Tập muốn trực tiếp kiểm soát bộ máy an ninh của Trung Quốc?

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Xi wants China’s security apparatus under his direct grip,” Nikkei Asia, 02/03/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Tập Cận Bình vội vã củng cố quyền kiểm soát của mình sau khi xảy ra phong trào ‘giấy trắng’ và ‘tóc trắng.’

Đã 10 năm kể từ khi Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và là người đứng đầu bộ máy an ninh nội bộ của Trung Quốc, bị thanh trừng.

Đã từng có lúc, ảnh hưởng của Chu lớn đến mức ngay cả nhà lãnh đạo tối cao, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, cũng không thể can thiệp trực tiếp vào các vấn đề an ninh công cộng và cảnh sát.

Giờ đây, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy lĩnh vực an ninh trong nước sẽ được củng cố một cách đáng kể, dưới thời Chủ tịch kiêm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình.

Dấu hiệu đã xuất hiện trong một thông cáo ban hành hôm thứ Ba, sau phiên họp kéo dài ba ngày của ban lãnh đạo đảng – được gọi Hội nghị Trung ương 2 của Ban chấp hành Trung ương khóa 20.

Chu Vĩnh Khang, cựu lãnh đạo bộ máy an ninh của Trung Quốc © Reuters

Bản thông cáo nói về “một kế hoạch cải cách các thể chế của Đảng và nhà nước,” mà không đưa ra chi tiết cụ thể. Nó chỉ nói rằng kế hoạch sẽ được thảo luận theo trình tự tại phiên họp thường niên sắp tới của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tức Quốc hội Trung Quốc, bắt đầu vào Chủ nhật.

Trước đó, trong một cuộc họp riêng, Tập đã nói rằng cải cách sẽ tập trung vào giải quyết các vấn đề khó khăn, nghiêm trọng, được xã hội quan tâm. Ông ám chỉ về một cuộc đại tu toàn diện các tổ chức của đảng và nhà nước.

Một số nguồn tin trong đảng đã bày tỏ quan ngại, lo lắng rằng Trung Quốc có nguy cơ trở thành một nhà nước cảnh sát ngột ngạt như Liên Xô trước đây. Mấu chốt của vấn đề là khả năng thành lập một tổ chức cảnh sát và an ninh nhà nước mới, đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tập, “lãnh đạo hạt nhân” của Ban chấp hành Trung ương.

“Có một kế hoạch nhằm củng cố các tổ chức liên quan đến an ninh quốc gia và công an theo một khuôn khổ hoàn toàn phi truyền thống,” một nguồn tin cho biết nhưng không nhắc đến các chi tiết. “Số lượng nhân sự có thể tăng gấp đôi nếu bao gồm cả khu vực nông thôn. Mục tiêu là thiết lập một cơ cấu như vậy vào năm 2027, khi đại hội toàn quốc tiếp theo của ĐCSTQ sẽ được tổ chức.”

Một nguồn tin khác lưu ý rằng, trong khi mọi người đổ dồn sự chú ý vào loại biện pháp kích thích kinh tế sẽ được trình bày trước Quốc hội, thì yếu tố thực sự quan trọng, về mặt chính trị, là công cuộc cải tổ các thể chế của đảng và nhà nước.

“Trung Quốc có thể trở thành một quốc gia giống như Liên Xô cũ chỉ trong vòng 4 hoặc 5 năm tới,” nguồn tin cho biết.

Một người đi ngang qua màn hình khổng lồ ở Bắc Kinh đang phát tin Tập phát biểu trong Hội nghị Trung ương 2 của Ban chấp hành Trung ương khóa 20 của ĐCSTQ vào ngày 28/2. © Kyodo

Gần đây, Minh Báo, tờ báo tiếng Trung có trụ sở tại Hong Kong, đưa tin rằng: Bộ Công an Trung Quốc, cơ quan giám sát cảnh sát, và Bộ An ninh Quốc gia, phụ trách phản gián, sẽ tách khỏi Quốc vụ viện – tức chính phủ Trung Quốc – và hợp thành một tổ chức mới đặt dưới quyền giám sát của đảng, trong vai trò một tổ chức mới gọi là Ban Nội chính Trung ương.

