Minh Thái Tông hỏi tội 6 điều, mượn cớ xâm lăng An Nam

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Vào năm Hồng Vũ thứ 31 [1398], Minh Thái Tổ mất, trải qua 3 năm loạn lạc tranh giành ngôi báu dưới thời Kiến Văn, đến năm 1402, Yên vương tự lập làm Vua, miếu hiệu là Thái Tông; sau đến đời Gia Tĩnh lại được truy tặng là Minh Thành Tổ. Sau khi lên ngôi, vào ngày 3/10/1402, ban chiếu báo tin cho các nước lân bang như sau:

Ngày 7 tháng 9 năm Hồng Vũ thứ 35 [3/10/1402]. Sai sứ mang chiếu chỉ về việc lên ngôi cho các nước An Nam, Tiêm La, Trảo Oa, Lưu Cầu,[1] Nhật Bản, Tây Dương,[2] Tô Môn Đáp Thứ [Sumatra], Chiêm Thành. Thiên tử dụ các quan bộ Lễ rằng:

Dưới thời Thái Tổ Cao Hoàng đế, các phiên quốc sai sứ đến triều cống đều được đối xử với lòng thành; có nước mang sản phẩm địa phương đến buôn bán được cư xử thuận tiện; hoặc không biết húy kỵ lỡ phạm vào pháp luật cũng được khoan hồng để tỏ sự chiếu cố người phương xa. Nay bốn biển một nhà, công bố rằng không coi nước nào là ngoài, hễ có lòng thành đến cống đều chấp nhận. Các ngươi hãy hiểu dụ các nước, để họ biết rõ ý Trẫm.” Minh Thực Lục v.9, tr. 205; Thái Tông q.12a, tr. 7a.

Nhân dịp này, Hồ Hán Thương nước Đại Ngu, vốn được Trung Quốc phong là An Nam, sai Sứ sang mừng và xin phong tước:

Thành Tổ nhà Minh mới lên ngôi vua, Hán Thương sai sứ sang mừng việc đăng quang và xin phong tước. Nhà Minh sai hành nhân là Dương Bột đem sắc thư sang dụ bồi thần và phụ lão trong nước, phải xét xem dòng dõi nhà Trần có còn hay không, lời tâu của Hán Thương thực hay giả, đều phải tâu bày sự thực. Hán Thương lại sai sứ theo sang triều đình nhà Minh đệ nộp tờ trạng cam đoan của bồi thần và phụ lão, nhận là đúng như lời tâu trước của Hán Thương. Vua nhà Minh tin là thực, phong Hán Thương làm An Nam quốc vương. Từ đấy, sứ thần nhà Minh đi lại nước ta như mắc cửi, nào yêu cầu, nào hạch sách, Hán Thương phải khổ sở về sự ứng tiếp.Cương Mục, Chính Biên, quyển 12.

Minh Thực Lục đề cập chi tiết hơn việc Sứ thần nhà Minh đi lại hạch sách đòi hỏi nhiều lần, nhắm xúc tiến dã tâm xâm lăng nước ta trong tương lai. Việc đòi hỏi hạch sách, lần lượt liên quan đến 6 vấn đề sau đây:

    • Thứ nhất, việc Hồ Hán Thương, xưng với nhà Minh là Hồ Đê, rằng y là cháu ngoại nhà Trần, được dân chúng suy tôn quyền coi việc nước.
    • Thứ hai, nước Chiêm Thành tố cáo An Nam chiếm đất.
    • Thứ ba, tranh chấp đất với phủ Tư Minh, tỉnh Quảng Tây.
    • Thứ tư, Bùi Bá Kỳ tố cáo họ Hồ cướp ngôi.
    • Thứ năm, Đèo Cát Hãn tại châu Ninh Viễn tố cáo An Nam chiếm mất 7 trại.
    • Thứ 6, Trần Thiêm Bình xưng là Tôn thất nhà Trần, tố cáo họ Hồ cướp ngôi.

