Putin đã đúng về những điều gì trong Chiến tranh Ukraine?

Nguồn: Stephen M. Walt, “What Putin Got Right,” Foreign Policy, 15/02/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Dù Tổng thống Nga đã phạm phải sai lầm khi xâm lược Ukraine, nhưng ông không hẳn đã sai về mọi thứ.

Khi quyết định xâm lược Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sai về rất nhiều điều. Ông đánh giá quá cao sức mạnh của quân đội Nga, nhưng lại đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc Ukraine và khả năng của quân đội nước này trong việc bảo vệ đất nước của họ. Ông có lẽ cũng đã sai về tinh thần đoàn kết của phương Tây, về tốc độ mà NATO và các nước khác sẽ viện trợ cho Ukraine, cũng như sự sẵn lòng của các nước đang nhập khẩu năng lượng trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Nga, theo đó từ bỏ nguồn năng lượng nhập khẩu của họ. Ông có thể cũng đã đánh giá quá cao sự sẵn sàng hỗ trợ của Trung Quốc: Bắc Kinh đang mua rất nhiều dầu và khí đốt từ Nga, nhưng lại không cung cấp cho Moscow sự ủng hộ về mặt ngoại giao hay các viện trợ quân sự có giá trị. Đặt tất cả những sai lầm này lại với nhau, và chúng ta thu được kết quả là một quyết định gây hậu quả tiêu cực sâu sắc lên nước Nga, sẽ còn kéo dài rất lâu sau khi Putin rời chính trường. Nếu ông chọn một con đường khác, có lẽ sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Nga đã không suy giảm nhiều như trong cuộc chiến này, bất kể nó kết thúc ra sao.

Tuy nhiên, nếu chúng ta trung thực với chính mình – và trung thực một cách tàn nhẫn là điều cần thiết trong thời chiến – chúng ta cần thừa nhận rằng Tổng thống Nga đã đúng về một vài điều. Không điều nào trong số đó có thể biện minh cho quyết định phát động chiến tranh hay cách mà nước Nga đang tiến hành cuộc chiến; chúng chỉ đơn thuần chỉ ra các khía cạnh của cuộc xung đột mà cho đến nay các phán đoán của ông vẫn đúng. Bỏ qua những yếu tố này sẽ khiến chúng ta mắc phải sai lầm tương tự như Putin: đó là đánh giá thấp đối thủ và hiểu sai các yếu tố chính của tình huống.

Vậy ông đã đúng về những điều gì?

Chính quyền Biden từng hy vọng rằng rủi ro chịu “các biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ” sẽ ngăn cản Putin xâm lược, sau đó họ tiếp tục hy vọng rằng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt sẽ bóp nghẹt cỗ máy chiến tranh của Tổng thống Nga, gây ra sự bất bình trong dân chúng và buộc ông phải đảo ngược mọi quyết định. Putin ra trận với niềm tin rằng Nga có thể vượt qua bất kỳ biện pháp trừng phạt nào mà chúng ta có thể áp đặt, và cho đến tận bây giờ, ông vẫn đúng. Nhu cầu của thế giới đối với các nguyên liệu thô của Nga (bao gồm cả năng lượng) vẫn đủ để duy trì nền kinh tế của nước này, chỉ khiến GDP giảm nhẹ. Dù hậu quả lâu dài có thể nghiêm trọng hơn, nhưng Putin đã đúng khi cho rằng chỉ riêng các biện pháp trừng phạt sẽ không thể quyết định kết quả của xung đột thêm một thời gian dài nữa.

Thứ hai, Putin đã đúng khi cho rằng người dân Nga sẽ chấp nhận cái giá đắt của cuộc chiến, và những thất bại quân sự sẽ không dẫn đến việc ông bị lật đổ. Ông có thể đã bắt đầu cuộc chiến với hy vọng mọi chuyện sẽ kết thúc nhanh chóng và không tốn kém, nhưng quyết định kiên trì bất chấp những thất bại ban đầu – sau đó còn huy động lực lượng dự bị và tiếp tục chiến đấu – phản ánh niềm tin rằng phần lớn người dân Nga sẽ ủng hộ quyết định của ông và rằng ông có thể đàn áp bất kỳ tiếng nói phản đối nào nổi lên. Quá trình động viên nghĩa vụ diễn ra trong hỗn loạn, nhưng quân Nga đã có thể duy trì lực lượng đông đảo trên chiến trường dù gặp phải những tổn thất to lớn, và đã không gây nguy hiểm cho quyền lực của Putin. Tất nhiên, tình hình có thể thay đổi, nhưng cho đến nay, Tổng thống Nga cũng đã đúng về vấn đề này.

