Đại Việt dưới thời vua Trần Anh Tông (P3)

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Tháng Giêng, năm Hưng Long thứ 13 [26/1-23/2/1305], lập con là Mạnh làm Đông cung thái tử:

Trước đây, những người con do phi tần hậu cung sinh ra, phần nhiều không nuôi được. Đến khi sinh con thứ tư tên là Mạnh, nhà vua nhờ Thụy Bảo công chúa nuôi giúp, Thụy Bảo lại ký thác Trần Nhật Duật nuôi, Nhật Duật hết lòng nuôi nấng. Nay lập làm Đông cung thái tử, nhà vua thân làm bài “Dược thạch châm[1] ban cho.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 8.

Tháng 6, năm Hưng Long thứ 14 [11/7-9/8/1306], gả Huyền Trân công chúa cho chúa Chiêm Thành là Chế Mân, Chế Mân đem dâng đất châu Ô và châu Lý [Quảng Trị, Thừa Thiên]:

Trước đây, Thượng hoàng đi du lịch đến một địa phương, nhân tiện sang chơi Chiêm Thành, hẹn gả con gái cho chúa Chiêm. Sau Chế Mân sai bầy tôi là bọn Chế Bồ Đài đệ tờ biểu dâng vàng, bạc, kỳ hương và các phẩm vật lạ để xin cưới. Quần thần trong triều đều nói là không nên gả, chỉ có Văn Túc vương Đạo Tái chủ trương nên gả, và Trần Khắc Chung tán thành. Chế Mân lại xin đem châu Ô, châu Lý để làm lễ cưới, lúc ấy ý vua mới quả quyết cho Huyền Trân công chúa về với vua Chiêm. Về việc này, có nhiều văn nhân mượn chuyện nhà Hán gả con gái cho Hung Nô và Ô Tôn, làm thơ để chế giễu.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 8.

Ngày 15 tháng 9 [22/10/1306] có nguyệt thực. Vời Thiên chương học sĩ Nguyễn Sĩ Cố đến giảng Ngũ Kinh;[2] Sĩ Cố giỏi về thơ phú quốc ngữ:

“Mùa thu, tháng 9, ngày 15, giờ Tuất, nguyệt thực.

 Sai thiên chương học sĩ Nguyễn Sĩ Cố giảng Ngũ Kinh. Sĩ Cố thuộc dòng Đông Phương Sóc,[3] giỏi khôi hài, hay làm thơ phú quốc ngữ. Nước ta làm nhiều thơ phú bằng quốc ngữ bắt đầu từ đó.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 6, trang 22a.

Tháng giêng năm Hưng Long thứ 15 [3/2-4/3/1307], đổi tên châu Ô, châu Lý là Thuận châu, Hóa châu; sai Hành khiển Đoàn Nhữ Hài đi phủ dụ dân hai châu ấy. Chế Mân đã dâng đất hai châu, người các thôn La Thủy, Tác Hồng và Đà Bồng không chịu thần phục. Nhà vua sai Nhữ Hài đi tuyên dương uy đức của nhà vua, kén chọn lấy người của họ bổ cho làm quan, cấp ruộng đất cho dân như cũ và xá miễn tô thuế trong vòng ba năm.

Tháng 9 [27/9-26/10/1307], chúa Chiêm là Chế Mân mất, Thế tử là Chế Đa Gia sai bầy tôi là Bảo Lộc Kê sang dâng voi trắng và báo cáo tin buồn.

Tháng 10 [27/10-25/11/1307], hạ lệnh cho Hành khiển Trần Khắc Chung sang Chiêm Thành, đưa Huyền Trân công chúa về nước:

Theo tục Chiêm Thành, mỗi khi chúa trong nước mất, thì vợ chúa phải lên đàn thiêu để chết theo. Nhà vua được tin đó, sai Trần Khắc Chung mượn cớ sang thăm, và nói rằng:

‘Công chúa hỏa táng, thì không có ai làm chủ đàn chay, chi bằng công chúa ra ngoài bãi biển chiêu hồn chúa công cùng về, lúc ấy sẽ lên đàn thiêu là tiện hơn cả.’

