Quan hệ Mỹ-Trung-Nga sau 1990 và dự báo xu hướng thời gian tới

Tác giả: GS. TS. Vũ Dương Huân (Học viện Ngoại giao)

Đặt vấn đề

Tam giác chiến lược là “mối quan hệ giữa 2 trong 3 nước thuộc tam giác sẽ định hình các lợi ích chiến lược của nước thứ ba và bị những lợi ích đó chi phối; những lợi ích chiến lược này bao gồm mục tiêu áp đặt trật tự toàn cầu theo ý một nước, tạo ra mâu thuẫn và thúc đẩy tranh giành quyền lực giữa chính các nước nay”.[1]

Tham luận có mục tiêu làm rõ thực trạng quan hệ Mỹ-Trung-Nga sau Chiến tranh Lạnh và dự báo quan hệ giữa ba nước từ nay đến 2030. Do vấn đề lớn, nên tham luận chỉ tập trung vào phân tích quan hệ Mỹ-Trung-Nga trong giai đoạn từ năm 2014 cho đến nay.

1. Đôi nét quan hệ Mỹ – Liên Xô-Trung Quốc trong Chiến tranh Lạnh

1.1.Khái quát quan hệ

Giai đoạn 1945-1949: Quan hệ tay ba Mỹ -Xô -Trung hình thành vào cuối chiến tranh thế giới lần thứ hai ở châu Á – Thái Bình Dương giữa Mỹ, Liên Xô và Chính quyền Tưởng Giới Thạch, Đảng Cộng sản Trung Quốc. Mỹ, Xô hợp tác tiêu diệt phát xít Nhật. Mỹ đã tích cực ủng hộ chính quyền Tưởng Giới Thạch về chính trị quân sự và ngoại giao trong nội chiến với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Còn Liên Xô của Stalin có chính sách nước đôi vừa ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc, vừa đề phòng Quốc dân Đảng giành chiến thắng. Thực chất, Liên Xô ủng hộ “một nước Trung Quốc chia rẽ” hơn “một nước Trung Quốc mạnh”.

Giai đoạn 1949-1960: Xô -Trung liên minh chống Mỹ. Trung Quốc thực hiện thực hiện chiến lược đối ngoại “nhất biên đảo”.

Giai giai đoạn: 1960-1969: Trung Quốc chuyển từ chiến lược nhất biên đảo sang chính sách “hai tuyến”, thực hiện chính sách đóng cửa và vừa chống xét lại, vừa chống đế quốc.

Giai đoạn 1969-1991: Trong 10 năm đầu, Mỹ -Trung: hoà hoãn và từng bước tiến đến bình thường hóa năm 1979. Liên Xô lo ngại quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ và Trung Quốc nên xúi gục Ấn Độ chia cắt Pakistan, đồng minh của Trung Quốc và đề nghị Trung Quốc ký kết các thỏa thuận giảm căng thẳng, cải thiện quan hệ song bị nước này từ chối. Hoà hoãn Xô-Mỹ được triển khai do hai bên đều có yêu cầu. Liên Xô, Mỹ ký kết Hiệp ước hạn chế về hệ thống phòng chống tên lửa ABM (1972), Hiệp ước hạn chế vũ khí tiến công chiến lược SALT-1 1973.

Trong những năm 1979-1989, hòa dịu Xô-Mỹ kết thúc do Liên Xô đưa quân vào Afghanistan và Mỹ đưa ra Sáng kiến phòng thủ chiến lược (1983). Năm 1985, Gorbachev trở thành lãnh đạo cao nhất Liên Xô và với “tư duy mới”, tiến hành công cuộc cải tổ cả đối nội và đối ngoại. Năm 1987, Mỹ và Liên Xô ký Hiệp ước về tên lửa tầm trung và Hiệp ước START-2 cuối năm 1989. Hai bên tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Lạnh.

Quan hệ Mỹ-Trung Quốc phát triển bình thường cho đến khi ở Trung Quốc bùng nổ vụ Thiên An Môn (6/1989) và bị Mỹ, Phương Tây trừng phạt.

Đặng Tiểu Bình trở thành lãnh đạo tối cao của Trung Quốc (1977), đẩy mạnh cải cách mở cửa. Trung, Nga tiến tới bình thương hóa quan hệ (5/1989).[2]

1.2. Đặc điểm quan hệ tam giác Mỹ-Xô-Trung

 Từ thực tiễn trên, có thể rút ra một số đặc điểm quan hệ Mỹ-Xô- Trung trong thời kỳ này như sau:

– Các cực trong tam giác không cân xứng.

– Trạng thái vận động đa dạng. Vận động liên tục và chuyển đổi trạng thái rất linh hoạt. Nguyên nhân: Mục tiêu, lợi ích thay đổi; Tương quan lực lượng thay đổi; Tình hình nội bộ cũng như biến động của quốc tế .

– Cục diện linh hoạt theo từng giai đoạn: Theo lý thuyết trò chơi của Lowell Dittmer (1981), có 3 cục diện tam giác chiến lược dựa trên mối quan hệ hòa hảo hay đối nghịch giữa ba quốc gia. i) Cộng cư tam giác: 3 quốc gia duy trì quan hệ thân thiện với nhau; ii) Tam giác tình cảm: một quốc gia ở vị trí trục có quan hệ tốt với hai quốc gia cánh, đối địch nhau; iii) Hôn nhân vững chắc, trong đó 2 quốc gia duy trì quan hệ thân thiết, cùng có quan hệ đối địch với nước thứ ba.[3]

Thực tiễn quan hệ giữa Mỹ-Xô-Trung trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh đã tồn tại Cục diện Hôn nhân vững chắc: Liên Xô, Trung Quốc (1949-1960) và Mỹ và Trung Quốc (1978-1989). Ngoài ra, đã diễn ra Cục diện Tam giác tình cảm: giai đoạn 1970-1979, Mỹ ở vị trí trục, và giai đoạn 1980-1989, khi Trung Quốc ở vị trí trục. Trong giai đoạn này, không diễn ra cục diện Cộng cư tam giác.