1. Việc Hồ Hán Thương, tức Hồ Đê, xưng là cháu ngoại họ Trần, xin phong tước

Khởi đầu bởi tờ biểu trần tình của Hồ Đê gửi sang triều Minh xưng là cháu ngoại nhà Trần, được dân chúng suy tôn quyền coi việc nước; bộ Lễ nhận được tỏ vẻ không tin, xin cho mở cuộc điều tra, sự việc được Vua Thái Tông chấp thuận:

Ngày 3 tháng 4 năm Vĩnh Lạc thứ 1 [21/4/1403], quyền trông coi việc nước An Nam, Hồ Đê , sai sứ dâng biểu, sản phẩm địa phương mừng lên ngôi; cùng tâu như sau:

Trước đây Thiên triều Thái Tổ Cao Hoàng đế nhận mệnh trời thống nhất hoàn vũ, vương trước là Trần Nhật Khuê với lòng thành cho người đến triều cống trước các nước Di khác; được đội ơn ban tước Vương cai quản lãnh thổ. Nhưng chẳng may sau khi Nhật Khuê mất, con cháu và các chi thứ đều bị tuyệt tự, không có người thừa kế. Thần là cháu ngoại nhà Trần, được dân chúng suy tôn quyền coi việc nước, chủ việc cúng tế, đến nay đã 4 năm rồi; nhờ ơn Thánh đức đất nước được bình an. Nhưng danh phận chưa được chính, nên khó lòng đốc suất được kẻ dưới, dâng biểu lên cũng không có danh hiệu để xưng! Cúi mong ơn trời phong tước cho thần để cho nước bi phế được phục hưng, chốn hoang di có sự thống trị; Thần phụng mệnh tiến cống đến chết không hai lòng.

Việc đưa xuống bộ Lễ bàn luận. Bộ Lễ tâu:

Dân Di xa xôi thường cẩu thả khó tin, nên sai sứ sang điều tra.’

Thiên tử chấp thuận.” Minh Thực Lục v.9, t.337; Thái Tông q.19, t.1a.

Vua Thái Tông nhà Minh bèn sai bọn Hành nhân Dương Bột đến nước ta trực tiếp hỏi các quan lại và phụ lão hai điều: Con cháu họ Trần nối dõi, còn hay không có ai? Việc suy lập Hồ Đê, thực hay dối trá?

“Ngày 15 tháng 4 năm Vĩnh Lạc thứ nhất [5/5/1403]. Sai bọn Hành nhân Dương Bột đến dụ Bồi thần và kỳ lão An Nam:

Nhận được lời tấu của Hồ Đê rằng con cháu nối dõi của Quốc vương họ Trần tuyệt tự, Đê là cháu ngoại được dân chúng suy tôn lên tạm quyền quản lý việc nước, chủ việc tế cúng. Nay muốn được phong tước Vương để cai quản một phương. Trẫm cho rằng An Nam xa xôi, chưa thể tin ngay được, bèn sai Hành nhân đến hỏi các ngươi, như sau:

Con cháu họ Trần nối dõi, còn hay không có ai?

Việc suy lập Hồ Đê, có thực hay dối trá?

Hãy khai thực rồi tâu lên, không được nói dối, không che dấu. Người Đê sai đến cống đều được ban thưởng rồi sai về.” Minh thực Lục v. 9, tr. 342-343; Thái Tông q. 19, tr. 3a-3b.

Sau đó đến lượt tấu chương của Bồi thần và kỳ lão An Nam phúc đáp, xác nhận nhà Trần tuyệt tự, dân chúng thành tâm suy tôn Hồ Đê quyền trông coi việc quốc sự:

Ngày 15 tháng 11 năm Vĩnh Lạc thứ nhất [28/12/1403], An Nam sai sứ theo bọn Hành nhân Dương Bột đến kinh đô triều cống, dâng tấu chương của các kỳ lão và Bồi thần như sau:

Quốc vương nước An Nam là Trần Nhật Khuê [vua Trần Dụ Tông] là nước đầu tiên, vào năm Hồng Vũ thứ 2, dâng biểu xưng thần triều cống. Thiên triều ban ân, phong tước Vương, cai quản một phương, được truyền con cháu lâu dài nơi cõi ngoài. Bất hạnh Nhật Khuê mất, con nối dõi vắn số, rồi các cháu lần lượt chết. Sau hơn 30 năm lâm vào cảnh tuyệt tự, người trong nước rất lấy làm đau lòng. Hô Đê quả thực là cháu ngoại, thuở nhỏ ở trong cung, lại cung thuận cẩn thận thờ kẻ trên; nên được dân chúng thành tâm suy tôn Đê quyền trông coi việc quốc sự, lo việc tông miếu cho họ Trần. Đến nay đã 4 năm, phàm việc lớn việc nhỏ đều yên. Thiên sứ hạ cố đến đây tra hỏi, bọn hạ thần thấp hèn ngu muội lấy sự thực tâu, cúi mong ơn trên thể theo lòng dân chúng ban cho tước mệnh, trông coi nước này, để dân đen được sống yên chỗ. Nay liều chết tâu lên.” Minh Thực Lục v. 10, tr. 0464; q. 25, tr. 8b.

Triều Minh không hạch hỏi được điều gì hơn, bèn phong Hồ Đê làm An Nam quốc vương:

Ngày 24 tháng 11 nhuần năm Vĩnh Lạc thứ nhất [6/1/1404], sai Lang trung bộ Lễ Hạ Chỉ Thiện mang chiếu chỉ đến An Nam phong Hồ Đê làm An Nam Quốc vương. Chiếu rằng:

Mọi sinh linh được trời đất che chở đều là con đỏ của ta; đặt ra ty, mục cai trị nhắm hợp với lòng dân. Xưa kia, đất An Nam các ngươi là quận nơi biên giới, nhà Tống thể theo lòng dân bèn phong tước Vương để cai trị; nước các ngươi sát với Trung Châu nên ảnh hưởng nền thanh giáo. Khi vua cha của Trẫm, Thái tổ Hoàng đế mới lên ngôi, nước ngươi đầu tiên đến qui phụ. Trẫm nối ngôi lớn, ngươi Hồ Đê cũng dốc lòng thành tận tụy với chức vụ. Tâu rằng trước đây họ Trần bị tuyệt tự, ngươi là cháu ngoại lo việc tế tự đến nay được 4 năm. Hỏi han dân chúng, lời khai cũng tương đồng, nên đặc cách mệnh ngươi làm An Nam Quốc vương.

Y Hy! Làm điều thiện được ban tốt lành, đạo trời sáng tỏ. Hãy thờ nước lớn, khoan dung với kẻ dưới, giữ lòng thành để tiếp tục hưởng phúc.” Minh Thực Lục v.10, tr.0470; Thái Tông q. 25, tr. 11b.

2. Việc nước Chiêm Thành tố cáo An Nam chiếm đất

Khởi đầu bởi biểu văn của Quốc vương Chiêm Bà Đích Lại viết trên vàng lá, dâng cho Vua Minh như sau:

Ngày 22 tháng 7 năm Vĩnh Lạc thứ 1 [9/8/1403], Quốc vương Chiêm Thành Chiêm Ba Đích Lại sai sứ là bọn Bà Phủ Tức dâng biểu văn viết trên vàng lá, triều cống phương vật. Lại nói rằng Chiêm Thành giáp giới với An Nam, mấy lần bị nước này xâm lược khổ sở; xin giáng sắc dụ để răn đe. Thiên tử chấp thuận, lại ban cho Sứ giả tiền giấy, bộ y phục hoa văn.” Minh Thực Lục v.10, tr. 0400; Thái Tông q. 21,tr. 12b.

