Nguồn: Zhou Xiaoming, “Disregard for WTO shows US is a destructive force for the rules-based global economic order,” South China Morning Post, 12/11/2022.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Đạo luật Giảm Lạm phát (Inflation Reduction Act) của Washington, một gói trị giá 430 tỷ USD cung cấp các khoản trợ cấp và tín dụng thuế cho các hàng hóa do Mỹ sản xuất, đang khiến các quốc gia khác – bao gồm cả các đồng minh của Mỹ – phải điêu đứng. Chẳng hạn, Pháp và Đức đang xem xét kiện Mỹ tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, động thái mới nhất của Washington chỉ là một ví dụ khác cho việc Mỹ phá hoại trật tự kinh tế toàn cầu dựa trên luật lệ.
Nhiều thập niên trước, Mỹ đã dẫn đầu việc tạo ra các quy tắc thương mại cho thế giới. Giờ đây, bất ngờ thay, họ lại đang dẫn đầu việc phá hoại chính các quy tắc và thể chế đa phương này. Dù họ yêu cầu các quốc gia khác tuân thủ luật lệ, Washington lại thường xuyên bỏ qua các quy tắc thương mại đa phương không phù hợp với lợi ích của mình.
Trong một động thái cho thấy Washington coi thường các thủ tục của WTO, chính quyền Trump đã đơn phương áp thuế trừng phạt đối với các đối tác thương mại vào năm 2018, đặc biệt là Trung Quốc. Và, bất chấp việc một báo cáo của WTO vào tháng 9/2020 cho thấy Mỹ đang vi phạm các quy định của tổ chức, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden vẫn giữ nguyên các mức thuế không công bằng đối với khoảng 360 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đẩy mức thuế suất trung bình của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc lên tới trên 19%, từ mức 3% trước khi cuộc thương chiến bắt đầu.
Trong một hành vi khác rõ ràng vi phạm các nguyên tắc của WTO, Washington đã tước bỏ quy chế thương mại “tối huệ quốc” đối với Nga, một đặc quyền mà bất kỳ thành viên WTO nào cũng được hưởng, đồng thời loại bỏ các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, sau khi quân đội Nga tiến vào Ukraine. Gần đây hơn, Nhà Trắng đã dẫn đầu việc áp giá trần đối với dầu của Nga, một động thái có thể vi phạm quy chế “tối huệ quốc” của WTO và các điều khoản về hạn chế định lượng nhập khẩu.
Dù đã giành chiến thắng trong phần lớn các tranh chấp tại WTO, nhưng Washington thường từ chối thực hiện các phán quyết không có lợi cho mình. Trong những năm qua, có tổng cộng 15 vụ việc, số lượng lớn nhất trong số tất cả các thành viên WTO, đã được đệ trình chống lại Mỹ vì không tuân thủ các phán quyết bất lợi.
Kết quả là, các nhà phê bình cho rằng, đối với Washington, các quy tắc thương mại đa phương giống như một chiếc áo khoác đối với một người đàn ông. Anh ta sẽ mặc nó vào những lúc cần thiết, nhưng sẽ nhanh chóng cởi bỏ nếu trời oi ả. Tuy nhiên, nhiều khả năng là những quy tắc thương mại này ngay từ đầu đã không nhằm mục đích ràng buộc Mỹ, vì đèn pin không được thiết kế để chiếu thẳng vào mặt người đang cầm nó.
Washington từ lâu đã chỉ trích Trung Quốc vì không tuân thủ các quy tắc thương mại quốc tế. Họ nói rằng Bắc Kinh sẽ bóp méo, khai thác, và gạt bỏ các quy tắc để theo đuổi lợi ích của chính mình.
Sự thật là, nếu xem xét kỹ lưỡng, thì những lời buộc tội của Washington là không có cơ sở. Suốt nhiều năm, họ đã cáo buộc Trung Quốc ăn cắp công nghệ. Tuy nhiên, cho đến nay, họ vẫn chẳng thể đưa ra được bằng chứng để chứng minh tuyên bố của mình.