2. Quan hệ Mỹ-Trung-Nga từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay

2.1. Thế giới sau Chiến tranh Lạnh

Các chế độ xã hội chủ nghĩa của các nước Đông Âu cuối năm 1989 lần lượt tan rã, đặc biệt, Liên Xô sụp đổ (12/1991). Chiến tranh Lạnh kéo dài hơn 40 năm chấm dứt. Trật tự cũ, trật tự hai cực Xô – Mỹ biến mất do sụp đổ của một trong hai siêu cường. Thế giới từng bước chuyển sang trật tự mới, trật tự đa cực. Đai hội VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (1996) cho rằng “Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, và các nước Đông Âu sụp đổ, khiến chủ nghĩa xã hội lâm vào thoái trào, nhưng điều đó không làm thay đổi tính chất của thời đại; loài người vẫn đang trong thời đại quá độ từ chủ nghĩ tư bản lên chủ nghĩa xã hội”.[4] Trong thời kỳ quá độ, thế giới có những đặc điểm và xu thế sau đây:

– Hòa bình, ổn định và hợp tác để phát triển là xu thế lớn. Ít có khả năng xảy ra chiến tranh thế giới, nhưng chiến tranh cục bộ xung đột vũ trang, xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp lật đổ, khủng bố còn xảy ra ở nhiều nơi với tính chất phức tạp ngày càng tăng;

– Các nước dành ưu tiên cao cho phát triển kinh tế, coi phát triển kinh tế có ý nghĩa quyết định đối với việc tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia;

– Khoa học và công nghệ có những bước phát triển nhảy vọt;

– Toàn cầu hóa là xu thế khách quan lôi cuốn nhiều nước tham gia, chứa đựng nhiều mâu thuẫn, vừa có mặt tích cực, vừa có mặt tiêu cực, vừa có hợp tác và đấu tranh;

– Thế giới đứng trước nhiều vấn đề toàn cầu mà không không quốc gia riêng lẻ nào có thể tự giải quyết được…

– Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương sau khủng hoảng tài chính- kinh tế có khả năng phát triển năng động nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nhân tố gây bất ổn…[5]

Tình hình trên ảnh hưởng đến quan hệ giũa ba cường quốc Mỹ, Trung Quốc, Nga.

2.2. Quan hệ Mỹ -Trung -Nga trước năm 2014

Quan hệ Mỹ -Trung -Nga từ đầu thập niên 1990 đến nay có thể chia làm ba giai đoạn: 1991- 2008; 2008- 2014 và từ 2014 đến nay.

1991-2014 là giai đoạn khoảnh khắc đơn cực. Là siêu cường duy nhất còn lại sau khi hai cực sụp đổ, lợi dụng sức mạnh kinh tế, khoa học-công nghệ, quân sự, chính trị, văn hóa… Mỹ quyết tâm thiết lập trật tự đơn cực do Mỹ chỉ đạo. Mỹ cùng NATO ném bom Kosovo, thuộc Cộng hòa Serbia (1999), tiến hành chiến tranh chống khủng bố tại Afghanistan (2001) với học thuyết “ hoặc đứng về phía chúng tôi, hoặc đứng về phía khủng bố”, xâm lược Iraq (2003).

Sau khi trở thành quốc gia độc lập, kế thừa pháp lý Liên Xô, Nga tiến hành chính sách đối ngoại một hướng thân Phương Tây. Sau 2 nhiệm kỳ lãnh đạo, Tổng thống Putin chặn đứng được khủng hoảng chính trị- kinh tế- xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia và phát triển ổn định, thịnh vượng. Trong lĩnh vực kinh tế, GDP từ vị trí 14 vươn lên vị trí thứ 5 thế giới; giảm nợ công xuống 22,7 lần, giảm nợ nước ngoài từ 138 tỷ USD vào năm 1999 (chiếm 78% GDP) xuống còn 54,8 tỷ USD vào năm 2014, chiếm 8,4% GDP, tăng dự trữ ngoại tệ tính theo giá trị vàng lên 30 lần; giảm 2,5 lần số người sống ở mức nghèo khổ từ những năm 90 tới năm 2015; thu nhập thực tế của 4/5 số người Nga vượt quá mức cao điểm của Liên Xô vào năm 1980. Với chiến thắng trong chiến tranh 5 ngày tại Nam Ossetia (8/2008), nước Nga đã khôi phục vị trí cường quốc của mình.[6] Quan hệ Nga- Mỹ phát triển khá ổn định, tháng 4/2010, Hiệp ước mới thay thế START 1 giữa hai nước được ký kết, Nga là thành viên G-8 (1995).

Về quan hệ Mỹ-Trung sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989, Mỹ cùng các nước Phương Tây cấm vận Trung Quốc, quan hệ Mỹ-Trung đình trệ. Khủng hoảng tài chính-kinh tế bùng nổ tại Mỹ cuối năm 2008, tác động xấu đến kinh tế Mỹ, kinh tế thế giới. Tranh thủ cơ hội này, Trung Quốc đấy mạnh phát triển kinh tế- xã hội; lợi dụng những khó khăn do Mỹ lún sau vào chiến tranh chống khủng bố tại Afghanistan và Iraq để vươn lên. Năm 2010, kinh tế Trung Quốc đạt 5.879 tỷ USD, vượt kinh tế Nhật trở thành nền kinh tế thứ 2 thế giới.[7] Quan hệ Mỹ- Trung phát triển khá ổn định.

