Đằng sau lá bài Libya bất ngờ của Putin

Nguồn: Robert Uniacke, “Libya Could Be Putin’s Trump Card,” Foreign Policy, 08/07/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Thị trường dầu mỏ toàn cầu đã cảm nhận được sức ép từ việc các mỏ dầu Libya ngưng hoạt động do tác động từ lính đánh thuê Nga.

Khi đặc nhiệm của Tập đoàn Wagner, Vladimir Andonov, mật danh “Vakha,” bị giết trong một trận chiến ở miền đông Ukraine vào đầu tháng 6, một binh sĩ Ukraine đã vô tình chấm dứt chuỗi tội ác chiến tranh kéo dài đến tận Libya. Wagner là một mạng lưới lính đánh thuê hoạt động dưới sự kiểm soát của một nhà thầu quân sự tư nhân Nga. Là một người tham gia trò chơi phiêu lưu quân sự gián tiếp của Điện Kremlin, từ Ukraine, đến Syria, đến vùng ngoại ô phía nam Tripoli, thủ đô của Libya, Andonov bị tình nghi có dính líu đến nhiều vụ giết người ngoài tư pháp (extrajudicial killings).

Kể từ khi lực lượng này chính thức tham chiến ở Tripoli vào tháng 09/2019, con số lính đánh thuê Wagner hiện diện ở đây đã tăng lên khoảng 2.000 người, gồm cả lính tác chiến người Nga và lính bổ trợ được tuyển dụng từ Syria. Việc Andonov được tìm thấy ở khu vực Donbas, miền đông Ukraine, là bằng chứng ủng hộ các báo cáo gần đây, rằng Wagner đã rút bớt lực lượng tại Libya, đưa hàng trăm lính Wagner đến tham chiến trên các chiến trường Ukraine kể từ khi Nga xâm lược hồi tháng 2. Các báo cáo này xuất hiện trong bối cảnh Nga hạ cấp các chiến dịch của lính đánh thuê bán nhà nước (quasi-state) trên toàn cầu, để chuyển những người lính tác chiến như Andonov sang cuộc chiến khó khăn của họ với Ukraine.

Tuy nhiên, việc diễn giải những điều chuyển chiến thuật – ví dụ, quyết định đưa Andonov đến Libya và sau đó quay trở lại Ukraine – như một sự thay đổi quan trọng trong lập trường của Nga về Libya là đã hiểu sai tình hình. Lính Wagner vẫn đang cố thủ bên trong và xung quanh các căn cứ quân sự và cơ sở dầu khí quan trọng ở Libya, làm lính đánh thuê cho Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Khalifa Haftar. Họ là một phần quan trọng trong chiến dịch của Haftar nhằm giành quyền kiểm soát nhà nước Libya khỏi tay chính phủ tại Tripoli. Duy trì sự hiện diện của Wagner ở Libya phù hợp với quyết tâm rộng hơn của Nga: gây áp lực lên các quốc gia thành viên NATO ở châu Âu nhằm đạt được nhiều kết quả chính trị khác nhau, bằng cách kiểm soát các nguồn năng lượng lân cận và gieo rắc bất ổn trên biên giới của họ.

Người Nga đã tự xây dựng cho mình một lực lượng đánh thuê giá rẻ, có thể dễ bề phủ nhận, những người vừa cần thiết cho sự tồn tại của một nhân vật chủ chốt của Libya, vừa giúp họ gia tăng quyền lực đáng kể ở cửa sau của NATO. Sau cùng, lá bài chiến lược này có thể quan trọng đối với Tổng thống Nga Putin hơn cả những gì ông đang phải trải qua ở Ukraine.

Với trữ lượng dầu mỏ dự đoán vào khoảng 48 tỷ thùng và khí đốt tự nhiên vào khoảng 1.500 tỷ mét khối, Libya là một gã khổng lồ năng lượng tiềm năng nằm ngay ở ngưỡng cửa của châu Âu. Nước này chiếm đến 39% tổng trữ lượng dầu của châu Phi. Năm 2020, họ đã bán 63% lượng hàng xuất khẩu của mình sang châu Âu (chủ yếu là Ý, Tây Ban Nha, và Đức), với sản lượng đạt hơn 1 triệu thùng/ngày trong năm 2021. Kể từ năm 2020, Wagner đã chuyển sang ngăn chặn sản lượng xuất khẩu của Libya, cũng như ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào trong tương lai của Liên minh châu Âu để hạn chế sự phụ thuộc năng lượng vào Nga bằng cách khai thác tiềm năng năng lượng của Libya.