Họ cũng cáo buộc Trung Quốc không tuân thủ các cam kết khi gia nhập WTO vào năm 2001. Tuy nhiên, cáo buộc này dựa trên “kỳ vọng” của Mỹ về những gì Trung Quốc lẽ ra phải làm, chứ không phải là những cam kết gia nhập mà Bắc Kinh đã ký kết với tổ chức này. Ví dụ, Washington đả kích Trung Quốc vì lập trường trong các cuộc đàm phán đa phương của WTO về thương mại dịch vụ. Nhưng thật ra Trung Quốc vẫn chưa phải là một bên trong các cuộc đàm phán đó.
Các nhà phân tích cho rằng các chiến thuật bôi nhọ của Washington phục vụ một mục đích kép. Đầu tiên, chúng đánh lạc hướng những lời chỉ trích nhắm vào chính Nhà Trắng vì đã phá hoại các quy tắc thương mại quốc tế, mà theo lối nói của người Trung Quốc, là “ăn cắp còn la làng.” Thứ hai, chúng dùng để biện minh cho hành động gây hấn vô cớ của Mỹ đối với Trung Quốc. Đây không chỉ là chuyện đạo đức giả, mà còn là ngáng chân đối thủ chỉ vì họ nhanh hơn mình.
Những nỗ lực của Washington nhằm phá hủy cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO chẳng hề xa lạ. Nước này đã một tay làm tê liệt tòa phúc thẩm của WTO vào tháng 12/2019, sau khi ngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán 29 lần liên tiếp.
Kể từ đó, trong ba năm qua, như một thành viên cá biệt trong các cuộc họp hàng tháng của hội đồng giải quyết tranh chấp, Mỹ đã liên tục phản đối việc phục hồi hệ thống. Do đó, cơ quan thực thi các quy định của WTO – vốn được coi là cơ quan tối cao – vẫn tiếp tục “bị đóng băng.”
Về mặt chính trị, Washington đã chính trị hóa việc nâng cấp các quy tắc thương mại quốc tế. Họ tìm cách độc quyền việc định hình trật tự kinh tế toàn cầu, loại trừ Trung Quốc trong quá trình này. Cả cựu tổng thống Barack Obama lẫn tổng thống đương nhiệm Biden đều tuyên bố rằng Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, nên viết ra “các quy tắc định hướng” về thương mại, để Mỹ, theo cách nói của Obama, trở thành người “cầm bút”, chứ không phải “cầm túi.”[1]
Vì vậy, Washington muốn biến một nền tảng được thiết kế cho hợp tác đa phương trong thương mại trở thành buồng lái cho cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc. Thay vì hợp tác với Trung Quốc để làm cho cơ quan thương mại hàng đầu thế giới hoạt động hiệu quả hơn và đáp ứng nhu cầu của các thành viên, Mỹ lại ưu tiên làm suy yếu khả năng cạnh tranh quốc tế của Trung Quốc. Trong nỗ lực hạn chế Trung Quốc, Washington cùng với EU và Nhật Bản đã đưa ra các quy định được thiết kế riêng để quản lý các doanh nghiệp nhà nước và trợ cấp công nghiệp.
Việc Nhà Trắng địa chính trị hóa chương trình cải cách WTO sẽ khiến tổ chức bị phân tâm khỏi việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng, từ đó hy sinh lợi ích chung của các thành viên khác vì mục tiêu địa chính trị hạn hẹp của Washington.
Rõ ràng, Washington là một lực lượng phá hoại trật tự kinh tế toàn cầu dựa trên luật lệ. Họ đã phá hoại hệ thống thương mại đa phương và phá vỡ nền kinh tế thế giới. Biden khẳng định Mỹ nên dẫn đầu thế giới. Nhưng nếu ta đánh giá các hành động của Washington, thì thế giới nhìn chung sẽ tốt đẹp hơn nếu người Mỹ không phá bỏ bất cứ thứ gì mà họ cho là trở ngại đối với quyền bá chủ toàn cầu vĩnh viễn của mình.
