29/05/1953: Edmund Hillary và Tenzing Norgay chinh phục đỉnh Everest

Nguồn: Edmund Hillary and Tenzing Norgay reach Everest summit, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1953, lúc 11 giờ 30 sáng, Edmund Hillary người New Zealand, và Tenzing Norgay người Sherpa từ Nepal, đã trở thành những nhà thám hiểm đầu tiên chinh phục đỉnh Everest, ở độ cao 8.850m so với mực nước biển, điểm cao nhất trên Trái Đất. Là thành viên trong một đoàn thám hiểm của Anh, hai người đàn ông đã đặt chân lên đỉnh núi sau khi trải qua một đêm dài đầy khó khăn ở độ cao 8.504m. Tin tức về thành tựu của họ đã lan truyền khắp thế giới vào ngày 02/06, ngày đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II, và người Anh đã xem đây là một điềm lành cho tương lai của đất nước họ.

Everest là ngọn núi cao nhất trong Dãy Himalaya ở châu Á, nằm trên biên giới giữa Nepal và Tây Tạng. Người Tây Tạng gọi nó là Chomo-Lungma, hay “Thánh Mẫu vũ trụ”, còn người Anh đặt tên ngọn núi theo tên của Sir George Everest, một nhà khảo sát người Anh chuyên về Nam Á sống ở thế kỷ 19. Đỉnh Everest cao tương đương khoảng 2/3 độ cao của khí quyển Trái Đất – độ cao mà máy bay phản lực thường bay qua – nồng độ oxy ở đó cực kỳ thấp, nhiệt độ cực kỳ lạnh, với thời tiết cực kỳ khó đoán và nguy hiểm.

Nỗ lực chinh phục Everest đầu tiên được ghi nhận là vào năm 1921, bởi một đoàn thám hiểm người Anh, những người đã vượt qua 400 dặm đường trắc trở, vượt qua cao nguyên Tây Tạng đến chân ngọn núi lớn. Một cơn bão dữ dội đã khiến họ phải bỏ dở chặng đường, nhưng những nhà leo núi, trong số đó có George Leigh Mallory, đã nhìn thấy một con đường có thể là con đường dẫn lên đến đỉnh. Sau đó, khi được một nhà báo hỏi tại sao ông muốn leo lên Everest, Mallory đã trả lời một cách hài hước: “Vì nó ở ngay đó mà.”

Đoàn thám hiểm thứ hai của Anh, có sự tham gia của Mallory, đã trở lại vào năm 1922, và các nhà leo núi George Finch và Geoffrey Bruce đã đạt đến độ cao ấn tượng: hơn 8.230m. Trong một nỗ lực khác của Mallory, cũng trong năm đó, bảy người Sherpa phụ trách khuân vác cho đoàn đã thiệt mạng trong một trận tuyết lở. (Người Sherpa, cư dân bản địa của Khumbu, từ lâu đã đóng một vai trò hỗ trợ thiết yếu trong những cuộc leo núi ở dãy Himalaya, nhờ sức khỏe và khả năng chịu đựng trên những độ cao lớn của họ.) Năm 1924, đoàn thám hiểm Everest thứ ba đã được người Anh tổ chức, và nhà leo núi Edward Norton đã đi được quãng đường 8.573m, thấp hơn 274m so với đỉnh núi, mà không cần sử dụng oxy nhân tạo. Bốn ngày sau, Mallory và Andrew Irvine cố gắng chinh phục đỉnh núi, nhưng không bao giờ được nhìn thấy còn sống trở về nữa. Năm 1999, người ta tìm thấy thi thể gần như nguyên vẹn của Mallory gần đỉnh Everest – ông đã bị gãy nhiều xương vì một cú ngã. Liệu ông, hay Irvine, đã từng lên đến đỉnh Everest hay không vẫn còn là một bí ẩn.

Một số nỗ lực chinh phục không thành công khác đã được thực hiện bằng cách đi qua Sườn núi Đông Bắc nằm ở phía Tây Tạng, nhưng sau Thế chiến II, Tây Tạng bị đóng cửa với người nước ngoài. Năm 1949, Nepal mở cửa với thế giới bên ngoài, và vào năm 1950 và 1951, các đoàn thám hiểm của Anh đã leo lên Sườn núi Đông Nam. Năm 1952, một đoàn thám hiểm người Thụy Sĩ đã đến Sông băng Khumbu nguy hiểm, trong nỗ lực đầu tiên thực sự leo đến đỉnh núi. Hai nhà leo núi, Raymond Lambert và Tenzing Norgay, đã leo cao đến 8.598m, ngay dưới Đỉnh núi phía Nam (South Summit), nhưng buộc phải quay về vì cần đồ tiếp tế.

