15/11/1917: Georges Clemenceau trở thành Thủ tướng Pháp

Nguồn: Georges Clemenceau named French prime minister, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1917, khi đất nước của ông vướng vào cuộc xung đột quốc tế gay gắt mà cuối cùng sẽ cướp đi sinh mạng của hơn 1 triệu thanh niên, Georges Clemenceau, 76 tuổi, lần thứ hai được bổ nhiệm làm Thủ tướng Pháp.

Clemenceau lần đầu tiên được bầu vào Quốc hội vào năm 1876, 5 năm sau khi người Pháp thất bại trong Chiến tranh Pháp-Phổ. Kể từ thời điểm đó, ông luôn tin rằng nước Đức mới thống nhất là một mối đe dọa, và một cuộc chiến khác là điều không thể tránh khỏi, bởi “người Đức tin rằng chiến thắng có nghĩa là thống trị.” Với nền công nghiệp phát triển mạnh mẽ và dân số gia tăng đều đặn, Đức đã tạo ra lợi thế cho mình trong những thập niên tiếp theo, trong khi nền kinh tế Pháp không có nhiều tiến triển và tỷ lệ sinh vẫn giảm. Clemenceau, người từng giữ chức Thủ tướng từ năm 1906 đến năm 1909, vẫn kịch liệt chống Đức, ủng hộ chuẩn bị quân sự tốt hơn, cũng như liên minh chặt chẽ hơn với Anh và Nga.

Những tiên đoán của Clemenceau đã trở thành sự thật vào mùa hè năm 1914, khi Thế chiến I bùng nổ. Ba vị thủ tướng – Rene Viviani, Aristide Briand, và Paul Painleve – lần lượt phục vụ trong ba năm đầu tiên của cuộc chiến, trong lúc thương vong trên chiến trường ngày một tăng, kết hợp với tình hình trong nước đầy hỗn loạn, đã đưa tinh thần của nước Pháp xuống mức thấp nhất mọi thời đại. Tháng 11/1917, Tổng thống Raymond Poincare đã gạt bỏ thù hằn cá nhân với “Con Hổ” (Le Tigre) – biệt danh của Clemenceau – và yêu cầu ông trở lại làm thủ tướng. Dù giữa hai người có một lịch sử bất hòa lâu dài, Poincare nhận ra rằng Clemenceau chia sẻ mong muốn đánh bại Đức bằng mọi giá, và sẵn sàng thực hiện mong muốn đó đến cùng, bất chấp việc các phe phái chống đối trong chính phủ Pháp đã kêu gọi kết thúc chiến tranh ngay lập tức.

Ngay sau khi nhậm chức, Clemenceau đã cho bắt giữ và buộc tội phản quốc đối thủ theo chủ nghĩa hòa bình nổi tiếng nhất của mình, Joseph Caillaux. Sau đó, Thủ tướng thề không đầu hàng, nói với hạ viện rằng nhiệm vụ duy nhất của Pháp bây giờ là “kề cận với những người lính, sống, chịu đựng, chiến đấu cùng với họ.” Trong năm tiếp theo, Clemenceau đã cùng đất nước của mình vượt qua những ngày đen tối nhất của cuộc chiến và cuối cùng tìm lại được ánh sáng: Tháng 11/1918, khi nghe tin quân Đức đồng ý đình chiến, Hổ già đã rơi nước mắt.

Tại hội nghị hòa bình ở Paris năm 1919, Clemenceau đã cùng Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson và Thủ tướng Anh David Lloyd George trở thành ba nhà đàm phán trung tâm. Cá nhân Clemenceau không thích hai người còn lại, và hai người kia cũng vậy. Lloyd George từng nhận xét rằng đôi khi ông cảm thấy mình đứng giữa “một bên là Chúa Jesus, còn bên kia là Napoléon Bonaparte.” Clemenceau đặc biệt khắc khẩu với Wilson, người mà ông cho là quá lý tưởng trong quan điểm về thế giới hậu chiến. Dù Clemenceau đã thành công trong việc đưa vào Hiệp ước Versailles yêu cầu Đức giải trừ quân bị và bồi thường khoản chiến phí khổng lồ, cũng như trả lại cho Pháp các vùng lãnh thổ Alsace-Lorraine, vốn đã bị mất trong Chiến tranh Pháp-Phổ, ông vẫn không hài lòng với nội dung hiệp ước cuối cùng vì cho rằng nó đã đối xử với Đức quá khoan dung. Nhiều cử tri Pháp đã đồng ý. Sang tháng 01/1920, họ không chịu để người anh hùng của mình tiếp tục làm thủ tướng. Sau khi rời chính trường, Clemenceau xuất bản cuốn hồi ký Grandeur et misères d’une victoire (Sự Vĩ đại và Khổ đau của Một Chiến thắng), trong đó ông dự đoán một cuộc chiến khác với Đức sẽ nổ ra vào năm 1940. Ông qua đời vào ngày 24/11/1929, tại Paris.