Sau khi nhận được biểu văn từ Chiêm Thành, Minh Thái Tông gửi sắc dụ cảnh cáo Vua An Nam Hồ Đê [Hồ Hán Thương] như sau:

Ngày mồng 8 tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ nhất [25/8/1403]. Sắc dụ Hồ Đê nước An Nam rằng:

 “Trẫm lâm ngự vạn phương, thể theo đạo trời mà cai trị, một vật không được yên chỗ cũng là lỗi ở ta. Nay Chiêm Thành nói rằng cùng với nước ngươi đất đai tiếp giáp; ngươi mấy lần hưng binh xâm lăng, giết người, cướp đoạt tài vật; người dân Chiêm Thành khốn khổ vì sự độc hại bởi các ngươi. Phàm đất đai hai nước truyền từ thời xưa, do Thiên tử làm chủ, sao lại cậy mạnh vượt chiếm! Làm ác thì gặp họa, lời răn đã có từ xưa. Nay tha cho, việc đã qua không xét tới; từ nay trở về sau phải giữ gìn biên cảnh, bỏ việc binh đao, hòa hiếu, thì hai nước sẽ được hưởng phúc. Khâm tai!” Minh Thực Lục v. 10, tr.0408; Thái Tông q. 22, tr. 2b.

Cương Mục chép rằng vào năm 1403, Hồ Hán Thương sai Phạm Nguyên Côi và Đỗ Mẫn sang đánh Chiêm Thành, vây thành Chà Bàn (Đồ Bàn) tại Bình Định nhưng không thắng, lại gặp quân Minh sang ngăn cản, nên đành rút quân về:

Hán Thương đã lấy được đất Chiêm Động và Cổ Lũy, có ý muốn lấy hết cả đất của người Chiêm Thành, dự định chia các đất ở phía nam châu Tư, châu Nghĩa là Bản Đạt Lang, Hắc Bạch và Sa Li Nha làm châu huyện. Mới bổ dụng Phạm Nguyên Côi làm đô tướng quân thủy, Hồ Vấn làm phó; Đỗ Mẫn làm đô tướng quân bộ, Đỗ Nguyên Thác làm phó. Quân thủy, quân bộ tất cả 20 vạn, đều phải chịu dưới quyền điều khiển của Nguyên Côi; người nào ra trận mà nhút nhát sẽ xử trảm, điền sản và vợ con sung công. Khi quân đã đến Chiêm Thành, sắm sửa nhiều khí giới chiến đấu, bao vây thành Chà Bàn, vì quân đi đã chín tháng, bị hết lương ăn, lại không hạ được thành, nên phải kéo về.

Trước đây, người Chiêm Thành cầu cứu với nhà Minh, nhà Minh dùng 9 chiếc binh thuyền vượt biển sang cứu, gặp đạo quân của bọn Nguyên Côi, người nhà Minh bảo Nguyên Côi rằng:

‘Nên rút quân về ngay, không nên ở lại nữa’.

 Khi bọn Nguyên Côi về đến kinh thành, Quý Ly quở trách về tội không sao giết hết được quân nhà Minh, còn Nguyên Trác vì trái tướng lệnh, nên phải tội đày làm lính.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 12.

Riêng đối với triều Minh, đáp lại sắc dụ ngày mồng 8 tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ nhất [25/8/1403] đàn hạch việc xâm lấn Chiêm Thành, Hồ Hán Thương hứa sẽ bãi binh:

Ngày 28 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ nhất [9/2/1404], Hồ Đê nước An Nam sai sứ chúc mừng ngày lễ Nguyên Đán, tiến cống phương vật và dâng biểu chương tạ tội như sau:

Nhận được sắc thư trách thần về việc gây việc binh đánh Chiêm Thành, thần tội rất nặng, được ơn lớn như trời đất tha cho không tru phạt, thần cảm thấy xấu hổ và sợ sệt không kể xiết. Nay xin nghiêm cẩn bãi binh, an dân, đáp lại lời dạy của thánh Thiên tử.’

Thiên tử cho rằng biết hối lỗi, ban sắc dụ khuyến khích. Lúc bấy giờ tuy đã có chiếu phong Hồ Đê An Nam Quốc vương; nhưng trong biểu chương không xưng Vương, do bởi chiếu mệnh chưa tới nơi.Minh Thực Lục v. 10, tr. 0488; Thái tông q. 26, tr. 7b.