Ở Trung Quốc, công việc hành pháp không chỉ được giới hạn ở các tổ chức cảnh sát và công an chính thức do chính quyền trung ương điều hành. Bên cạnh đó còn có các đơn vị do chính quyền địa phương thành lập, chịu trách nhiệm quản lý trật tự công cộng. Loại bỏ các quầy hàng rong không có giấy phép trên đường phố là một ví dụ về nhiệm vụ của những đơn vị này.

Tại các sự kiện quy mô lớn, chẳng hạn như đại hội toàn quốc của đảng hoặc kỳ họp của Quốc hội, các nhân viên hành chính tạm thời sẽ xuất hiện, mặc áo khoác và đeo băng tay có in chữ “tình nguyện viên.”

Người ta ước tính các tổ chức công an và cảnh sát chính thức của Trung Quốc có hơn 2 triệu thành viên. Nhưng các tổ chức hành pháp địa phương thậm chí còn có nhiều thành viên hơn thế.

Trong 10 năm cầm quyền của Tập, quyền lực của chính phủ trung ương đã dần bị hạn chế. Các tổ chức và chức năng của Quốc vụ viện đã bị thu hẹp lại, trong khi các “nhóm nhỏ” dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ban chấp hành Trung ương lại ngày một nhiều thêm.

Vào thời Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, và Hồ Cẩm Đào, người ta đã nỗ lực tách rời đảng và chính phủ Trung Quốc. Nhưng hiện tại, rõ ràng xu hướng đó đã bị đảo ngược.

Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện, đơn vị phụ trách quan hệ công chúng của chính phủ, vẫn tồn tại riêng biệt, nhưng thực chất đã được hợp nhất với Ban Tuyên truyền của Ban chấp hành Trung ương và hoạt động theo chỉ đạo của đảng.

Trong một báo cáo được ông trình bày tại đại hội toàn quốc lần thứ 19 vào năm 2017, Tập tuyên bố rằng ĐCSTQ sẽ quản lý tất cả các tổ chức và hội nhóm trong nước. Kể từ đó, quyền lực của Quốc vụ viện liên tục giảm sút, và ảnh hưởng của Thủ tướng Lý Khắc Cường đã biến mất hoàn toàn.

Nếu tổ chức an ninh nội bộ mới được thành lập, nó sẽ được đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Tập.

Vấn đề là tổ chức này có thể sở hữu quyền lực hơn mức cần thiết do tầm ảnh hưởng quá lớn của Tập.

Người dân tụ tập biểu tình và cầm những tờ giấy trắng để phản đối chính sách zero-covid ở Bắc Kinh vào ngày 27/11/2022. (Ảnh đã được biên tập vì lý do an ninh) © Reuters

Đằng sau loạt diễn biến xảy ra gần đây là cảm giác khủng hoảng mà Tập và Ban Chấp hành Trung ương đang phải đối mặt do phong trào “giấy trắng” và “tóc trắng.”

Phong trào giấy trắng, yêu cầu bãi bỏ ngay lập tức chính sách zero-covid hà khắc, đã nổ ra vào tháng 11. Khi đó, một số người biểu tình thậm chí còn công khai kêu gọi Tập Cận Bình từ chức.

Nhiều trong số những người dẫn đầu phong trào giấy trắng ở nhiều nơi trên đất nước, giơ cao những tờ giấy trắng và hô vang khẩu hiệu, là những phụ nữ trẻ. Đó là một xu hướng mới.

Họ và những người tham gia phong trào từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay đã bị cơ quan công an triệu tập để thẩm vấn.