 Người Chiêm Thành nhận lời. Khi đã ra ngoài biển rồi, Khắc Chung dùng chiếc thuyền nhỏ cướp lấy công chúa đưa về. Sau hai người tư thông với nhau, trùng trình ở trên mặt biển, lâu lắm mới về đến kinh sư. Hưng Nhượng vương Quốc Tảng lấy làm ghét lắm, hễ thấy Khắc Chung liền mắng rằng:

Họ tên người này là “Trần Khắc Chung”, đối với nước nhà có điều không tốt, có lẽ nhà Trần sẽ mất về người này chăng?’.

Khắc Chung thường phải sợ mà lánh mặt.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 8

Tháng giêng năm Hưng Long thứ 16 [24/1-22/2/1308], bổ dụng Trương Hán Siêu làm Hàn Lâm Học Sĩ. Hán Siêu trước kia là môn khách của Hưng Đạo vương, được Hưng Đạo vương tiến cử. Nhà vua nhận thấy là người có văn học, nên bổ dụng vào chức này.

Ngày mồng 3 tháng 11 [16/11/1308], Thượng hoàng mất ở chùa núi Yên Tử; hiệu là Trúc Lâm đại sĩ, đệ nhị tổ Pháp Loa hành lễ hỏa thiêu:

Thượng hoàng sau khi xuất gia, lên ở trong am Ngọa Vân trên ngọn Tử Tiêu núi Yên Tử, tự hiệu là Trúc Lâm đại sĩ. Lúc Thiên Thụy công chúa bị bệnh nặng, Thượng hoàng xuống dưới núi để thăm, khi trở về núi, đem công việc sau khi mất dặn lại người Thị giả[4] là Pháp Loa, dặn xong thì mất. Pháp Loa dùng phép hỏa hóa. Tôn thụy hiệu là Pháp Thiên Sùng Đạo Ứng Thế Hoa Dân Long Từ Hiển Huệ Thánh Văn Thần Vũ Nguyên Minh Duệ Hiếu Hoàng đế. Thượng hoàng ở ngôi 14 năm, nhường ngôi 13 năm, hưởng thọ 51 tuổi.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 9.

Bấy giờ Vua Vũ Tông nhà Nguyên mới lên ngôi, sai Thượng thư là An Lỗ Uy sang báo cho biết; nhà vua sai Sứ thần Mạc Đĩnh Chi sang chúc mừng; Đỉnh Chi có dịp thi thố tài thơ văn trước quần thần nhà Nguyên. An Nam Chí Lược cũng xác nhận việc nước ta cử Sứ thần sang cống và chúc mừng:

Đĩnh Chi người thấp bé, người Nguyên khinh ông. Một hôm viên tể tướng mời ông vào phủ cho cùng ngồi. Lúc ấy, đương hồi tháng 5, tháng 6. Trong phủ có bức trướng mỏng thêu hình con chim sẻ vàng đậu cành trúc. Đĩnh Chi vờ ngỡ con chim sẻ thực, vội chạy đến bắt. Người Nguyên cười ồ, cho là người phương xa bỉ lậu. Đĩnh Chi kéo bức trướng xuống xé đi. Mọi người đều lấy làm lạ hỏi tại sao. Đĩnh Chi trả lời:

Tôi nghe người xưa vẽ cành mai và chim sẻ, chứ chưa thấy vẽ chim sẻ đậu cành trúc bao giờ. Nay trong bức trướng của tể tướng lại thêu cành trúc với chim sẻ. Trúc là bậc quân tử, chim sẻ là kẻ tiểu nhân. Tể tướng thêu như vậy là để tiểu nhân trên quân tử, sợ rằng đạo của tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ suy. Tôi vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân.

Mọi người đều phục tài của ông. Đến khi vào chầu, gặp lúc nước ngoài dâng quạt, vua Nguyên sai làm bài minh. Đĩnh Chi cầm bút viết xong ngay, lời bài minh như sau:

“Lưu kim thước thạch,

Thiên vị địa lô,

Nhĩ ư tư thì hề,

Y Chu cự nho.