Những nỗ lực của Wagner để giúp Haftar chiếm Tripoli, trung tâm chính trị của Libya, đã sụp đổ vào tháng 05/2020 sau sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ. Lính đánh thuê sau đó đã được tái triển khai đến một loạt các cơ sở dầu khí và các căn cứ quân sự gần đó ở cả trung và tây nam Libya. Nhân danh LNA, họ đã thiết lập hàng phòng thủ kiên cố để chống lại các cuộc tấn công từ các lực lượng phía tây Libya và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời củng cố khả năng trấn áp các cơ sở sản xuất và xuất khẩu chiến lược nhất của Libya.

Tháng 07/2020, Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Libya thông báo rằng lực lượng Wagner đã kiểm soát hoàn toàn mỏ dầu Sharara ở tây nam Libya, mỏ lớn nhất của đất nước, với sản lượng 300.000 thùng/ngày. Tập đoàn lính đánh thuê này đang tiếp tục gây thêm khó khăn khi triển khai quân tại nhiều cơ sở dầu khí khác, bao gồm khu phức hợp hóa dầu Ras Lanuf, mỏ dầu Zillah, cảng Es Sider, và cảng Zuetina, nơi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia cho biết Wagner đã hạ cánh một máy bay quân sự, sử dụng đường băng của cơ sở cho mục đích quân sự, và chuyển vào các dãy nhà ở của công nhân. Song song với đó, Wagner đã giành được quyền kiểm soát trên thực tế đối với mạng lưới các căn cứ quân sự và không quân trải dài từ Qardabiya gần Sirte đến Brak gần Sabha, đưa các máy bay chiến đấu MiG-29 và Su-24 từ Nga vào, xây dựng các khu đồn trú và công sự rộng lớn ở những khu vực này (có thể nhìn thấy rõ ràng trong ảnh vệ tinh), và thiết lập hệ thống phòng không. Đến đầu năm 2021, Wagner đã nắm giữ vị trí quan trọng có thể can thiệp và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất dầu của Libya ở các mỏ phía tây nam và Lưỡi liềm Dầu (Oil Crescent). Điều này được thể hiện rõ ràng trong vụ chiếm mỏ dầu Sharara vào tháng 07/2020, khi lực lượng Wagner tiến vào khu vực để áp đặt ‘lệnh phong tỏa’ dầu của LNA.

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã bày tỏ sự quan tâm muốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Libya để giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, nhưng sự hiện diện của Wagner đã biến Điện Kremlin thành chướng ngại vật cho mọi tính toán trong tương lai – hoặc chí ít họ cũng có một lá bài để thương lượng trong các cuộc đàm phán. Ngoài khả năng đe dọa sườn phía nam của NATO nhờ triển khai lực lượng đa nhánh – nhất là vì nhiều cơ sở dầu khí được trang bị đường băng và cơ sở hạ tầng thuận tiện cho mục đích quân sự – việc Wagner nắm trong tay dự trữ dầu thô ngọt, có hàm lượng lưu huỳnh thấp đắt giá của Libya đã mang lại cho Điện Kremlin lợi thế chiến lược để bắt ép các ‘khách hàng’ châu Âu. Và lợi thế này đến trong bối cảnh thị trường năng lượng toàn cầu đã bị thắt chặt kể từ cuộc xâm lược vào Ukraine, và châu Âu đang lo lắng về cuộc khủng hoảng nguồn cung khí đốt mùa đông sắp xảy ra.

Thị trường dầu mỏ toàn cầu đã cảm nhận được sức ép từ việc các mỏ dầu Libya ngưng hoạt động, khi lính Wagner của LNA tìm cách cản trở khả năng tiếp cận nguồn thu từ dầu của chính phủ Tripoli. Gần đây nhất, kể từ ngày 18/04, lực lượng liên kết với LNA đã buộc đóng cửa các mỏ dầu ở phía tây nam Sharara và El Feel, cũng như các bến cảng tại Zuetina và Marsa al-Brega, trước khi mở rộng đến các đường dẫn dầu Ras Lanuf, Es Sider và mỏ Sarir vào đầu tháng 6. Dựa trên ước tính từ các báo cáo, việc đóng cửa các mỏ này đã khiến sản lượng dầu của Libya sụt giảm, từ khoảng 1,2 triệu thùng/ngày xuống còn 300.000 đến 400.000 thùng/ngày. Dù việc ngừng hoạt động xuất phát từ khủng hoảng chính trị của Libya – tức cuộc đối đầu giữa Thủ tướng Abdul Hamid Dbeibeh tại Tripoli và Thủ tướng Fathi Bashagha được LNA hậu thuẫn, hiện đang ở Sirte – nhưng có cơ sở để kết luận rằng việc lực lượng Wagner được triển khai xung quanh các cơ sở là bằng chứng cho thấy có sự chấp thuận ngầm khi cuộc phong tỏa kéo dài.

