03/04/1776: Quốc hội Mỹ cho phép tư nhân tấn công tàu Anh

Nguồn: Congress authorizes privateers to attack British vessels, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1776, vì không có đủ kinh phí để xây dựng một lực lượng hải quân mạnh mẽ, Quốc hội Lục địa đã quyết định cho phép tư nhân được tấn công bất kỳ tàu Anh nào mà họ gặp phải.

Trong một dự luật được ký bởi chủ tịch John Hancock, Quốc hội Lục địa đã ban hành “Hướng dẫn cho Chỉ huy các Tàu Tư nhân hoặc Tàu Chiến có Giấy phép Chặn bắt được chiếm giữ các tàu và hàng hóa của Anh”. Giấy phép Chặn bắt (Letters of Marque and Reprisal) là văn bản chính thức mà các chính phủ thế kỷ 18 dùng để ủy quyền cho các tàu thương mại tư nhân (privateers), thay mặt họ tấn công các tàu mang cờ của nước thù địch. Bất kỳ hàng hóa nào mà tàu tư nhân đó chiếm được sẽ được đem chia cho chủ tàu và chính phủ ban hành Giấy phép Chặn bắt.

Quốc hội Lục địa đã thông báo cho các tàu tư nhân Mỹ rằng, “Các vị có thể, bằng sức mạnh vũ trang, tấn công, đàn áp và chiếm giữ tất cả các tàu thuyền thuộc về cư dân của Vương quốc Anh, trong hải phận quốc tế, hoặc trong lãnh hải quốc gia, ngoại trừ các tàu thuyền chở những người có ý định đến định cư và cư trú tại các thuộc địa, hoặc mang vũ khí, đạn dược hoặc vật dụng thiết yếu đến các thuộc địa nói trên, bởi các tàu thuyền này được xem như bạn bè của Chính phủ Hoa Kỳ, nên các vị hãy để họ ra đi trong yên ổn, thuyền trưởng được phép khám xét trong hòa bình, và phải cung cấp thông tin thỏa đáng về hàng hóa trên tàu và điểm đến của con tàu đó.”

Đối với những ai phải đối mặt với họ trên biển khơi, sẽ chẳng có khác biệt nào giữa cướp biển và tàu tư nhân, bởi cả hai hành xử giống hệt nhau: lên tàu và chiếm nó bằng vũ lực nếu cần thiết. Tuy nhiên, tàu tư nhân sở hữu Giấy phép Chặn bắt sẽ không bị truy tố bởi chính quốc gia của họ, và nếu họ bị phía nước ngoài bắt giữ thì sẽ được xem là tù binh chiến tranh chứ không phải tội phạm.