Zhou Xiaoming (Chu Hiểu Minh) hiện là nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, và là thành viên Nhóm Cố vấn Chuyên gia của Viện Chính sách Quốc gia trực thuộc Học viện Hợp tác Kinh tế và Thương mại Quốc tế, Bộ Thương mại Trung Quốc. Ông cũng là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Điện lực Hoa Bắc. Trong giai đoạn 2015-2016, ông là Phó Đại diện của Phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại Văn phòng Liên Hiệp quốc tại Geneva.
—
Các dấu mốc quan trọng trong thương chiến Mỹ – Trung kể từ tháng 7/2018
-
- 06/07/2018: Mỹ áp thuế 25% lên khoảng 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm xe hơi, đĩa cứng, và phụ tùng máy bay. Trung Quốc trả đũa bằng cách áp thuế 25% đối với 545 mặt hàng có xuất xứ từ Mỹ, trị giá 34 tỷ đô la, bao gồm nông sản, xe hơi, và thủy sản.
- 23/08/2018: Washington áp thuế 25% lên 16 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, bao gồm các sản phẩm sắt thép, máy điện, phụ kiện ngành đường sắt, dụng cụ và thiết bị. Trung Quốc đáp trả bằng cách áp dụng mức thuế 25% đối với 16 tỷ USD hàng hóa của Mỹ, bao gồm xe Harley-Davidson, rượu bourbon, và nước cam.
- 24/09/2018: Mỹ đánh thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Trung Quốc đáp trả bằng cách đánh thuế hải quan lên 60 tỷ USD hàng hóa của Mỹ.
- 01/12/2018: Tập Cận Bình và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đồng ý ngừng đối đầu tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina, với việc Mỹ đình chỉ kế hoạch tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, đáng lẽ sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01.
- 14/12/2018: Trung Quốc đình chỉ thuế đánh vào xe hơi và phụ tùng xe hơi do Mỹ sản xuất trong ba tháng kể từ ngày 01/01, đồng thời nối lại việc mua đậu nành của Mỹ.
- 10/05/2019: Sau khi đàm phán thương mại đổ vỡ, Mỹ tiếp tục tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, từ 10% lên 25%. Trung Quốc đáp trả bằng cách tuyên bố sẽ tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ kể từ ngày 01/06.
- 15/05/2019: Bộ Thương mại Mỹ thông báo bổ sung Huawei vào “danh sách các thực thể [bị cấm giao dịch]” theo đó cấm các công ty Mỹ bán hàng cho công ty viễn thông Trung Quốc mà không có giấy phép.
- 31/05/2019: Trung Quốc tuyên bố sẽ thiết lập danh sách các thực thể không đáng tin cậy của riêng mình.
- 01/06/2019: Trung Quốc tăng mức thuế áp lên 60 tỷ USD hàng hóa của Mỹ.
- 29/06/2019: Tập Cận Bình và Donald Trump đồng ý đình chiến thương mại tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản, theo đó Mỹ trì hoãn việc áp thuế mới lên tới 25% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
- 01/08/2019: Donald Trump công bố kế hoạch áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 01/09.
- 05/08/2019: Mỹ tố cáo Trung Quốc “thao túng tiền tệ” sau khi đồng nhân dân tệ giảm giá xuống dưới mức 7 NDT đổi một đô la.
- 13/08/2019: Donald Trump thông báo rằng các khoản thuế áp dụng cho nhiều sản phẩm trong số 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc dự kiến sẽ bắt đầu từ tháng 9/2019 đã bị trì hoãn hoặc xóa bỏ. Mức thuế 10% đối với 155 tỷ USD hàng hóa gồm điện thoại, máy tính xách tay, và máy chơi game sẽ bị trì hoãn cho đến ngày 15/12.
