Nguồn: “Why the internet has not freed China”, The Economist, 13/3/2021.
Biên dịch: Nguyễn Thanh Hải
Vào buổi bình minh của kỷ nguyên số, Bill Clinton đã dự đoán rằng nền kinh tế thị trường cùng hệ thống mạng toàn cầu Internet có thể khiến Trung Quốc đi theo hướng tự do hóa. Tầm nhìn này của ông rất táo bạo, đầy lạc quan nhưng rất tiếc là sai lầm. Năm 2000, tổng thống Mỹ lúc bấy giờ đã được chứng kiến một cuộc cách mạng khi Đảng Cộng sản Trung Quốc từ bỏ vị thế độc quyền của mình trong việc phân phối mọi thứ, từ việc làm, nhà ở cho đến tin tức. Clinton cho rằng trong thời đại có nhiều cơ hội và nguồn thông tin mới, khả năng kiểm soát người dân sẽ bị hạn chế. Theo ông: “Trong thế kỷ mới, quyền tự do sẽ lan rộng thông qua những chiếc điện thoại di động và modem kết nối Internet”. Biết được việc Trung Quốc đang cố tìm cách kiểm soát hệ thống Internet của họ, ông phản ứng một cách đầy mỉa mai “Chúc may mắn, nỗ lực này sẽ chẳng đi đến đâu giống như việc cố gắng đóng đinh một miếng thạch rau câu vào tường”.
Giới lãnh đạo của Đảng đã dành 20 năm tiếp theo để chứng minh một điều rằng nếu có đủ đinh thì hoàn toàn có thể khống chế được Internet. Đó là một nỗ lực rất lớn, có sự tham gia của nhiều lực lượng gồm những đội quân kiểm duyệt, cảnh sát ngầm và các quan chức phụ trách việc tuyên truyền. Các công ty Internet phải thuê nhân viên kiểm duyệt nội dung với số lượng hàng chục nghìn người để phát hiện và xóa bỏ những thông tin và hình ảnh bị cấm chỉ trong vòng vài giây. Tuy vậy, ông Clinton cũng không hoàn toàn sai. Nhà nước đã giảm sự hiện diện trong nhiều sinh hoạt thường nhật của người dân Trung Quốc so với trước đây. Ở một số lĩnh vực, các quan chức vẫn còn cố gắng duy trì vị thế gần như độc quyền là nhà cung cấp thông tin “chính thống”. Trong ngành công nghiệp truyền thông, giới lãnh đạo Đảng tập trung dồn nguồn lực cho những hãng thông tấn dòng chính mang tư tưởng thủ cựu, chẳng hạn như tờ Nhân Dân nhật báo, khuyến khích họ thành lập các tờ báo con với nội dung tươi mới hơn nhằm cạnh tranh với những ấn phẩm thương mại. Người dân đôi lúc dám đăng tải tin tức theo góc nhìn cá nhân và đặt nghi vấn về những tin tức được cho là “chính thống”. Vì điều này, họ thường xuyên đối mặt với nguy cơ bị khiển trách, đuổi việc thậm chí là phải vào tù.
Giải trí là lĩnh vực tốt nhất cho thấy những dự đoán của ông Clinton đã sai như thế nào, bởi vì đây là lĩnh vực có sự cạnh tranh thương mại gay gắt, đặc biệt là trên nền tảng số, nhưng Đảng vẫn đang kiểm soát vững tình hình. Nhìn bề ngoài thì đây thật là một thành quả ấn tượng. Chỉ mới một thế hệ trước, không tính những video lậu, các đài truyền hình của nhà nước và những nhà kiểm duyệt phim quyết định gần như toàn bộ những gì người dân được xem tại nhà hoặc ở rạp chiếu phim. Tình hình bây giờ đã khác. Ghé thăm một ngôi nhà ở vùng quê may ra có thể thấy được chiếc TV đang bật để ở góc tường, người già và trẻ nhỏ là đối tượng xem chính nhưng họ cũng không chú tâm lắm. Còn ở những nơi khác, trong các toa tàu, căn-tin hay ký túc xá, ta sẽ thấy những người Trung Quốc đang nhìn vào màn hình điện thoại thông minh một cách chăm chú. Họ có thể đang xem một bộ phim truyền hình, một cuộc thi tìm kiếm tài năng hoặc những đoạn video ngắn của những người sáng tạo nội dung nghiệp dư có lượt theo dõi trực tuyến lớn: một người nông dân đang khiêu vũ (có lẽ là vậy), hay một tài xế xe tải đang ngân nga hát trên con đường vắng vẻ nào đó. Một nam thiếu niên có thể ngủ gật trên xe buýt nhưng vẫn còn đang theo dõi một buổi livestream về game online. Những phụ nữ trẻ ngồi ở hàng ghế phía sau có thể đang xem một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội với 40 triệu lượt theo dõi rao bán son môi, vì Trung Quốc là nước có thị trường thương mại điện tử quy mô lớn và phát triển nhất trên thế giới.