Hơn nửa tháng sau, Minh Thái Tông gửi sắc dụ cho Chiêm Thành báo tin rằng An Nam hứa sửa đổi, không xâm lấn nữa:

Ngày 15 tháng giêng năm Vĩnh Lạc thứ 2 [25/2/1404], sai sứ mang sắc dụ Quốc vương nước Chiêm Thành Chiêm Ba Đích Lại rằng:

‘Ngươi tâu rằng mấy lần bị nước An Nam xâm lấn. Ta đã sai người đến dụ nước này phải bãi binh, an dân. Nay Vương An Nam là Hồ Đê ngõ lời chịu tội, không dám vượt qua xâm lấn nữa. Người đã sửa sai thì không sai nữa, ngươi nên hòa mục với lân bang và bảo vệ người dưới.” Minh Thực Lục, v. 10, tr. 494-495; Thái Tông q. 27, tr.2b-3a.

Rồi hơn nửa năm sau, Chiêm Thành lại tâu rằng An Nam vẫn tiếp tục quấy phá, và trầm trọng hơn, dám tước đoạt đồ vật triều đình Trung Quốc ban cho Sứ thần Chiêm Thành:

Ngày mồng 1 tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ 2 [5/9/1404], Quốc vương Chiêm Thành Chiêm Ba Đích Lại sai sứ Bộ Cai Tự Bãi Ni đến triều cống tê giác, sản phẩm địa phương và tâu rằng:

Trước đây đã tâu việc An Nam đánh phá, cướp bóc người và súc vật; ngưỡng ơn triều đình giáng sắc dụ bắt bãi binh. Nhưng Quốc vương Hồ Đê nước này không tuân lời giáo huấn của thánh Thiên tử; tháng 4 năm nay lại mang thủy quân xâm nhập biên cảnh, dân chúng chịu độc hại. Gần đây sứ giả [đến Trung Quốc] mang đồ vật được ban cho trở về, đều bị tước đoạt; lại áp bức thần phải nhận mũ, y phục, ấn chương, bắt làm thuộc quốc; chiếm cứ các xứ Sa Li Nha, nay lại đánh cướp Mộc Dĩ. Thần sợ không thể tự tồn được phải nạp đất đai để họ cho người cai trị.”

Thiên tử giận dữ, mệnh bộ Lễ mang sắc dụ Hồ Đê, cùng ban cho sứ Chiêm Thành tiền giấy.” Minh Thực Lục v. 10, tr.0582-0583; Thái Tông q. 33, tr. 4b-5a.

Hai ngày sau, Minh Thái Tông ban sắc dụ quở trách Quốc vương An Nam nặng nề; lại đàn hạch thêm việc Phủ Tư Minh tỉnh Quảng Tây tâu An Nam lấn chiếm đất châu Lộc, châu Tây Bình, trại Vĩnh Bình:

Ngày mồng 3 tháng 8 năm Vĩnh Lạc Thứ 2 [7/9/1404], sai sứ mang sắc dụ Quốc vương An Nam Hồ Đê rằng:

 ‘Trước đây ngươi mấy lần xâm lăng Chiêm Thành, ta đã dụ ngươi phải thành khẩn hòa mục với lân bang. Rồi nhận được tờ tâu của ngươi hứa rằng từ nay trở về sau đâu dám không bãi binh! Ta vui vì ngươi chịu sửa sai lầm, nên giáng sắc dụ khuyến khích. Gần đây, Chiêm Thành tâu rằng ngươi lại cho thủy quân cướp phá biên cảnh, cướp đoạt dân chúng; Sứ triều cống trở về, mang những đồ vật ban cho, đều bị tước đọat; lại cưỡng bách phải nhận mũ, áo, ấn chương của ngươi để bắt làm thần thuộc. Trái lễ, ngược ngạo tăng thêm không ngớt! Phủ Tư Minh Quảng Tây lại tâu ngươi chiếm đoạt châu Lộc, châu Tây Bình, trại Vĩnh Bình. Những vùng này là đất của Trung Quốc mà ngươi đoạt lấy, phóng túng không kiêng kỵ, việc làm như vậy thì nước mất sớm đó thôi. Trẫm không nỡ thảo phạt ngay bởi vậy lại dụ rõ ràng quỉ thần họa hại. Ngươi phải sửa sai ngay đi, nếu không sẽ không có lợi cho An Nam nữa!” Minh Thực Lục v. 10, tr.0583; Thái Tông q. 33, tr. 5a.