Giai đoạn mới bắt đầu từ năm 2014, sau khủng hoảng chính trị Ukraine. Tháng 21/11/2013, Tổng thống Ukraine V. Yanukovych từ chối ký Hiệp định liên kết với EU, dẫn đến những cuộc biểu tình do các đảng đối lập tiến hành với qui mô lớn, đặc biệt ở miền Tây và thủ đô Kiev và được phương Tây ủng hộ. Họ đòi chính phủ ký ngay hiệp định liên kết châu Âu, chính phủ từ chức, tổ chức bầu tổng thống trước hạn và quay lại Hiến pháp năm 2004. Xung đột xảy ra giữa người biểu tình và lực lượng an ninh, chính phủ trấn áp người biểu tình. Ngày 21/2/2014, với sự chứng kiến của Ngoại trưởng Đức, Ba Lan, Đại diện Nga, Tổng thống Yanukovych cùng lực lượng đối lập ký thỏa thuận giải quyết xung đột, đáp ứng mọi yêu cầu của phe đối lập. Song, ngày hôm sau, lực lượng biểu tình đã chiếm Văn phòng tổng thống, một số cơ quan chính phủ. Đồng thời, phe đối lập vận động giành được đa số tại Quốc hội. Quốc hội đã bầu Chủ tịch Đảng đối lập làm chủ tịch, biểu quyết phế truất Tổng thống hợp hiến Yanukovych, khôi phục Hiến pháp năm 2004, lập chính phủ lâm thời và ra lệnh truy nã Tống thống Yanukovych. Đây là cuộc đảo chính lập chính quyền thân Phương Tây. Bị tác động của sự kiện trên, tại Cộng hòa tự trị Crimea đã tiến hành trưng cầu dân ý với 76,77% ủng hộ sát nhập bán đảo vào nước Nga (16/3/2014) và được Tổng thống Putin chấp nhận. Phản ứng lại khủng hoang ở Kiev, vùng Donbass, đã xuất hiện 2 nước cộng hòa tự xưng, đòi có quyền tự trị với Kiev. Khủng hoảng Ukraine do nhiều nguyên nhân: bên trong, bên ngoài, sâu xa và trước mắt. Khủng hoảng để lại hệ quả sâu sắc: mở ra giai đoạn mới trong quan hệ quốc tế và cả quan hệ tam giác Mỹ-Trung-Nga. Mỹ và Phương Tây liên tiếp ra các lệnh trừng phạt và cô lập Nga, là một trong các nguyên nhân Nga-Trung xích lại gần nhau hơn. Đối với Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Trump đã coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh số 1. Trung Quốc và Nga cùng có đối thủ là Mỹ.

2.3. Quan hệ Mỹ -Trung- Nga (2014-đến nay)

2.3.1 Nội trị Mỹ, Trung, Nga

Trung Quốc: Tập Cận Bình trở thành người lãnh đạo tối cao của Đảng và Nhà nước và quân đội Trung Quốc qua Đại hội 18 (2012), Đại hội 19 (2017). Ông nhanh chóng củng cố quyền lực và được Quốc hội cho phép Chủ tịch nước không bị hạn chế bởi số lượng nhiệm kỳ.

Mục tiêu chiến lược của Trung Quốc là giấc mộng Trung Hoa. Trung Quốc xác định: 100 năm ngày thành lập Đảng (2021) xây dựng xã hội khá giả toàn diện với nền kinh tế phát triển hơn, dân chủ được kiện toàn hơn, khoa học, giáo dục tiến bộ hơn, văn hóa phồn thịnh hơn, xã hội hài hòa hơn và đời sống nhân dân sung túc hơn; đến dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (2049) sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu hiện đại hóa, xây dựng Trung Quốc thành một nước chủ nghĩa xã hội hiện đại. Từ nay đến 2049, có 2 giai đoạn nhỏ: 2020-2035 và 2035-2049. Mục tiêu giai đoạn từ nay đến năm 2035: trên cơ sở xây dựng được xã hội khá giả toàn diện, hướng đến thực hiện hiện đại hóa chủ nghĩa xã hội.[8] Trong lĩnh vực đối ngoại, Trung Quốc sẽ triển khai Đại chiến lược: Vành đai con đường, trên bộ, trên biển và chiến lược ngoại giao nước lớn và ngoại giao láng giềng…

Mỹ : Tháng1/2017, D. Trump trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Quan điểm chỉ đạo của ông là nước Mỹ trên hết, làm nước Mỹ vĩ đại trở lại. Về đối ngoại, Mỹ triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Các biện pháp ngoại giao chính: Nhấn mạnh ngoại giao song phương, rút khỏi các cơ chế đa phương như TPP, Thỏa thuận hạt nhân Iran, Biển đổi khí hậu, Hội đồng nhân quyền…. Đồng thời, kêu gọi đồng minh chia sẻ trách nhiệm… Tổng thống cũng đề ra Chiến lược an ninh quốc gia năm 2017 và Chiến lược quốc phòng 2018, coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược, còn Nga là đối thủ phải dè chừng. Tháng 1/2021, J. Biden, trở thành tổng thống mới của nước Mỹ. Ông điều chỉnh chính sách đối nội cũng như đối ngoại của Mỹ. Tuy nhiên, trong chính sách đối với Trung Quốc và Nga, không có nhiều thay đổi. Chủ yếu chỉ là thay đổi cách tiếp cận.

Liên bang Nga: Tháng 5/2018, Tổng thống V. Putin tái cử nhiệm kỳ 4 với tỷ lệ 76,69%. Ngày 20/1/2020: Chính phủ D. Mevedev bị thay thế bằng Chính phủ M. Mishustin. Tiến hành sửa đổi Hiến pháp tạo điều kiện cho Putin ra ửng cử tiếp. Trước đó, Liên bang Nga đã ban hành Học thuyết quốc phòng mới 12/2014, Học thuyết ngoại giao mới (30/11/2016) và Chiến lược an ninh quốc gia 2015: coi Mỹ và NATO là đối thủ. Đồng thời, vào ngày 3/7/2021, Chiến lược an ninh quốc gia năm 2015 đã được chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với bối cảnh mới.

2.3.2. Quan hệ Mỹ -Trung -Nga

Quan hệ Mỹ-Trung

– Chính trị -ngoại giao: Tập Cận Bình thăm Mỹ (2/2017), còn Tổng thống D. Trump thăm Trung Quốc (11/2017). Với chính quyền mới của Mỹ đã diễn ra cuộc gặp cấp cao tại thành phố Anchorage, Alaska, Mỹ kéo dài trong 2 ngày (18 và 19/3/2021). Tham dự cuộc gặp về phía Mỹ có Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, về phía Trung Quốc có Ủy viên quốc vụ Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị. Hai bên trao đổi nhiều vần đề nổi cộm như thương mại, đại dịch COVID-19, những động thái của Trung Quốc tại Biển Đông và an ninh mạng… Bất đồng sâu sắc.

Về an ninh-quốc phòng: hai nước tổ chức điễn tập quân sự cứu trợ thảm họa và cứu trợ nhân đạo (11-20/11/2011) tại Oregon, Mỹ. Cạnh tranh quân sự: Mỹ lo ngại tên lửa đạn đạo Cự Lang 3 của Trung Quốc có phạm vi tấn công toàn nước Mỹ. Hải quân Trung Quốc triển khai nhiều hoạt động tại Tây Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Châu Âu. Một sự kiện khác: 2 phi công Mỹ ở Djibouti bị thương do bị chiếu laser từ căn cứ quân sự của Trung Quốc.

