Putin có muốn một cuộc chiến tranh mới với Ukraine?

Nguồn: Pavel Lokshin, Ukraine: Will Putin einen neuen Krieg?, WELT, 04/12/2021.

Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài

Nga đưa một lực lượng lớn quân đội đến biên giới Ukraine. Chưa bao giờ Vladimir Putin lại có cơ hội tốt như thế này để thôn tính Ukraine trong mùa đông năm nay. Một phần cũng do sự yếu kém của phương Tây. Nhưng cuộc tấn công này cũng có nhiều rủi ro đáng kể.

Tình hình biên giới với Ukraine đang hết sức nghiêm trọng. Theo Bộ Quốc phòng Ukraine, Nga đã bao vây quân sự ở nước này. Gần biên giới, Điện Kremlin đã tập trung 115.000 binh sĩ, hơn 4.000 xe tăng và xe bọc thép, hàng trăm máy bay chiến đấu và trực thăng. Có 75 tàu chiến và 6 tàu ngầm ở Biển Đen ngoài khơi Crimea, nơi đang bị chiếm đóng. Báo chí Mỹ đưa tin, theo tình báo Mỹ, Điện Kremlin đã lên kế hoạch cho cuộc xâm lược Ukraine với 175.000 binh sĩ, có thể được thực hiện sớm nhất là vào đầu năm sau.

Do đó, Kiev, châu Âu, NATO và Mỹ đã cảnh báo về một cuộc chiến tranh xâm lược mới của nước Nga. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đe dọa Nga sẽ trả một “cái giá đắt” nếu xâm lược Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng cảnh báo về “những hậu quả nghiêm trọng” đối với Nga. Nhưng liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có thực sự lên kế hoạch cho một cuộc xâm lược mới vào Ukraine hay không?

Dù sao người Mỹ đã cảnh giác và đang thực hiện các biện pháp quản lý khủng hoảng. Tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) hôm thứ Năm, Blinken đã có cuộc gặp đầu tiên với Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba và sau đó mới gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov. Từ Moscow, ông Putin nói lần cuối cùng vào hôm thứ hai: “Chúng tôi không đe dọa bất kỳ ai”. Ngược lại, nước Nga của ông đã phản ứng trước những mối đe dọa ngày càng đến gần biên giới Nga.

Đồng thời, Putin yêu cầu Mỹ và châu Âu đảm bảo sẽ kiềm chế, không mở rộng NATO về phía đông. Nhưng liên minh này khó có thể đảm bảo cho ông điều này, Putin biết rõ điều đó. Và ông cũng biết chính nước Nga của ông năm 2014 đã tuyên bố biên giới của Ukraine là vô hiệu. Hai mươi năm trước, Moscow đã hứa sẽ tôn trọng điều này trong Bản ghi nhớ Budapest. Đổi lại, Ukraine đã từ bỏ các vũ khí hạt nhân của Liên Xô trước đây đóng tại nước này – điều này khiến Ukraine giờ dễ bị tấn công.

Những lập luận ủng hộ chiến dịch quân sự mới của Putin ở Ukraine có thể được tóm tắt như sau: Điện Kremlin vẫn có một kế hoạch mở với phương Tây. Đây là luận điểm của các nhà khoa học chính trị Eugene Rumer và Andrew S. Weiss từ tổ chức nghiên cứu Carnegie của Mỹ.

Nga nỗ lực muốn quay lại trật tự của thời kỳ Xô Viết, thời điểm mà Nga và phương Tây ngang tầm nhau ở châu Âu – và Washington chấp nhận phạm vi ảnh hưởng của Nga ở châu Âu. Sau khi Bức màn sắt sụp đổ, Moscow muốn xóa bỏ quyền tự do liên kết của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ như Ukraine và Georgia.

Mục tiêu này không thể đạt được thông qua các biện pháp ngoại giao. Trong mọi trường hợp, cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Geneva vào mùa hè đã không đưa Putin tiến gần hơn đến một cuộc đối thoại ngang vai vế với nước Mỹ. Một Ukraine độc lập và có xu hướng thân phương Tây là rào cản lớn nhất. Điện Kremlin muốn cắt đứt con đường đưa Ukraina tới EU và NATO bằng cuộc xâm lược 7 năm trước đây.

