Nguồn: British Women’s Auxiliary Army Corps is officially established, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1917, Chỉ thị số 1069 của Hội đồng Quân đội Anh Quốc đã chính thức thành lập Quân đoàn Phụ nữ Anh (British Women’s Auxiliary Army Corps, WAAC), cho phép các nữ tình nguyện viên được phục vụ cùng với các đồng nghiệp nam giới tại Pháp trong Thế chiến I.
Tính đến năm 1917, một số lượng lớn phụ nữ đã làm việc trong các nhà máy sản xuất vũ khí trên khắp nước Anh, giữ một vai trò quan trọng là cung cấp đủ đạn pháo và các loại vũ khí khác cho nỗ lực chiến tranh của phe Hiệp ước. Điều kiện khắc nghiệt trong các nhà máy là không thể phủ nhận, công nhân phải làm việc trong thời gian dài với các hóa chất độc hại như thuốc nổ TNT. Đã có tổng cộng 61 nữ công nhân chế tạo bom đạn chết vì ngộ độc, và 81 người khác chết vì tai nạn lao động. Vụ nổ tại một nhà máy sản xuất vũ khí ở Silvertown, Đông London, khi một ngọn lửa vô tình làm cháy 50 tấn thuốc nổ TNT, đã khiến 69 phụ nữ thiệt mạng và 72 người khác bị thương nặng.
Đầu năm 1917, một chiến dịch bắt đầu cho phép phụ nữ hỗ trợ trực tiếp hơn cho nỗ lực chiến tranh bằng cách gia nhập quân đội, làm các công việc như nấu ăn, cơ khí, văn thư, và các công việc nhỏ khác vốn sẽ bị giao cho những người đàn ông có thể phục vụ đất nước của họ tốt hơn khi ở trong chiến hào. Tính đến ngày 11/03/1917, ngay cả Sir Douglas Haig, Tổng tư lệnh Anh, cũng chấp nhận ý tưởng này. Ông viết thư cho Bộ Chiến tranh Anh rằng “việc tuyển dụng phụ nữ ở nước này [Pháp] được chấp nhận, và họ sẽ được tuyển dụng bất cứ nơi nào điều kiện cho phép.”
Việc thành lập WAAC vào mùa hè năm 1917 có nghĩa là, lần đầu tiên, phụ nữ được phép mặc quân phục và được cử đến Pháp để làm thư ký, điện thoại viên, bồi bàn, và các vị trí khác trên mặt trận. Phụ nữ được trả lương thấp hơn nam giới: 24 shilling/tuần đối với lao động phổ thông, và gấp đôi đối với lao động có kỹ năng cao hơn, chẳng hạn như đánh máy tốc ký.
Vì mục đích của WAAC là để những người lính nam giới đang làm công việc vặt ở Anh và Pháp có thể quay lại phục vụ tại chiến trường, nên Bộ Chiến tranh đã đưa ra quy định hạn chế rằng: đối với mỗi phụ nữ được giao một công việc thông qua WAAC, một người đàn ông phải được trả về nhiệm vụ tiền tuyến. Không ai trong số các nữ tình nguyện viên có thể trở thành sĩ quan – theo truyền thống trong quân đội Anh – nhưng họ có thể được thăng cấp lên “kiểm soát viên” hoặc “quản trị viên”.
Vào cuối Thế chiến I, khoảng 80.000 phụ nữ đã phục vụ trong ba lực lượng nữ giới của Anh – WAAC, Quân đoàn Nữ Phòng thủ Cứu trợ, và Y tá Sơ cứu cho Kỵ binh– với tư cách là những người không phải lính chiến (non-combatant), nhưng vẫn đóng góp chính thức (full-fledged contributor) cho nỗ lực chiến tranh của phe Hiệp ước.