19/07/1848: Khai mạc Hội nghị Seneca Falls về quyền của phụ nữ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Seneca Falls Convention begins, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1848, tại Nhà nguyện Wesleyan ở Seneca Falls, New York – lần đầu tiên ở Mỹ – một hội nghị về quyền của phụ nữ đã được tổ chức với gần 200 phụ nữ tham dự. Những người tổ chức sự kiện này là Lucretia Mott và Elizabeth Cady Stanton, hai phụ nữ ủng hộ bãi nô đã gặp nhau tại Hội nghị Chống Nô lệ Thế giới Năm 1840 ở London. Vì là phụ nữ, Mott và Stanton đã bị cấm tham gia hội nghị, sự phẫn nộ đã khơi dậy trong hai người động lực thúc đẩy họ thành lập phong trào quyền phụ nữ ở Mỹ.

Năm 1848, tại nhà của Stanton, gần Seneca Falls, hai người phụ nữ, cùng Martha Wright, Mary Ann McClintock và Jane Hunt, đã gửi đi lời kêu gọi tổ chức một hội nghị phụ nữ tại Seneca Falls. Lời kêu gọi, được đăng trên tờ Seneca County Courier vào ngày 14/07, có nội dung, “Một hội nghị thảo luận về điều kiện xã hội, dân sự, và tôn giáo, cũng như quyền của phụ nữ sẽ được tổ chức tại Nhà nguyện Wesleyan, tại Seneca Falls, vào thứ Tư và thứ Năm, ngày 19 và 20 tháng 7 này; bắt đầu lúc 10 giờ sáng. Trong ngày đầu tiên, cuộc họp sẽ dành riêng cho phụ nữ, những người mà chúng tôi tha thiết mời tham dự. Công chúng được mời góp mặt vào ngày thứ hai, khi Lucretia Mott từ Philadelphia, cùng các quý bà quý ông khác, sẽ phát biểu tại hội nghị.”

Ngày 19/07, 200 phụ nữ đã tập hợp tại Nhà nguyện Wesleyan, và Stanton đọc bản “Tuyên ngôn về Tình cảm và Bất bình” (Declaration of Sentiments and Grievances), một bài diễn văn mà bà đã soạn thảo trong vài ngày trước đó. Tuyên bố của Stanton được mô phỏng chặt chẽ theo Tuyên ngôn Độc lập, và phần mở đầu của nó là cũng là một tuyên ngôn, “Chúng tôi coi những chân lý này là hiển nhiên: rằng tất cả nam giới và phụ nữ đều bình đẳng; rằng họ được Tạo hóa ban tặng cho một số quyền bất khả xâm phạm.” Tuyên ngôn về Tình cảm và Bất bình sau đó trình bày chi tiết những bất công mà phụ nữ ở Mỹ phải chịu đựng, và kêu gọi phụ nữ Mỹ tập hợp cùng nhau và kiến nghị vì quyền của họ.

Sang ngày thứ hai của hội nghị, nam giới cũng được mời tham dự – và khoảng 40 người đã có mặt, bao gồm cả nhà bãi nô người Mỹ gốc Phi nổi tiếng Frederick Douglass. Ngày hôm đó, bản Tuyên ngôn về Tình cảm và Bất bình đã được hội nghị thông qua và ký. Hội nghị cũng đã thông qua 12 nghị quyết – trong đó 11 nghị quyết đã được nhất trí tuyệt đối – kêu gọi các quyền bình đẳng cụ thể cho phụ nữ. Nghị quyết thứ chín, trong đó tuyên bố “phụ nữ ở đất nước này có nghĩa vụ bảo đảm quyền thiêng liêng được bỏ phiếu của họ,” là nghị quyết duy nhất vấp phải sự phản đối. Sau một cuộc tranh luận kéo dài, trong đó Douglass đứng về phía Stanton trong việc tranh luận về tầm quan trọng của việc trao quyền bỏ phiếu cho phụ nữ, nghị quyết đã được thông qua. Vì đã kêu gọi cho quyền bầu cử của phụ nữ, Hội nghị Seneca Falls đã bị công chúng chế giễu, và một số người ủng hộ quyền phụ nữ đã rút lại sự ủng hộ của họ. Tuy nhiên, nghị quyết này đã đánh dấu sự khởi đầu cho phong trào đấu tranh giành quyền bầu cử của phụ nữ Mỹ.

Tiếp theo sau Hội nghị Seneca Falls là một cuộc họp lớn hơn, tổ chức ở Rochester, New York, hai tuần sau đó. Tiếp đến, các hội nghị quốc gia về quyền phụ nữ đã được tổ chức hàng năm, mang đến một trọng tâm quan trọng cho phong trào về quyền bầu cử của phụ nữ đang trên đà phát triển. Sau nhiều năm đấu tranh, Tu chính án thứ 19 đã được thông qua vào năm 1920, trao cho phụ nữ Mỹ quyền bầu cử được bảo vệ theo hiến pháp.