18/10/1916: Binh nhì Harry Farr bị hành quyết vì hèn nhát

Nguồn: British soldier Harry Farr executed for cowardice, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào rạng sáng ngày này năm 1916, binh nhì Harry Farr của Lực lượng Viễn chinh Anh (BEF) đã bị hành quyết vì tội hèn nhát sau khi ông từ chối xuống chiến hào ở tiền tuyến Mặt trận phía Tây trong Thế chiến I.

Sau khi tham gia BEF vào năm 1914, Farr được cử đến mặt trận Pháp. Tháng 5 năm sau, ông đã bị ngất, run rẩy và được đưa đến bệnh viện để điều trị. Ông trở lại chiến trường và tham gia Chiến dịch Somme. Tuy nhiên, vào giữa tháng 9/1916, Farr từ chối xuống chiến hào cùng với các thành viên còn lại của tiểu đội; khi bị kéo đi, ông đã vùng vẫy và bỏ chạy. Sau đó, ông bị tòa án quân đội kết tội hèn nhát và bị kết án tử hình.

Farr là một trong số 306 binh sĩ đến từ Anh và Khối Thịnh vượng Chung đã bị hành quyết vì tội hèn nhát trong Thế chiến I. Theo lời các con cháu, những người đã tìm cách lấy lại thanh danh cho ông, Farr bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng “sốc đạn pháo” (shell-shock), một tình trạng vừa mới được công nhận vào thời điểm đó, và đã bị tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần do trải nghiệm nơi chiến trường, đặc biệt là những đợt pháo kích nặng nề lặp đi lặp lại mà ông và các đồng đội ở mặt trận đã phải hứng chịu. Các triệu chứng của “sốc đạn pháo” – thuật ngữ lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1917 bởi một sĩ quan quân y tên là Charles Myers – bao gồm suy nhược tâm lý, thường xuyên gặp ác mộng, và nhiều loại suy kiệt thể chất, từ tiêu chảy đến mù lòa. Tính đến cuối Thế chiến I, quân đội Anh đã buộc phải giải quyết 80.000 trường hợp mắc “sốc đạn pháo,” trong đó có cả những binh sĩ chưa từng trải qua một cuộc pháo kích trực tiếp nào. Dù đã tiếp nhận điều trị, nhưng chỉ 1/5 số người bị ảnh hưởng bởi hội chứng này quay trở lại thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Chính phủ Anh đã nhiều lần từ chối lời cầu xin từ gia đình Farr và các gia đình khác, mong muốn những người thân yêu của họ được ân xá và vinh danh cùng với những người lính còn lại đã hi sinh trong Thế chiến I. Cuối cùng, vào tháng 08/2006, sau 14 năm đấu tranh, Tối cao Pháp viện Anh Quốc đã ân xá cho Farr. Vài giờ sau khi thông báo cho gia đình Farr về phán quyết này, chính phủ tuyên bố họ sẽ tìm kiếm sự chấp thuận của Quốc hội để ân xá cho toàn bộ 306 binh sĩ bị hành quyết vì tội hèn nhát trong Thế chiến I.