Bắc phong kỳ lương,

Vũ tuyết tái đồ,

Nhĩ ư tư thì hề,

Di Tề ng phu.

Y! dụng chi tắc hành,

Xả chi tắc tàng,

Duy ngã dữ nhĩ,

Hữu như thị phù.

Dịch nghĩa:

Chảy vàng tan đá,

Trời đất như lò,

Ngươi bấy giờ là Y Chu[5] đại nho.

Gió bấc căm căm,

Mưa tuyết mịt mù,

Ngươi bấy giờ là Di Tề đói xo.[6]

Ôi, được dùng thì làm,

Bỏ thì nằm co,

Chỉ ta cùng ngươi là như thế ru!.

Người Nguyên lại càng thán phục.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 6, trang 24a.

Năm Chí Đại thứ nhất [1308] sai Thượng thư bộ Lễ A Lỗ Uy, Thị lang bộ Lại Lý Kinh, Thị lang bộ Binh Cao Phục Lễ đi sứ An Nam, tuyên cáo chiếu lên ngôi của Hòang đế Vũ Tông. Lúc nầy Nhật Tuân [vua Trần Nhân Tông] đã mất, con là Nhật Trường [Vua Trần Anh Tông] sai sứ sang cống và chúc mừng.”[7] An Nam Chí Lược, quyển 3, Đại Nguyên phụng sứ.

Tháng 2, năm Hưng Long thứ 17 [13/3-10/4/1309], cho con là Mạnh làm Hoàng thái tử. Lập hoàng hậu là Trần Thị, xuống chiếu đại xá; hậu là con gái Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng, khi mới cưới gọi là Thánh Tư phu nhân; đến đây lập làm Thuận Thánh Hoàng hậu.

Vào tháng 9 năm Hưng Long thứ 18 [24/9/22/10/1310], an táng linh cữu Vua Nhân Tông tại Đức Lăng, phủ Long Hưng, tỉnh Thái Bình. Dân chúng đến dự quá đông, chật cả đường; Vua cho gọi Chi hậu thánh chưởng Trịnh Trọng Tử tới sắp xếp, mới ổn thỏa:

Mùa thu, tháng 9, ngày 16 [9/10/1310], rước linh cữu thượng hoàng về chôn ở lăng Quy Đức, phủ Long Hưng, xá lỵ thì cất ở bảo tháp am Ngọa Vân; miếu hiệu là Nhân Tông, tên thụy là Pháp Thiên Sùng Đạo Ứng Thế Hóa Dân Long Từ Hiển Hiệu Thánh Văn Thần Võ Nguyên Minh Duệ Hiếu Hoàng Đế. Đem Khâm Từ Bảo Thánh thái hoàng thái hậu hợp táng ở đấy.

Trước đó, linh cữu Nhân Tông tạm quàn ở điện Diên Hiền. Khi sắp đưa rước, đã đến giờ rồi mà quan lại và dân chúng còn đứng chật cả cung điện. Tể tướng cầm roi xua đuổi mà vẫn không giãn ra được. Vua cho gọi Chi hậu thánh chưởng Trịnh Trọng Tử tới bảo:

Linh cữu sắp đưa rồi mà dân chúng đầy nghẽn như vậy thì làm thế nào? Ngươi hãy làm cho họ tránh ra.

Trọng Tử lập tức đến thềm Thiên Trì, gọi quân Hải khẩu và quân Hổ dực (quân do Trọng Tử trông coi) đến ngồi thành hàng trước thềm, sai hát mấy câu điệu Long Ngâm. Mọi người đều kinh ngạc, kéo nhau đến xem, cung điện mới giãn người, bèn rước [linh cữu thượng hoàng] về lăng Quy Đức.

Trọng Tử lo dọc đường thế nào cũng có chỗ cao thấp quanh co, nếu nghiêm túc im lặng, thì sợ có sự nghiêng lệch, nếu truyền gọi bảo ban thì lại e ồn ào, bèn đem những lời dặn về cách đi đứng dàn hàng, phổ vào khúc hát Long Ngâm, sai người hát lên để bảo nhau. Người thời ấy rất ca ngợi ông. Ý tứ khéo léo của ông đại loại như vậy. Vua gọi ông là con nhà trời, vì ông hiểu khắp mọi nghề, lớn nhỏ đều thạo, không việc gì là không biết.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 6, trang 25b.

