Giải mã “cân bằng chiến lược” của Việt Nam trong tam giác Mỹ-Nga-Việt

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Huỳnh Tâm Sáng

Việt Nam đã lựa chọn “cân bằng thận trọng” đối với xung đột Ukraine. Nhưng Việt Nam có thể nỗ lực không chọn phe trong bao lâu?

Từ khi Nga xâm lược Ukraine hôm 24/2, Việt Nam luôn nhấn mạnh lập trường “không chọn bên” trong cuộc xung đột, cố gắng giữ khoảng cách trước tình huống đối đầu giữa các cường quốc tại khu vực Đông Âu. Dù vậy, các tranh luận vẫn nổ ra xung quanh việc Hà Nội cố gắng “đi dây” giữa Nga và Mỹ.

Từng là đồng minh của Liên Xô, Việt Nam đã chọn bỏ phiếu trắng trong nghị quyết của Liên Hợp Quốc lên án cuộc chiến của Nga tại Ukraine. Hà Nội kêu gọi các bên kiềm chế, sau đó bỏ phiếu chống trong nghị quyết đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, vào tháng 5, Việt Nam đã cung cấp 500.000 USD viện trợ nhân đạo hỗ trợ “người dân bị ảnh hưởng vì chiến sự ở Ukraine”. Dù khá khiêm tốn, khoản đóng góp phản ánh sự đồng cảm của Việt Nam đối với người dân tại quốc gia Đông Âu này. Hơn hết, động thái nói trên nhằm xua tan mối nghi ngờ của Washington dành cho thái độ lấp lửng mà Hà Nội thể hiện từ đầu cuộc chiến.

Tuy nhiên, các chuyên gia theo dõi chính sách đối ngoại Việt Nam vẫn tỏ ra hoài nghi về triển vọng mà Hà Nội có thể đạt được trong nỗ lực cân bằng khéo léo giữa các cường quốc. Một số ý kiến cho rằng cách phản ứng mơ hồ của Việt Nam trong cuộc xung đột ở Ukraine có thể tác động xấu đến quan hệ Việt – Mỹ vốn đang trên đà phát triển. Thậm chí, Việt Nam có thể dần rơi vào tình thế nan giải chiến lược mà nước này đang muốn tránh.

Trong bối cảnh đó, các lãnh đạo cấp cao của Hà Nội gần đây đã có một số bài phát biểu quan trọng, mà qua đó, có thể giúp giải mã phần nào lập trường của Việt Nam đối với vấn đề Ukraine cũng như với các nước lớn. Hôm 11/5, trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều sự lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc”. Với các nhà quan sát, thông điệp nói trên là sự đảm bảo rõ ràng cho “lập trường trung lập” của Việt Nam trong vấn đề Ukraine, bất chấp mức độ sâu sắc trong quan hệ Hà Nội – Moscow từng được vun đắp thông qua sự ủng hộ tinh thần và viện trợ cả trên lĩnh vực quân sự lẫn kinh tế của Liên Xô dành cho miền Bắc Việt Nam trước đây.

Bài phát biểu của ông Chính xoay quanh những nguyên tắc chung và các giá trị phổ quát. Trong đó, tính cả nội dung trao đổi cùng các khách mời, Thủ tướng Việt Nam hơn 60 lần đề cập đến các từ khoá “chân thành”, “tin cậy” và “trách nhiệm”. Từ phân tích diễn ngôn, ông Chính đang nỗ lực định hình nhận thức và hoạt động đối ngoại của Hà Nội theo hướng hợp tác thay vì cạnh tranh, hòa bình thay vì xung đột. Chưa nói đến việc Hà Nội có ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin tiến hành cuộc xâm lược Ukraine hay không, bài phát biểu của ông Chính đã ngầm truyền tải thông điệp Việt Nam không “nghiêng” về phía Nga, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh Nga – Mỹ. Đối với các lãnh đạo Hà Nội, sẽ rất sai lầm nếu đánh đồng hành động không lên án Nga với việc Việt Nam ủng hộ cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine.