Tuy nhiên, cuộc chiến của Nga là một sự tiên tri mà Nga đã tự hoàn thành: chỉ có bạo lực của Nga chống lại “những người anh em” Ukraine, cách nói được Putin viện dẫn rất nhiều, mới có thể chặn đứng con đường đi về phía tây của Ukraine. Ngày nay, đa số người dân Ukraine ủng hộ việc gia nhập NATO. Tổng thống Ukraine Volodymyr Selenskyj liên tục, không mệt mỏi đòi phương Tây chấp nhận điều này.

Nga mất quyền lực ở Ukraine

Bất chấp việc sáp nhập Crimea và thực tế chiếm đóng các khu vực phía đông Ukraine, Moscow đã mất quyền lực ở quốc gia láng giềng kể từ năm 2014. Nga không hài lòng với hiện trạng của các thỏa thuận Minsk vì chúng không thể ngăn chặn nhiều cuộc thử nghiệm ở Ukraine: bản sắc Ukraine đã được củng cố ở nước này, điều mà ngay cả nhiều người Ukraine nói tiếng Nga cũng chia sẻ.

Các phương tiện truyền thông và các nhóm lợi ích thân Nga, được đại diện bởi Đảng Các khu vực ở Rada trước Euromaidan, đã bị gạt ra ngoài lề trong những năm gần đây. Volodymyr Selenskyj không chỉ tiếp tục kiên trì con đường hướng tây của người tiền nhiệm Petro Poroshenko. Ông cũng có hành động dứt khoát chống lại các nhà tài phiệt thân Nga ở nước này, chẳng hạn như Viktor Medvedschuk, người bạn thân của Putin đồng thời là nhân vật để Nga liên lạc với Ukraine, ông này từ nhiều tháng nay bị quản thúc sau cáo buộc phản quốc.

Tuần trước, Zelenskyi đã cảnh báo về một cuộc đảo chính được cho là lấy cảm hứng từ Nga, trong đó người giàu nhất Ukraine, Rinat Akhmetov, bị cho là có liên quan – và đang khiến nhà tài phiệt chịu nhiều áp lực đến mức ông ta không được liên hệ với các hoạt động thân Nga trong những năm gần đây. Bất kỳ nghi ngờ nào về các hoạt động thân Nga đều bị coi là độc hại ở Ukraine.

Rõ ràng, những vấn đề này đang làm cho Moscow thất vọng, và củng cố niềm tin của Putin rằng người Ukraine chẳng khác gì người Nga bị phương Tây lừa gạt. Hơn hết, Putin nhìn thấy mối nguy hiểm trong hợp tác quân sự của Ukraine với phương Tây. Theo quan điểm của Điện Kremlin, lãnh thổ Ukraine sẽ trở thành “công cụ chống lại Nga để phục vụ Hoa Kỳ”, theo các nhà khoa học chính trị Michael Kimmage và Michael Kofman viết trên tạp chí “Foreign Policy”. Một vấn đề mà Nga cho rằng có thể giải quyết được về mặt quân sự.

Nhìn từ Moscow thì NATO hiện tại tỏ ra yếu ớt và chia rẽ: việc rút khỏi Afghanistan, thỏa thuận AUKUS, dẫn đến tranh chấp giữa Washington và Paris. Sau đó là sự định hình của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc. Những tháng mùa đông sắp tới có thể là thời điểm tốt để tấn công. Nhưng Putin cũng cần phải tính đến ​​những khó khăn đáng kể. Bất chấp tình hình như thế nào, ông ta cũng ông không thể hy vọng vào một phiên bản mới của năm 2014 khi quân đội Nga được đối đầu với các tiểu đoàn lính tình nguyện được tập hợp một cách gấp gáp.

