Nhật ký Bắc Kinh (09/10/20): Trung Quốc căm thù Pompeo

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary, Nikkei Asian Review, 10/2020.

Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Chuỗi tám ngày nghỉ lễ nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949 đã kết thúc vào thứ Năm (08/10/2020). Nhưng các quan chức ngoại giao Trung Quốc có thể đã chẳng được nghỉ ngơi.

Họ chắc chắn đang theo dõi việc Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đến thăm Nhật Bản vào thứ Ba (06/10/2020) để dự cuộc đối thoại an ninh của Bộ tứ, hay Quad, gặp các ngoại trưởng Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Ông cũng đã gặp tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga. Trong chuyến thăm, ông liên tục kêu gọi một liên minh quốc tế chống Trung Quốc.

Tôi cố gắng theo dõi tin tức ở Bắc Kinh thông qua kênh quốc tế của đài truyền hình quốc doanh Nhật Bản NHK vào tối thứ Ba, nhưng tôi gặp phải một hiện tượng phổ biến.

Ngay sau khi Pompeo xuất hiện, màn hình TV chuyển sang kiểu thử nghiệm với thông báo: “Không có tín hiệu, vui lòng chờ.”

Các kênh truyền hình nước ngoài tại Trung Quốc đều bị chính quyền địa phương kiểm duyệt nghiêm ngặt. Cho đến gần đây, màn hình thường chuyển sang màu đen khi xuất hiện một thông tin gì đó bất lợi cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. Gần đây, các cơ quan giám sát đã thay đổi phương pháp chặn nội dung, thay vào đó hiển thị thông báo “không có tín hiệu”.

Điều này dường như là để cho người xem biết rằng TV của họ không gặp sự cố kỹ thuật – mà chính chương trình họ đang xem mới là vấn đề.

Pompeo chắc chắn khiến các nhà kiểm duyệt bận rộn.

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Trung Quốc là nguồn gốc của đại dịch coronavirus và lên án sự cai trị độc đảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đáp trả lại, Trung Quốc gọi ông là “kẻ thù chung của nhân loại.” Nhưng điều này không thể cản được Pompeo.

Phát biểu tại bang Wisconsin của Mỹ vào ngày 23 tháng 9, Pompeo cảnh báo về nguy cơ các nhà ngoại giao Trung Quốc cố gắng lôi kéo các chính trị gia Mỹ để mở rộng ảnh hưởng tại Mỹ và thực hiện hoạt động gián điệp. “Hãy biết rằng khi một nhà ngoại giao Trung Quốc tiếp cận bạn, điều đó có thể không phải trên tinh thần hợp tác hay hữu nghị”, ông nói trong một bài phát biểu tại tòa nhà quốc hội bang.

Pompeo đã chỉ trích Hội đồng Thúc đẩy Thống nhất Quốc gia Hòa bình Trung Quốc là một trung tâm hoạt động gián điệp tiềm tàng của Trung Quốc. Ông nói Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hiện đang điều tra nội dung hoạt động của cơ quan này.

Hội đồng này, thành lập năm 1988, cho biết mục tiêu chính thức của họ là tạo ra một môi trường thuận lợi để thống nhất Đài Loan với Trung Quốc đại lục. Chủ tịch hiện tại của nó là Uông Dương, người đứng thứ tư trong hệ thống thứ bậc của Đảng Cộng sản và là chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc – cơ quan tham vấn chính trị cao nhất đất nước.

Vưu Quyền, phó chủ tịch điều hành của hội đồng, được cho là thân cận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông cũng là người đứng đầu Ban Công tác Mặt trận Thống nhất, cơ quan báo cáo trực tiếp với Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Ở Trung Quốc, thuật ngữ “mặt trận thống nhất” có một ý nghĩa đặc biệt. Nó có nghĩa là không ngần ngại chung tay – ngay cả với các lực lượng chống Cộng – để chống lại kẻ thù chung. Mao Trạch Đông, cha đẻ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chủ trương khái niệm này vào những năm 1930 trong cuộc chiến tranh kháng Nhật.

Các cán bộ của Ban Công tác Mặt trận thống nhất có thể được coi là những người lính tiên phong làm công tác “mặt trận thống nhất”. Nhiệm vụ chính hiện nay của cơ quan được cho là gây ảnh hưởng đến dư luận nước ngoài. Hội đồng Thúc đẩy Thống nhất Quốc gia Hòa bình Trung Quốc nằm dưới sự quản lý của cơ quan này.

Vào thứ Năm, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ, tôi đến thăm địa chỉ được ghi là trụ sở của hội đồng trên website.

Tòa nhà ba tầng với nhiều khách thuê có quy mô nhỏ đến ngạc nhiên, và được đánh dấu chỉ bằng một tấm biển khiêm tốn. Nó trông không giống trụ sở của một “cơ quan gián điệp” tí nào. Nhưng điều này dường như càng làm nhấn mạnh bản chất bí mật, mờ ám của mối thù Mỹ-Trung.

Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng của Nikkei ở Trung Quốc.