Biển Đông: Nhóm tầu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm chủ quyền, thầm lục địa Việt Nam, tàu cảnh sát biển của Trung Quốc đâm tàu cá một số nước Đông Nam Á. Mỹ 7 lần thực hiện hoạt động tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông. Đầu 2020, tàu chiến cận bờ US Montgomery thực hiện FONOP gần đá Gạc Ma, Chữ Thập, Trung Quốc phản ứng mạnh.

Vấn đề Đài Loan và Hồng Kông: Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan trị giá 1,4 tỷ USD (6/2017 và 2018). Mỹ cũng ký đạo luật đi lại Đài Loan, yêu cầu cho Đài Loan trở lại Liên hợp quốc. Năm 2019, diễn ra biểu tình tại Hồng Kông, Mỹ ký đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông, cho phép xử phạt các cá nhân vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông. Khi Trung Quốc ra đạo luật an ninh mới cho Hồng Kông, Mỹ tuyên bố sẽ thu hồi quyền lợi của Hồng Kông và thực hiện một số biện pháp mạnh tay nhằm vào Trung Quốc.

– Kinh tế-thương mại: Hai bên ký kết Thỏa thuận thương mại (5/2017). Mỹ phát động Chiến tranh thương mại chống Trung Quốc (3/2018): hai bên trả đũa nhau bằng tăng thuế quan. Nguyên nhân: Mỹ bị nhập siêu quá lớn, cho rằng cạnh tranh không công bằng và Trung Quốc ăn cắp tài sản trí tuệ. Tháng 1/2020, hai bên đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Mỹ lới lỏng thuế quan, còn Trung Quốc mua thêm hàng hóa, nhất là đậu tương, xe hơi của Mỹ và cam kết thực thi các biện pháp sở hữu trí tuệ. Thương mại hai chiều năm 2018: 737 tỷ USD.

Về khoa học-công nghệ, tại Đối thoại Shangri La 18, Singapore (6/2019), Mỹ cáo buộc Trung Quốc lấy cắp công nghệ của Mỹ và cảnh báo nguy cơ gián điệp từ mạng viễn thông của Tập đoàn Huawei, Trung Quốc.

Tháng 8/2019: Mỹ ban hành đạo luật Ủy quyền quốc phòng quốc gia, có khoản mục: Cấm mọi cơ quan chính phủ, các thực thể có quan hệ với chính phủ sử dụng sản phẩm của Huawei và ZTE của Trung Quốc.

Cạnh tranh Mỹ- Trung xoay quanh vấn đề trí tuệ nhân tạo, công nghệ 5G, điện toán lượng tử, chất bán dẫn, nhất là mạng 5G.

Quan hệ Mỹ -Nga

 – Chính trị ngoại giao: Năm 2017: điện đàm giữa 2 Tổng thống Putin và Trump (28/2). Hai ông lại gặp nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Humburg, Đức (8/2017) và APEC-17 tại Đà Nẵng Việt Nam. Năm 2018: hai tổng thống gặp nhau tại Helsinki, Phần Lan (7/2018). Hai bên hủy cuộc gặp tại G-20 tại Achentina (12/2018) liên quan việc Nga bắt giữ thủy thủ Ukraine tai eo biển Kech. Giữa Putin và Biden: điện đàm 28/1/2021 và gặp trực tiếp tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 16/6/2021. Hai bên thỏa thuận cần ổn định chiến lược và các đại sứ sẽ gặp nhau.

Kiểm soát vũ khí: Cả hai nước đều đổ lỗi cho nhau và rút khỏi INF năm 2019. Hiệp ước START sẽ hết hạn vào năm 2021, Nga đề nghị kéo dài thêm 5 năm, song Mỹ chưa trả lời vì muốn kéo cả Trung Quốc vào cuộc.

Trung Đông: vấn đề Syria: Nga ủng hộ Chính phủ Tổng thống Basha al -Assad. Mỹ ủng hộ lực lượng đối lập. Xảy ra đụng độ giữa lính Mỹ và Nga năm 2018, thương vong lên 300 người. Năm 2019: Nga bán cho Thổ Nhĩ Kỳ hệ thống tên lửa S-400, Mỹ dừng chương trình bán F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Nga-Thổ tuần tra chung tại đông Bắc Syria (10/2019).

Vấn đề Iran: Tổng thống Trump quyết định hủy Thỏa thuận hạt nhân giữa P5+ 1 ký với Iran năm 2015 và tăng cường ra lệnh trừng phạt Iran. Nga phản đối và phối hợp với các cường quốc châu Âu tìm cách ngăn chặn. Tổng thống mới của Mỹ J. Biden quyết định khôi phục Thỏa thuận hạt nhân Iran.

An ninh mạng: Mỹ cáo buộc Nga cài mã độc để phá mạng lưới điện, ống dẫn dầu và khí, nước của Mỹ trong trường hợp xung đột nổ ra. Tố cáo Nga phát động tấn công mạng (6/2017), gây thiệt hại lớn…

Nga cũng nhiều lần tố cáo Mỹ tấn công mạng thông qua cơ quan tài chính, truyền thống của Nga. Trong gặp cấp cao ngày 16/6/2021, tại Thụy Sỹ, hai tống thống sơ bộ thỏa thuận không tấn công mạng chống nhau.

Vấn đề mở rộng NATO: Mỹ và NATO đưa quân và thiết bị sát biên giới Nga, thực hiện cuộc tập trận “Bảo vệ châu Âu-2020”. Năm 2017, NATO triển khai 1170 lính đến đồn trú tại Ba Lan, trong đó có hơn 900 lính Mỹ. Năm 2018, khi Nga bắt giữ tàu chiến của Ukraine, Mỹ và NATO tăng thêm lực lượng và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược tại các nước NATO có biên giới với Nga. Căng thẳng Nga, NATO trong việc NATO tổ chức diễn tập quân sự Gió Biển -2021 với sự tham gia của 30 quốc gia và 5000 quân của ở Biển Đen (tháng 6-7/2021).

– Kinh Tế:  Mỹ liên tiếp áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga với nhiều lý do khác nhau, Nga đáp trả. Tháng 8/2017: Mỹ còn áp lệnh trừng phạt mới vì cho rằng Nga đã can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Trong lệnh trừng phạt có nhiều điều khoản cấm các công ty Mỹ tham gia vào các dự án năng lượng mà Nga nắm cổ phần từ 33% trở lên. Đáp trả, Nga buộc Mỹ giảm 755 nhân viên ngoại giao tại Nga và tịch thu 2 toà nhà nhà. Trong vụ cựu điệp viên Nga bị đầu độc tại Anh, Mỹ trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga. Nga đáp trả. Mỹ trừng phạt 6 cá nhân và 8 thực thể Nga liên quan đến việc Nga tấn công các tầu hải quân Ukraine (11/2018). Tháng 2/2020, Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt lên hãng dầu khí của Nga Rosneft vì cho rằng hãng này hỗ trợ Chính quyền Tổng thống Maduro của Venezuela.