Thứ ba, Putin hiểu rằng các quốc gia khác sẽ ưu tiên cho lợi ích của riêng họ, và rằng ông sẽ không bị lên án trên toàn cầu vì hành động của mình. Châu Âu, Mỹ, và một số quốc gia khác đã phản ứng gay gắt và mạnh mẽ, nhưng các thành viên chủ chốt trong nhóm các nước phương nam và một số quốc gia nổi bật khác (như Ả Rập Saudi và Israel) lại không làm vậy. Chiến tranh gây tổn hại cho hình ảnh toàn cầu của Nga (như tỷ số phiếu chênh lệch trong cuộc bỏ phiếu nghị quyết lên án chiến tranh tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã cho thấy), nhưng các hành động phản đối cụ thể, hữu hình chỉ được giới hạn ở một nhóm nhỏ các quốc gia trên thế giới.

Điều quan trọng nhất: Putin hiểu rằng số phận của Ukraine quan trọng đối với Nga hơn đối với phương Tây. Tất nhiên, Ukraine không quan trọng với Nga bằng với chính người dân Ukraine, những người đang hy sinh để bảo vệ đất nước của họ. Nhưng, xét về khía cạnh sẵn sàng gánh chịu chi phí và chấp nhận rủi ro, Putin có lợi thế hơn những người ủng hộ Ukraine. Ông có lợi thế không phải vì các nhà lãnh đạo phương Tây yếu đuối hay hèn nhát, mà bởi vì sự ủng hộ chính trị của một quốc gia lớn nằm ngay bên cạnh Nga luôn luôn quan trọng đối với Moscow hơn là đối với những nước xa xôi, hoặc đối với những cá nhân đang sống ở một quốc gia giàu có và an toàn nằm ở bờ bên kia của Đại Tây Dương.

Sự bất tương xứng về lợi ích và động lực là lý do tại sao Mỹ, Đức, và phần lớn các quốc gia còn lại của NATO đã cân nhắc các phản ứng của họ một cách vô cùng cẩn trọng, đồng thời cũng là lý do tại sao Tổng thống Mỹ Joe Biden lại loại trừ việc gửi lính Mỹ đến tham chiến ngay từ đầu. Ông hiểu (đúng) rằng Putin cho rằng số phận của Ukraine đáng để gửi vài trăm nghìn binh sĩ (Nga) đến chiến đấu và chết trên chiến trường, nhưng người Mỹ sẽ không cảm thấy như vậy khi gửi con trai và con gái của họ đến Ukraine. Chúng ta nên gửi hàng tỷ đô la viện trợ để giúp người Ukraine bảo vệ đất nước của họ, nhưng mục tiêu đó không đủ quan trọng để Mỹ đặt quân đội của mình vào tình thế nguy hiểm, thậm chí đối mặt với nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân. Xét đến sự bất tương xứng về động lực này, chúng ta đang cố gắng ngăn chặn Nga mà không cần quân đội Mỹ tham gia trực tiếp. Tuy nhiên, hiệu quả của cách tiếp cận này vẫn chưa rõ ràng.

Tình huống này cũng giải thích tại sao người Ukraine – và những người ủng hộ họ mạnh mẽ nhất ở phương Tây – đã tìm đủ mọi cách để liên kết số phận của Ukraine với nhiều vấn đề không liên quan. Hãy phân tích lời kêu gọi của họ: việc Nga kiểm soát Crimea hoặc bất kỳ phần nào của Donbas sẽ là một đòn chí mạng đánh vào “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”, là lời mời gọi Trung Quốc chiếm giữ Đài Loan, là cú hích cho các nhà độc tài ở khắp mọi nơi, là thất bại thảm hại của nền dân chủ, là dấu hiệu cho thấy “tống tiền hạt nhân” sẽ dễ dàng thành công, và Putin có thể sử dụng nó để hành quân đến tận Eo biển Manche. Những người theo đường lối cứng rắn ở phương Tây đưa ra những lập luận như thế để làm cho số phận của Ukraine trở nên quan trọng đối với chúng ta như đối với người Nga, nhưng những chiến thuật gây sợ hãi như vậy thậm chí còn chẳng vượt qua được bài kiểm tra thông thường. Tiến trình tương lai của thế kỷ 21 sẽ không được quyết định bởi việc Kyiv hay Moscow là người nắm quyền kiểm soát sau cùng ở các vùng lãnh thổ hiện đang tranh chấp. Tương lai sẽ được định hình bởi quốc gia nào kiểm soát các công nghệ chủ chốt, bởi biến đổi khí hậu và diễn biến chính trị ở nhiều nơi khác.