Tháng 12 năm Hưng Long thứ 19 [22/12/1311-19/1/1312], nhà Vua tự làm tướng sang đánh Chiêm Thành. Nước này từ khi Chế Mân mất, Chế Chí lên thay, thường hay phản trắc, nên nhà vua mới đem quân sang đánh.

Tháng 5 năm Hưng Long thứ 20 [6/6-4/7/1312], nhà Vua sai người dụ bắt được chúa Chiêm Thành là Chế Chí đưa về nước và phong cho em Chế Chí là Chế Đà A Bà Niêm làm Á Hầu trấn thủ đất Chiêm; rồi đem quân về:

Trước đây, Chế Chí sai chủ trại Câu Chiêm sang dâng lễ cống, nhà vua bảo Nhữ Hài bí mật hẹn với chủ trại dụ chúa Chiêm đầu hàng. Đến nay vua thân làm tướng sang đánh. Khi quân tiến đến Lâm Bình [huyện Quảng Ninh, Quảng Bình], nhà vua sai chia quân làm ba đạo: Huệ Vũ vương Quốc Trấn đi theo đường núi; Nhân Huệ vương Khánh Dư đi theo đường biển, còn nhà vua đem quân đi theo đường bộ, ba đạo quân cùng tiến. Đoàn Nhữ Hài được sung chức Chiêu Dụ sứ đem quân đi trước. Khi đến trại Câu Chiêm, nhà vua đóng dinh ở đó. Nhữ Hài sai người đến nhắc lại với chủ trại những điều đã đính ước ngày trước. Chủ trại dụ bảo Chế Chí; Chế Chí nhận lời, rồi đem theo gia thuộc đi theo đường biển để ra hàng. Khánh Dư liền đuổi theo. Nhữ Hài thấy thế, lập tức phi tấu với nhà vua rằng:

Khánh Dư có ý chực cướp thiên công’.

Nhà vua giận lắm, sai bắt người giữ chức giám quân của Khánh Dư là Nguyễn Ngỗi phải chịu tội chặt chân. Khánh Dư sợ, thân đến ngự dinh[8] tạ tội và tâu rằng:

‘Tôi sợ ở biển, chúa Chiêm lại có ý nghĩ gì thay đổi chăng, nên phải theo sát đằng sau’.

 Nhà vua nguôi giận, tha tội cho Khánh Dư, rồi hạ chiếu chia quân đi tuần các bộ lạc. Người Chiêm bảo nhau tụ họp, có ý chực xâm phạm thẳng ngự dinh. Lúc nghe tiếng voi hí đến gần, quân sĩ có nét mặt lo sợ; trong khi ấy thì quân của Quốc Trấn chợt kéo đến, người Chiêm liền chạy tan tác. Nhà vua sai bắt Chế Chí đem về nước, phong cho em hắn là Chế Đà A Bà Niêm là Á Hầu để trấn giữ lấy đất ấy, rồi đem quân về.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 9.

Khi Vua về đến Long Hưng, làm lễ hiến tù binh tại lăng miếu tổ tiên, sau đó trở về cung.

Thuyền nhà vua đi đến sông Sâm Thị[9] bỗng gặp mưa, gió, sấm, sét; đương ban ngày trời tối mù mịt, dầu cách gang tấc mà trông cũng không rõ. Quai chèo, dây kéo đều bị đứt, thuyền của vua bị đắm giữa dòng sông. Nhà vua leo lên mũi thuyền, ngồi trên trốc mui, sai quân sĩ sửa lại thuyền và nghi trượng để đi. Khi trở về đến kinh, áo giáp và khí giới đều bị ướt. Quần thần vào bái yết đều mặc áo ngắn đến đầu gối. Lúc bấy giờ Thái tử trông coi việc nước, vì tuổi còn nhỏ, nên nhà vua cho Chiêu Văn vương Nhật Duật và Tuyên Vũ hầu Quốc Tú ở lại kinh sư giúp Thái tử giữ nước. Lúc xét công, nhà vua hạ chiếu cho người ở kinh giữ nước công trạng cũng ngang với người đi theo xa giá đánh giặc.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 9.

