22/04/1997: Khủng hoảng con tin tại đại sứ quán Nhật ở Peru kết thúc

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Peruvian President Fujimori orders assault on Japanese ambassador’s home, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1997, tại Lima, Peru, Tổng thống Alberto Fujimori đã ra lệnh cho biệt kích tấn công vào nhà của Đại sứ Nhật Bản với hy vọng giải thoát 72 con tin đang bị các thành viên vũ trang của phong trào phiến quân cánh tả Tupac Amaru giam giữ suốt hơn 4 tháng.

Ngày 16/12/1996, 14 tên khủng bố Tupac Amaru, cải trang thành bồi bàn và phục vụ, đã đột nhập vào nhà của Đại sứ Nhật Bản Morihisa Aoki, khi đó đang tổ chức tiệc chiêu đãi nhằm kỷ niệm ngày sinh của Nhật Hoàng. Những kẻ khủng bố có vũ trang này đã bắt 490 người làm con tin. Cảnh sát nhanh chóng cho bao vây khu nhà, và phiến quân đồng ý thả 170 khách là phụ nữ và người cao tuổi nhưng tuyên bố sẽ giết chết 220 người còn lại nếu yêu cầu của chúng không được đáp ứng.

Phong trào Cách mạng Tupac Amaru (MRTA) được thành lập vào năm 1984 với tư cách là một tổ chức vũ trang hoạt động vì cách mạng cộng sản ở Peru. Vài ngày sau khi cuộc khủng hoảng con tin xảy ra, phiến quân đã thả tất cả con tin, trừ 72 người có vai vế quan trọng, và yêu cầu trả tự do cho 400 thành viên MRTA đang bị giam giữ ở Peru. Trong số các quan chức bị bắt làm con tin tại nhà của vị đại sứ có anh trai của Tổng thống Fujimori, Ngoại trưởng Francisco Tudela; các thẩm phán của Tối cao Pháp viện; thành viên của đảng cầm quyền; và một số đại sứ từ Nhật Bản và các nước khác. Tổng thống Fujimori, người được biết đến với lập trường cứng rắn chống lại quân du kích cánh tả ở Peru, đã quyết không nhượng bộ những điểm chính trong yêu cầu của phe nổi dậy. Sang tháng 04/1997, ông đã ra lệnh cho một đội đặc nhiệm gồm 140 người tấn công khu phức hợp.

Sau khi bí mật cảnh báo cho các con tin 10 phút trước khi vụ tấn công xảy ra, đội đặc nhiệm cho kích hoạt một vụ nổ trong đường hầm bên dưới tòa nhà, khiến phiến quân bất ngờ và giết chết 8 trong số 14 người của nhóm ngay lập tức. Sau đó, đội quân tinh nhuệ tấn công từ nhiều hướng khác, áp đảo những kẻ khủng bố còn lại. Tất cả 14 phiến quân đều đã bị giết trong cuộc tấn công, bao gồm cả thủ lĩnh, Nestor Cerpa, người đã bị bắn nhiều phát. Chỉ có một con tin, Thẩm phán Tối cao Pháp viện Carlos Giusti, đã thiệt mạng trong vụ tấn công, và trong số các binh sĩ bị thương trong chiến dịch giải cứu, hai người sau đó đã chết vì vết thương của mình.