Nguồn: Beirut barracks blown up, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1983, một kẻ đánh bom liều chết đã lái một chiếc xe tải chở đầy chất nổ lao thẳng vào doanh trại Thủy quân Lục chiến Mỹ ở Beirut, giết chết 241 quân nhân. Cũng trong sáng hôm ấy, trong một vụ tấn công khủng bố khác xảy ra cách đó hai dặm, 58 lính Pháp đã thiệt mạng. Thủy quân Lục chiến Mỹ là một phần của lực lượng đa quốc gia được cử đến Lebanon vào tháng 8/1982 để giám sát việc người Palestine rút khỏi Lebanon. Ngay từ những ngày đầu, sứ mệnh này đã gặp phải nhiều vấn đề – và con số thương vong cứ ngày một tăng cao.
Năm 1975, một cuộc nội chiến đẫm máu nổ ra ở Lebanon, du kích Hồi giáo cánh tả cùng người Palestine tham gia đối đầu dân quân của Đảng Thiên Chúa giáo Phalange, Cộng đồng Thiên Chúa giáo Maronite và các nhóm khác. Trong vài năm sau đó, can thiệp từ Syria, Israel và Liên Hiệp Quốc đều không thể giải quyết giao tranh giữa các phe phái, và vào ngày 20/08/1982, một lực lượng đa quốc gia bao gồm 800 lính Thủy quân Lục chiến được lệnh đến Beirut để giúp điều phối việc rút quân của người Palestine.
Thủy quân Lục chiến Mỹ rời lãnh thổ Lebanon vào ngày 10/09 nhưng đã sớm quay trở lại với quân số còn cao hơn vào ngày 29/09, sau khi dân quân Cơ đốc giáo thảm sát người tị nạn Palestine. Ngày hôm sau, một lính Thủy quân Lục chiến Mỹ đầu tiên được ghi nhận thiệt mạng trong khi đang làm nhiệm vụ gỡ bom. Trong khi đó, những người lính khác đã trở thành con mồi cho những tay súng bắn tỉa.
Ngày 18/04/1983, một kẻ đánh bom liều chết lái một chiếc xe tải nhỏ đã tấn công đại sứ quán Mỹ ở Beirut, giết chết 63 người, trong đó có 17 người Mỹ. Sau đó, vào ngày 23/10, một tên khủng bố người Lebanon đã lao thẳng chiếc xe tải chở đầy bom của hắn qua ba chốt gác có hàng rào thép gai, tiến vào sảnh của trụ sở Thủy quân Lục chiến ở Beirut, nơi hắn cho nổ một quả bom lớn, giết chết 241 lính thủy quân lục chiến, hải quân, và nhân viên. Quả bom, được làm bằng một loại chất nổ phức tạp được tăng cường bằng khí gas, có sức nổ tương đương với 8,1 tấn thuốc nổ. Danh tính của những kẻ đánh bom đại sứ quán và doanh trại không được xác định, nhưng chúng bị nghi là những kẻ khủng bố người Shiite có liên hệ với Iran.
Sau vụ đánh bom doanh trại, nhiều người đặt câu hỏi liệu Tổng thống Ronald Reagan có mục tiêu chính sách nào vững chắc ở Lebanon hay không. Người ta cũng đặt câu hỏi về chất lượng an ninh trong khu vực đóng quân của Mỹ tại đất nước đang bị chiến tranh tàn phá này. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Mỹ khi ấy chiếm giữ một khu vực lộ thiên gần sân bay, nhưng vì lý do chính trị, vị chỉ huy Thủy quân Lục chiến đã không được phép duy trì một vành đai an toàn toàn diện trước cuộc tấn công. Trong bài phát biểu trước toàn quốc ngày 23/10, Tổng thống Reagan thề sẽ duy trì lực lượng Thủy quân Lục chiến ở Lebanon, nhưng chỉ 4 tháng sau, ông tuyên bố chấm dứt vai trò của người Mỹ trong lực lượng gìn giữ hòa bình này. Đến ngày 26/02/1984, lực lượng chính của Thủy quân Lục chiến Mỹ đã rời Lebanon, chỉ để lại một đội quân nhỏ để bảo vệ đại sứ quán tại Beirut.