Bấy giờ Vua Nhân Tông nhà Nguyên mới lên ngôi, đổi niên hiệu là Hoàng Khánh, sai Sứ thần Nại Man Đại sang báo cáo tin và ban cho lịch mới, nên nhà Vua sai sứ sang chúc mừng. An Nam Chí Lược cũng chép tương tự và kèm thêm chiếu thư của Vua Nhân Tông, do Nại Man Đại đưa sang nước ta:

Năm Chí Đại thứ 4 [1311] sai Thượng thư bộ Lễ Nại Man Đại, Thị lang bộ Lại Ni Cổ Ba, Lang trung bộ Binh Đổ Dữ Khả đi sứ An Nam, tuyên cáo chiếu lên ngôi của Hòang đế Nhân Tông. Vào năm Hoàng Khánh thứ nhất [1312] Thế tử Trần Nhật Trường sai Sứ sang chúc mừng.”[10] An Nam Chí Lược, quyển 3, Đại Nguyên Phụng Sứ.

Ngày 25 tháng 10 năm Chí Đại thứ 4 [5/12/1311], Hoàng đế Nhân Tông dụ Thế tử nước An Nam Trần Nhật Trường. (Vốn tên là Thuyên, thụy Anh Tông – Lê Trắc chú)

Tổ tiên ta nhận mệnh trời, coi sóc vạn nước, uy đức tăng thêm, ổn định nơi xa để yên nơi gần. Mới đây tiên Hoàng đế về trời, ta được các Vương Hầu và thần dân nài ép nên vào ngày mười tám, tháng ba năm Chí Đại thứ tư [7/4/1311] lên ngôi Hoàng đế; lại theo lệ quá một năm thì thay niên hiệu, nên đổi Chí Đại năm thứ năm thành Hoàng Khánh năm thứ nhất. Nay sai viên Thái Trung Đại phu Nại Man Đại, Phụng Trực Lang Binh Bộ Thị lang Đỗ Hưng Khả đưa chiếu chỉ đến dụ; lại ban  bản lịch Hoàng Khánh, khanh thay quyền cấp cho dân chúng để làm sáng tỏ thêm chức phận. Đừng theo cách thờ nước lớn của tổ tiên nhà ngươi, để khỏi phụ lòng trẫm muốn yên ổn nơi xa. Vậy ban tờ chiếu nầy, hãy suy nghĩ để hiểu cặn kẻ.[11] An Nam Chí Lược, quyển 2, Đại Nguyên Chiếu Chế.

Tháng 10 năm Hưng Long thứ 21 [20/10-18/11/1313], thay đổi quân hiệu. Đổi tên quân Vũ Tiệp làm quân Thiết Ngạch; bổ Đại liên ban Trần Thanh Ly làm Vũ vệ đại tướng quân để quản lĩnh. Bổ Đỗ Thiên Thữ làm kinh lược sứ Nghệ An và Lâm Bình [Quảng Ninh, Quảng Bình]. Lúc ấy, Chiêm Thành thường bị người nước Tiêm sang cướp, nhà vua hạ lệnh cho An phủ sứ là Đỗ Thiên Thữ đi kinh lược hai lộ Nghệ An và Lâm Bình để cứu viện.

Bấy giờ tại biên giới phía bắc xảy ra tranh chấp, triều đình ta cùng với nhà Nguyên định lại bờ cõi, sự việc như sau:

Lúc ấy, viên Tri châu Trấn An nhà Nguyên là Triệu Giác bắt người châu Tư Lang [Thượng Lang, Hạ Lang, Cao Bằng] nước ta, lấy mất một lọ vàng, và lấn hơn một nghìn khoảnh ruộng. Nhà vua bèn sai quân sang đánh châu Quy Thuận [Tĩnh Tây, Quảng Tây] và châu Dưỡng Lợi [Đại Tân, Quảng Tây], nói rõ là cốt sang đánh để báo thù. Nhà Nguyên sai viên Thiên hộ Lưu Nguyên Hanh sang dò xét. Nguyên Hanh đến Du Thôn[12] xem xét địa thế, rồi đưa công điệp sang ta nói:

‘Trước kia, nhà Hán đặt ra chín quận, nhà Đường lập ra năm quận, thì An Nam thực là nơi mà thanh danh giáo hóa của Trung Quốc đã tràn lan tới. Huống chi, An Nam đối với Trung Quốc, nào là dâng địa đồ, nào là nộp lệ cống, danh phận trên dưới đã phân minh, Trung Quốc đối với An Nam, thì ban cho một cách đầy đặn không kể đến việc đáp lại đơn sơ, cái ơn huệ yên ủy người phương xa thật là hết sức. Như thế thánh triều có phụ bạc gì quý quốc đâu! Thế mà bây giờ sao lại tự nhiên gây ra sự không yên lành, dùng sức ngông cuồng để mở rộng bờ cõi. Tuy nói riêng về đất ở Du Thôn, thì việc quan hệ rất nhỏ, nhưng nói chung về dư đồ nhà nước, thì quan hệ rất to. Hơn nữa, những người bị giết, bị cướp đều là những dân, những hộ đã ghi vào sổ của triều đình. Vậy người chủ trương làm việc ấy không rõ là ai?’.

Nhà vua trả lời:

 ‘Đấy là những người nhỏ mọn ở ngoài biên giới tự làm việc không yên lành, nước tôi biết thế nào được việc ấy’

Nhân thế, Nguyên Hanh dâng thư lên nói với vua Nguyên:

‘Trước kia An Nam đã từng xâm phạm vào đất Vĩnh Bình, nay lại quen thói cũ; nghĩ nên sai quan đến tuyên truyền dụ bảo, định lại bờ cõi và nghiêm sức quan lại ở biên giới không được xâm phạm lẫn nhau như thế mới giữ được sự yên ổn lâu dài ở ngoài biên giới”. Vua Nguyên y theo lời tâu, sai người đem sắc thư đến dụ bảo. Do đấy, nhà vua mới cho bãi binh.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 9.

Về sự kiện này, Nguyên Sử mục Liệt Truyện An Nam chép như sau:

Tháng giêng Nhân Tông Hoàng Khánh thứ 2 [27/1-25/2/1313], quân Giao Chỉ hơn 3 vạn và hơn 2.000 kỵ binh, xâm phạm động Vân, châu Trấn An [Quảng Tây], cướp giết dân địa phương, thiêu đốt kho tàng nhà cửa; lại đánh chiếm các động Lộc, động Tri, bắt người, gia súc, cùng tài sản rồi trở về. Rồi chia làm 3 đạo, xâm phạm châu Qui Thuận [Quảng Tây], chưa rút; triều đình bàn sai Hành tỉnh Hồ Quảng đánh dẹp. Tháng 4 [26/4-25/5/1313], lại nhận lời báo rằng Thế tử Giao Chỉ đích thân mang binh đốt phá nhà cửa quan dân tại châu Dưỡng Lợi [Quảng Tây], đánh giết hơn 2.000 dân, rồi rêu rao rằng:

Trước đây người châu Qui Thuận, thuộc Hữu Giang 5 lần đến cướp phá châu Thái Nguyên của ta bắt hơn 5.000 người; viên Tri châu Dưỡng Lợi Triệu Ngọc bắt thương nhân người châu Tư Lãng của ta, lấy một khối vàng, xâm phạm đất đai hơn 1.000 khoảnh, nên ta đến giết để báo thù.”