Ngoài ra, Mỹ còn ra đạo luật ủy quyền quốc phòng cho năm 2020 bao gồm việc trừng phạt lên dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” hợp tác với Đức. (Đường ống dẫn 55 tỷ m3 khí từ Nga sang châu Âu).

Do lệnh trừng phạt chỉ liên quan đến năng lượng và ngoại giao nên về cơ bản trao đổi kinh tế giữa 2 nước vẫn diễn ra bình thường. Năm 2018: thương mại hai chiều tăng 13% đạt 27,5 tỷ USD. Đầu tư của Mỹ vào Nga tăng 74% so với năm 2017 vượt đầu tư của Trung Quốc. Thương mại Mỹ- Nga tiếp tục xu hướng tăng năm 2019-2020.

Quan hệ Trung-Nga

 – Chính trị ngoại giao: Putin: “quan hệ phát triển tốt đẹp chưa từng có tiền lệ”, còn Tập Cận Bình: “Quan hệ phát triển liên tục, ổn định và vững chắc ở mức cao và đang ở mức tốt đẹp nhất trong lịch sử”.

Liên tiếp có các cuộc thăm viếng lẫn nhau cấp cao nhất: tháng 6/2018, Putin thăm Trung Quốc; tháng 6/2019: Tập Cận Bình thăm Nga. Hai nước ký Tuyên bố chung đối tác hợp tác chiến lược toàn diện thời đại mới trên cơ sở Đối tác chiến lược toàn diện ký ngày 5/6/2012. Từ năm 2012 đến nay, Putin và Tập Cận Bình đã gặp nhau 30 lần. Vừa rồi (19/5/2021), Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đã tham gia trực tuyến lễ khởi động xây dựng tổ máy điện thứ bảy và thứ tám tại Nhà máy điện hạt nhân Tianwan và tổ máy điện thứ ba và thứ tư tại Nhà máy điện hạt nhân Xudapu ở Trung Quốc. Đặc biệt, nhân kỷ niệm 20 năm ký kết Hiệp ước láng giềng hữu nghị, ngày 28/6/2021, hai nước đã quyết định gia hạn Hiệp ước thêm 5 năm nữa.

– An ninh quân sự: Năm 2017, kế hoạch hợp tác 3 năm được ký kết. Hai bên tổ chức tập trận lớn Vostok-2018, Nga mời Trung Quốc được mời tham gia tập trận Tsentr-2019. Ngoài ra, hai nước cùng diễn tập quan sự với Iran ở vịnh Oman và Ấn Độ Dương. Hạn chế trong hợp tác quân sự: Nga phàn nàn Trung Quốc sao chép công nghệ quân sự của Nga và Trung Quốc giảm mua vũ khí Nga.

– Kinh tế: Năm 2018, kim ngạch thương mại tăng 27,15% so với năm 2017, đạt 107 tỷ USD. Năm 2019, tăng 4,5 % đạt 110,8 tỷ USD. Hoàn thành dự án ống dẫn dầu khí “Sức mạnh Siberi” và cầu đường bộ qua sông Amua. Hơn 2 triệu khách du lịch Trung Quốc đến Nga và 2,6 triệu khách Nga đến Trung Quốc. Triển khai sử dụng đồng Ruble và Nhân dân tệ trong thanh toán. Ngoài ra, đã triển khai hợp tác kinh tế giữa Liên minh kinh tế Á-Âu và Trung Quốc.

Hạn chế: Nga chỉ là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Trung Quốc. Năm 2017, Nga chiếm 2% tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc. Cấu trúc thương mại không cân xứng vì từ Nga ¾ là nguyên liệu thô, còn từ Trung Quốc 45% hàng tiêu dùng, 38% hàng điện tử, máy móc.

2.3.3. Nhận xét sơ bộ về quan hệ Mỹ-Trung-Nga

Thứ nhất, quan hệ Mỹ, Trung-Nga trong giai đoạn này là cục diện hôn nhân vững chắc. Nga- Trung có quan hệ rất chặt chẽ, thân thiết song Nga, Trung đềù có quan hệ đối địch với Mỹ.

Thứ hai, hợp tác và cạnh tranh, kiềm chế lẫn nhau đan xen, song mặt cạnh tranh nối trội hơn là đặc trưng quan hệ giũa 3 nước.

Thứ ba, tương quan lực lượng tiếp tục biến động theo xu hướng sức mạnh Mỹ giảm tương đối, sức mạnh của Trung Quốc và Nga tiếp tục tăng lên.

Thứ tư, cạnh tranh diễn ra trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sức mạnh tổng hợp quốc gia, kinh tế và quân sự, khoa học công nghệ, quản trị toàn cầu, các điểm nóng khu vực như Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương, Trung Đông, châu Âu.

Thứ năm, trật tự đa cực đã và đang hình thành rõ nét.

3. Dự báo quan hệ Mỹ- Trung-Nga đến 2030

3.1. Các nhân tố tác động

a. Xu thế và cục diện thế giới, khu vực đến 2030

Bối cảnh quốc tế khu vực: Về tình hình thế giới từ nay đến 2030, Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: “tình hình thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo”.[9]

– Về kinh tế thế giới: mặc dù vừa phục hồi, sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, lại lâm vào suy thoái do tác động của đại dịch Covid-19 và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khủng hoảng và suy thoái chu kỳ. Cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại, tranh giành tài nguyên thiên nhiên, thị trường, công nghệ, nguồn vốn đầu tư, nhân lực chất lượng cao giữa các nước ngày càng gay gắt.

– Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo cơ hội, lẫn thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc.

-Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục phát triển nhưng đang bị thách thức.

– Các mâu thuẫn cơ bản trên thế giới vẫn tiếp tục tồn tại dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau.

-Xung đột dân tộc, tôn giáo, khủng bố quốc tế, chiến tranh cục bộ, chiến tranh kinh tế, chiến tranh mạng, các hoạt động can thiệp, lật đổ, bất tuân dân sự, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, tài nguyên… diễn ra dưới những hình thức mới, gay gắt hơn.