Những rủi ro của cuộc xâm lược

Quân đội Ukraine hiện có 250.000 binh sĩ và sĩ quan, và đã được chuẩn bị tốt hơn nhiều. Nga là siêu cường trong khu vực và vượt trội hơn Ukraine, nhưng Kiev có thể tấn công mạnh vào đội quân xâm lược và đẩy chi phí của cuộc chiến lên cao. Ukraine đang mạnh hơn trước không phải vì nhập khẩu vũ khí như vũ khí chống tăng loại Javelin của Mỹ, mà vì quân đội này giờ đây đã được thử thách trong thực chiến và không còn e ngại gì về việc sử dụng vũ khí chống lại những “người anh em” tấn công họ.

Nhưng liệu cuộc chiến có thực sự đáng với rủi ro? Ivan Timofejew, một chuyên gia tại Viện nghiên cứu Valdai của Nga, tỏ ra hoài nghi về điều này. Ngay cả một chiến thắng chóng vánh ở Ukraine, việc chính thức chiếm đóng các vùng lãnh thổ ở miền đông Ukraine hay thậm chí là sự phân chia Ukraine thành một quốc gia thân phương Tây và thân Nga, cũng sẽ không mang lại sự bình yên cho Moscow. Tình hình ngày nay sẽ làm cho các nước “Cộng hòa Nhân dân” tự xưng càng chuyển dịch sang hướng Tây.

Việc kiểm soát các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng sẽ rất khó khăn. Ngay cả Crimea nhỏ bé cũng đã ngốn hàng trăm tỷ rúp cho các khoản đầu tư mà hiện đang thiếu ở những nơi khác. Người dân ở miền đông Ukraine sẽ không nhất thiết hài lòng với sự chiếm đóng, ít nhất là ở phần đất do Kiev hiện đang kiểm soát, bởi vì họ coi mình như một dân tộc riêng.

Ngoài ra, sẽ có một lệnh trừng phạt khắc nghiệt chưa từng có của phương Tây. Sau cuộc tấn công của Nga vào Gruzia năm 2008, Putin đã không gặp bất kỳ hậu quả nào; năm 2014, sau cuộc tấn công vào Ukraine, các lệnh trừng phạt cũng chỉ được gia tăng một cách thận trọng. Nhưng Putin không có thể trông chờ vào sự nuông chiều đó nữa.

Chuyên gia Timofejew cho rằng các lệnh trừng phạt đối với ngân hàng trung ương Nga có thể diễn ra. Với khả năng đóng cửa mạng liên lạc ngân hàng Swift, Nga sẽ bị ngắt kết nối với hệ thống tài chính thế giới. Cũng có thể tính đến các lệnh cấm nhập khẩu đối với dầu mỏ hoặc khí đốt của Nga, điều sẽ gây thiệt hại to lớn cho nền kinh tế Nga, một vấn đề nhãn tiền. Kết thúc dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, thường được các nhà phê bình kêu gọi, là điều trong tầm tay.

Một phản ứng khác nữa có thể xẩy ra từ phương Tây là hợp tác quân sự sẽ tăng lên, vũ khí sẽ được cung cấp nhiều hơn cho Kiev. Nga một lần nữa có thể biến lời tiên tri xủa mình thành sự thật thông qua các hành động của mình. Sau đó, sẽ có sự cô lập về ngoại giao đối với Nga, bởi vì, không giống như năm 2014, đây không còn là việc sáp nhập một bán đảo hay một cuộc chiến tranh ủy nhiệm với việc triển khai quân đội chính quy bí mật ở Donbass, mà là một cuộc chiến có tuyên bố chống lại một quốc gia rộng lớn.

Chỉ có những người hiểu rõ nhất tâm can của Putin mới có thể thi vị hóa hành động của Nga. Ngoài ra, ở Nga hầu như không có bất kỳ nhu cầu về mặt nội chính để leo thang cuộc chiến đẫm máu mà nước này chính thức tiến hành. Cuối cùng, chỉ có một người duy nhất, Vladimir Putin, biết liệu những lập luận phản bác này có đủ để ngăn chặn một cuộc chiến hay không.