Tháng 6 [24/6-23/7/1213], Trung thư tỉnh sai Viên ngoại lang bộ Binh A Lý Ôn Sa, Khu mật viện sai Thiên hộ Lưu Nguyên Hanh cùng đến Hành tỉnh Hồ Quảng xét hỏi. Bọn Nguyên Hanh đích thân đến Do Thôn thượng, trung, hạ, xem xét vị trí đất đai; hỏi người dân địa phương là Nông Ngũ; lại sai viên Tri châu Tư Minh đi hỏi thì được bảo rằng do Nguyễn Lộc là nô tỳ của Thế tử Thái Sử; nhưng không biết đúng hay sai. Rồi gửi điệp văn dụ nước An Nam, tóm lược như sau:

Xưa Hán đặt 9 quận, Đường lập 5 quận; An Nam là nơi thanh giáo thực sự đến. Huống gì việc dâng bản đồ, hiến vật cống, phận trên dưới đã rõ ràng; sứ giả đi về lúc nhiều, lúc ít, nhưng ơn che chở từng đến. Thánh triều có phụ bạc gì với quí quốc? Nay cớ sao lại gây bất ổn, để mối hoạ sinh ra. Đất Do Thôn tuy nhỏ, nhưng quan hệ rất lớn đến bản đồ quốc gia; riêng số người bị cướp, bị giết, đều là dân biên giới của triều đình, nên các quan tỉnh viện chưa dám tâu lên. Chưa biết rõ mưu mô sai trái đó thực do ai chủ trương?”

Thông điệp An Nam hồi đáp rằng:

Bọn chuột trộm, chó hoang tại nơi biên giới tự gây ra chuyện bất ổn, nước An Nam chúng tôi không làm sao biết được.”

Từ đó đem hàng hoá và vật hối lộ đến. Nguyên Hanh lại gửi thông điệp trách An Nam dùng lời màu mè sai sự thực, khước từ đồ vật hối lộ và bảo rằng:

Vàng nước Nam, ngà voi, quí quốc coi là bảo vật; nhưng Sứ giả không tham nên không cho là bảo vật. Những vật mang đến xin gửi cho lai sứ mang về; xin xét kỹ sự tình, rồi báo cho ta một cách rõ ràng.”

Nhưng rồi vì đường sá xa xôi, tình thực và lời nói trái ngược, cuối cùng không nắm được vấn đề trọng yếu. Bọn Nguyên Hanh tầm nguyên lý do cho rằng:

Người Giao Chỉ từng xâm lấn vùng biên cảnh Vĩnh Bình [Bằng Tường, Quảng Tây], nay đã trở thành thói quen; lại nghe rằng Nguyễn Lộc, Thế tử, là kẻ uy quyền tại Giao Chỉ. Mưu kế hiện nay, nên sai người đến dụ An Nam trả ruộng đất cho ta, đưa những người dân trở về; vẫn ra lệnh nhà cầm quyền địa phương sửa đúng biên giới; điều tra chủ mưu, đối với người gây hấn giết ngay tại biên cảnh, thân sức quan lại biên giới không được xâm vượt. Nhưng tại Vĩnh Bình thì lập trại mộ lính, đặt quan thống lãnh; cấp ruộng đất, trâu bò dụng cụ, lệnh tự cày mà ăn; biên chế thành đội ngũ, lập qui tắc rõ ràng thưởng phạt, khi có việc hoãn, gấp, đầu đuôi có thể ứng phó với nhau được. Được như vậy thì biên cảnh yên tĩnh, giữ gìn vĩnh viễn, không phải lo lắng.”

Sự việc tâu lên trên, có chiếu chỉ rằng đợi khi Sứ thần An Nam đến, sẽ đem ra dụ.”[13] Nguyên Sử, quyển 209, Liệt Truyện: An Nam.

Tháng 3 năm Hưng Long thứ 22 [17/3-14/4/1314], Vua Anh Tông xuống chiếu truyền ngôi cho Thái tử là Mạnh tức Vua Trần Minh Tông.

———–

[1] Châm: Tên là tên một thể văn, nội dung trình bày lời hay lẽ phải để khuyên răn, cũng như vị thuốc để chữa bệnh nên gọi là “Dược thạch châm“.

[2] Ngũ Kinh: Năm kinh của nhà nho: Dịch, Thi, Thư, Lễ và Xuân Thu.

[3] Đông Phương Sóc: tên tự là Mạn Thiến, người đời Hán, giỏi khôi hài, hoạt kê, từng làm Kim mã môn thị trung cho Hán Vũ Đế.

[4] Thị giả: Theo tục nhà chùa, vị tăng nào ở với sư trưởng, để sư trưởng sai phái, gọi là thị giả.

