19/04/1995: Đánh bom Thành phố Oklahoma

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Oklahoma City bombing, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1995, ngay sau 9 giờ sáng, một xe tải chứa bom lớn đã phát nổ bên ngoài Tòa nhà Liên bang Alfred P. Murrah ở Thành phố Oklahoma, Bang Oklahoma. Vụ nổ làm sập mặt phía bắc của tòa nhà chín tầng, ngay lập tức khiến hơn 100 người thiệt mạng, và khiến hàng chục người khác mắc kẹt trong đống đổ nát. Các đội cứu trợ từ khắp nước Mỹ đã chạy đua đến Thành phố Oklahoma, và khi nỗ lực cứu hộ kết thúc hai tuần sau đó, số người thiệt mạng đã lên tới 168, bao gồm 19 em nhỏ đang ở trung tâm giữ trẻ của tòa nhà vào thời điểm vụ nổ xảy ra.

Ngày 21/04, cuộc truy lùng nghi phạm quy mô lớn trong vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất từng được người Mỹ thực hiện trên đất Mỹ đã dẫn đến việc bắt giữ Timothy McVeigh, một cựu quân nhân 27 tuổi từng làm việc trong Quân đội Mỹ, người có nhân dạng phù hợp với mô tả của nhân chứng về một người đàn ông được nhìn thấy tại hiện trường vụ án. Cùng ngày, Terry Nichols, một cộng sự của McVeigh, đã ra đầu thú tại Herington, Kansas, sau khi biết rằng cảnh sát đang truy lùng mình. Cả hai người được phát hiện là thành viên của một nhóm cực đoan cánh hữu có trụ sở tại Michigan, và vào ngày 08/08, John Fortier, người biết về kế hoạch đánh bom tòa nhà liên bang của McVeigh, đã đồng ý ra làm chứng chống lại McVeigh và Nichols để đổi lấy việc được giảm án. Hai ngày sau, đại bồi thẩm đoàn đã truy tố McVeigh và Nichols về các cáo buộc giết người và âm mưu.

Khi còn ở tuổi thiếu niên, Timothy McVeigh đã có sở thích sử dụng súng, và bắt đầu trau dồi các kỹ năng sinh tồn mà hắn tin là cần thiết trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Liên Xô. Vì không có định hướng sau khi học trung học, hắn quyết định nhập ngũ và chứng tỏ bản thân là một người lính kỷ luật và tỉ mỉ. Chính trong thời gian này, hắn kết bạn với Terry Nichols, hơn hắn 13 tuổi, cũng có chung sở thích ‘sinh tồn.’

Đầu năm 1991, McVeigh phục vụ trong Chiến tranh Vùng Vịnh và được trao tặng một số huy chương cho giai đoạn chiến đấu ngắn ngủi của mình. Bất chấp những vinh dự này, hắn đã bị cho giải ngũ vào cuối năm đó, do Mỹ quyết định cắt giảm lực lượng sau khi Liên Xô sụp đổ. Một kết quả khác của việc Chiến tranh Lạnh kết thúc là McVeigh đã thay đổi hệ tư tưởng của mình, chuyển từ căm ghét các chính phủ cộng sản nước ngoài sang nghi ngờ chính phủ liên bang Mỹ, đặc biệt là khi nhà lãnh đạo mới đắc cử, ứng viên của đảng Dân chủ Bill Clinton, đã vận động thành công cho chức tổng thống nhờ cương lĩnh kiểm soát súng.

Vụ đấu súng vào tháng 08/1992 giữa các đặc vụ liên bang và ‘nhà sinh tồn’ Randy Weaver tại cabin của ông ta ở Idaho, trong đó vợ và con trai của Weaver bị giết, cùng với vụ việc diễn ra sau đó vào ngày 19/04/1993 ở Waco, Texas, giết chết khoảng 80 thành viên giáo phái Branch Davidians, đã cực đoan hóa McVeigh, Nichols, và các đồng phạm. Đầu năm 1995, Nichols và McVeigh lên kế hoạch tấn công tòa nhà liên bang ở Thành phố Oklahoma, nơi đặt trụ sở của nhiều cơ quan liên bang, trong đó có Cục Rượu, Thuốc lá, và Súng (ATF) – cơ quan đã tiến hành cuộc đột kích nhắm vào khu nhà của Branch Davidians vào năm 1993.

Ngày 19/04/1995, kỷ niệm hai năm sau vụ đấu súng tại Waco, McVeigh đã đậu chiếc xe tải Ryder mà hắn thuê, bên trong chứa đầy bom diesel-phân bón (diesel-fuel-fertilizer bomb), bên ngoài Tòa nhà Alfred P. Murrah ở Thành phố Oklahoma rồi bỏ trốn. Ít phút sau, quả bom lớn phát nổ, giết chết 168 người.

Ngày 02/06/1997, McVeigh bị tuyên có tội với 15 tội danh giết người và âm mưu, và đến ngày 14/08, với đề nghị nhất trí từ bồi thẩm đoàn, hắn đã bị kết án tử hình bằng cách tiêm thuốc độc. Michael Fortier thì nhận bản án 12 năm tù, và phải nộp phạt 200.000 đô la vì không cảnh báo chính quyền về kế hoạch đánh bom của McVeigh. Terry Nichols cũng bị kết tội, với 1 tội âm mưu và 8 tội ngộ sát không tự nguyện, và phải lãnh án chung thân.

Tháng 02/2000, McVeigh yêu cầu một thẩm phán liên bang ngừng tất cả các kháng cáo liên quan đến bản án của mình và ấn định ngày hành quyết cho hắn. Thẩm phán Liên bang Richard Matsch đã chấp nhận yêu cầu. Ngày 11/06/2001, McVeigh, khi đó 33 tuổi, đã chết sau khi tiêm một liều thuốc độc tại nhà tù Terre Haute, Indiana. Hắn là tù nhân liên bang đầu tiên bị xử tử kể từ năm 1963.