Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Tổ chức Năng lượng Nguyên tử của Iran nói sự cố mất điện tại khu hạt nhân Natanz của họ là một hành động “khủng bố hạt nhân”. Song họ không nêu tên thủ phạm. Đây cũng không phải là sự cố không rõ nguyên nhân đầu tiên ở địa điểm này. Tháng Bảy năm ngoái, các quan chức đã tuyên bố vụ nổ tại cơ sở thời điểm đó chỉ là một vụ hỏa hoạn tình cờ; trước đó vào năm 2010, Stuxnex, một loại virus được cho là của Mỹ và Israel, đã khiến các máy ly tâm của họ quay mất kiểm soát. Sự cố mất điện hôm Chủ nhật diễn ra chỉ một ngày sau khi các máy ly tâm làm giàu uranium mới được khởi động, làm phức tạp thêm nỗ lực hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cảnh báo Nga sẽ nhận “hậu quả” nếu hành động liều lĩnh hoặc gây hấn ở Ukraine. Gần đây đã nổ ra các cuộc đụng độ lẻ tẻ giữa lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn và quân đội Ukraine ở miền đông đất nước. Trong khi đó, các lực lượng Nga cũng đang tập trung về biên giới với Ukraine. Các quan chức Nga đã ám chỉ về khả năng can thiệp, khiến Ukraine và các đồng minh lo lắng.
Gao Fu, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc, bày tỏ lo ngại về hiệu quả của vắc-xin Sinovac và cho biết họ đang xem xét trộn vắc-xin để cải thiện khả năng bảo vệ. Bình luận này, được đưa ra tại một hội nghị ở Thành Đô hôm thứ Bảy, hiện đã bị kiểm duyệt, theo Financial Times. Nhà sản xuất Sinopharm tuyên bố loại thuốc này có hiệu quả 79%, song chưa công bố dữ liệu thử nghiệm giai đoạn 3 để cho phép đánh giá độc lập.
Một cuộc nội chiến đang bùng lên trong liên minh trung hữu cầm quyền của Đức. Markus Söder, thủ hiến Bavaria và lãnh đạo đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo CSU, đã tuyên bố ý định trở thành thủ tướng Đức sau Angela Merkel. Nếu theo truyền thống thì người kế vị bà sẽ là Armin Laschet, lãnh đạo đảng chị em lớn hơn của CSU, Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo CDU. Tuyên nhiên cả Laschet và CDU đều đang thể hiện kém cỏi trong các cuộc thăm dò và có vẻ ở thế yếu.
Ấn Độ tuyên bố tiến hành chiến dịch tiêm vắc-xin nhanh nhất thế giới, với 100 triệu liều trong 85 ngày. Tuy nhiên, nước này cũng vừa phá vỡ kỷ lục số ca nhiễm mới, với khoảng 150.000 ca mới được ghi nhận trong ngày Chủ nhật. Một số bang đã phàn nàn về tình trạng thiếu vắc-xin trong những ngày gần đây. Chính phủ nói lo ngại của họ là “hoàn toàn vô căn cứ”. Dù thế, họ lại cho cấm xuất khẩu Remdesivir, một loại thuốc được dùng trong điều trị covid-19.
Vua Abdullah của Jordan và người em cùng cha khác mẹ là Hoàng tử Hamzah lần đầu tiên xuất hiện cùng nhau trước công chúng kể từ khi hoàng tử bị quản thúc trong cung điện vào ngày 3 tháng 4 liên quan đến một âm mưu được cho là chống lại nhà vua. Hoàng tử Hamzah, người từng là thái tử, thường hay lên tiếng lên án tham nhũng trong chính phủ Jordan. Hồi thứ Hai tuần trước ông đã cam kết trung thành với nhà vua.