[5] Y: Y Doãn, công thần khai quốc của nhà Thương; Chu: là Chu công, công thần của nhà Chu.

[6] Di Tề: tức Bá Di, Thúc Tề hai bề tôi trung của nhà Thương, không chịu thần phục nhà Chu, bỏ lên núi Thú Dương ở ẩn, bị chết đói ở đó.

[7] 至大元年遣礼部尚书阿噜威吏部侍郎李京兵部侍郎髙复礼使安南宣武宗皇帝即位诏世子陈 遣使贡贺.

[8] Ngự dinh: Doanh trại Vua đóng quân.

[9] Sông Sâm Thị: Ở xã Sâm Thị, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.

[10] 至大四年遣礼部尚书奈曼岱吏部侍郎尼古巴兵部郎中杜与可奉使安南宣仁宗皇帝即位诏皇庆初元世子陈 遣使贡贺.

[11] 至大四年十月二十五日仁宗皇帝诏谕安南世子陈 惟我祖宗受天明命抚有万方威德所加柔逺能迩乃者先皇帝龙驭上賔朕以王侯臣民不释之故于至大四年三月十八日即皇帝位遵逾年改元之制以至大五年为皇庆元年今遣大中大夫礼部尚书奈曼岱奉直郎兵部郎中杜兴可赍诏往谕仍颁皇庆厯日一本卿其敬授人时益修臣职毋替尔祖父事大之诚以副朕不忘柔逺之意故兹诏示念宜悉知.

[12] Do Thôn sử Việt chép Du Thôn: Ở xã Bảo Lâm, huyện Văn Uyên, tỉnh Lạng Sơn, hiện nay có cửa ải Do Thôn.

[13] (武宗即位,下詔諭之,屢遣使來貢。至大四年八月,世子陳日遣使奉表來朝。

仁宗皇慶二年正月,交趾軍約三萬餘衆,馬軍二千餘騎,犯鎮安州雲洞,殺掠居民,焚燒倉廩廬舍,又陷祿洞、知洞等處,虜生口孳畜及居民貲產而還,復分兵三道犯歸順州,屯兵未退。廷議俾湖廣行省發兵討之。四月,復得報:交趾世子親領兵焚養利州官舍民居,殺掠二千餘人,且聲言,「昔右江歸順州五次劫我大源路,掠我生口五千餘人;知養利州事趙珏禽我思浪州商人,取金一碾,侵田一千餘頃,故來讎殺」。

六月,中書省俾兵部員外郎阿里溫沙,樞密院俾千戶劉元亨,同赴湖廣行省詢察之。元亨等親詣上、中、下由村,相視地所,詢之居民農五,又遣下思明知州黃嵩壽往詰之,謂是阮盝世子太史之奴,然亦未知是否。於是牒諭安南國,其略曰:「昔漢置九郡,唐立五管,安南實聲教所及之地。況獻圖奉貢,上下之分素明;厚往薄來,懷撫之惠亦至。聖朝果何負於貴國,今胡自作不靖,禍焉斯啟。雖由村之地所係至微,而國家輿圖所關甚大。兼之所殺所虜,皆朝廷係籍編戶,省院未敢奏聞。然未審不軌之謀誰實主之?」安南回牒云:「邊鄙鼠竊狗偷輩,自作不靖,本國安得而知?」且以貨賂偕至。元亨復牒責安南飾辭不實,却其貨賂,且曰:「南金、象齒,貴國以為寶,而使者以不貪為寶。來物就付回使,請審察事情,明以告我。」而道里遼遠,情辭虛誕,終莫得其要領。元亨等推原其由:因交人向嘗侵永平邊境,今復倣效成風。兼聞阮盝世子乃交趾跋扈之人。為今之計,莫若遣使諭安南,歸我土田,返我人民,仍令當國之人正其疆界,究其主謀,開釁之人戮於境上,申飭邊吏毋令侵越。却於永平置寨募兵,設官統領,給田土牛具,令自耕食,編立部伍,明立賞罰,令其緩急首尾相應,如此則邊境安靜,永保無虞。事聞,有旨,俟安南使至,即以諭之。