18/11/1978: 909 người tự sát tập thể ở Jonestown

Nguồn: Mass suicide at Jonestown, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1978, Jim Jones, người sáng lập giáo phái Peoples Temple, đã khiến hàng trăm tín đồ của mình tự sát tập thể ngay tại ngôi làng của họ, nằm ở một vùng hẻo lánh của đất nước Nam Mỹ Guyana. Dù nhiều tín đồ của Jones sẵn lòng nuốt chất độc, số khác thực ra đã uống thuốc vì bị chĩa súng vào đầu. Số người chết tại Jonestown ngày hôm ấy là 909 người, một phần ba trong đó là trẻ em.

Jim Jones là một nhà truyền giáo rất có sức hút; trong thập niên 1950, ông ta đã thành lập Peoples Temple, một nhánh nhỏ thuộc Thiên Chúa Giáo, ở Indianapolis. Jones thường thuyết giảng chống lại sự phân biệt chủng tộc và giáo đoàn đa chủng tộc của ông ta đã nhanh chóng thu hút nhiều người Mỹ gốc Phi. Năm 1965, ông đưa các tín đồ đến định cư ở Ukiah, miền bắc California, sang năm 1971 thì chuyển đến San Francisco.

Hồi những năm 1970, nhà thờ Peoples Temple bị giới truyền thông buộc tội gian lận tài chính, lạm dụng thể chất các tín đồ, và ngược đãi trẻ em. Trước làn sóng chỉ trích ngày càng tăng, Jones dần trở nên hoang tưởng và quyết định đưa giáo đoàn của mình đến Guyana, nơi ông hứa hẹn sẽ tạo nên một ‘vườn địa đàng’ kiểu chủ nghĩa xã hội. Ba năm trước đó, một nhóm nhỏ tín đồ đã đến quốc gia nhỏ bé này để xây dựng nơi sẽ trở thành Jonestown, nằm bên một khu rừng rậm.

Jonestown hóa ra không phải là vườn địa đàng như lời người đứng đầu giáo phái. Các tín đồ đã phải làm việc quần quật trên đồng và phải chịu những hình phạt khắc nghiệt nếu họ dám nghi ngờ quyền lực của Jones. Hộ chiếu của họ bị tịch thu, thư từ gửi về quê nhà bị kiểm duyệt. Mọi người phải thông báo cho nhau biết về những cuộc họp kéo dài đến tận đêm khuya và buộc phải tham gia chúng. Trong tình trạng sức khỏe tâm thần liên tục sa sút và nghiện ma túy nặng, Jones tin rằng chính phủ Mỹ cùng những người khác đang trên đường đến tiêu diệt mình. Ông ta đã ra lệnh cho các thành viên giáo phái tham gia các cuộc ‘huấn luyện tự sát’ lúc nửa đêm.

Năm 1978, một nhóm các cựu thành viên Temple và họ hàng của các thành viên hiện tại đã thuyết phục được Nghị sĩ Leo Ryan, một đảng viên Dân chủ của bang California, đến Jonestown để điều tra về khu vực này. Ngày 17/11/1978, Ryan đến Jonestown cùng với một nhóm các nhà báo và quan sát viên. Ban đầu chuyến thăm vẫn diễn ra tốt đẹp, nhưng sang ngày hôm sau, khi phái đoàn của Ryan chuẩn bị rời đi, một số cư dân Jonestown đã tiếp cận họ và yêu cầu được giúp đỡ để thoát khỏi Guyana. Jones nổi giận với nhóm đào tẩu và một trong những tay sai của Jones đã tấn công Ryan bằng một con dao. Vị nghị sĩ trốn thoát khỏi vụ việc mà không hề hấn gì, nhưng Jones sau đó ra lệnh phục kích và giết chết Ryan cùng đoàn của mình ngay tại phi trường, khi mọi người chuẩn bị rời đi. Vị nghị sĩ và bốn người khác đã bị sát hại khi họ bước lên máy bay.

Trở lại Jonestown, Jones ra lệnh cho mọi người tập trung tại sảnh chính và bắt đầu nói về cái mà ông ta cho là “hành động cách mạng”. Các thành viên nhỏ tuổi nhất của Peoples Temple là những nạn nhân qua đời đầu tiên, khi cha mẹ và y tá dùng ống tiêm để bơm hỗn hợp xyanua, thuốc an thần và nước hoa quả dạng bột vào cổ họng của bọn trẻ. Sau đó, những người lớn lần lượt xếp hàng để uống thứ nước pha chế tẩm chất độc dưới sự giám sát của lính canh có vũ trang.

Khi các quan chức Guyana đến khu nhà Jonestown vào ngày hôm sau, hàng trăm thi thể đã chất đầy nơi này. Nhiều người thậm chí qua đời khi còn đang ôm lấy người thân của mình. Một số cư dân may mắn trốn thoát vào rừng khi vụ tự sát diễn ra, trong khi khoảng vài chục thành viên khác của Peoples Temple, bao gồm một vài người con trai của Jones, sống sót vì họ đang ở một vùng khác của Guyana vào thời điểm xảy ra vụ việc.