12/06/1982: Biểu tình lớn chống vũ khí hạt nhân ở New York

Nguồn: One million people demonstrate in New York City against nuclear weapons, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1982, một đám đông cực lớn và đa dạng đã xuống đường tại Công viên Trung tâm của Thành phố New York, yêu cầu giải trừ vũ khí hạt nhân và chấm dứt cuộc chạy đua vũ trang trong Chiến tranh Lạnh. Đến cuối ngày, ước tính số lượng người tham dự đã lên đến hơn một triệu người, khiến đây trở thành cuộc biểu tình giải trừ quân bị lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Mỹ và Liên Xô đã chạy đua vũ trang kể từ Thế chiến II, và Chiến tranh Lạnh trở nên ‘đặc biệt nóng’ vào đầu thập niên 1980. Nhậm chức vào năm 1981, Tổng thống Ronald Reagan là người kiên trì ủng hộ Mỹ xây dựng kho vũ khí hạt nhân và phản đối kịch liệt ý tưởng về các hiệp ước giải trừ quân bị.

Lập luận của ông đã mang lại luồng sinh khí mới cho phong trào phản chiến, vốn tương đối trầm lắng kể từ thời hoàng kim của nó vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, khi những người biểu tình phản đối Chiến tranh Việt Nam và chế độ quân dịch đi kèm với nó. Lo sợ rằng Reagan sẽ ưu tiên chiến tranh hạt nhân hơn là giải trừ vũ khí hạt nhân, các nhà hoạt động xã hội đã bắt tay vào tổ chức một cuộc biểu tình quần chúng ở khu Midtown Manhattan, trùng với thời điểm diễn ra Phiên họp Đặc biệt thứ hai của Liên Hiệp Quốc về Giải trừ Quân bị.

Cuộc biểu tình ở Công viên Trung tâm đã quy tụ các nhà hoạt động từ khắp nơi trên thế giới và từ tất cả các ‘ngõ ngách’ của phong trào phản chiến. Người tham gia đến từ khắp nơi tại Bắc Mỹ, và xa hơn là Bangladesh và Zambia. Các nhóm linh mục Công giáo La Mã tụ họp cùng các giáo sĩ Do Thái và các thành viên của Đảng Cộng sản, và những tấm biển mà nhóm biểu tình giương lên đã minh họa cho phạm vi đòi hỏi chính trị của họ: New York Times ghi lại các áp phích có nội dung “Mỹ hãy đi khỏi El Salvador,” “Nhà ở không phải là Hầm trú bom,” “Một thế giới nữ quyền là một thế giới không có hạt nhân,” và thậm chí là “Tôi ghét chiến tranh hạt nhân.” Nhiều người kêu gọi ngay lập tức chấm dứt tất cả các chương trình vũ khí hạt nhân, nhưng những người khác có quan điểm ít cực đoan hơn, chỉ kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán giải trừ quân bị.

Các nhà hoạt động chỉ ra sự tương phản giữa khoản chi tiêu quốc phòng mạnh tay của Reagan và cách tiếp cận keo kiệt của ông đối với các chương trình xã hội, đồng thời rút ra mối liên hệ giữa thái độ hiếu chiến của chính quyền đối với Liên Xô và các hành động của họ ở El Salvador, nơi CIA đang tham gia tài trợ, cung cấp, và điều phối một chiến dịch khủng bố được tiến hành bởi các phiến quân Contra cánh hữu. Để phù hợp với thông điệp của mình, cuộc biểu tình diễn ra hoàn toàn hòa bình và nhiều người tham dự đã cắm trại qua đêm trong công viên, sau khi đám đông bắt đầu giải tán vào khoảng 6 giờ chiều.

Cuộc biểu tình năm 1982 và phiên họp đặc biệt của Liên Hiệp Quốc không ngay lập tức dẫn đến các hiệp ước giải trừ quân bị mới, nhưng 5 năm sau, Mỹ và Liên Xô đã ký Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), lần đầu tiên trong lịch sử các siêu cường đồng ý thu hẹp kho vũ khí hạt nhân của mình.