Cuba hiện nay là quá khứ của Việt Nam

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Trần Ngọc Bích

Tin Chủ tịch Raúl Castro từ chức Bí thư thứ nhất Đảng Cộng Sản Cuba, lần đầu tiên sau gần 60 năm đất nước được lãnh đạo bởi người không thuộc gia đình Castro được nhiều người chú ý.

Câu hỏi là liệu việc này có làm le lói một số tia hy vọng cho đảo quốc xinh đẹp ở Tây Bán Cầu?

Tôi nhớ tới chuyến du lịch tới Cuba cách đây hai năm và xin kể ra đây để chia sẻ một số cảm xúc, suy nghĩ về quốc gia ‘vừa lạ vừa quen’ này.

Chuyến bay từ thành phố Ft Lauderdale, Florida đến Havana mất một giờ hai lăm phút với chỉ khoảng mười phần trăm là khách du lịch, còn lại là người Cuba sống ở Mỹ mà tôi vẫn gọi vui là dân Cu Kiều.

Nhìn thoáng tôi nhận ra ngay họ vì tất cả đeo đồng hồ vàng, dây chuyền vàng, kính lấp lánh và tất cả đều rất to. Nhưng đặc điểm thân quen nhất là balo tay nải của ai cũng chật căng. Mỗi người phải có đến ba bốn kiện xách tay. Tôi tò mò ngó vào túi thì thấy nào sô cô la, đồ chơi, dụng cụ nhà bếp…

Máy bay vừa tiếp đất sân bay quốc tế José Martí thì toàn bộ dân Cu Kiều vỗ tay reo hò kiểu yay i’m home. Tiếp đến, trước sự ngạc nhiên của cả gia đình, tiếp viên vọng vào loa bắt nhịp “Guantanamera…” và thế là cả tàu bay hò reo hát tiếp. Tôi ú ớ mất mấy giây rồi cũng hát theo các bạn Cuba.

Cậu con trai tám tuổi của tôi tỏ ra ngạc nhiên vì mẹ biết hát bài hát của họ, còn tôi thì rất thích thú giải thích bài này mẹ nghe qua băng cassette, đĩa LP, loa cối từ những năm tám mươi dù biết nó chẳng hiểu gì về những dụng cụ nghe nhạc tôi nhắc tới. Vâng, tôi đã có vé về tuổi thơ một cách không thể ngọt ngào hơn.

Ở Cuba mà cứ ngỡ như Việt Nam…một thời

Tuổi thơ của những đứa trẻ sinh ra và lớn lên tại Hà Nội những năm tám mươi là mất điện luân phiên, dân tình kéo nhau ra ngõ ngồi hóng mát, kê giường bạt ngoài đường cho trẻ con ngủ, là cầm xô đi xách nước mỗi khi mất điện vì gần như chỉ khi nào mất điện mới có nước máy chảy…

Tôi gần như quên hẳn những kỷ niệm xưa cũ ấy cho tới ngày “nửa vòng trái đất rẽ tầng mây” đến quốc đảo xinh đẹp này. Đang đi chơi ngoài phố, tôi có thể bắt gặp một xe téc chở nước và cả hàng dài người dân cầm những xô vốn là thùng sơn cũ, chai nước lớn ra đợi đến phiên hứng nước.

Hoặc có lần nửa đêm đang mất điện tôi bất giác mỉm cười khi nghe tiếng trẻ con Cuba reo hò ngoài phố khi có điện, trước mắt tôi tái hiện bức tranh phố phường Hà Nội những năm nào.

Người dân Havana xếp hàng đợi lấy nước. Nguồn: Trần Ngọc Bích.
Cửa hàng bách hoá. Nguồn: Trần Ngọc Bích.

Havana nổi tiếng với du khách bởi bộ sưu tập ô tô cổ đủ màu sắc từ những năm 50 mà người dân nơi đây làm mọi cách để giữ gìn chúng. Do lệnh cấm vận của Mỹ từ đầu những năm 60 nên tất cả số ô tô họ có là thừa hưởng từ đời cha ông.

Ô tô có lẽ là tài sản lớn nhất trong mỗi gia đình Cuba, lớn hơn cả mái nhà che trên đầu họ.

Trong khi thu nhập bình quân đầu người ở thành phố như Havana là 20 USD một tháng thì giá thành của mỗi chiếc ô tô cổ hay cũ bán sang ngang là khoảng 20,000 USD nên người Cuba có câu “Nếu bạn muốn sở hữu một chiếc ô tô thì hãy đợi đến khi bố bạn mất”.

Điều này lý giải vì sao dù bạn ở bất cứ hang cùng ngõ hẻm nào của Havana thì không ai tránh khỏi một thứ mùi rất đặc trưng, mùi dầu xăng chưa đốt hết từ dàn máy cũ rích của những chiếc xe nhìn vẻ ngoài vô cùng quyến rũ kia.