Năm ngày sau, Vua Thái Tông lại ban sắc dụ cho Vương Chiêm Thành báo tin rằng đã giảng trách An Nam, nếu Vua nước này vẫn còn ngoan cố thì sẽ có cách xử trí. Nhưng mãi đến năm Vĩnh Lạc thứ 4 [1406], khi Trương Phụ mang quân sang đánh An Nam, sự việc vẫn không giải quyết xong; rồi Chiêm Thành hợp tác với Trương Phụ trong cuộc cuộc xâm lăng nước ta:

Ngày 8 tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ 2 [12/9/1404]. Ban cho Quốc vương Chiêm Thành Chiêm Ba Đích Lại tiền giấy, cùng sắc dụ như sau:

 ‘Vương lại tấu những việc xâm nhiễu của An Nam, Trẫm đã tiếp tục giáng sắc trách Hồ Đê. Vương cũng nên tu sửa đức, khéo bảo vệ người trong nước. Nếu như Hồ Đê ngoan cố không sửa đổi, lỗi do tại y; triều đình sẽ có cách xử trí.” Minh Thực Lục v. 10, tr. 0585; Thái Tông q. 33, tr. 6a.

3. Việc tranh chấp đất với phủ Tư Minh

Trong bài nghiên cứu lịch sử triều đại Trần Thuận Tông, có đề cập đến việc năm Hồng Vũ thứ 30 [20/3/1397], Tri phủ Tư Minh Hoàng Quảng Thành tố cáo An Nam lấn đất; nhưng đã bị phía An Nam viện lý lẽ bác bỏ. Nay đến thời Minh Thái Tông, viên Tri phủ Hoàng Quảng Thành thấy vị Vua này thiếu thiện cảm với An Nam, nên dâng thư lên tố cáo một lần nữa:

Ngày 3 tháng 4 năm Vĩnh Lạc thứ 2 [11/5/1404], Tri phủ Tư Minh Quảng Tây, Hoàng Quảng Thành tâu:

Bản phủ tiếp giáp với An Nam; châu Lộc, châu Tây Bình, trại Vĩnh Bình đều là đất cũ của cha ông. Năm gần đây, An Nam mấy lần mang binh xâm lấn rồi chiếm lấy. Nay gặp thánh nhân cai trị, nếp cũ được tôn trọng; nghĩ đến đất đai của thần truyền từ nhiều đời, hy vong Thiên tử anh minh soi xét cương vực, ra chỉ dụ bắt trả lại thì thật may mắn.” Thiên tử chấp thuận. Minh Thực Lục v. 10, tr. 0538; Thái Tông q.30, tr. 3b.

Một tháng sau, vua Thái Tông sai quan bộ Lễ gọi Sứ thần An Nam đến, thuật lại lời Tri phủ Tư Minh tố cáo, kèm theo lời đe dọa nặng nề:

Ngày 19 tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 2 [25/7/1404], Quốc vương An Nam Hồ Đê sai sứ dâng biểu tạ ân. Thiên tử sai quan thuộc bộ Lễ dụ Sứ giả rằng:

 “An Nam trước kia tự xưng là nước hiểu biết về lễ. Nay phủ Tư Minh tố cáo rằng châu Lộc, châu Tây Bình, trại Vĩnh Bình là đất cũ của phủ Tư Minh; đất này tiếp giáp với An Nam, đã bị An Nam chiếm đoạt. Khi các ngươi trở về hãy nói với Vương các ngươi rằng, nếu như không phải đất của An Nam thì phải trả lại gấp. Hãy lo giữ gìn lãnh thổ, yên phận, hòa hiếu với lân bang thì sẽ hưởng phú quí lâu dài.” Minh Thực Lục v. 10, tr. 0569; Thái Tông q. 32, tr. 3b.

