Thế giới hôm nay: 07/07/2022

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Thủ tướng Anh Boris Johnson được cho là đã phản đối lời kêu gọi ông từ chức của một số bộ trưởng trong nội các tại Phố Downing. Nhóm này bao gồm Nadhim Zahawi, người được Johnson bổ nhiệm làm tân Bộ trưởng Tài chính vào hôm thứ Ba vừa qua, cũng như nhiều cá nhân trung thành trước đây như Grant Shapps, Bộ trưởng Giao thông. Trước đó, Michael Gove, một bộ trưởng cấp cao khác, cũng nói rằng Johnson nên rời ghế, nhưng một số bộ trưởng vẫn ủng hộ ông. Nếu Johnson kiên quyết không từ chức, nhiều khả năng sẽ có thêm nhiều thành viên chính phủ tiếp bước 38 quan chức đã từ chức kể từ hôm thứ Ba.

Hôm thứ Sáu, Pat Cipollone, cựu Cố vấn tại Nhà Trắng, đã đồng ý tham gia phỏng vấn kín với Ủy ban Điều tra Bạo loạn Điện Capitol ngày 06/01. Cipollone được coi là nhân chứng quan trọng trong nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử năm 2020 của Donald Trump, cũng như cách cựu tổng thống xử lý cuộc nổi dậy ở Điện Capitol. Cuộc phỏng vấn là một bước đột phá đối với ủy ban, những người đã gửi trát hầu tòa cho Cipollone vào tuần trước.

Công nhân đường sắt ở Pháp đình công, yêu cầu tăng lương “ít nhất bằng mức tăng lạm phát.” Gần một phần ba các chuyến tàu liên tỉnh và khu vực đã bị hủy bỏ, một ngày trước khi kỳ nghỉ hè của các trường học ở Pháp bắt đầu. Cuộc đình công của công nhân đường sắt diễn ra sau cuộc đình công của các nhân viên hàng không vào tuần trước.

Lần đầu tiên Trung Quốc chính thức áp đặt quy định về vaccine covid-19. Bắt đầu từ tuần tới, người dân Bắc Kinh sẽ được yêu cầu xuất trình bằng chứng đã tiêm phòng để có thể ra vào một loạt các địa điểm công cộng. Tuần này, Trung Quốc đã báo cáo những trường hợp đầu tiên nhiễm phải biến thể Omicron BA.5.2 có khả năng lây nhiễm cao ở thủ đô Bắc Kinh và Tây An, một thành phố ở miền trung Trung Quốc.

Công ty môi giới tiền mã hóa Voyager Digital đã nộp đơn xin phá sản, sau khi đình chỉ hoạt động rút tiền, mua bán, và gửi tiền vào tuần trước. Công ty này sử dụng lý do là sự biến động của thị trường và sự sụp đổ bất ngờ của Three Arrows Capital, một quỹ đầu cơ tiền mã hóa hiện cũng đã phá sản, vì quỹ này đã vỡ nợ khoản vay hàng triệu đô la cho Voyager Digital.

Sau khi chiếm được Luhansk vào đầu tuần này, Nga hiện đang bao vây Donetsk, phần còn lại trong vùng Donbas của Ukraine. Pavlo Kyrylenko, Thống đốc Donetsk, kêu gọi người dân hãy rời đi. Hôm thứ Ba, cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga đã thiêu rụi một khu chợ ở thành phố Slovyansk. Kyrylenko mô tả sự kiện này là “khủng bố thuần túy.”

Hơn 400 tù nhân trong một nhà tù ở Abuja, thủ đô Nigeria, hiện vẫn đang lẩn trốn bên ngoài sau một cuộc đột kích đêm thứ Ba của các chiến binh bị tình nghi thuộc nhóm thánh chiến Boko Haram. Gần 900 tù nhân đã bỏ trốn sau vụ vượt ngục, nhưng sau đó nhiều người đã bị bắt lại hoặc tự nộp mình. Một quan chức tại Bộ Nội vụ cho biết những kẻ tấn công “đã đến để giải cứu đồng bọn khủng bố của chúng.”

TIÊU ĐIỂM

Indonesia xoay sở ngoại giao trong khuôn khổ G20

Ngoại trưởng của các nước G20 đã tập trung tại Bali vào thứ Năm, một thời điểm ngoại giao tích cực bất thường đối với nước chủ nhà Indonesia. Tổng thống Joko Widodo, biệt danh là Jokowi, gần đây đã đến thăm những người đồng cấp ở cả Ukraine và Nga trong một “sứ mệnh hòa bình” nhằm xoa dịu trạng thiếu hụt trên thị trường ngũ cốc toàn cầu.

Indonesia đã đưa ra ba ưu tiên của mình trong năm họ giữ ghế chủ tịch luân phiên của G20: “kiến trúc y tế toàn cầu” (nghĩa là sự chuẩn bị cho các đại dịch trong tương lai); “chuyển đổi kỹ thuật số” (đặc biệt là về tài chính); và “chuyển đổi năng lượng bền vững.” Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của Jokowi, các cuộc họp G20 năm nay sẽ phải tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine.

