15/12/2001: Tháp nghiêng Pisa mở cửa trở lại

Nguồn: Leaning Tower of Pisa reopens, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 2001, Tháp nghiêng Pisa của Ý được mở cửa trở lại sau khi một nhóm chuyên gia đã dành 11 năm và tổng cộng 27 triệu đô la để bảo trì tòa tháp mà không làm mất đi độ nghiêng nổi tiếng của nó.

Vào thế kỷ 12, người ta đã bắt đầu xây dựng tháp chuông cho Nhà thờ Pisa, một trung tâm thương mại sầm uất trên sông Arno ở miền tây nước Ý, cách Florence khoảng 50 dặm. Trong khi vẫn còn đang xây dựng, móng của tòa tháp bắt đầu lún xuống nền đất mềm, khiến tháp bị nghiêng về một bên. Những người thợ xây đã cố gắng bù đắp bằng cách xây các tầng trên cao hơn một chút về một phía, nhưng càng xây thêm tầng thì tháp càng lún. Vào thời điểm tòa tháp được hoàn thành vào năm 1360, các kỹ sư thời hiện đại nói rằng thật kỳ diệu khi nó không bị sập hoàn toàn.

Mặc dù bản thân nhà thờ và nhà rửa tội liền kề cũng hơi nghiêng, nhưng Torre Pendente di Pisa (Tháp nghiêng Pisa) mới là điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng nhất của thành phố. Bước sang thế kỷ 20, tòa tháp bằng đá cẩm thạch trắng cao gần 57 m đã nghiêng hẳn 4.5m so với phương vuông góc. Trong năm trước khi đóng cửa tạm thời vào năm 1990, 1 triệu người đã đến thăm tòa tháp cũ, leo lên 293 bậc thang phong hóa để đến đỉnh tháp và nhìn ra Campo dei Miracoli (Cánh đồng Phép màu) xanh tươi bên ngoài. Lo sợ tháp sẽ bị đổ, các quan chức đã chỉ định một nhóm gồm 14 nhà khảo cổ học, kiến trúc sư, và chuyên gia về nền đất tìm cách loại bỏ phần nào – chứ không phải tất cả – độ nghiêng nổi tiếng.

Nỗ lực ban đầu vào năm 1994 đã suýt làm đổ tòa tháp, nhưng cuối cùng các kỹ sư đã có thể giảm độ nghiêng khoảng 40cm-43cm bằng cách loại bỏ phần đất bên dưới nền móng. Khi tòa tháp mở cửa trở lại vào ngày 15/12/2001, các kỹ sư dự đoán phải mất 300 năm để nó quay trở lại độ nghiêng năm 1990. Dù lối vào tòa tháp hiện đã bị hạn chế, nhưng vẫn có rất nhiều khách du lịch đứng bên ngoài, tạo dáng “đỡ tháp” trong lúc máy ảnh nhấp nháy.