Cảm thấy không thể chần chừ được với Minh Thái Tông hiếu chiến, nên vào tháng 2, năm Khai Đại thứ 3 [1405] cha con Hồ Quý Ly sai Hoàng Hối Khanh cắt đất nhường cho nhà Minh:

Trước đây, Hoàng Quảng Thành, thổ quan châu Tư Minh, tâu với vua Minh rằng Lộc Châu nguyên là đất cũ của châu Tư Minh. Vua nhà Minh sai người sang nước ta dụ bảo trả lại đất ấy cho châu Tư Minh, nhưng Quý Ly không nghe. Nay lại sai sứ thần sang đòi, Quý Ly cho Hối Khanh sung làm cát địa sứ.[3] Hối Khanh đem đất 59 thôn ở Cổ Lâu trả cho nhà Minh; sau Quý Ly quở trách Hối Khanh về tội trả đất quá nhiều. Những thổ quan do nhà Minh đặt ra để giữ đất mới nhượng ấy, Quý Ly ngầm sai người bản thổ đánh thuốc độc cho chết.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 12.

4. Bùi Bá Kỳ tố cáo.

Một cận thần nhà Trần, Bùi Bá Kỳ, trốn sang Trung Quốc; tố cáo họ Hồ cướp ngôi, giết nhiều quan lại cùng tôn thất; được vua nhà Minh ưu đãi:

Ngày 6 tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ 2 [10/9/1404]; Bồi thần An Nam là Bùi Bá Kỳ đến cáo cấp, lời tâu rằng:

‘Gia đình thần đời đời thờ họ Trần nước An Nam, cha ông thần là quan Đại phu, chết vì việc nước. Mẹ thần thuộc dòng thân cận tôn thất họ Trần; vì vậy, lúc nhỏ thần được hầu hạ Quốc vương, tước ngũ phẩm; rồi được làm Tỳ tướng cho Vũ tiết hầu Trần Khát Chân. Năm Hồng Vũ thứ 32 [1399] thay Khát Chân mang binh ra biển Đông Hải chống cự với giặc Nụy [Nhật Bản]. Lúc này gian thần cha con Lê Quí Ly giết chúa soán ngôi, hãm hại trung thần, diệt cả dòng họ có đến trăm mười người. Anh em vợ con thần đều bị giết hại; lại sai người đi bắt thần để xẻ thịt. Thần nghe việc biến bèn bỏ quân ngũ, chạy trốn vào rừng, sống nơi cùng tịch cùng Mường Mán, vượn khỉ. Lòng trung thành sáng chói, nhưng uất ức không có chỗ tố cáo. Mới đây nghe tin Hoàng thượng lên ngôi báu, mở mang sự cai trị ra muôn nơi, nên muốn được phơi bày gan ruột, cầu xin diệt nạn giặc này. Trải qua nhiều gian nan nguy hiểm, đến được biên giới. Giả mạo cùng với lái buôn khiêng vác hàng hóa, tháng 4 năm nay đến phủ Tư Minh, Quảng Tây. Nhờ quan ty đưa đón và may mắn được chiêm bái Hoàng thượng. Thần trình rằng gian thần Lê Quí Ly là con của cố Kinh lược Lê Quốc Kỳ. Y đã hưởng ân sủng dưới triều nhà Trần, con là Thương cũng được ban chức cao. Đắc chí với tham vọng, giết vua, đổi tên họ là Hồ Nhất Nguyên; con là Hồ Đê tiếm hiệu soán ngôi, không tôn trọng mệnh lệnh Thiên triều, ngược đãi con dân trăm họ, dân chúng hàm oan kêu trời khấn đất, trung thần nghĩa sĩ nhức óc đau lòng. Thần trong lòng khích động vì điều nghĩa, mạo muội tâu lên Thiên tử xin ban rộng lòng nhân, thương dân chúng vô tội, mang quân cứu dân phạt tội, nối dòng chính thống bị đứt, thần tình nguyện cầm cung nõ đi dẫn đường biểu dương uy trời, những người trung nghĩa hưởng ứng họp lại diệt bọn giặc, quét sạch hung đồ, lập lại con cháu nhà Trần giữ đất này trở thành nước Di[4] cõi xa, đội ơn thánh đức, cung kính triều cống, vĩnh viễn làm ngoại phiên. Thần bất tài, trộm bắt chước Thân Bao Tư[5] chịu tội đáng chết để thỉnh cầu, kính xin Bệ hạ thương xót.’

