phiến lần hai. Khi mà Trung Quốc buộc phải cúi đầu trước châu Âu, “ngoại giao” gắn liền với thời kỳ bị sỉ nhục của họ.
Cuối tuần trước, tôi cố gắng ghé thăm trụ sở cũ của Tổng lý Nha môn, cách Tử Cấm Thành khoảng 2 km về phía đông. Thật không may, con đường đến đó vẫn còn đóng cửa do các biện pháp phòng ngừa coronavirus. Vì không phải là cư dân trong khu vực, tôi không được phép đi qua.
Bất đắc dĩ, tôi đi dạo thử. Sau đó tôi nhận ra có một nơi cũng rất quan trọng khác liên quan đến ngoại giao Trung Quốc ở phía nam – trụ sở trước đây của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, mở năm 1949.
Hóa ra tòa nhà này, từng được dùng làm nhà khách thời nhà Thanh, cũng đã biến mất. Những gì còn lại chỉ là một cánh cổng uy nghi. Cựu Thủ tướng Chu Ân Lai, người từng giữ chức bộ trưởng ngoại giao đầu tiên của nước này, hẳn đã suy nghĩ cách giới thiệu Trung Quốc ra thế giới ở đây.
Chắc không mấy ai cùng thời với Chu có thể tưởng tượng Trung Quốc phát triển thành siêu cường như ngày nay – đòi lại vị thế của mình ở trung tâm sân khấu thế giới. Rủi ro là, ở một khía cạnh nào đó, Trung Quốc đang tìm cách quay lại thời kỳ chưa có ngoại giao.
Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng của Nikkei ở Trung Quốc.