– Các vấn đề an ninh phi truyền thống, vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, thiên tại, dịch bệnh, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, an ninh tài chính, an ninh mạng, các vấn đề môi trường v.v.. tiếp tục diễn biến khó lường. Chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân túy trong quan hệ quốc tế phát triển mạnh, trong khi luật pháp quốc tế, các thể chế đa phương thường xuyên bị phớt lờ.

– Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Song cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc càng trở nên hết sức gay gắt. Các cường quốc điều chỉnh chiến lược, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, vừa thỏa hiệp, kiềm chế lẫn nhau quyết liệt, giành lợi ích và ưu thế tại nhiều địa bàn chiến lược.

– Cục diện thế giới tiếp tục biến đổi theo xu hướng đa cực, đa trung tâm, tiếp tục hợp tác, cạnh tranh, đấu tranh và sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước ngày càng gia tăng.[10]

Khu vực Châu Á -Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương, mà Đông Nam Á là một bộ phận hữu cơ, có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, là khu vực cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tranh chấp chủ quyền, biển đảo căng thẳng và phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước nhiều thách thức. Tổ chức ASEAN có vai trò duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác khu vực song đứng trước nhiều thách thức.[11]

b. Chính trị nội bộ Mỹ, Trung, Nga

Nước Mỹ: Từ nay đến năm 2030 nước Mỹ sẽ diễn ra hai cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024 và 2028. Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa sẽ thay nhau cầm quyền. Với tình hình đang phát triển như hiện nay, trong cuộc bầu cử năm 2024, người Đảng Cộng hòa nhiều khả năng sẽ giành được chức tổng thống.

Trung Quốc: đến 2030, Trung Quốc cũng sẽ có hai Đại hội Đảng vào năm 2022 và 2027. Tập Cận Bình, sẽ tiếp tục tại nhiệm tại Đại hội Đảng lần thứ 20 vào năm sau. Đồng thời, ông sẽ tiếp tục làm Chủ tịch nước như Hiến pháp đã cho phép. Ông sẽ ra ứng cử tại Đại hội 21 vào năm 2027 hay không? Nếu ông không ra vì sức khỏe, thì người trở thành Tổng Bí thư Đảng vẫn là người của ông. Có nhiều nghiên cứu cho rằng nội bộ sẽ có biến động lớn do đấu tranh quyền lực. Tôi nghĩ là Tập sẽ khống chế được tình hình.

Liên bang Nga: Từ nay đến 2030, nước Nga sẽ tiếp tục ổn định, dù có những vấn đề phức tạp do đấu tranh của các lực lượng đối lập chống chính quyền Putin với sụ hỗ trợ của Phương Tây. Bầu cử Hạ viện khóa 8 vào ngày 19/9/2021, Đảng nước Nga thống nhất của Putin đã chiến thắng với 324 ghế, mặc dù ít hơn khóa 7 14 ghế, song vẫn có đa số tuyệt đối. Có 7 đảng đối lập có ghế trong Duma quốc gia mới, nhiều nhất là Đảng Cộng sản với 57 ghế. Lực lượng đối lập nói chung và của A. Navalny nói riêng quá nhỏ bé không đủ sức đe dọa quyền lực của Putin, sức ép của Phương Tây rất hạn chế và Putin vẫn kiên trì chính sách “dân chủ có quản lý”. Mặt khác, bầu cử tổng thống năm 2024, ông Putin nhiều khả năng vẫn ra tranh cử và ông sẽ chiến thắng do không có nhân vật đối lập có thế thách thức quyền lực của ông.

c. Sức mạnh tổng hợp quốc gia của Mỹ, Trung Quốc, Liên bang Nga

 Sức mạnh Mỹ: Mặc dù, sức mạnh của Mỹ có suy giảm tương đối, song vẫn chưa có bất cử quốc gia nào vượt được Mỹ về sức mạnh tổng hợp quốc gia. Hiện nay, theo IMF, GDP của Mỹ đứng đầu thế giới với 21.427 tỷ USD.[12]

Về quân sự Mỹ cũng đứng đầu thế giới với các chỉ số:

Chỉ số PwrIndx: 0,0857 (Global Firepower Index: chỉ số sức mạnh quân sự toàn cầu).

    • Tổng dân số: 323.995.528 người;
    • Số quân nhân tại ngũ: 2.363.675 người;
    • Tổng máy bay: 13.762 chiếc;
    • Chiến đấu cơ: 2.296 chiếc;
    • Xe tăng: 5.884 chiếc;
    • Tổng tàu hải quân: 415 chiếc (19 tàu sân bay),
    • Ngân sách quốc phòng: 732 tỷ USD (2019).[13] Ngoài ra, quân đội Mỹ đồn trú tại hơn 820 căn cứ và ở 135 quốc gia (31/3/2008).
    • Mỹ cũng đứng đầu về khoa học – công nghệ và sức mạnh mềm. Hệ thống đồng minh của Mỹ có khắp các châu lục.

Sức mạnh của Trung Quốc: GDP danh nghĩa của Trung Quốc năm 2020 đứng thứ 2 thế giới với 14.342 tỷ USD. Trung Quốc hiện đã vượt qua Mỹ về tổng sản phẩm nội địa quy đổi theo sức mua tương đương (PPP GDP). Đây chỉ là một công cụ đo sự thịnh vượng, bởi đa số người Trung Quốc vẫn còn nghèo đói.

Về quân sự, Trung Quốc đã đạt các chỉ số như sau:

Chỉ số PwrIndx: 0,0945;

    • Tổng dân số: 1.373.541.278 người;
    • Số quân nhân tại ngũ: 3.712.500 người;
    • Tổng máy bay: 2.955 chiếc;
    • Chiến đấu cơ: 1.271
    • Xe tăng: 6.457 chiếc;
    • Tổng tàu hải quân: 714 chiếc (2 tàu sân bay);
    • Ngân sách quốc phòng: 166,107 tỷ USD (2019).[14] Trung Quốc chỉ có 1 căn cứ quân sự tại Djibuti.