Không nghi ngờ gì nữa, thời gian đang đứng về phía Moscow. Đặc biệt là trong thị trường năng lượng hiện nay, việc sản lượng giảm gần một triệu thùng mỗi ngày sẽ càng làm gia tăng áp lực lên cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu, ngăn chặn một nguồn dầu mỏ và khí đốt thay thế cho các quốc gia đang cân nhắc chuyển hướng khỏi năng lượng của Nga. Ảnh hưởng chính trị của Nga đã hiện rõ trong cuộc đối đầu lần này: Moscow là thủ đô duy nhất chính thức công nhận chính phủ của Bashagha, và khi một bài viết của Bashagha chỉ trích cuộc xâm lược Ukraine xuất hiện trên tờ Times của Vương quốc Anh vào đầu tháng 5, ông đã buộc phải xuống nước và phủ nhận việc mình là tác giả.

Việc đóng cửa các mỏ dầu, ngay cả khi không có sự tham gia trực tiếp của Nga, vẫn sẽ là một lời cảnh tỉnh đối với các quốc gia thành viên NATO lo ngại về sức mạnh chính trị và kinh tế của Nga ở gần biên giới của mình. Hành động này nhấn mạnh rằng, trong những năm gần đây, Điện Kremlin đã nắm bắt cơ hội để trở thành một tác nhân quan trọng trong tiến trình chính trị của Libya. Đan xen vào cấu trúc an ninh LNA, Wagner đang giúp duy trì và đẩy nhanh các xu hướng gây tổn hại đến lợi ích của châu Âu.

Ngoài ra, còn có một điểm nữa được Wagner tận dụng. Đó là việc một số quốc gia châu Âu, chủ yếu là Pháp, coi LNA như một lực lượng giúp duy trì ổn định và một pháo đài chống lại hoạt động khủng bố. Quan điểm này làm xáo trộn khái niệm lợi ích tập thể của châu Âu và đặt ra câu hỏi ở các thủ đô như Paris về việc liệu vai trò của Wagner trong việc ngăn chặn hạt nhân hóa an ninh của Libya có lớn hơn những mối đe dọa mà tập đoàn này gây ra cho NATO hay không. Bằng cách này, việc triển khai lính Wagner ở Libya – một quốc gia nơi xung đột nội bộ đã làm sáng tỏ các lợi ích địa chính trị mâu thuẫn của các quốc gia châu Âu – cũng góp phần làm nổi bật sự chia rẽ giữa các thủ đô châu Âu. Nếu xung đột tại Libya leo thang, ngay cả khi các nước như Anh và Ý lựa chọn ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ chống lại Wagner, thì bản chất chia rẽ giữa các quốc gia thành viên NATO xoay quanh vấn đề Libya có nghĩa là những nỗ lực ấy sẽ chỉ là chắp vá mà thôi.

Cuối cùng, sự hiện diện của Wagner ở Libya dẫn đến bất ổn thụ động, dù thiếu vắng một cuộc xung đột công khai, và nó thể hiện tầm ảnh hưởng chiến lược của Điện Kremlin tại quốc gia này. Việc hai chính phủ song song xuất hiện một lần nữa vào tháng 3 đã tạo cơ hội cho Wagner tích cực gây bất ổn bằng việc hỗ trợ cho một cuộc tấn công của LNA, nhưng lính Wagner không cần phải trực tiếp chiến đấu thì mới gây ra bất ổn. Chỉ nội sự hiện diện của họ đã là một vấn đề bị chính trị hóa và gây phân cực, làm sâu sắc hơn chia rẽ đông-tây. Hai bên đều đồng thời yêu cầu lính đánh thuê của đối thủ phải rời đi theo khuôn khổ thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 10/2020, nhưng LNA đơn giản chỉ cần nhắc đến sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng lính đánh thuê Syria ở phía tây để dập tắt lập luận này. Trong khi đó, các báo cáo về những hành động tàn bạo của Wagner đối với dân thường trong chiến dịch Tripoli 2019-2020 – bao gồm cả việc đặt mìn sát thương và giết người ngoài tư pháp – càng đổ thêm dầu vào chảo lửa. Đồng thời, Moscow có thể âm thầm sử dụng các hoạt động triển khai tại Libya làm chỗ dựa để xây dựng sức mạnh ở châu Phi, khai thác các lỗ hổng an ninh do các đối thủ châu Âu và Mỹ để lại. Ví dụ, Nga đã sử dụng một căn cứ không quân tại Khadim, gần Benghazi, làm trung tâm hậu cần để trung chuyển nhân viên và thiết bị đến Mali.