Trong khi đó, phát biểu tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 12/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết nét đặc sắc của trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam”, trong đó “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”. Đồng thời, ông Trọng – nhân vật có sức ảnh hưởng bao trùm lên hoạt động đối ngoại Việt Nam – cũng đúc kết quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành ngoại giao. Ông Trọng đã đề cập đến nhiều nội dung mấu chốt, trong đó đánh giá cao vị thế chiến lược của Việt Nam trong quan hệ với các nước láng giềng và các cường quốc, nhắc lại chủ trương “tôn trọng và giữ thể diện cho nước lớn”, đồng thời nhấn mạnh sách lược “cương nhu kết hợp” nhằm phục vụ cho lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc.

Chứng kiến đội ngũ lãnh đạo Việt Nam định hình chính sách đối ngoại, các nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế có thể nhận thấy cách Hà Nội khéo léo đánh giá bối cảnh xung quanh. Một mặt, Việt Nam theo dõi sát sao các điểm nóng an ninh quốc tế, trong đó có tình hình ở Ukraine và diễn biến trên Biển Đông. Mặt khác, Việt Nam vẫn tìm cách tối đa hóa đòn bẩy địa chiến lược, thông qua đóng góp sáng kiến và thúc đẩy hoạt động đối ngoại năng động, nhằm tăng cường khả năng phục hồi của ASEAN. Kiên định chủ trương đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện với 30 quốc gia. Bên cạnh đó, Việt Nam và Mỹ cũng nỗ lực tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, củng cố hợp tác song phương trên các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế và quốc phòng. Xét về bản chất, quan hệ giữa hai nước được đánh giá ở mức “đối tác chiến lược trên mọi phương diện, ngoại trừ tên gọi chính thức”. Chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Washington đã phản ánh thành tựu mang tính bước ngoặt đối với Việt Nam, mở ra triển vọng thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn giữa hai quốc gia với các kế hoạch và cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Trong khi đó, Việt Nam đã duy trì và phát triển “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” với Nga – thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Dù cuộc chiến ở Ukraine đang diễn ra, Nga vẫn là nhân tố quan trọng trên trường quốc tế. Hơn nữa, Moscow là đối tác quốc phòng chủ chốt của Việt Nam, cung cấp hơn 80% trang bị quân sự cho Hà Nội. Tháng 12/2021, Việt Nam và Nga đã ký kết một thỏa thuận trên lĩnh vực kỹ thuật – quân sự, nhằm mở rộng hợp tác về thương mại và công nghệ quốc phòng. Trên khía cạnh an ninh ở Biển Đông, Việt Nam cần Nga vì tiếng nói quan trọng của Moscow trong tam giác Nga-Việt-Trung. Nhìn chung, cơ hội thúc đẩy hợp tác song phương dựa trên mối quan hệ truyền thống giữa Việt Nam và Nga, dù nhỏ hay tương đối mờ nhạt, vẫn là vấn đề mà Hà Nội cần phải tính đến.

Trên thực tế, phương Tây đang tìm cách tách Nga khỏi nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, cô lập toàn diện Moscow có lẽ không phải là mục tiêu mà Mỹ và các nước châu Âu hướng đến, ngay cả khi Nga và các nước phương Tây đạt được đồng thuận hay ông Putin cho quân rút khỏi Ukraine. Do đó, đối với Việt Nam, lên án cuộc xâm lược của Nga hoặc tham gia các lệnh trừng phạt nhắm vào Moscow do Mỹ dẫn đầu đều không phải là các lựa chọn khôn ngoan, nhất là khi Hà Nội cố gắng duy trì đồng thời quan hệ truyền thống với Moscow và quan hệ chiến lược với Washington.