Sức mạnh Liên bang Nga: Về kinh tế, GDP danh nghĩa của nước này năm 2020 là 1.699 tỷ USD, đứng thứ 11 trên thế giới. GDP theo sức mua đứng thứ 8. Về quân sự, Nga hiện đứng thứ 2 chỉ sau Mỹ với các chỉ số:

Chỉ số PwrIndx: 0,0929;

    • Tổng dân số: 142.355.415 người;
    • Số quân nhân tại ngũ: 3.371.027 người;
    • Tổng máy bay: 3.794 chiếc;
    • Chiến đấu cơ: 806 chiếc
    • Xe tăng: 20.216 chiếc.
    • Tổng tàu hải quân: 352 chiếc (1 tàu sân bay);
    • Ngân sách quốc phòng: 90,749 tỷ USD (2019).[15] Hiện nay, Nga cũng có căn cứ quân sự tại Syria.

Dự báo đến năm 2030, các nghiên cứu đều khá nhất trí: Sức mạnh tổng hợp quốc gia của Mỹ sẽ vẫn đứng đầu thế giới. Mỹ có nhiều lợi thế. Không giống như Trung Quốc, kinh tế Mỹ đã chuyển từ sản xuất sang dịch vụ, nhờ đó giảm sự phụ thuộc vào các mặt hàng xuất khẩu để tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, khả năng khai thác dầu cũng giúp Mỹ không phụ thuộc vào thị trường năng lượng thế giới và ổn định Trung Đông. Hơn nữa, giá trị đồng USD hiện tại cũng giúp Mỹ vẫn là nền kinh tế mạnh nhất thế giới, và Mỹ có thể sẽ tiếp tục thống trị kinh tế trong khoảng thời gian dài nữa.

Có một số dự báo đưa ra ý kiến: GDP của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2030.[16] Hai bất lợi chính mà Trung Quốc cần đối mặt là cải cách hệ thống ngân hàng bởi nợ xấu và hướng tới xã hội lấy người tiêu dùng làm trung tâm. Ngoài ra, về GDP theo đầu người còn lâu Trung Quốc mới đuổi được Mỹ. Về khoa học công nghệ, theo Báo cáo Sức cạnh tranh toàn cầu năm 2017-2018 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố, Trung Quốc xếp thứ 27 trong số 137 nước được xét; riêng về khoa học kỹ thuật, Mỹ đứng thứ nhất, tiếp sau là Anh, Nhật…

Về quân sự, Trung Quốc có tiến bộ nhanh, song cũng khó vượt Mỹ vào năm 2030.

d. Chiến lược đối ngoại và chính sách đối với 2 cường quốc trong tam giác

Chiến lược đối ngoại Mỹ: mục tiêu chiến lược của Mỹ, được cả lưỡng đảng ủng hộ là giữ vững vai trò cường quốc số 1 thế giới với 5 nhiệm vụ không thay đổi là bảo vệ tự do-dân chủ; toàn vẹn lãnh thổ; duy trì cân bằng quyền lực giữa các cường quốc có lợi cho Mỹ; trừng phạt các thành phần bất hảo; quản trị tốt và bảo vệ đồng minh.[17]

Đối với Trung Quốc, Mỹ quyết đấu không để Trung Quốc soán ngôi đứng đầu thế giới. Trong quan hệ với Nga, không để Nga lớn mạnh có thể cạnh tranh với vai trò lãnh đạo của Mỹ.

Trung Quốc: mục tiêu tối cao của Trung Quốc là Trung Quốc mộng, và giai đoạn đến 2035: thực hiện hiện đại hóa chủ nghĩa xã hội. Nghĩa là phấn đấu tăng tốc phát triển vượt Mỹ về kinh tế và thành cường quốc chủ chốt tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Thực hiện mục tiêu trên, Trung Quốc quyết tâm triển khai Đại chiến lược Vành đai và Con đường và chiến lược ngoại giao nước lớn và ngoại giao láng giềng.

Đối với Mỹ là quyết đấu và còn đối với Nga tiếp tục tranh thủ tăng cường quan hệ để củng cố sức mạnh tổng hợp quốc gia, khi cuộc đấu giành ngôi bá chủ chưa đến giai đoạn quyết liệt nhất.

Liên bang Nga: mục tiêu chiến lược của Liên bang Nga là phấn đấu trở thành một trong các trung tâm quyền lực bình đẳng của thế giới đa cực. Triển khai chinh sách đối ngoại trên tinh thần Học thuyết quân sự năm 2014, Học thuyết đối ngoại năm 2016 và Chiến lược an ninh quốc gia sửa đổi năm 2021.

Đối với Mỹ, coi trọng Mỹ, phấn đấu cài đặt lại quan hệ với Mỹ, song quyết không nhượng bộ khi bị ép về dân chủ, nhân quyền và trên vũ đài quốc tế. Với Trung Quốc, tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trên tinh thần thực dụng. Tăng cường quan hệ, song không bao giờ tiến tới liên minh.

3.2. Dự báo các kịch bản quan hệ giữa Mỹ -Trung Quốc- Nga đến 2030

Có thể có ba kịch bản tương lai quan hệ giữa ba quốc gia dựa trên khung lý thuyết của Lowell Dittmer.

Kịch bản 1: Cộng cư tam giác (Ba quốc gia duy trì quan hệ thân thiện với nhau). Khả năng này về lý thuyết là có, song khó có khả năng xảy ra trong quan hệ giữa ba nước trong giai đoạn từ nay đến 2030. Lý do: Mỹ quyết tâm bảo vệ vai trò chi phối trật tự hiện hành; còn Trung quốc cũng quyết tâm giành vị trí đứng đầu thế giới của Mỹ với mục tiêu và và bước đi đã được hoạch định rõ ràng. Trong lịch sử quan hệ quốc tế đã có 16 lần diễn ra giành giật giữa cường quốc thống trị và cường quốc xét lại.[18] Kịch bản này chưa từng xảy ra trong lịch sử quan hệ của tam giác từ khi hình thành vào năm 1945 cho đến nay.

Kịch bản 2: Tam giác tình cảm (một quốc gia ở vị trí trục có quan hệ tốt với hai quốc gia cánh, đối địch nhau). Kịch bản này cũng khó xảy ra vì từ nay đến 2030, Mỹ đóng vai trò nước trục song không thể nảy sinh đối địch Trung -Nga vì hai nước này đang rất cần nhau, có cùng đối thủ là Mỹ. Mặt khác, không thể xảy ra trường hợp Trung Quốc hay Nga trở thành nước trục.

