25/08/1985: Samantha Smith thiệt mạng vì tai nạn máy bay

Nguồn: Samantha Smith dies in plane crash, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1985, Samantha Smith, “đại sứ” 13 tuổi của Mỹ tại Liên Xô, đã qua đời trong một vụ tai nạn máy bay. Smith trở nên nổi tiếng nhờ lá thư em viết cho nhà lãnh đạo Liên Xô Yuri Andropov vào năm 1982, và sau đó là chuyến thăm Liên Xô với tư cách là khách mời của Andropov vào năm 1983.

Cuối năm 1982, Smith, một học sinh lớp năm tại trường Tiểu học Manchester ở Manchester, Maine, đã viết một lá thư thú vị cho nhà lãnh đạo Liên Xô Andropov. Cô bé nói rằng mình “rất lo lắng về việc Liên Xô và Mỹ có thể vướng vào  một cuộc chiến tranh hạt nhân. Liệu có chiến tranh không ạ?” Vài tháng sau, lá thư của Smith đã được in lại ở Liên Xô và người ta cũng thông báo rằng Andropov đang thư trả lời.

Smith đã nhận được thư của vị lãnh đạo vào tháng 04/1983. Andropov đảm bảo với Smith rằng ông không muốn có  chiến tranh hạt nhân với Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác. Gọi Smith là cô gái nhỏ “can đảm và trung thực,” Andropov đã khép lại bức thư với lời mời em đến thăm Liên Xô.

Vào tháng 7, cùng với cha mẹ mình, Smith bắt đầu chuyến đi kéo dài hai tuần. Cô bé nhanh chóng trở thành hiện tượng tại Liên Xô, và mặc dù không được gặp Andropov, Smith đã đi khắp nơi và nói chuyện với rất nhiều người. Tại Mỹ, một số người coi cô bé là miếng mồi cho cộng sản và cho rằng các nhà tuyên truyền của Liên Xô chỉ đơn thuần đang sử dụng em cho mục đích riêng của họ, nhưng sự nhiệt tình và lạc quan của Smith đã quyến rũ phần lớn dân Mỹ và hàng triệu người khác trên thế giới.

Trong hai năm tiếp theo, cô gái nhỏ đã trở thành một đại sứ thiện chí không chính thức của Mỹ, nói chuyện với các nhóm trên khắp đất nước, cũng như ở nước ngoài, như Nhật Bản. Ngày 25/08/1985, hai cha con Smith đã thiệt mạng khi chiếc máy bay của họ bị rơi.

Di sản của Smith vẫn sống mãi. Mẹ cô bé thành lập Quỹ Samantha Smith, với mục tiêu đưa mọi người từ các quốc gia và nền văn hóa khác nhau đến chia sẻ kinh nghiệm của họ. Đặc biệt, tổ chức này đã thiết lập một chương trình trao đổi sinh viên với Liên Xô. Tại Liên Xô, tin tức về cái chết của Smith đã tạo nên một nỗi buồn sâu sắc. Chính phủ Liên Xô đã cho phát hành một con tem để vinh danh Smith, cũng như đặt tên một ngọn núi theo tên cô bé.