09/02/1942: Tàu Normandie bị cháy

Nguồn: The Normandie catches fire, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1942, tàu viễn dương lớn nhất và sang trọng nhất trên biển lúc bấy giờ, Normandie của Pháp, đã bốc cháy khi đang trong quá trình được người Mỹ chuyển đổi vì mục đích quân sự.

Được đóng vào năm 1931, Normandie là con tàu đầu tiên được đóng theo các hướng dẫn được quy định trong Công ước về An toàn Sinh mạng trên Biển năm 1929. Nó cũng rất lớn, dài 314m, rộng 36m, và có lượng chiếm nước (displacement) là 85.000 tấn. Nó cung cấp cho hành khách bảy hạng ghế (gồm hạng “du lịch” mới, trước đó gọi là hạng “ba” hay hạng “ghế lái”) và có tổng cộng 1.975 chỗ.

Cần một thủy thủ đoàn 1.300 người để vận hành con tàu. Dù có kích thước lớn nhưng Normandie di chuyển rất nhanh: có khả năng đạt tốc độ 32,1 hải lý/giờ. Tàu được hạ thủy vào năm 1932 và đã thực hiện chuyến đi vượt Đại Tây Dương đầu tiên vào năm 1935. Năm 1937, nó được trang bị lại với các chân vịt bốn cánh, nghĩa là nó có thể vượt Đại Tây Dương trong vòng chưa đầy bốn ngày.

Khi người Pháp đầu hàng quân Đức vào tháng 6/1940, và chế độ Vichy bù nhìn được thành lập, Normandie đang neo đậu tại Thành phố New York. Hải quân Mỹ ngay lập tức đặt con tàu dưới chế bộ “giám sát bảo vệ,” vì chính phủ Mỹ không muốn một con tàu có kích thước và tốc độ như vậy rơi vào tay quân Đức, điều chắc chắn sẽ xảy ra nếu nó quay trở lại Pháp. Tháng 11/1941, tạp chí Time đăng một bài báo nói rằng trong trường hợp Mỹ tham chiến, Hải quân nước này sẽ chiếm Normandie và biến nó thành một tàu sân bay. Bài viết cũng giải thích lý do tại sao thiết kế của con tàu khiến việc chuyển đổi trở nên tương đối đơn giản. Khi Hải quân Mỹ nắm quyền kiểm soát con tàu, ngay sau trận Trân Châu Cảng, họ bắt đầu quá trình chuyển đổi con tàu – nhưng đã biến nó thành tàu chở quân và đổi tên thành USS Lafayette để vinh danh vị tướng Pháp đã hỗ trợ các thuộc địa Mỹ trong hành trình giành độc lập ban đầu của họ.

Lafayette đã chẳng thể thực hiện được nhiệm vụ mới của mình, vì nó đã bốc cháy và lật úp. Ban đầu người ta nghi ngờ có kẻ phá hoại, nhưng nguyên nhân có thể là do tia lửa từ đèn của thợ hàn. Dù con tàu cuối cùng cũng được trục vớt, nhưng chiến dịch trục vớt khổng lồ đã tiêu tốn 3.750.000 đô la và thiệt hại do hỏa hoạn khiến mọi hy vọng sử dụng con tàu tiêu tan. Nó đã bị loại bỏ – được băm nhỏ để lấy kim loại phế liệu – vào năm 1946.