Nguồn: “Who will run Cuba after the Castros?”, The Economist, 16/04/2021.
Biên dịch: Trần Hùng
Theo hiến pháp Cuba, Đảng Cộng sản là “lực lượng chính trị lãnh đạo xã hội và nhà nước.” Điều này có nghĩa là Đảng có thể thiết lập các chính sách quốc gia. Bí thư thứ nhất của Đảng Cộng sản Cuba – vị trí do hai anh em nhà Castro (Fidel, sau đó là Raúl) liên tiếp nắm giữ trong sáu thập niên qua – chính thức là vị trí chính trị quyền lực lớn nhất tại đảo quốc này. Tại Đại hội lần thứ tám của Đảng, khai mạc ngày 16 tháng 4, Miguel Díaz-Canel, hiện là chủ tịch nước và nguyên thủ quốc gia của Cuba, có thể sẽ thay thế Raúl Castro làm bí thư thứ nhất và lãnh đạo đảng. Đó có phải là sự kết thúc của một kỷ nguyên?
Không hẳn. Ông Díaz-Canel là một người thường xuyên sử dụng tweeter, và một trong những hashtag mà ông yêu thích nhất là #SomosContinuidad (Chúng tôi là sự kế tục); một lời nhắc nhở rằng mặc dù không thuộc thế hệ lão thành cách mạng nhưng ông không có kế hoạch lật đổ nó. Mặc dù nhiều nhà cách mạng đã qua đời vì tuổi già, nhưng một số ít vẫn nắm giữ các ghế trong Bộ Chính trị và có thể sẽ cân bằng lại quyền lực của Bí thư thứ nhất. Một điểm cần được theo dõi chặt chẽ sẽ là việc liệu tất cả họ đều sẽ nghỉ hưu hay một số vẫn tiếp tục ở lại.
Kể từ khi Fidel Castro nghỉ hưu vào năm 2008, Cuba đã được điều hành bởi một “tổ hợp quân sự quan liêu” bao gồm các cán bộ đảng viên. Một cựu quan chức ngoại giao phương Tây đã so sánh nó với một hộp cát trong đó tất cả trẻ em đều muốn xây một lâu đài nhưng không thể thống nhất được với nhau về hình dáng lâu đài đó ra sao. Raúl Castro chủ trương một cuộc đại tu cần thiết từ lâu để vực dậy nền kinh tế chỉ huy xơ cứng bằng một nền kinh tế thị trường nhưng nhiều quan chức đảng đã chống lại. Một trong những mục tiêu chính của Đại hội lần thứ tám sắp tới, ngoài việc bổ nhiệm một bí thư thứ nhất mới, là đánh giá những tiến bộ đã đạt được trong việc thực hiện các chính sách kinh tế được thông qua vào năm 2011, bao gồm việc cho phép mua bán nhà và ô tô, và đưa các công ty ra khỏi sự kiểm soát trực tiếp của chính phủ.
William LeoGrande, giáo sư tại Đại học American University, nói: “Nền kinh tế sẽ là ‘con voi trong phòng’. Ngành du lịch cực kỳ quan trọng của Cuba đã bị ảnh hưởng bởi coronavirus và trước đó là các biện pháp trừng phạt thắt chặt bởi chính quyền Trump. Trong giai đoạn 2016 – 2019, tăng trưởng GDP hàng năm ở mức cao nhất là 1% và nền kinh tế suy giảm 11% trong năm 2020. Những cải cách được hứa hẹn cách đây một thập niên mới chỉ được thực hiện một phần và các hạn chế đối với khu vực tư nhân chỉ mới được nới lỏng ở mức vừa phải. Ban lãnh đạo đã làm nhiều việc hơn trong chín tháng qua để đẩy nhanh tốc độ cải cách kinh tế hơn so với trong vài năm qua, phần lớn là do tình hình kinh tế tuyệt vọng của đất nước buộc họ phải làm như vậy. Tuy nhiên, Cuba vẫn bị cản trở bởi sự kém hiệu quả và những cuộc đấu tranh để kiểm soát những thứ tầm thường như giá một muỗng kem.
Phần lớn sức ì này đến từ những người bảo thủ, những người tin tưởng vào những cải cách chậm rãi, có tính toán và phải được thử nghiệm và “hoàn thiện” không ngừng. Nhưng Cuba cũng có nhiều nhà lãnh đạo cải cách hơn, những người phải đáp ứng áp lực từ những người dân có tiếng nói hơn, kết nối hơn và không đồng nhất hơn. Đôi khi, những lãnh đạo cải cách thậm chí đã phải thay đổi ý định của mình sau khi vấp phải sự bất bình của công chúng. Vào năm 2018, Bộ trưởng Bộ Việc làm và An sinh xã hội đã dừng việc thực hiện các quy định mới theo đó cấm những người tự kinh doanh có nhiều hơn một loại giấy phép kinh doanh tư nhân, điều buộc họ chỉ được làm một loại công việc nhất định. Tuy nhiên, mười năm qua chứng kiến “một loạt các cơ hội bị bỏ lỡ”, khiến Chủ tịch Díaz-Canel đánh mất nhiều sự tôn trọng hoặc sự công nhận từ người dân, theo quan sát của một nhà cựu ngoại giao châu Âu. Đảng phải đáp lại bằng một thông điệp hy vọng, đi kèm với đó là bằng chứng về những cải cách toàn diện hơn về kinh tế, xã hội và chính trị.
Mark Entwistle đến từ Acasta Cuba Capital, một công ty tư vấn, cho biết: “Sức mạnh của ban lãnh đạo đến từ sự đồng thuận. Nhưng sự đồng thuận trong đảng thường có nghĩa đơn giản là duy trì mọi thứ như cũ. Sau hơn một năm thiếu lương thực, thuốc men và các sản phẩm vệ sinh cơ bản, cộng với mất điện, đình công ngành giao thông và kết nối internet quá đắt đỏ, lãnh đạo của hòn đảo và đặc biệt là vị tân bí thư thứ nhất sẽ phải suy nghĩ cẩn thận về mức độ “kế tục” mà người dân Cuba có thể chấp nhận. Ông Díaz-Canel cho đến nay đã chứng minh mình không phải là nhà cải cách mà nhiều người dân Cuba hy vọng. Ông có thể tạo ra nhiều thay đổi hơn khi nắm giữ vị trí hàng đầu, nhưng ông vẫn sẽ cảm nhận được sự hiện diện của những vị lãnh đạo lão thành, bao gồm cả người tiền nhiệm của mình. Raúl Castro đã nói rằng sau khi nghỉ chức bí thư thứ nhất, ông sẽ trở thành “một người lính bình thường bảo vệ cuộc cách mạng này”.