Hai tập đoàn Hàn Quốc, LG và SK, đã giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến một loại pin xe điện vốn đe dọa kế hoạch chế tạo ô tô điện của Volkswagen và Ford Motor. LG cáo buộc SK đánh cắp bí mật thương mại để thực hiện giao dịch với các hãng ô tô, khiến Ủy ban Thương mại Quốc tế của Mỹ áp lệnh cấm nhập khẩu 10 năm lên SK từ tháng Hai. Hãng sẽ phải trả cho LG 2 nghìn trỷ won (1,8 tỷ đô la).
TIÊU ĐIỂM
Bà Suu Kyi hầu tòa trong khi Myanmar vẫn chìm trong bất ổn
Aung San Suu Kyi hôm nay tiếp tục ra tòa. Là nhà lãnh đạo trên thực tế của Myanmar cho đến khi bị quân đội phế truất vào tháng 2, bà bị buộc tội vi phạm đạo luật bảo vệ bí mật có từ thời thuộc địa, bên cạnh một số tội danh nhỏ. Nếu bị kết án, tội danh liên quan đạo luật bí mật có thể khiến bà phải chịu mức án 14 năm tù. Kể từ khi bị bắt giam vào ngày 1/2 bà Suu Kyi đã không xuất hiện trước công chúng.
Trong phiên điều trần gần đây nhất mà bà Suu Kyi tham dự online, luật sư của bà nói bà trông khỏe mạnh nhưng không rõ liệu bà có biết về các sự kiện xảy ra sau đảo chính hay không. Các cuộc bãi công hàng loạt, được tổ chức để chống lại quân đội, đã làm tê liệt nền kinh tế và khiến nhiều cơ quan chính phủ phải đóng cửa. Và nếu người Miến muốn đi làm, nhiều người vẫn không đủ can đảm để ra ngoài. Để khuất phục những người bất đồng chính kiến, đến nay quân đội đã giết chết hơn 700 người, trong đó có những trường hợp là người vô can. Chỉ một hôm thứ Bảy đã có khoảng 80 người bị thảm sát trong một cuộc biểu tình.
Ả Rập Saudi cho phép người có miễn dịch covid được hành hương
Tối nay các giáo sĩ sẽ nhìn lên bầu trời để tìm kiếm hilal, vầng trăng khuyết đánh dấu một tháng mới. Cùng với đó là tháng Ramadan, khoảng thời gian nhịn ăn ban ngày kéo dài một tháng đối với 1,8 tỷ người Hồi giáo trên thế giới. Mọi năm, tháng Ramadan thu hút tín đồ đến Ả Rập Saudi để dự lễ umrah, tức cuộc hành hương Mecca có thể tiến hành bất kì lúc nào trong năm (khác haj). Tuy nhiên, không phải người hành hương nào cũng sẽ được chào đón.
Hiện vương quốc này chỉ đón những người đã miễn nhiễm với covid-19, bằng vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh. Năm ngoái, Ả Rập Saudi hủy bỏ tất cả, trừ haj, cuộc hành hương đến thánh địa Mecca mà mỗi người Hồi giáo bắt buộc phải thực hiện một lần trong đời. Khi ấy họ chỉ cho phép khoảng 1.000 người hành hương (và không ai từ nước ngoài) thay vì 2 triệu người như thông thường. Việc cho phép những người đã có kháng thể được hành hương có thể thu hút nhiều người hơn. Đây là tin đáng hoan nghênh cho cả các tín đồ và tình hình tài chính của vương quốc: hàng năm người hành hương đóng góp tới khoảng 12 tỷ đô la cho nền kinh tế Ả Rập Saudi.
Ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ lách lệnh trừng phạt Iran của Mỹ
Các luật sư của Halkbank, một ngân hàng quốc doanh của Thổ Nhĩ Kỳ, hôm nay sẽ cố gắng thuyết phục một tòa án New York bác bỏ các cáo buộc của các công tố viên liên bang. Nhà băng này bị cáo buộc đã lách các lệnh trừng phạt của Mỹ lên Iran khi điều tiết dòng tiền từ việc bán dầu và khí đốt của Iran đi qua hệ thống ngân hàng Mỹ, bên cạnh các cáo buộc khác. Halkbank từ lâu đã lập luận là họ không thể bị đưa ra tòa ở Mỹ.