Tất cả điều này khiến các quan chức phải luôn cảnh giác. Vào ngày 5 tháng 3, trong báo cáo thường niên trước Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội), thủ tướng Lý Khắc Cường đã kêu gọi một lối hành xử chuẩn mực hơn trong ngành công nghiệp văn hóa, với tên gọi “nền văn hóa xã hội chủ nghĩa tiên tiến”. Bốn ngày trước đó, Hiệp hội Biểu diễn Nghệ thuật Trung Quốc (CAPA), một tổ chức do nhà nước hậu thuẫn, đã bắt đầu áp dụng một danh sách mới gồm 15 hành vi có thể khiến các diễn viên, nhạc sĩ và các nghệ sĩ khác bị cấm biểu diễn trong một năm hoặc lâu hơn. Những hành vi sẽ bị phạt bao gồm xúc phạm danh dự quốc gia, sử dụng đồ uống có cồn khi lái xe, đánh bạc hoặc hát nhép trong các buổi biểu diễn thương mại. Bộ quy tắc ứng xử được xây dựng dựa trên những động thái trước đó của các hiệp hội ngành nhằm giữ gìn sự ổn định xã hội, trong đó có những quy định cấm miêu tả tình yêu đồng tính, ngoại tình, hút thuốc hoặc mê tín dị đoan. Ở Trung Quốc ngày nay, tình trạng bất bình đẳng đang diễn ra rất trầm trọng do vậy các cơ quan quản lý phim và truyền hình đã cố gắng hạn chế những nội dung phô trương sự giàu có hoặc các đặc quyền thừa kế. Một trong những cách thức mà họ thực hiện là chỉ trích các chương trình truyền hình thực tế mô tả đời sống của những đứa trẻ là con của người nổi tiếng.
Các nhà kiểm duyệt không chỉ kiểm soát các nghệ sĩ thông qua quy định. Internet tại Trung Quốc thời nay có một đặc điểm đã đóng góp không nhỏ vào thành công của công tác giám sát, đó chính là sự có mặt của một đội ngũ cư dân mạng luôn tuần tra và sẵn sàng tấn công bất kỳ cá nhân nào có hành vi bị xem là ‘lệch chuẩn’ trên không gian siêu thương mại này. Đây là giai đoạn mà những ai muốn nổi tiếng ở Trung Quốc phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Chỉ vài tuần đầu tiên của năm 2021, người hâm mộ, các blogger nổi tiếng và truyền thông nhà nước đồng loạt chỉ trích rất nhiều người nổi tiếng đến nỗi Tencent News, một trang tin tức trực tuyến, đã đăng tải bài viết với tựa đề: “Thời đại của lời xin lỗi: bất cứ điều gì bạn từng làm sai, hãy xin lỗi”. Những người phải nói lời xin lỗi trong năm nay gồm có một nữ diễn viên bị lên án vì đã bỏ rơi hai đứa con được sinh ra nhờ mang thai hộ ở Mỹ và một diễn viên hài đăng bài viết quảng cáo cho thương hiệu bán đồ lót phụ nữ nhưng lại chứa nội dung ‘xem thường nữ giới’. Ngoài ra một nữ diễn hài cũng bị chỉ trích vì mặc chiếc áo có dòng chữ “bộ đồ săn tìm chồng” được cho là đã hạ thấp nhân phẩm phụ nữ; một thanh niên chăn ngựa 20 tuổi đến từ Tây Tạng phải chịu chung cảnh ngộ khi bị bắt gặp đang hút thuốc trước ống kính. Chỉ vài tháng trước đó, vẻ ngoài điển trai cùng nụ cười dân dã đã giúp anh được nhiều người biết đến và trở thành đại sứ thiện chí đại diện cho vùng đất quê hương mình.
Chuyên mục ‘Chaguan’ (quán trà) về Trung Quốc của tờ The Economist gần đây có những cuộc trò chuyện với các nhân vật kỳ cựu trong ngành giải trí. Họ cho biết nhiều đồng nghiệp đang phải dùng thuốc điều trị trầm cảm vì một số nguyên nhân. Trước đây, các ngôi sao chỉ xuất hiện trước công chúng thông qua những tác phẩm điện ảnh của họ. Còn bây giờ, người hâm mộ quan tâm đến từng chi tiết đời sống riêng tư của các diễn viên thông qua mạng xã hội và họ luôn mong đợi một hình ảnh hoàn hảo từ thần tượng của mình. Mỗi năm, những nghệ sỹ đã có chỗ đứng trong giới giải trí lại chứng kiến sự xuất hiện của hàng trăm đối thủ mới bước ra từ các cuộc thi tìm kiếm tài năng. Ở một đất nước mà những tiếng nói chỉ trích đối với nhà cầm quyền bị xem là điều tối kỵ thì việc hướng sự phẫn nộ của công chúng đến những người nổi tiếng trong giới giải trí giống như việc điều chỉnh chiếc van an toàn vậy, đặc biệt là khi các ngôi sao thực sự đã châm ngòi làn sóng giận dữ qua việc trốn thuế hoặc lạm dụng đặc quyền của mình. Việc cạnh tranh bất chấp mọi thứ đã giúp nâng cao giá trị kinh tế của những sản phẩm giải trí được làm ra. Tuy nhiên những biện pháp kiểm soát về mặt chính trị đã làm giảm tính đa dạng của các sản phẩm văn hóa. Rất nhiều bộ phim về đề tài chiến tranh yêu nước hay những phim truyền hình đầy lộng lẫy ngoài kia chỉ chú trọng vào mặt lợi nhuận chứ không phải tính nghệ thuật. Chỉ cần gặp chút khó khăn hay rắc rối ở giai đoạn đầu là các nhà tài trợ đã nhanh chóng ‘tháo chạy’.
Đảng đã không còn giữ vị trí độc tôn trong lĩnh vực giải trí nhưng vẫn là thế lực viết ra luật chơi. Chính quyền dựng tường lửa và kiểm soát nhập khẩu đối với các sản phẩm văn hóa từ bên ngoài, từ đó ngành công nghiệp giải trí và Internet ở trong nước trở thành sân chơi bị các tập đoàn nội địa thao túng, điều có thể xem như phần thưởng cho sự vâng lời và trung thành của họ đối với nhà cầm quyền. Chính vì vậy, tuy đã buông lơi nhưng các nhà kiểm duyệt vẫn nắm đủ quyền lực mà họ cần để tiếp tục công việc giám sát.