Tuy nhiên, nhà chức trách đang phải đau đầu tìm cách đối phó với phong trào này vì nó đã dần dần phát triển rộng rãi mà không có tổ chức rõ ràng.

Tình trạng bất ổn xã hội càng trở nên tồi tệ khi phong trào tóc trắng xảy ra vào tháng 2 năm nay. Đó là một cuộc biểu tình lớn, người tham gia chủ yếu là những người về hưu trung niên và cao tuổi, phản đối cắt giảm trợ cấp do cải cách hệ thống bảo hiểm y tế.

Hình ảnh được đăng trên Twitter có chủ đích cho thấy cảnh tượng biểu tình ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, vào ngày 08/02 (Kyodo). © Kyodo

Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, đã bị phong tỏa suốt một thời gian dài sau khi trường hợp nhiễm coronavirus đầu tiên được phát hiện ở đó hơn ba năm trước.

Hồi tháng 2, làn sóng biểu tình của người nghỉ hưu đã diễn ra tại Vũ Hán. Theo cư dân địa phương, những người chia sẻ video về cuộc biểu tình lên mạng xã hội và một số người tham gia biểu tình đã bị giam giữ.

Hai phong trào này có liên quan chặt chẽ với nhau. Chẳng hạn, việc giảm trợ cấp y tế là hậu quả của chính sách zero-covid thất bại.

Trong gần ba năm, chính sách này được áp dụng nghiêm ngặt vì lý do chính trị, và chính phủ đã bỏ ra một số tiền khổng lồ để tiến hành xét nghiệm PCR miễn phí cho tất cả người Trung Quốc mỗi ngày.

Trong khi đó, thu ngân sách của chính phủ lại giảm mạnh do suy thoái kinh tế trong bối cảnh tiêu dùng chậm chạp.

Tình hình tài chính của chính quyền trung ương và địa phương đã xuống cấp đến mức không thể dễ dàng phục hồi.

Nếu các hành động dân sự tương tự như các phong trào giấy trắng và tóc trắng nổ ra trong tương lai, chúng có thể gây ra những mối đe dọa nghiêm trọng và chưa từng có đối với chế độ cộng sản.

Việc củng cố bộ máy an ninh và thành lập một tổ chức an ninh mới do đảng điều hành là kết quả của những lo ngại như vậy. Chúng là những phản ứng tự vệ.

Lý Cường phát biểu tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương hàng năm ở Bắc Kinh vào tháng 12/2022. © Tân Hoa Xã/Kyodo

Tập đã củng cố quyền lực của mình đối với đảng bằng cách tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt trong thập niên qua. Theo một góc độ nào đó, đúng là ông đã đạt được thành công lớn. Vấn đề là chiến dịch này nhắm mục tiêu vào các đảng viên, hiện đã lên tới gần 100 triệu người.

Trong khi đó, những người đóng vai trò tích cực trong phong trào giấy trắng và tóc trắng lại thuộc về 1,3 tỷ dân thường, không có quan hệ trực tiếp với đảng. Các phương pháp từng hiệu quả trong chiến dịch chống tham nhũng sẽ không hiệu quả đối với họ.

Lý Cường, một phụ tá thân cận của Tập, đang chuẩn bị trở thành thủ tướng mới của Trung Quốc tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc sắp tới.

Người ta tin rằng, công việc đầu tiên của Lý ở vị trí mới là soạn thảo các chính sách nhằm thúc đẩy nền kinh tế một cách mạnh mẽ, những chính sách có thể thu hút sự chú ý của toàn cầu.

Trên thực tế, nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất của ông có lẽ là giảm bớt quyền hạn của Quốc vụ viện, tức chính phủ Trung Quốc, và chuyển giao nhiều quyền lực hơn cho Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Lý sẽ tổ chức cuộc họp báo đầu tiên ở chức vụ mới sau khi phiên họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc bế mạc vào giữa tháng 3. Liệu ông sẽ gửi thông điệp gì cho người dân Trung Quốc và phần còn lại của thế giới?

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.