22/08/1968: Người dân Tiệp Khắc phản đối sự xâm lược của Liên Xô

Nguồn: Czechs protest against Soviet invasion, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1968, trên khắp các đường phố ở Praha và tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Thành phố New York, người Tiệp Khắc đã biểu tình phản đối việc Liên Xô xâm lược đất nước họ. Các cuộc biểu tình này nhằm nhấn mạnh sự tàn bạo của hành động xâm lược, đồng thời kêu gọi toàn thế giới cùng nhau lên án Liên Xô.

Ngày 21/08/1968, hơn 200.000 quân thuộc khối Hiệp ước Warsaw đã tràn sang Tiệp Khắc nhằm trấn áp những cải cách dân chủ và thị trường tự do do Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, Alexander Dubcek, đề xuất. Đàm phán giữa Dubcek và các nhà lãnh đạo của khối Liên Xô đã không thuyết phục được người đứng đầu Tiệp Khắc từ bỏ cương lĩnh cải cách của mình.

Cuộc can thiệp quân sự vào ngày 21/08 cho thấy Liên Xô tin rằng Dubcek đã đi quá xa và phải bị kiềm chế. Ngày 22/08, hàng nghìn người Tiệp Khắc đã tập trung tại trung tâm Praha để phản đối hành động của Liên Xô và yêu cầu quân đội nước ngoài rút đi. Dù ý định ban đầu là biểu tình hòa bình, bạo lực đã nổ ra và một số người biểu tình đã bị giết chết trong ngày 22/08, cũng như những ngày tiếp theo.

Tại Liên Hiệp Quốc, phái đoàn Tiệp Khắc gay gắt tuyên bố rằng cuộc xâm lược của Liên Xô là bất hợp pháp và đe dọa chủ quyền quốc gia của họ. Họ kêu gọi Hội đồng Bảo an hành động. Hội đồng đã bỏ phiếu với tỷ lệ 10:2, theo đó lên án cuộc xâm lược của Liên Xô; nhưng đương nhiên, Liên Xô đã phủ quyết nghị quyết này.

Cuộc xâm lược Tiệp Khắc năm 1968 đã làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của chính phủ Liên Xô trên toàn thế giới, và thậm chí đảng cộng sản ở các quốc gia như Trung Quốc và Pháp cũng lên án họ. Tuy nhiên, Dubcek đã bị phế truất vào tháng 04/1969 và Đảng Cộng sản Tiệp Khắc đã áp dụng đường lối cứng rắn đối với bất kỳ cá nhân bất đồng chính kiến nào.

Mùa xuân Praha” năm 1968, thời điểm mà hy vọng cải cách nở rộ, đã trở thành biểu tượng cho cái gọi là “Cách mạng Nhung” năm 1989. Trong năm đó, những người bất đồng chính kiến ở Tiệp Khắc đã có thể phá vỡ sự kìm kẹp của Đảng Cộng sản đối với nền chính trị quốc gia bằng cách bầu Vaclav Havel, Tổng thống phi cộng sản đầu tiên trong 40 năm.

Cuộc cách mạng dân chủ mùa thu đẫm máu của Hungary