Thiên tử thương tình, mệnh quan ty cấp cho y phục và thực phẩm.” Minh Thực Lục v. 10, tr. 0584-0585; Thái Tông q. 33, tr. 5b-6a.

5. Đèo Cát Hãn tại châu Ninh Viễn tố cáo An Nam chiếm mất 7 trại

Nội vụ được tâu lên, Vua Thái Tông bèn sai Sứ sang hạch hỏi:

“Ngày 6 tháng 2 năm Vĩnh Lạc thứ 3 [6/3/1405], Thổ quan châu Ninh Viễn, Vân Nam là Đèo Cát Hãn tâu rằng :

‘Hạt của thần có 7 trại tại Mãnh Mạn, vốn đất xưa của tổ tông, mới đây bị An Nam đánh chiếm; lại bắt rể và con gái của thần cùng dân chúng, súc vật. Ngoài ra còn bắt trưng nạp phục dịch trăm lối. Thần đời đời phụng cống Trung Quốc, nay bị ngược hại không thể chịu nổi, xin được triều đình thương xót.’

Thiên tử khiến bộ Lễ sai Sứ mang sắc dụ Hồ Đê nước An Nam rằng:

Trước đây đã sai Ngự sử Lý Kỳ hỏi ngươi về việc giết chúa, tiếm vị, cải quốc hiệu. nay châu Ninh Viễn[6] lại tâu rằng ngươi chiếm đọat 7 trại tại Mãnh Mạn, bắt trai gái, cướp người vật; trưng thu sưu dịch trăm cách; sự việc như thế nào ngươi hãy tâu sự thực.” Minh Thực Lục .v. 10, tr. 651; Thái Tông q. 39, tr. 2a.

Riêng điều thứ 6 đề cập đến việc Trần Thiêm Bình xưng là Tôn thất nhà Trần, tố cáo họ Hồ cướp ngôi; trải qua nhiều cuộc thương lượng giữa triều Minh và họ Hồ; cuối cùng Hồ Hán Thương xin đón Trần Thiêm Bình về nước, rồi sai phục binh giết đi; hậu quả nhà Minh mang đại quân sang xâm lăng nước ta; sự việc dài dòng, xin trình bày theo trình tự tại bài kế tiếp.

—————–

[1] Lưu Cầu: tên nước xưa, nay là quần đảo thuộc phía nam Nhật Bản.

[2] Tây Dương: theo Từ Hải, nước thời Minh gọi là Tây Dương nay thuộc quần đảo Nam Dương.

[3] Cát địa sứ: Sứ giả lo việc cắt nhường đất.

[4] Di: ngườiTrung Quốc xưa khinh thường các nước lân bang, nên gọi họ là Di.

[5] Thân Bao Tư: quan Ðại phu nước Sở thời Xuân Thu. Khi quân nước Ngô đánh Sở, Bao Tư đến nước Tần xin quân cứu viện; đứng bên tường khóc suốt 7 ngày; Tần Ai Công cảm lòng thành mang quân đi cứu, khiến quân Ngô phải rút lui.

[6] Theo Toàn Thư, châu Ninh Viễn tức Mường Lễ, sau này hàng vua Lê Thái Tổ được đổi là châu Phục Lễ; nay thuộc tỉnh Lai Châu.