- 23/08/2019: Trung Quốc công bố mức thuế 5% và 10% đối với 75 tỷ USD hàng hóa của Mỹ từ ngày 01/09 và ngày 15/12. Trung Quốc cũng xác nhận sẽ khôi phục mức thuế đối với xe hơi và phụ tùng xe hơi của Mỹ từ ngày 15/12.
- 01/09/2019: Mỹ áp thuế mới lên hơn 125 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc theo đúng kế hoạch.
- 11/09/2019: Trung Quốc tuyên bố sẽ miễn trừ thuế bổ sung cho 16 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm các sản phẩm như thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi, dầu nhờn, và thuốc trị ung thư. Donald Trump đồng ý trì hoãn mức thuế mới đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 01 đến ngày 15/10 như một cử chỉ thiện chí, để tránh lễ kỷ niệm 70 năm quốc khành nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
- 13/19/2019: Trung Quốc tuyên bố sẽ loại trừ đậu nành, thịt heo, và các mặt hàng nông sản khác của Mỹ khỏi danh sách sản phẩm bị đánh thuế bổ sung.
- 11/10/2019: Mỹ thông báo rằng họ sẽ trì hoãn kế hoạch tăng thuế từ 25% đến 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15/10 sau khi đàm phán thương mại diễn ra tại Washington.
- 13/12/2019: Trung Quốc và Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vài ngày trước khi mức thuế 15% được áp dụng đối với khoảng 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Mỹ đồng ý giảm mức thuế đã áp lên 120 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc hồi tháng 9, trong khi đó, Trung Quốc sẽ chính thức đình chỉ thuế quan đối với hàng hóa Mỹ vào ngày 15/12.
- 15/01/2020: Trung Quốc và Mỹ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Theo một phần của thỏa thuận, Trung Quốc đồng ý mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong hai năm tới. Thỏa thuận cũng dẫn đến việc đình chỉ mức thuế dự kiến sẽ áp dụng vào tháng 12 đối với khoảng 162 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, còn mức thuế 15% hiện có đối với 110 tỷ USD hàng nhập khẩu sẽ được giảm một nửa.
- 14/02/2020: Trung Quốc giảm một nửa mức thuế bổ sung đối với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ vốn đã được áp dụng từ năm 2019. Các mặt hàng gồm xe hơi và hàng nông sản như thịt heo, thịt gà, thịt bò và đậu nành, hóa chất, dầu thô, rượu whisky, và hải sản. Trung Quốc cũng dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm gia cầm sống từ Mỹ.
- 12/05/2020: Trung Quốc công bố đợt miễn thuế chiến tranh thương mại thứ hai cho 79 mặt hàng của Mỹ, bao gồm quặng, hóa chất, và một số sản phẩm y tế.
- 14/05/2020: Trung Quốc cho phép nhập khẩu lúa mạch và việt quất từ Mỹ.
- 14/07/2020: Bộ Nông nghiệp Mỹ thông báo rằng Trung Quốc đã đặt mua sản lượng bắp ngô cao nhất trong một ngày, mua 1,762 triệu tấn.
- 01/09/2020: Hàng chục mặt hàng Trung Quốc được nhập khẩu vào Mỹ, gồm khẩu trang dùng một lần, mặt nạ phòng độc, thiết bị theo dõi Bluetooth và nhạc cụ, đã được gia hạn miễn thuế trong ngắn hạn cho đến hết năm 2020.
- 14/09/2020: Cơ quan hải quan Mỹ ban hành Lệnh Cấm Nhập khẩu Sản phẩm Sử dụng Lao động Cưỡng bức (Withhold Release Orders), theo đó cấm các loại vải bông, quần áo, sản phẩm dành cho tóc, và các bộ phận máy tính từ bốn công ty Tân Cương.
- 15/09/2020: Trung Quốc quyết định miễn thuế bổ sung đối với 16 mặt hàng của Mỹ, bao gồm tôm giống, dầu mỡ, và thuốc, thêm một năm nữa.