Kịch bản 3: Hôn nhân vững chắc (2 quốc gia duy trì quan hệ thân thiết, cùng có quan hệ đối địch với nước thứ 3). Đây là kịch bản đang và sẽ tiếp tục diễn ra. Trung Quốc và Nga có quan hệ thân thiết, bền chặt và có quan hệ thù địch với nước thứ ba là Mỹ. Tình trạng này đương nhiên sẽ tiếp diễn cho đến năm 2030. Không loại trừ khả năng Mỹ sẽ điều chỉnh chính sách đối với Nga, quan hệ Mỹ -Nga sẽ thay đổi. Khả năng này ít vì một trong các nguyên nhân quan trọng là Trung Quốc sẽ tìm cách ngăn cản. Mặt khác, nguyên nhân cơ bản làm quan hệ Nga- Mỹ căng thẳng vì Mỹ luôn kiềm chế Nga lớn mạnh, còn mục tiêu chiến lược của Nga là phấn đấu trở thành một trong các trung tâm quyền lực bình đẳng, có ảnh hưởng trong thế giới đa cực đang hình thành.

Thay lời kết

Quan hệ thay ba giữa ba cường quốc Mỹ- Liên Xô(Nga)-Trung Quốc hình thành từ cuối chiến tranh thế giới lần thứ hai cho đến nay. Trong những năm 1970 và 1980, quan hệ Mỹ-Xô-Trung trở thành tam giác chiến lược, quyết định sự phát triển của thế giới. Từ nay đến 2030, “trong trật tự đa cực hiện nay, dù có sự nổi lên của Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản hay một số nước khác, quyền lực chủ yếu vẫn tập trung vào bộ ba cũ, trong đó Mỹ và Trung Quốc ở hai cực. Cực còn lại thuộc về Nga”.[19] Tuy nhiên, quan hệ Mỹ -Trung -Nga chắc chắc sẽ không quyết định trật tự thế giới như trước đây do thế giới đã có nhiều trung tâm quyền lực, quan hệ quốc tế đã dân chủ hóa hơn…

Đặc điểm của quan hệ là vừa hợp tác vừa đấu tranh. Về lý thuyết của Lowell Dittmer có 3 mô hình quan hệ: cộng cư, tam giác tình cảm và hôn nhân vững chắc. Trong thực tiễn, đã diễn ra mô hình tam giác tình cảm và hôn nhân vững chắc, song chưa từng có mô hình cộng cư.

Căn cứ vào xu thế, đặc điểm tình hình quốc tế, khu vực; chính trị nội bộ, mục tiêu đối ngoại, đặc biệt là sức mạnh tổng hợp quốc gia, có thể thấy quan hệ Mỹ -Trung -Nga đến 2030 vẫn là hợp tác và cạnh tranh đan xen, cạnh tranh sẽ ngày càng tăng theo mô hình hôn nhân bền vững.

Nguồn: Tham luận tại Tọa đàm khoa học “Quan hệ Mỹ-Trung-Nga từ năm 1990 đến nay và dự báo xu hướng thời gian tới” do Học viện Ngoại giao tổ chức tại Hà Nội, ngày 15/7/2021.

——————

[1]. Thấy gì từ Tam giác chiến lược Mỹ-Trung-Nga, Báo Công an nhân dân điện tử , accessed June 1,2020, http://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Vawnhoas-The thao/Thay-gi-tu-tam-giac-chien-luocj-Mỹ-Trung-Nga-555624/.

[2] Trần Văn Đào-Phan Doãn Nam: Giáo trình lịch sử quan hệ quốc tế (1945-1990), Hà Nội-2001, tr. 355-373; Bogatunov A. D , Averkov V. V: Lịch sử quan hệ quóc tế, Nxb. CTQG, Hà Nội-2015, tr. 478-497.

[3]. Lowell Dittmer: The Strategic Triangle – An Elementary Game- Theoretical Analysis , “World Politics”, 1981, p.33-34.

[4]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội VIII, Nxb., CTQG, Hà Nội-1996, tr. 76.

[5]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội VIII, Sđd, tr. 76-78; Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội IX, Nxb. CTQG, Hà Nội-1996, tr. 64-66.

[6]. Lê Thế Mẫu: Nước Nga sau 20 năm cầm quyền của Tổng thống V.Putin, https://www.tapchicongsan.org.vn/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/812103/view_content?_contentpublisher_WAR_viettelcmsportlet_urlTitle=nuoc-nga-sau-20-nam-cam-quyen-cua-tong-thong-v.-putin.

7.Viện Nghiên cứu Trung Quốc: Sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam, Nxb., Từ điển Bách khoa, Hà Nội -2013, tr. 24.

[8]. Thông tấn xã Việt Nam: Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc: Tham vọng lớn của 2 mục tiêu 100 năm, https://thethaovanhoa.vn/xa-hoi/dai-hoi-xix-dang-cong-san-trung-quoc-tham-vong-lon-cua-2-muc-tieu-100-nam-n20171021153547530.htm.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb., CTQG, Hà Nội- 2021, tập 1, tr. 105.

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, tập 1, tr.105-106.

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, tập 1, tr.107.

[12] IMF.org. International Monetary Fund, 15 / 10/ 2019. Truy cập 3 /9 / 2019.

[13]. Robert Farley: 5 siêu cường quân sự thế giới đến năm 2030, https://baoquocte.vn/5-sieu-cuo-ng-quan-su-the-gioi-den-nam-2030-32905.html

[14] Như trên.

[16]. Nguyễn Hải Hoành: Thực hư Trung Quốc vượt Mỹ, https://nghiencuuquocte.org/2018/09/23/thuc-hu-chuyen-trung-quoc-vuot-my/.

[17]. Paul D. Miller : 5 trụ cột trong đại chiến lược Mỹ, https://nghiencuuquocte.org/2013/12/19/5-tru-cot-dai-chien-luoc-my/.

[18].Gideon Rachman: Định mệnh chiến tranh? Trung Quốc, Hoa Kỳ và bẩy Thuysides, https://nghiencuuquocte.org/2017/07/03/dinh-menh-chien-tranh-trung-quoc-hoa-ky-va-bay-thucydides.

[19] Vũ Lê Thái Hoàng & Huy Nguyễn: Quan hệ tam giác Mỹ-Trung-Nga, định hình trạt tự thế giới, https://nghiencuuquocte.org/2021/06/07/quan-he-tam-giac-my-nga-trung-dinh-hinh-trat-tu-the-gioi.