Xe ô tô cổ đỗ chờ khách du lịch thuê ở trung tâm Havana. Nguồn: Trần Ngọc Bích.
Cái khó ló cái khôn. Cũng chính vì giá xe quá đắt nên người dân nơi đây vô cùng sáng tạo. Họ tự thiết kế xe ba – bốn bánh từ thân xe đạp, xe máy không sử dụng được nữa, hoặc “độ” nội thất ô tô bằng bất cứ thứ gì mình có.

Khi đi đường dài, các bác tài xế taxi cứ ba mươi phút lại dừng xe một lần để lấy que đo bình xăng xem còn đi được bao xa. Tôi đã bị ấn tượng khi chứng kiến tài xế dừng xe đề nghị giúp khi thấy xe khác hỏng bên đường, điều xảy ra rất thường xuyên trên quốc lộ.

Chính bác tài xe tôi bỏ cả đoàn khách mấy chục người để giúp người lạ mất cả tiếng đồng hồ. Nó khiến tôi nhớ tới tinh thần tương thân tương ai của người Hà Nội những năm tháng chiến tranh gian khó và thời kỳ trước đổi mới.

Xe ba bánh tự chế. Nguồn: Trần Ngọc Bích.

Những câu chuyện về con người Cuba

Hầu hết giới trẻ mà tôi gặp đều được học hành đến nơi đến chốn, được trang bị kiến thức để một khi đất nước mở cửa là họ sẵn sàng đón nhận những cơ hội và thử thách mới.

Tuy nhiên, đằng sau những nụ cười thân thiện là những ánh mắt khắc khoải vì thời vận chưa tới, kiến thức được học chưa biết đến bao giờ mới được vận dụng.

Ở một căn homestay chúng tôi thuê, tôi gặp một anh bạn chủ nhà tên Enit.

Enit ở cùng bạn gái, cả hai vừa tốt nghiệp kỹ sư phần mềm máy tính và đang chưa biết sẽ làm việc gì vì cơ sở hạ tầng của đất nước chưa phát triển kịp so với ngành học. Hai bạn trẻ tỏ ra chán nản vì đất nước họ đẹp là thế nhưng lại giậm chân tại chỗ quá lâu.

Câu nói của bạn gái Enit “we are stuck in the past” (chúng tôi bị tắc ở quá khứ) cứ theo tôi mãi cho đến khi rời Cuba….

Tôi lại gặp một cô gái 27 tuổi, làm bác sĩ thần kinh, sau khi tôi chia sẻ nếu bạn làm việc ở Mỹ thì chắc chắn sẽ kiếm được rất nhiều tiền, cô bạn mỉm cười nhẹ nhàng nói, “Đúng, tôi nên ở bất kỳ đâu trừ ở đây.”

Rồi tình cờ tôi gặp một lớp tiếng Anh và được mời vào lớp vừa để giao lưu tiếng Anh với sinh viên, vừa để hỏi chuyện về Việt Nam, thầy Alberto kể với chúng tôi là ở Cuba, không ai không biết đến Việt Nam và Chủ Tịch Hồ Chí Minh, “từ thời José Martí chúng tôi đã được học về đất nước An Nam của các bạn”.

Thầy kể: “Bên này chúng tôi nhiều nhân tài mà không có cơ hội nên nhiều người ra đi lắm.”

Mấy bạn sinh viên nhìn chúng tôi và cười với nụ cười rất buồn. Tôi chào thầy và không quên nhắn rằng thầy là người nước ngoài đầu tiên tôi gặp không phải nhà nghiên cứu mà biết đến cái tên ‘An Nam’, chứ không phải Việt Nam.

Lớp học Tiếng Anh của thầy Alberto. Nguồn: Trần Ngọc Bích.
Tôi cho rằng nếu làm phép so sánh thì một khi hệ thống thay đổi, Cuba sẽ có rất nhiều điều kiện để phát triển hơn so với Việt Nam.

Đất nước với dân số vẻn vẹn trên 11 triệu dân trong đó có 70% dân số ở độ tuổi lao động. Những bạn trẻ vốn đã trang bị đầy đủ kiến thức kèm lòng nhiệt huyết cống hiến sẽ là lợi thế lớn so với Việt Nam thời kỳ mới mở cửa.

Vị trí địa lý của Cuba rất gần với Hoa Kỳ, cách bờ biển Florida chưa tới 100 dặm, không bị ảnh hưởng của Nho giáo, lại với nguồn tài lực từ hơn 2 triệu người Cuba ở Mỹ.

Một khi đất nước mở cửa, lượng kiều hối sẽ đổ về trực tiếp và ồ ạt sẽ là động lực để kinh tế tư nhân phát triển như chính phủ đang kỳ vọng.

Tuy hiện nay Cuba đang đối mặt với khủng hoảng nặng nề do dịch Covid làm tê liệt hoàn toàn ngành du lịch vốn là ngành chủ chốt của nước này.

Nếu có ngày trở lại hòn đảo quanh năm đầy nắng này, tôi hy vọng sẽ nhìn thấy những nụ cười tự tin trên khuôn mặt thế hệ trẻ Cuba.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của bạn Trần Ngọc Bích, hiện sống tại Hà Nội.

Nguồn: BBC