04/03/1918: Ca nhiễm đầu tiên trong đại dịch cúm Tây Ban Nha

Nguồn: First cases reported in deadly Spanish flu pandemic, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1918, ngay trước khi dùng bữa sáng, Binh nhì Albert Gitchell của Lục quân Mỹ đã được chuyển đến bệnh viện ở Fort Riley, Kansas, sau khi xuất hiện các triệu chứng giống như cảm lạnh – bao gồm đau họng, sốt và đau đầu. Đến buổi trưa cùng ngày, hơn 100 đồng đội của anh cũng đã báo cáo về các triệu chứng tương tự, và người ta chính thức ghi nhận các trường hợp được cho là những ca bệnh đầu tiên trong đại dịch cúm lịch sử năm 1918, sau này được gọi là cúm Tây Ban Nha. Sau cùng, căn bệnh đã giết chết 675.000 người Mỹ và khoảng 20 – 50 triệu người khác trên khắp thế giới, trở thành nguyên nhân gây tử vong cao hơn cả Thế chiến I.

Theo sau đợt bùng phát ban đầu tại Fort Riley vào tháng 3 là hàng loạt những đợt bùng phát tương tự tại các doanh trại quân đội và nhà tù ở nhiều vùng khác nhau của đất nước. Căn bệnh nhanh chóng lan sang châu Âu, theo chân những người lính Mỹ tới hỗ trợ quân Hiệp ước trên các chiến trường của Pháp. (Chỉ riêng trong tháng 3/1918, 84.000 lính Mỹ đã vượt Đại Tây Dương; sau đó một tháng, 118.000 người khác cũng lên đường.) Khi lan truyền đến lục địa thứ hai, dịch cúm không hề có dấu hiệu thuyên giảm: 31.000 ca nhiễm đã được ghi nhận vào tháng 6 ở Anh. Về sau, căn bệnh được gọi là cúm Tây Ban Nha bởi vì mọi người lầm tưởng Tây Ban Nha là trung tâm của đại dịch.

Dịch cúm cũng chẳng hề bỏ qua binh lính ở bên còn lại của chiến hào. Trong suốt mùa hè, làn sóng dịch bệnh đầu tiên đã tấn công người Đức ở Mặt trận phía Tây, nơi họ đang tiến hành cuộc tấn công không giới hạn cuối cùng – được tin là sẽ quyết định kết quả của cuộc chiến. Nó đã ảnh hưởng đáng kể đến tinh thần quân đội vốn đang suy yếu – theo lời Tư lệnh quân đội Đức, Thái tử Rupprecht, viết vào ngày 03/08: dự phòng nghèo nàn, tổn thất nặng nề và dịch cúm ngày càng trầm trọng đã làm tinh thần của binh sĩ trong Sư đoàn Bộ binh III suy sụp nặng nề. Trong khi đó, dịch cúm đã lan nhanh ra ngoài biên giới Tây Âu, do tỷ lệ độc lực đặc biệt cao và việc quân lính được điều chuyển ồ ạt, trên bộ và trên tàu, để phục vụ nỗ lực chiến tranh. Đến cuối mùa hè, nhiều trường hợp nhiễm bệnh đã được báo cáo ở Nga, Bắc Phi và Ấn Độ; Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines và thậm chí New Zealand cuối cùng cũng trở thành nạn nhân.

Đại chiến kết thúc vào ngày 11/11, nhưng dịch cúm Tây Ban Nhan vẫn tiếp tục tàn phá thế giới. Nó bùng phát trở lại tại Mỹ trong một làn sóng thậm chí còn tồi tệ hơn trước, khi những người lính trở về quê hương sau cuộc chiến và cuối cùng đã lây nhiễm cho khoảng 28% dân số Mỹ trước khi dịch bệnh suy yếu. Trong số báo ra ngày 28/12/1918, Hiệp hội Y khoa Mỹ đã thừa nhận sự kết thúc của một cuộc xung đột quan trọng và kêu gọi mọi người chấp nhận một thách thức mới: chống lại bệnh truyền nhiễm.