Cách đổi lịch thời vua Quang Trung, Quang Toản sang dương lịch

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Vua Càn Long ban sắc phong cho Vua Quang Trung tước Quốc vương vào ngày ngày 21 tháng 6 năm Càn Long thứ 54 [12/8/1789], sau đó sai Sứ thần Thành Lâm mang sắc đến nước ta. Thành Lâm cho biết lễ tuyên phong cử hành vào ngày 15 tháng 10 [1/12/1789], trong dịp này Vua Quang Trung yêu cầu nhà Thanh ban cho lịch Thời Hiến và mở cửa khẩu để buôn bán. Sự kiện được Thành Lâm soạn thành tấu văn nội dung như sau:

Ngày 4 tháng Chạp năm Càn Long thứ 54 [18/1/1790]. Dụ: Bọn Phúc Khang An tâu rằng Thành Lâm tuyên cáo sắc phong tại An Nam, đã trở về quan ải. Khang An gặp viên này, hỏi han cặn kẻ sự tình An Nam, rồi soạn thành tấu văn nội dung:

‘Nguyễn Quang Bình tâu rằng An Nam là nơi cùng tịch hoang vu, cầu khẩn Thiên triều ban lịch chính sóc; ngoài ra nước y sản vật nghèo nàn, lại liên miên vướng vào cảnh binh lửa, tài lực suy hao, khẩn khoản xin gia ân mở cửa khẩu đường thủy và quan ải cho buôn bán; thì tất cả sinh linh đều được hưởng lợi ích.’.. ….(Cao Tông Thực Lục quyển 1344, trang 4-5)

Vua Càn Long chấp thuận cả hai điều, riêng về lịch Thời Hiến thì nhà Vua rất sốt sắng. Sợ An Nam ở xa, nhận lịch vào ngày mồng 1 tháng 10 như Triều Tiên thì không kịp dùng trong dịp tết, nên cho nhận lãnh sớm tại quan ải:

Ngày 4 tháng Chạp năm Càn Long thứ 54 [18/1/1790]. Viên Quốc vương vừa mới lập quốc, biết sùng thượng Thiên triều, cho việc ban lịch chính sóc là cần kíp, lòng Trẫm rất vui; đương nhiên đáng ban phát ngay để được vĩnh viễn kính cẩn tuân theo thời lịch. Nhưng từ trước tới nay Sứ thần nước Triều Tiên thường đến kinh đô trước kỳ hạn; để đợi đến ngày mồng một tháng mười, kính cẩn lãnh lịch Hiến Chương [Lịch Thời Hiến, nhà Thanh]. Còn An Nam ở đất Nam Giao xa xôi, nếu hàng năm theo lệ của Triều Tiên đến kinh đô nhận lãnh, lúc trở về đã quá ngày tết Nguyên đán; thần dân nước này không được dùng lịch kịp thời, thật không đúng với đạo thể tuất nước xa xôi.

Nay dụ bộ liên hệ, cho mang lịch Hiến Chương năm Càn Long thứ 55 [1790] phát vãng, giao cho viên Tổng đốc để đưa đến ải Nam Quan, rồi ra lệnh Trấn mục nước này chuyển giao cho Quốc vương lãnh nhận. Từ nay trở về sau, bộ liên hệ chiếu theo số lượng đã ban cho Triều Tiên, kịp thời đem lịch Hiến Chương giao cho Quảng Tây, lệnh viên Tuần phủ chiếu theo lệ năm nay, đúng hạn ban cấp. Để biểu thị lòng thể tuất đối với nước này, đừng đợi họ phải sai Sứ thần đến kinh đô lãnh nhận….(Cao Tông Thực Lục quyển 1344, trang 4-5)

Văn thư cấp nhà nước rõ ràng như vậy, còn thực tế thì ra sao?

Phan Huy Ích tham dự chuyến đi của giả vương Quang Trung [Phạm Công Trị] sang nhà Thanh, có soạn tập thơ nhan đề Tinh Sa Kỷ Hành [星槎紀行] , qua bài Xuất Quan tác giả chú thích như sau “Giờ Tỵ ngày 15 tháng 4 mở cửa ải, phụng mệnh đến làm lễ ở đài Chiêu Đức [tỉnh Lạng Sơn]”.[1]

Thanh Thực Lục, qua đạo dụ ngày 23 tháng 4 năm Càn Long 55 [5/6/1790] cũng ghi “Quốc vương khởi hành vào ngày 29 tháng 3 [12/5/1790]; ngày 15 tháng 4 đến cửa ải”. Như vậy lịch An Nam và nhà Thanh đều xác nhận đến quan ải vào ngày 15 tháng 4 [28/5/1790].