Tuy nhiên, quyết tâm giữ thái độ trung lập của Việt Nam trước cuộc xung đột tại Ukraine lại là câu chuyện khác. Giữa tình thế cô lập của Moscow trước các quốc gia phương Tây, việc Việt Nam phụ thuộc vào ngành công nghiệp quốc phòng Nga đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với Hà Nội. Bởi lẽ, thứ nhất, Việt Nam cần sự ủng hộ về ngoại giao và chính trị từ Nga, do Moscow là thành viên thường trực và giữ quyền phủ quyết ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, vị thế đang suy giảm của nước này khó có thể mang lại nhiều lợi ích cho Hà Nội, nhất là khi quan hệ Việt – Nga vốn khăng khít dần trở nên khó đoán và mang dáng dấp của một kiểu liên minh không chính thức. Thứ hai, trong ngắn hạn, rất khó để Việt Nam xem xét thay đổi đối tác cung cấp các loại vũ khí tấn công, kể cả đó là Mỹ, dù Hà Nội đã nỗ lực đa dạng hóa hoạt động trang bị quốc phòng. Mức giá hợp lý của trang bị từ Nga cùng các phương thức thanh toán thuận tiện sẵn có giúp Moscow trở thành bạn hàng lý tưởng trong mắt Việt Nam.

Ngoài ra, quan hệ Trung – Nga trở nên gắn kết hơn cũng là một vấn đề đáng chú ý. Một khi Nga ngày càng phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ về kinh tế, công nghệ và quân sự từ Trung Quốc, Bắc Kinh có thể gây sức ép buộc Moscow hạn chế cung cấp vũ khí tấn công cho Hà Nội. Khả năng nói trên càng có cơ sở trong bối cảnh nền kinh tế Moscow đang chống chọi với hàng loạt lệnh trừng phạt mới. Đáp lại, nếu Nga sẽ tỏ ra miễn cưỡng trong việc tạm ngừng hoặc cắt giảm cung cấp trang bị cho Việt Nam thì Hà Nội sẽ hưởng lợi. Tuy nhiên, các trở ngại và hạn chế của ngành công nghiệp quốc phòng Nga vẫn có thể khiến Việt Nam gặp khó. Đơn cử, hoạt động tác chiến kém hiệu quả của khí tài nước này trên chiến trường Ukraine thời gian qua đã khiến dư luận quốc tế bất ngờ.

Nếu Trung Quốc tăng cường các hành vi cưỡng ép trên Biển Đông, trong khi Nga cắt giảm cung cấp vũ khí cho Việt Nam, Hà Nội nhiều khả năng sẽ xích lại gần hơn với Mỹ trong hoạt động trang bị quốc phòng. Khi đó, Washington có thể áp dụng quân bài chiến lược là “Đạo luật Chống lại đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt” (CAATSA) để thuyết phục Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào vũ khí Nga và chuyển các đơn đặt hàng sang Washington. Nếu thành hiện thực, động thái nói trên có thể gây xói mòn quan hệ Việt – Nga, làm nảy sinh bất ổn trong quan hệ Việt – Trung, hay chí ít cản trở mục tiêu duy trì trạng thái cân bằng chiến lược giữa các cường quốc của Hà Nội.

Trong thời gian tới, Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục “đi dây” giữa Mỹ và Nga, đồng thời theo đuổi vị thế “cân bằng đa cực” (multipolar balance) trong quan hệ đối ngoại. Trước mắt, quan hệ Việt – Nga khó có thể chứng kiến những thay đổi mang tính căn bản, nhất là khi xem xét lập trường thận trọng được Hà Nội theo đuổi lâu nay liên quan đến các vấn đề gây tranh cãi hay trước xung đột giữa các cường quốc. Dù vậy, cam kết không chọn phe của Việt Nam trong cạnh tranh nước lớn có thể sẽ đối mặt với nhiều thử thách, nhất là với bối cảnh quốc tế đầy biến động. Nhìn chung, nỗ lực của Hà Nội trong việc tạo dựng thế cân bằng chiến lược giữa Mỹ và Nga vẫn được duy trì, ít nhất là ở hiện tại.

Quan điểm trong bài viết là của riêng tác giả, không đại diện cho cơ quan mà tác giả đang làm việc hay cộng tác.

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được đăng trên The Diplomat.