Sang tháng 11, Bali sẽ là nơi tiếp đón các nhà lãnh đạo G20. Vladimir Putin, Tổng thống Nga, sẽ tham dự, và Jokowi cũng đã mời Volodymyr Zelensky, Tổng thống Ukraine, dù Ukraine không phải là thành viên của nhóm này. Ngay cả khi ở hòn đảo nghỉ dưỡng Bali, người ta vẫn sẽ khó tránh khỏi việc nói về chiến tranh.

Đối đầu ở Phố Downing

Chính phủ Anh đang gặp khủng hoảng. Ngày 06/07, Boris Johnson đã phải đối mặt với làn sóng từ chức cấp bộ trưởng, vì đảng của ông cuối cùng đã quyết định rằng họ không còn chịu nổi sự dối trá và khả năng quản lý yếu kém đã nhấn chìm họ suốt những tháng qua. Hầu hết các nghị sĩ trong Đảng Bảo thủ đều bày tỏ rằng vị thủ tướng nên ra đi. Một nhóm bộ trưởng trong Nội các đã thúc giục ông từ chức; họ được cho là bao gồm những người trung thành trước đây, như Priti Patel, Bộ trưởng Nội vụ, và Nadhim Zahawi, người vừa được Johnson bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính mới vào thứ Ba.

Hầu hết những người tiền nhiệm của Johnson có lẽ đã nhận ra sự thay đổi trong nền chính trị và đã tránh sang một bên vào thời điểm này. Nhưng Johnson lại không như vậy, ông vẫn kiên quyết giữ ghế và viện dẫn sứ mệnh được giao của mình sau cuộc tổng tuyển cử năm 2019. Nếu ông không từ chức, thì đảng của ông sẽ sớm phế truất ông. Các nghị sĩ thuộc Ủy ban Bảo thủ 1922 có thể tổ chức một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm mới vào tuần tới và thủ tướng nhiều khả năng sẽ không chiến thắng.

Australia lại ngập trong lũ lụt

Một khu vực áp suất thấp đang tàn phá New South Wales, bang đông dân nhất của Australia. Lượng mưa đổ xuống Sydney trong bốn ngày qua còn cao hơn tổng lượng mưa tại London suốt một năm. Ít nhất một người đã thiệt mạng và hàng chục nghìn người khác phải sơ tán vì sông vỡ bờ. Một số thị trấn đang phải chống chọi với lũ lụt khi mưa từ Sydney di chuyển về phía bắc.

Các công dân phải chịu cảnh lũ lụt sẽ được cứu trợ vào thứ Năm tới, dưới hình thức trợ cấp thảm họa liên bang. Chính phủ Lao động mới, do Anthony Albanese lãnh đạo, sẽ cấp 1.000 AUD (680 USD) cho bất kỳ ai có nhà bị ngập do nước dâng. Nhưng khoản tiền đó chẳng thấm vào đâu. Và việc xây dựng lại nhà cửa ngày càng trở nên khó hơn. Lũ lụt đang tấn công Australia ngày càng dữ dội; một số vùng trũng ở phía tây Sydney đã bị nhấn chìm dưới nước bốn lần trong 18 tháng qua. Khi nước rút dần, người dân sẽ phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn: rời đi hoặc chuẩn bị cho những trận ngập lụt lớn hơn nữa.

Nhiệt độ cực cao trong cuộc hành hương đến Mecca

Vào thứ Năm, khoảng 1 triệu người hành hương sẽ bắt đầu Haj (lễ hành hương) hàng năm đến Mecca ở Ả Rập Xê Út, một nghi lễ tôn giáo mà mọi người Hồi giáo có đủ tài chính và vật chất phải hoàn thành ít nhất một lần trong đời. Đây là lần đầu tiên chính phủ Ả Rập Saudi cho phép những người hành hương nước ngoài tham gia Haj, kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Nhưng việc đặt chỗ tại điểm hành hương, được thực hiện bằng xổ số, đã diễn ra rất hỗn loạn. Và những người đến được Mecca sẽ phải đối mặt với nhiệt độ trên 400C, mức nhiệt có thể tàn phá cơ thể con người. Như thường lệ, khi Haj rơi vào mùa hè (ngày lễ chính thức còn tùy thuộc vào âm lịch), những người hành hương sẽ được phun nước và di chuyển qua các hành lang rộng lớn có điều hòa nhiệt độ. Tuy nhiên, các mô hình khí hậu cho thấy rằng, nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 1,50C so với nhiệt độ ở thời kỳ tiền công nghiệp, khả năng nhiệt độ tăng đến mức gây chết người trong thời điểm diễn ra Haj sẽ cao hơn gấp 5 lần. Còn mức chênh lệch 20C sẽ làm tăng rủi ro lên gấp 10 lần. Nghi lễ tôn giáo này đang ngày càng trở nên nguy hiểm.