- 02/12/2020: Chính phủ Mỹ cho biết họ sẽ bắt đầu chặn nhập khẩu tất cả các sản phẩm bông do Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC) sản xuất.
- 02/12/2020: Tổng thống Joe Biden nói với The New York Times rằng ông sẽ không có bất kỳ ‘động thái ngay lập tức’ nào để dỡ bỏ thuế quan chiến tranh thương mại trước hạn.
- 18/12/2021: Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói với CNBC rằng thuế đánh vào Trung Quốc do chính quyền Trump đưa ra sẽ ‘được giữ nguyên trong thời điểm hiện tại.’
- 27/05/2021: Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai nói chuyện qua điện thoại trong cuộc đàm phán thương mại đầu tiên kể từ tháng 08/2020.
- 02/06/2021: Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trao đổi ‘thẳng thắn’ về các quan ngại với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen.
- 10/06/2021: Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào nói chuyện với người đồng cấp Mỹ Gina Raimondo.
- 04/10/2021: Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai nói rằng chính quyền Biden sẽ ‘để ngỏ tiềm năng cho các quy trình miễn thuế bổ sung, vì một số loại thuế đang gây tổn hại thương mại đáng kể cho lợi ích của Mỹ.’
- 08/10/2021: Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai nói chuyện qua điện thoại lần thứ hai.
- 26/10/2021: Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói chuyện qua điện thoại.
- 01/11/2021: Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết Mỹ mong đợi Trung Quốc đáp ứng các cam kết trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
- 04/11/2021: Sinopec, gã khổng lồ dầu khí nhà nước của Trung Quốc, ký hợp đồng với US Venture Global LNG của Mỹ để mua 4 triệu tấn khí tự nhiên hóa lỏng hàng năm trong vòng 20 năm.
- 09/11/2021: Mỹ mở rộng lệnh cấm đầu tư của Mỹ vào các công ty Trung Quốc bị cáo buộc có quan hệ với quân đội Trung Quốc.
- 16/11/2021: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp người đồng cấp Mỹ Joe Biden lần đầu tiên qua một cuộc gọi video.
- 19/01/2022: Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông sẽ không dỡ bỏ thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, vì Bắc Kinh không tuân thủ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
- 26/01/2022: WTO cho phép Trung Quốc áp đặt 645 triệu USD tiền thuế bù trừ lên Mỹ sau một vụ kiện kéo dài 10 năm về các cáo buộc trợ cấp.
- 08/02/2022: Báo cáo tiết lộ Trung Quốc chỉ mua 57% lượng hàng xuất khẩu của Mỹ mà họ cam kết mua theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
- 23/03/2022: Mỹ khôi phục miễn thuế đối với hơn 350 mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
- 22/04/2022: Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết việc dỡ bỏ thuế quan đối với một số hàng hóa Trung Quốc có thể giúp xoa dịu tình hình lạm phát cao.
- 03/05/2022: Mỹ bắt đầu quy trình theo luật định để dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc.
- 10/05/2022: Joe Biden nói rằng họ đang thảo luận để xem xét khả năng xóa các khoản thuế thương mại đối với Trung Quốc do người tiền nhiệm của ông áp đặt.
- 18/06/2022: Joe Biden cho biết ông sẽ ‘sớm’ nói chuyện với người đồng cấp Tập Cận Bình và đang cân nhắc các phương án để xử lý thuế quan của Mỹ mà chính quyền Trump đã áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc.
- 21/06/2022: Đạo luật Phòng ngừa Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ (Uygur Forced Labour Prevention Act) có hiệu lực.
- 05/07/2022: Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc có cuộc trao đổi ‘thực tế và thẳng thắn’ về các quan ngại với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen.
- 05/07/2022: Hơn 400 yêu cầu giữ nguyên mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc được gửi tới văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ
————————————
[1] Nguyên văn “hold the pen” – chỉ người chịu trách nhiệm chính, và “hold the bag” – chỉ kẻ không được hoan nghênh.