Song án lệ nói ngược lại. Trong một phiên tòa trước đó, một trong các giám đốc điều hành của ngân hàng đã bị kết tội tương tự và bị kết án 32 tháng tù. Nếu tòa tiếp tục vụ này, ngân hàng có thể phải đối mặt khoản phạt hàng tỷ đô la. Một phán quyết có tội cũng sẽ làm tổn hại danh tiếng của ngành ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ và khiến chính phủ nước này xấu mặt. Các công tố viên Mỹ đã cáo buộc một số cựu quan chức nội các Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn âm mưu này, đôi khi để đổi lấy hàng triệu đô la lại quả.
Anh thoát dần khỏi phong tỏa
Hôm nay, nước Anh tiến thêm một bước nữa trong việc tháo dỡ phong tỏa. Các cửa hàng, tiệm làm tóc và phòng tập thể dục sẽ lần đầu tiên mở cửa kể từ đầu năm. Cả nước đang ghi nhận ít hơn 2.500 ca nhiễm covid-19 mỗi ngày, giảm so với mức đỉnh gần 55.000 ca hồi tháng 1. Sự sụt giảm mạnh là kết quả của việc phong tỏa chặt chẽ và chiến dịch tiêm chủng nhanh chóng, theo đó hiện gần một nửa dân số Anh đã được tiêm liều đầu tiên.
Chính phủ cũng đang áp dụng các biện pháp mới để giảm số ca nhiễm. Hộ chiếu vắc-xin đang được thử nghiệm tại các sự kiện bao gồm trận chung kết Cúp FA. Truy vết tiếp xúc nghiêm ngặt hơn đang được sử dụng để chặn các biến thể đáng ngại. Đồng thời chính phủ cũng cung cấp miễn phí xét nghiệm hai lần một tuần cho toàn bộ người dân. Thủ tướng Anh Boris Johnson thừa nhận việc đưa đất nước thoát khỏi phong tỏa được tiến hành thận trọng. Ông hy vọng cẩn trọng sẽ giúp Anh vĩnh viễn thoát khỏi phong tỏa.
Nỗ lực lập công đoàn Amazon ở Alabama thất bại
Sau nhiều tháng vận động, các công nhân tại một nhà máy của Amazon ở Bessemer, Alabama, đã không thể đạt đa số cần thiết trong một cuộc bỏ phiếu qua thư để thành lập công đoàn. Nếu thành công, họ có thể đã là công đoàn đầu tiên tại một cơ sở của Amazon ở Mỹ. Đây là một đòn giáng mạnh vào phong trào công đoàn đang đang gặp khó khăn của Mỹ. Hiện chỉ 10% công nhân tham gia một công đoàn nào đó, giảm so với mức 20% của năm 1983. Amazon sẽ cảm thấy nhẹ nhõm khi thêm một nỗ lực công đoàn hóa nữa ở Mỹ thất bại.
Tuy nhiên, các nhà tổ chức và nhân viên nói cuộc chiến còn lâu mới kết thúc. Liên minh Bán lẻ, Bán buôn và Cửa hàng Bách hóa, bên đã giúp đỡ nỗ lực vừa rồi, cáo buộc Amazon vi phạm luật lao động bằng cách đe dọa và gây hiểu lầm cho nhân viên. Họ dự định sẽ khiếu nại lên Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia, cơ quan quản lý các hoạt động lao động. Trong khi đó các nỗ lực công đoàn hóa cũng đang diễn ra tại các kho hàng của Amazon ở Chicago và Iowa. Một nhân viên ủng hộ công đoàn ở Bessemer cho biết: “Đây chỉ là một tia lửa nhỏ sẽ làm bùng lên ngọn lửa trên khắp nước Mỹ.”