20/12/1836: Tổng thống Jackson trình Quốc hội hiệp ước với người Mỹ bản địa

Nguồn: Andrew Jackson submits Indian treaty to Congress, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1836, Tổng thống Andrew Jackson đã trình lên Quốc Hội một hiệp ước mà ông đã đàm phán với các bộ lạc Ioway, Sacs, Sioux, Fox, Otoe và Omaha của lãnh thổ Missouri. Hiệp ước này, nhằm loại bỏ những bộ lạc kể trên khỏi quê hương họ để mở đường cho người da trắng đến định cư, là bằng chứng cho thấy chính sách phân biệt chủng tộc của các đời tổng thống thế kỷ 19 đối với người Mỹ bản địa. Đây chỉ là một trong số gần 400 thỏa thuận – gần như luôn luôn không bình đẳng – được ký kết giữa các bộ lạc bản địa và chính phủ Mỹ từ năm 1788 đến năm 1883.

Sự gia tăng dân số của Mỹ và việc khai phá miền Tây trong giai đoạn từ đầu đến giữa thập niên 1800 đã làm gia tăng các cuộc xung đột về lãnh thổ sinh sống với các bộ lạc bản địa, những người có quan điểm khác về quyền sở hữu đất đai và tài sản so với người định cư da trắng. Trong thời gian này, Andrew Jackson đã đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách của nước Mỹ đối với người bản địa. Là một anh hùng sau Chiến tranh Năm 1812, ông được công nhận là một chiến binh chống người Mỹ bản địa và một nhà đàm phán hiệp ước. Trên thực tế, ông đã là trung gian cho chín hiệp ước trước khi trở thành tổng thống vào năm 1829.

Năm 1830, nhằm giành thêm lãnh thổ mới cho quốc gia, Tổng thống Jackson đã thúc đẩy việc thông qua Đạo luật Di dời Người Mỹ Bản địa (Indian Removal Act). Chính hành động này đã cho phép quân đội Mỹ buộc tộc Cherokee phải di dời khỏi quê hương Georgia của họ đến vùng đất cằn cỗi trong lãnh thổ Oklahoma vào năm 1838. Hành trình đi dưới họng súng – trong đó 4.000 người Cherokee đã thiệt mạng vì đói khát, bệnh tật và giá lạnh – sau này được gọi là Hành trình Nước mắt (Trail of Tears). Các chính sách của Jackson đối với người Mỹ bản địa phản ánh quan điểm chung của người da trắng thời đó rằng người da đỏ là một chủng tộc kém cỏi cản đường tiến bộ kinh tế của Mỹ.

Một vài tổng thống đã thực hiện những nỗ lực nhỏ nhằm thu hẹp khoảng cách ngờ vực cũng như sự ngược đãi của chính phủ đối với người Mỹ bản địa. Năm 1886, Grover Cleveland đã bảo vệ quyền sở hữu đất đai của người bản địa khi một công ty đường sắt kiến nghị với chính phủ xin cho đường ray chạy qua một khu dành riêng cho người bản địa. Năm 1924, Calvin Coolidge thông qua Đạo luật Công dân Bản địa (Indian Citizen Act), theo đó tự động cấp quyền công dân Mỹ cho tất cả các bộ lạc bản địa, đi kèm là tất cả các quyền liên quan đến quốc tịch. Về mặt cá nhân, Coolidge chân thành lấy làm tiếc về tình trạng nghèo đói mà nhiều bộ tộc da đỏ đã phải hứng chịu sau nhiều thập niên bị đàn áp và ép buộc đồng hóa. Trong suốt hai nhiệm kỳ của mình, Coolidge đã ít nhất một lần công khai ủng hộ mạnh mẽ quyền của các bộ lạc. Để ghi nhận sự ủng hộ của ông đối với người bản địa, một bộ lạc người Sioux ở North Dakota đã “nhận” Coolidge làm thành viên danh dự vào năm 1927. Tuy nhiên, các chính sách cưỡng bức đồng hóa của chính phủ Mỹ nhằm chia rẽ các gia đình, bộ lạc và phá hủy nền văn hóa bản địa vẫn tiếp tục được duy trì trong thời gian ông tại nhiệm.

Phần lớn bị đưa đến các khu dành riêng vào cuối thập niên 1800, các bộ lạc người Mỹ bản địa trên khắp đất nước đã bị xóa sổ bởi bệnh tật và nghèo đói, một trạng thái mà nhiều người trong số họ vẫn đang chịu đựng cho đến ngày nay.

Khái quát lịch sử Mỹ (Ch.5): Mở rộng sang phía Tây và sự khác biệt giữa các vùng