29/11/1942: Người Mỹ bắt đầu mua cà phê theo định mức

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Coffee rationing begins, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1942, cà phê gia nhập danh sách các mặt hàng sẽ được bán theo định mức ở Mỹ. Dù sản lượng cà phê ở các nước Mỹ Latinh khi đó đã đạt mức kỷ lục, nhu cầu ngày càng tăng đối với hạt cà phê từ các khối quân sự và dân sự, và nhu cầu đối với vận chuyển vì những mục đích khác, đã buộc người ta phải giới hạn việc tiếp cận cà phê.

Sự khan hiếm hoặc thiếu hụt hiếm khi là lý do cho việc phân phối theo định mức trong chiến tranh. Phân phối theo định mức thường được sử dụng vì hai lý do: (1) để đảm bảo phân phối công bằng các nguồn lực và thực phẩm cho mọi công dân; và (2) ưu tiên sử dụng một số nguyên liệu thô nhất định cho mục đích quân sự, vì tình trạng khẩn cấp lúc bấy giờ.

Lúc đầu, việc hạn chế sử dụng một số sản phẩm là trên cơ sở tự nguyện. Ví dụ, Tổng thống Roosevelt đã phát động chương trình “cao su phế liệu” (scrap drives) để tận dụng những chiếc ống nước, lốp xe, mũ tắm bằng cao su cũ bị vứt bỏ trong vườn,… sau khi Nhật Bản chiếm được Đông Ấn Hà Lan, một nguồn cung cấp cao su cho Mỹ. Cao su phế liệu sau đó được mua lại tại các trạm xăng với giá khoảng một xu cho nửa kg phế liệu. Trong những ngày đầu của cuộc chiến, chỉ cần lòng yêu nước và mong muốn hỗ trợ cho nỗ lực chiến tranh như vậy là đã đủ.

Nhưng khi lực lượng hàng hải của Mỹ, bao gồm cả các tàu chở dầu, ngày càng trở nên dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công của tàu ngầm U-boat Đức, khí đốt trở thành nguồn tài nguyên đầu tiên được chia theo định mức. Bắt đầu từ tháng 5/1942, ở 17 bang miền đông, chủ sở hữu xe hơi bị hạn chế mua ở mức 3 gallon xăng mỗi tuần. Đến cuối năm đó, việc phân chia định mức xăng đã mở rộng sang các bang còn lại của nước Mỹ, yêu cầu người lái xe phải dán tem định mức lên kính chắn gió của xe. Bơ là một mặt hàng khác cũng được bán theo định mức, vì cần phải dự trữ bơ cho bữa sáng của các nhân viên trong quân đội. Cùng với cà phê, đường và sữa đi kèm cũng bị hạn chế. Tổng cộng, khoảng một phần ba thực phẩm người dân thường tiêu thụ đã có mặt trong danh sách bán theo định mức, vào lúc này hay lúc khác trong chiến tranh. Thị trường chợ đen, nơi bán hàng hóa với giá cao hơn mức trần do Văn phòng Quản lý Giá cả đặt ra, là nguồn cung cấp cho những người Mỹ có nguồn thu nhập khả dụng cần thiết để trả mức giá cao hơn.

Một số mặt hàng đã sớm ra khỏi danh sách bán theo định mức; cà phê đã được xóa khỏi danh sách vào tháng 07/1943, nhưng phải đến tháng 06/1947, đường mới chính thức không còn bị bán theo định mức.