Bị sốc khi chứng kiến người Thụy Sĩ suýt thành công, người Anh đã tổ chức một đoàn thám hiểm lớn vào năm 1953 dưới sự chỉ huy của Đại tá John Hunt. Ngoài những nhà leo núi giỏi nhất của Anh và những người Sherpa giàu kinh nghiệm như Tenzing Norgay, đoàn thám hiểm còn thu hút được những tài năng từ Khối thịnh vượng chung Anh, chẳng hạn như hai thành viên người New Zealand, George Lowe và Edmund Hillary (Hillary là một người nuôi ong những khi ông không leo núi). Các thành viên của đoàn thám hiểm được trang bị ủng và quần áo cách nhiệt đặc biệt, thiết bị vô tuyến cầm tay, cùng hệ thống oxy mạch hở và mạch kín.

Sau khi dựng một loại trại, đoàn thám hiểm tiến lên núi vào tháng 4 và tháng 5 năm 1953. Một lối đi mới đã được tạo ra, cắt ngang Sông băng Khumbu, và những người leo núi tiến đến Thung lũng Western Cwm, vượt qua Núi Lhotse, và đến Điểm hạ Nam (South Col), ở độ cao khoảng 7.925m. Ngày 26/05, Charles Evans và Tom Bourdillon bắt đầu chặng đường leo lên đỉnh núi, và đã đến cách đỉnh Everest chỉ khoảng 91,4m trước khi phải quay trở lại vì một trong những bộ dưỡng khí của họ bị trục trặc.

Ngày 28/05, Tenzing và Hillary khởi hành, dựng trại cao ở độ cao 8.504m. Sau một đêm lạnh cóng, không ngủ, cả hai tiếp tục di chuyển đến Đỉnh núi phía Nam lúc 9 giờ sáng, khoảng một giờ sau đó, họ đến một bậc đá dốc đứng, cao khoảng 12,2m. Đóng cọc vào một vết nứt trên bậc đá, Hillary đã tự trèo lên nơi mà sau này sẽ được gọi là Dốc đá Hillary. Tiếp đến, ông ném một sợi dây xuống, và Norgay đã có thể leo lên. Khoảng 11:30 sáng, bộ đôi leo núi đã đến được nóc nhà thế giới.

Tin tức về thành tựu này đã được người truyền tin từ trại căn cứ của đoàn thám hiểm nhanh chóng chuyển đến đài phát thanh tại Namche Bazar, sau đó được mã hóa và gửi đến London, Nữ hoàng Elizabeth II đã hay tin vào ngày 01/06, ngay trước lễ đăng quang của bà. Ngày hôm sau, tin tức đã bùng nổ khắp thế giới. Cuối năm đó, Hillary và Hunt được nữ hoàng phong tước hiệp sĩ. Vì không phải là công dân của một quốc gia thuộc Khối thịnh vượng Chung, nên Norgay chỉ nhận được Huân chương Đế chế Anh – ít trang trọng hơn.

Kể từ chuyến leo núi lịch sử của Hillary và Norgay, đã có rất nhiều đoàn thám hiểm đã lên đường chinh phục đỉnh Everest. Năm 1960, một đoàn thám hiểm Trung Quốc là những người đầu tiên chinh phục ngọn núi từ phía Tây Tạng, và vào năm 1963, James Whittaker trở thành người Mỹ đầu tiên đặt chân lên đỉnh Everest. Năm 1975, Tabei Junko của Nhật Bản trở thành người phụ nữ đầu tiên leo lên đến đỉnh núi. Ba năm sau, Reinhold Messner của Ý và Peter Habeler của Áo đã đạt được điều mà trước đây người ta cho là không thể: leo lên đỉnh Everest mà không cần bình dưỡng khí. Hơn 300 nhà leo núi đã thiệt mạng khi cố gắng chinh phục đỉnh núi.

Ngày chết chóc nhất của Everest là ngày 25/04/2015, khi 19 người thiệt mạng trong một trận tuyết lở tại một khu trại, sau trận động đất 7,8 độ richter khiến hơn 9.000 người thiệt mạng và hơn 23.000 người bị thương ở Nepal.

Một thảm kịch lớn đã xảy ra vào năm 1996, khi 8 nhà leo núi chết vì mắc kẹt trong trận bão tuyết trên các sườn núi, trong sự cố nổi tiếng được kể lại trong cuốn Into Thin Air của Jon Krakauer. Cuốn sách của Krakauer đã không thể ngăn chặn làn sóng những người sẵn sàng bỏ ra hàng chục nghìn đô la để có cơ hội đặt chân lên đỉnh cao nhất của Trái Đất. “Ùn tắc giao thông” đã được báo cáo ở khu vực gần đỉnh núi, và một cuộc ẩu đả đã xảy ra vào năm 2013 giữa ba nhà leo núi châu Âu và hơn 100 người Sherpa, xoay quanh những điều mà các hướng dẫn viên cho là hành vi thô lỗ và nguy hiểm khi cố gắng leo núi. Cùng lúc đó, số người tử vong khi leo núi vẫn tiếp tục tăng lên, bao gồm hơn 10 người vào năm 2019.