Thừa nhận sự bất tương xứng này cũng giúp giải thích tại sao đe dọa hạt nhân chỉ có tác dụng hạn chế, và tại sao những lo ngại về tống tiền hạt nhân chỉ là vô bổ. Như Thomas Schelling đã viết nhiều năm trước đây, vì đối đầu hạt nhân là một viễn cảnh đáng sợ, nên việc sử dụng vũ khí hạt nhân làm con bài mặc cả sẽ trở thành một “cuộc cạnh tranh về chấp nhận rủi ro.” Không ai muốn sử dụng dù chỉ một vũ khí hạt nhân, nhưng bên quan tâm nhiều hơn đến một vấn đề cụ thể sẽ sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn hơn, nhất là nếu các lợi ích sống còn của họ đang bị đe dọa. Vì lý do này, chúng ta không thể hoàn toàn bác bỏ khả năng Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu họ đứng trước một thất bại thảm khốc, và nhận thức này vạch ra ranh giới cho chúng ta. Một lần nữa, không phải vì các nhà lãnh đạo phương Tây nhu nhược hay hèn nhát, mà bởi vì họ nhạy bén và thận trọng.

Phải chăng như vậy có nghĩa là chúng ta sẽ chấp nhận “tống tiền hạt nhân”? Liệu Putin có thể sử dụng những lời đe dọa kiểu này để giành được nhượng bộ bổ sung ở những nơi khác không? Câu trả lời là không, bởi vì sự bất tương xứng về động lực sẽ có lợi cho chúng ta trong trường hợp ông ta tiến xa hơn. Nếu Nga cố gắng ép buộc các nước khác nhượng bộ về các vấn đề liên quan đến lợi ích sống còn của họ, thì các yêu cầu của Nga sẽ bị bỏ ngoài tai. Hãy tưởng tượng Putin gọi điện cho Biden và nói rằng ông ta sẽ tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân nếu Mỹ từ chối nhượng Alaska lại cho Nga. Biden sẽ cười và bảo hãy gọi lại khi ông tỉnh táo hơn. Một lời đe dọa hạt nhân từ đối thủ sẽ có rất ít độ tin cậy, thậm chí không đáng tin, nếu chúng ta nắm trong tay lợi thế để giải quyết vấn đề. Cần nhớ rằng Mỹ và Liên Xô chưa từng thực hiện thành công vụ tống tiền hạt nhân nào trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh – ngay cả khi chống lại các quốc gia phi hạt nhân – dù họ sở hữu những kho vũ khí hạt nhân khổng lồ.

Tuy nhiên, có một cách có thể khiến tình hình thay đổi, và đây là một sự thật không dễ chấp nhận. Mỹ và NATO càng cung cấp nhiều viện trợ, vũ khí, tình báo, và hỗ trợ ngoại giao cho Ukraine thì danh tiếng của họ càng gắn liền với kết quả của cuộc chiến. Đây là một lý do tại sao Tổng thống Volodymyr Zelensky và người Ukraine liên tục yêu cầu các hình thức hỗ trợ ngày càng cao hơn. Lợi ích của họ là khiến phương Tây bị ràng buộc chặt chẽ nhất có thể với số phận của Ukraine. Tôi không đổ lỗi cho họ về điều này, tôi cũng sẽ làm vậy nếu tôi ở vào vị trí của họ.

Dù hậu quả về danh tiếng thường bị phóng đại, nhưng những lo ngại như vậy có thể khiến chiến tranh tiếp diễn ngay cả khi lợi ích vật chất cơ bản không bị đe dọa. Từ năm 1969, Henry Kissinger đã biết rằng Việt Nam gần như không có giá trị chiến lược đối với Mỹ và không có con đường hợp lý nào để giành chiến thắng ở đó. Nhưng ông vẫn khăng khăng “cam kết của 500.000 lính Mỹ đã chứng minh tầm quan trọng của Việt Nam. Vì điều quan trọng bây giờ là niềm tin vào lời hứa của Mỹ.” Dựa trên niềm tin đó, ông và Tổng thống Richard Nixon đã tiếp tục cuộc chiến của Mỹ thêm bốn năm nữa, nỗ lực tìm kiếm “hòa bình trong danh dự” một cách vô vọng. Bài học tương tự có thể áp dụng cho việc gửi xe tăng Abrams hoặc máy bay F-16 tới Ukraine: Càng cam kết nhiều vũ khí, chúng ta sẽ càng lún sâu hơn. Thật không may, khi cả hai bên bắt đầu nghĩ rằng lợi ích sống còn của họ đòi hỏi phải giáng cho đối phương một thất bại quyết định, thì việc kết thúc chiến tranh sẽ trở nên khó khăn gấp bội, trong khi leo thang lại dễ xảy ra hơn.

Xin nhắc lại: Không điều nào trên đây có nghĩa là Putin đã đúng khi phát động chiến tranh, hay NATO đã sai khi giúp đỡ Ukraine. Tuy nhiên, Putin đã không sai về tất cả mọi thứ, và việc thừa nhận những điều mà ông đã đúng sẽ giúp định hình cách hành xử của Ukraine và những người ủng hộ nước này trong giai đoạn tới.

Stephen M. Walt là chuyên gia bình luận tại Foreign Policy và là giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Harvard.