Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary, Nikkei Asian Review, 7/2020.
Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
“Những chỉ thị của Đảng Cộng sản Trung Quốc là đặc điểm căn bản nhất của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”. Đó là tiêu đề trên trang nhất tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính của đảng, vào hôm thứ Năm. Tờ báo này trích dẫn bài viết của Chủ tịch Tập Cận Bình trên số mới nhất của Cầu thị, một tạp chí về lý luận của đảng.
Ông Tập kêu gọi tập trung quyền lực hơn nữa theo một hướng điển hình: “Đảng sẽ hướng dẫn mọi thứ” từ chính trị, quân sự đến dân sự và học thuật. “Đảng ta phải trưởng thành hơn và mạnh mẽ hơn nữa, đồng thời nâng cao sức chiến đấu của chúng ta.”
Cầu thị, tờ tạp chí ra nửa tháng một số, đã đưa các bài báo của ông Tập lên trang nhất trong 39 số liên tiếp suốt 18 tháng qua.
Số lượng bài đóng góp liên tục của ông Tập cho tạp chí trông khá bất thường đối với một lãnh đạo tối cao. Cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào chỉ đóng góp 16 bài báo trong suốt nhiệm kỳ 5 năm thứ hai của ông.
Cứ như thể ấn phẩm này đã trở thành một tạp chí về “Chủ nghĩa Tập Cận Bình” kể từ năm 2018.
Tạp chí Hồng Kỳ, tiền thân của tờ Cầu Thị, được xuất bản lần đầu vào năm 1958. Với tên tạp chí được viết tay bởi người cha sáng lập Mao Trạch Đông, nó ra đời với nhiệm vụ truyền đạt “cách giải thích đúng đắn” về chủ nghĩa Mác.
Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, tạp chí được xếp vào danh sách “hai tờ báo và một tạp chí” có uy tín nhất của Trung Quốc, cùng với Nhân dân Nhật báo và Nhật báo Giải phóng Quân Nhân dân.
Sau khi nhà lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình đề ra chính sách “cải cách và mở cửa” vào năm 1978, Hồng Kỳ tiếp tụctồn tại như tiếng nói của những người bảo thủ ủng hộ chiến lược cách mạng của Mao.
Nhưng đến năm 1988, Tổng Bí thư Triệu Tử Dương bắt tay cải tổ tạp chí. Ông buộc Hồng Kỳ đình bản và tung Cầu Thịthay thế.
Cái tên “Cầu Thị” xuất phát từ một thuật ngữ Trung Quốc có nghĩa là “thật sự cầu thị” – một cách diễn đạt thường được Đặng và các nhà cải cách khác sử dụng khi họ chỉ trích những người khăng khăng nói rằng các chỉ thị của Mao là tuyệt đối. Tên của tạp chí do Đặng viết tay, và Cầu Thị trở thành phương tiện thể hiện quan điểm của các nhà cải cách.
Trong số đầu tiên vào tháng 7 năm 1988, Cầu Thị đăng một bài với tiêu đề “Một vấn đề tức thời mà hệ thống chính trị Trung Quốc phải đối mặt,” do một phụ tá của ông Triệu viết. Ngay cả khi Triệu mất hết quyền lực sau sự kiện Thiên An Môn, tờ báo vẫn tiếp tục giọng điệu cải cách của mình.
Giờ đây thì không còn nữa. Đảng Cộng sản đã gọi các phương tiện truyền thông là “cổ họng và lưỡi” của mình. Có vẻ như ông Tập muốn khôi phục “hai tờ báo và một tạp chí” như cũ.
Tòa soạn của Cầu Thị nằm trong một khu phố yên tĩnh ngay phía đông bắc Tử Cấm Thành, không xa nơi ở cũ của ông Triệu. Triệu qua đời vào tháng 1 năm 2005. Tôi tự hỏi ông sẽ nói gì về Cầu Thị ngày nay.
Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng của Nikkei ở Trung Quốc.