Tất nhiên, cũng tồn tại nguy cơ leo thang liên tục, dẫn đến các hành động đối đầu trực tiếp, có thể nhắm vào các mỏ dầu hoặc các khu vực khác mang lợi ích chính trị hoặc kinh tế đối với các đối thủ của Điện Kremlin. Bản chất của mối quan hệ giữa Wagner và LNA là điểm gây tranh cãi chính giữa các nhà quan sát và phân tích: Trong khi một số người cho rằng Haftar đã nắm quyền kiểm soát lực lượng Wagner bằng cách hạn chế việc triển khai của họ, những người khác cho rằng LNA không kiểm soát các lực lượng Nga, dẫn chứng bằng việc Wagner đơn phương rút khỏi Tripoli sau khi Nga đạt được thỏa thuận phòng thủ với Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2020. Các cuộc trò chuyện với nhân chứng cho thấy quan điểm thứ hai mới là chính xác, lực lượng Wagner hoạt động gần như độc lập với chuỗi chỉ huy LNA.

Một ví dụ được nhiều nhân chứng nêu ra là vào đầu tháng 06/2020, khi pháo binh Wagner bắn vào Wadi Jarif – một thung lũng sông nhỏ ở phía tây Sirte – trong lúc lực lượng Tripoli tiến công dưới sự yểm trợ từ máy bay không người lái Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ. Khi hàng trăm gia đình phải bỏ trốn, một số người dân địa phương đã kiến nghị Ban Chỉ huy Sirte của LNA can thiệp, nhưng các sĩ quan của LNA đã bất lực trong việc ngăn chặn cuộc tấn công dữ dội. Sự kiện cho thấy tính độc lập chiến thuật của Wagner, và đã được chứng thực thêm bởi các báo cáo về việc nhân viên LNA phải xin phép để vào căn cứ của Wagner, và việc một số sĩ quan ủng hộ Haftar quan ngại rằng lực lượng Wagner sẽ không rời đi, ngay cả khi có yêu cầu từ LNA, theo các nguyên tắc của thỏa thuận ngừng bắn tháng 10/2020. Sự độc lập này đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá lập trường của người Nga ở Libya: Thay vì tỏ ra nhún nhường các đồng minh LNA, lính Wagner có quyền lực đáng kể để theo đuổi chương trình nghị sự địa chính trị của Moscow ở Libya.

Quyền tự chủ chiến thuật này cũng khiến cư dân địa phương phản đối sự hiện diện của Wagner. Các nhân chứng được phỏng vấn tại Sirte đều phản đối sự hiện diện của Wagner trong khu vực, đặc biệt là khi các công sự phòng thủ của tổ chức này khiến người dân địa phương không thể về nhà, và bạo lực do Wagner gây ra đã giết chết các thành viên trong gia đình họ, tất cả làm dấy lên sự phẫn nộ trong các bộ lạc địa phương trước sự hiện diện của một lực lượng nước ngoài trên vùng đất của tổ tiên họ. Không chỉ phá hoại mối quan hệ của LNA với cử tri bộ lạc địa phương trong cấu trúc xã hội mong manh của Sirte, động thái này còn đặt ra câu hỏi về việc khi nào sự thất vọng của cư dân địa phương có thể biến thành các hình thức phản kháng tích cực hơn, chống lại sự hiện diện của Wagner. Chẳng hạn, mạng xã hội Libya tràn ngập các tài khoản chống LNA, chia sẻ hình ảnh lính đánh thuê Wagner đang di chuyển trong cộng đồng của họ, một số thậm chí còn chia sẻ tọa độ chính xác của các tòa nhà và địa điểm được cho là có liên quan đến Wagner.

Bên cạnh việc chứng minh những thách thức mà lính Wagner phải đối mặt khi triển khai tại đây, các dấu hiệu phản kháng cục bộ còn cho thấy: Wagner đồng nghĩa với sự can thiệp của nước ngoài, vốn đã làm xói mòn chủ quyền của Libya kể từ năm 2011. Trong giai đoạn hiện nay, sự chia rẽ giữa các quốc gia NATO về chính sách Libya đã giúp thúc đẩy một cuộc xung đột mà người Nga đã khai thác hiệu quả để nâng cao lợi thế chiến lược của mình đối với NATO, mang lại cho Wagner sự kết hợp giữa độc lập chiến thuật và vai trò chính trị ở Libya, mang lại lợi ích cho Điện Kremlin. Trong lúc làm nhiệm vụ tại các căn cứ ở sa mạc Libya, các tay chân của Điện Kremlin như Andonov cũng đang tiếp tục làm tăng sức nóng lên châu Âu.

Robert Uniacke là nhà phân tích cấp cao về Trung Đông và Bắc Phi tại Navanti Group.