Lại có thêm bằng chứng khác: Trong lệnh truyền của Vua Quang Trung gửi cho Sùng chính viện Viện trưởng[2] La Sơn tiên sinh [La Sơn Phu tử] về việc dịch sách, đề Quang Trung năm thứ 5 ngày 14 tháng 4 nhuận. Tra Lưỡng Thiên Niên Trung Tây Lịch chuyển Hoán của Trung Quốc, bấy giờ vào năm Càn Long 57 cũng có tháng 4 nhuận từ ngày 21/5/1792 đến 18/6/1792; và 14 tháng 4 nhuận là ngày 3/6/1792 Dương lịch. Sự kiện trên chứng tỏ lịch 2 nước có chung tháng nhuận

Các yếu tố nêu trên có thể xác nhận rằng thời Quang Trung, Cảnh Thịnh, tại nước ta dùng lịch Thời Hiến của nhà Thanh. Bởi vậy ta có thể dùng bảng mang tên Lưỡng Thiên Niên Trung Tây Lịch chuyển Hoán 兩千年中西曆轉換 của Trung Quốc để đổi ra Dương lịch.

Ví như muốn đổi ngày 14 tháng 4 nhuận năm Quang Trung thứ 5 nêu trên, trước tiên phải dùng bảng So sánh niên hiệu Vua Việt, Trung dưới đây:

Việt Nam Thanh Âm Lịch Dương Lịch
Quang Trung 1

Quang Trung 2

Quang Trung 3

Quang Trung 4

Quang Trung 5

Cảnh Thịnh 1

Cảnh Thịnh 2

Cảnh Thịnh3

Cảnh Thịnh 4

Cảnh Thịnh 5

Cảnh Thịnh 6

Cảnh Thịnh 7

Cảnh Thịnh 8

Cảnh Thịnh 9

Càn Long 53

Càn Long 54

Càn Long 55

Càn Long 56

Càn Long 57

Càn Long 58

Càn Long 59

Càn Long 60

Gia Khánh 1

Gia Khánh 2

Gia Khánh 3

Gia Khánh 4

Gia Khánh 5

Gia Khánh 6

Mậu Thân

Kỷ Dậu

Canh Tuất

Tân Hợi

Nhâm Tý

Quí Sửu

Giáp Dần

Ất Mão

Bính Thìn

Đinh Tỵ

Mậu Ngọ

Kỷ Vị

Canh Thân

Tân Dậu

1788

1789

1790

1791

1792

1793

1794

1795

1796

1797

1798

1799

1800

1801

Thấy rằng năm Quang Trung thứ 5 tương đương với Càn long 57, hoặc năm Nhâm Tý.

Bấy giờ bạn mở trang web 兩千年中西曆轉換 [tức Lưỡng Thiên Niên Trung Tây Lịch chuyển Hoán].

Tại dãy thứ nhất của bảng, từ bên trái có ô 國號 [Quốc hiệu],bấm vào rồi tại gần áp chót cột bấm vào chữ 清 [Thanh]. Tại dãy này, ở giữa có ô 帝號 [Đế hiệu], cột này chọn hàng thứ 6 chữ 高宗 [Cao Tông]. Cũng tại dãy này, phía bên phải có ô 年號 [Niên hiệu], hiện lên chữ 乾龍 [Càn Long], hãy bấm vào.

Xuống dãy dưới,phía bên trái có 2 ô 年 [năm], chỉ cần dùng một ô, hoặc đánh số 57 tức năm Càn Long 57, hoặc chọn Nhâm Tý nếu bạn biết chữ Hán. Ở giữa dãy này có 2 ô 閏[nhuận] và 月[nguyệt]; vì năm đó có tháng nhuận nên bạn đánh vào, đánh số 4 tức tháng tư vào ô bên kia. Phía bên phải có 2 ô 日 [nhật], bạn đánh số 14 tức ngày 14 vào ô bên trái.

Như vậy bạn đã cung cấp đầy đủ dữ kiện cần thiết, bây giờ chỉ cần gõ vào chữ 執行 [chấp hành] ở phía trên, sẽ hiện ra tại phía dưới hàng chữ 西元 [Tây nguyên] 1792, 6 月[nguyệt], 3日 [nhật]  tức ngày 3/6/1792.

Hãy theo phương pháp nêu trên, đổi sang Dương lịch tờ chiếu của Vua Quang Trung ban chức Sùng chính viện Viện trưởng cho La Sơn Phu tử[3] đề ngày 20 tháng 8 năm Quang Trung thứ 4; kết quả đó là ngày 17/9/1791.

Riêng tờ chiếu của Vua Cảnh Thịnh tức Quang Toản mời La Sơn Phu tử vào kinh đề ngày mồng 10 tháng chạp năm cảnh Thịnh thứ 8,[4] lúc đổi xin lưu ý bảng So sánh niên hiệu Vua Việt Trung,  Cảnh Thịnh thứ 8 tương đương với 帝號 [Đế hiệu]仁宗 [Nhân Tông] niên hiệu 嘉慶 [Gia Khánh] thứ 5. Hãy bấm vào仁宗 nằm dưới高宗;  còn年號 [Niên hiệu]  là 嘉慶 [Gia Khánh], 年 [năm] đánh số 5; kết quả Dương lịch là ngày  24/1/1801.

Nếu bạn đọc gia phả, thần phả, văn bia, có ghi ngày tháng trong thời Tây Sơn, xin hãy theo cách nêu trên, đổi sang Dương lịch.

——————————-

[1] Tổng tập văn học Việt Nam (tập 8), NXB Khoa học xã hội, 2000.

[2] La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập 2, trang 1069.

[3] La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập 2, trang 1067.

[4] La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập 2, trang 1082.