24/12/1851: Hỏa hoạn tàn phá Thư viện Quốc hội Mỹ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Fire ravages Library of Congress, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1851, một trận hỏa hoạn kinh hoàng tại Thư viện Quốc hội Mỹ ở Washington, D.C., đã phá hủy khoảng 2/3 trong số 55.000 cuốn sách tại thư viện, bao gồm phần lớn thư viện cá nhân của Thomas Jefferson, vốn đã được bán lại cho Thư viện Quốc hội vào năm 1815.

Thư viện Quốc hội Mỹ được thành lập vào năm 1800, khi Tổng thống John Adams phê chuẩn đạo luật phân bổ 5.000 đô la để mua “những cuốn sách có thể cần thiết cho việc sử dụng của Quốc hội.” Những cuốn sách đầu tiên, được đặt hàng từ London, đã được chuyển đến vào năm 1801 và được cất giữ tại Điện Capitol, “ngôi nhà” đầu tiên của Thư viện Quốc hội. Danh mục sách đầu tiên của thư viện, được lập vào tháng 4/1802, bao gồm 964 cuốn sách và 9 bản đồ. Mười hai năm sau, quân đội Anh xâm chiếm thành phố Washington và phóng hỏa Điện Capitol, trong đó có Thư viện Quốc hội với 3.000 cuốn sách.

Chứng kiến cảnh những cuốn sách bị đốt, cựu Tổng thống Thomas Jefferson, người đã ủng hộ việc mở rộng Thư viện trong cả hai nhiệm kỳ của mình, đã đề nghị bán thư viện cá nhân của mình, thư viện sách lớn nhất và hay nhất nước Mỹ, cho Quốc hội để “khởi động lại.” Việc mua lại 6.487 cuốn sách của Jefferson đã được chấp thuận vào năm sau, và một thủ thư chuyên nghiệp, George Watterston, đã được thuê làm quản lý Thư viện Quốc hội, thay cho các thư ký của Hạ viện. Năm 1851, một trận hỏa hoạn lớn khác đã thiêu rụi khoảng 2/3 số sách trong Thư viện. Quốc hội đã phản ứng nhanh chóng và hào phóng trước thảm họa, chỉ trong vòng vài năm, phần lớn sách bị cháy đã được thay thế.

Sau Nội chiến Mỹ, bộ sưu tập sách đã được mở rộng đáng kể, và đến thế kỷ 20, Thư viện Quốc hội đã trở thành thư viện quốc gia trên thực tế của Mỹ và là một trong những thư viện lớn nhất trên thế giới. Ngày nay, bộ sưu tập sách của thư viện, nằm trong ba tòa nhà khổng lồ ở Washington, gồm hơn 39 triệu cuốn sách, cũng như hàng triệu bản đồ, bản thảo, ảnh, phim, bản ghi âm và video, bản in và bản vẽ.