Chuyển động Quốc Phòng (21/4 – 27/4/2023)

Thực hiện: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Chiến tranh Nga – Ukraine:

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:

Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ-Latinh:

Chuyên mục Phân tích:

Chiến tranh Nga – Ukraine:

Các tài liệu mật rò rỉ mới nhất liên quan đến Ukraine, Trung Quốc và các nước khác

    • Ukraine bảo vệ Bakhmut bất chấp lời cảnh báo của Mỹ: Các lực lượng Ukraine vẫn bám trụ ở rìa phía tây của Bakhmut trong cuộc giao tranh kéo dài và đẫm máu nhất trong cuộc chiến. Một tài liệu mật cho thấy Mỹ cảnh báo rằng những bước tiến “ổn định” của Nga kể từ tháng 11 “đã gây nguy hiểm cho khả năng giữ Bakhmut của Ukraine” và các lực lượng Ukraine có thể sẽ “có nguy cơ bị bao vây, trừ khi họ rút quân trong tháng tới”.
    • Tập đoàn Wagner tăng mạnh ảnh hưởng ở châu Phi trong khi Mỹ mất dần: Tập đoàn Wagner đang ráo riết thành lập một “liên minh” gồm các quốc gia chống phương Tây ở châu Phi khi gây bất ổn, đồng thời sử dụng khả năng bán quân sự và tạo thông tin sai lệch của mình để củng cố các đồng minh của Moscow. Các tài liệu bị rò rỉ cho thấy không có cơ sở để nói rằng các cơ quan tình báo Mỹ đã có thể gây ra bất cứ thất bại bại nào cho Wagner trong khoảng thời gian sáu năm, khi tập đoàn này đã giành được chỗ đứng chiến lược ở ít nhất tám quốc gia châu Phi.
    • Nga có thể tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine thêm một năm bất chấp lệnh trừng phạt: Tình báo Mỹ cho rằng Nga sẽ có thể tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine trong ít nhất một năm nữa, ngay cả khi chịu sức nặng ngày càng tăng của các biện pháp trừng phạt chưa từng có. Tình báo Mỹ cho thấy mặc dù một phần giới tinh hoa kinh tế của Nga có thể không đồng ý với đường lối của Moscow ở Ukraine và các biện pháp trừng phạt đã gây tổn hại cho hoạt động kinh doanh của họ, nhưng họ sẽ không rút lại sự ủng hộ dành cho Tổng thống Vladimir Putin.
    • Trung Quốc chế tạo vũ khí mạng để chiếm vệ tinh đối phương: Mỹ đánh giá rằng việc Trung Quốc thúc đẩy phát triển khả năng “chống xâm nhập, khai thác hoặc chiếm quyền điều khiển” vệ tinh của đối phương là một phần cốt lõi trong mục tiêu kiểm soát thông tin mà Bắc Kinh coi là “lĩnh vực chiến tranh” chủ chốt. Khả năng không gian mạng này sẽ cho phép Trung Quốc “giành quyền kiểm soát một vệ tinh, khiến nó trở nên vô hiệu trong việc hỗ trợ thông tin liên lạc, vũ khí hoặc các hệ thống tình báo, giám sát và do thám”.
    • Drone siêu thanh mới của Trung Quốc có thể nhắm đến Đài Loan, Nhật Bản và Mỹ: Các tài liệu rò rỉ cho thấy drone trinh sát siêu thanh mới của Trung Quốc có thể là điềm báo cho các cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan. Theo đó, drone chạy bằng tên lửa WZ-8 được phát hiện tại Sân bay Lưu An, cách Thượng Hải 560 km. Drone WZ-8 là một hệ thống trinh sát tiên tiến có thể thu thập dữ liệu bản đồ thời gian thực để đưa ra chiến lược hoặc xác định mục tiêu cho các cuộc tấn công tên lửa trong một cuộc xung đột trong tương lai.

Xem thêm tại: Washington Post, Ukraine defended Bakhmut despite U.S. warnings in leaked documents. Truy cập ngày 21/4/2023; Wagner Group surges in Africa as U.S. influence fades, leak reveals. Truy cập ngày 24/4/2023; Russia can fund war in Ukraine for another year despite sanctions, leaked document says. Truy cập ngày 27/4/2023; FT, China building cyber weapons to hijack enemy satellites, says US leak. Truy cập ngày 21/4/2023; Asia Times, China’s new supersonic drone may target Taiwan, Japan and US in Pacific. Truy cập ngày 22/4/2023

Tiêm kích ném bom Su-34 Nga tấn công thành phố Belgorod thuộc Nga

Bộ Quốc phòng Nga xác nhận máy bay cường kích Su-34 Fullback đã ném bom thành phố Belgorod gần biên giới với Ukraine. Thống đốc khu vực Vyacheslav Gladkov cho biết vụ nổ đã để lại một miệng hố khoảng 20 mét ở trung tâm thành phố, khiến 3 người bị thương và một số tòa nhà bị hư hại. Không có lời giải thích nào cho vụ tấn công ngoài việc Nga nói rằng đây là hành động thả bom hàng không khác thường. Cùng với đó, lực lượng Nga được cho là đã sử dụng máy bay trực thăng tấn công để tiêu diệt các phương tiện bọc thép bị bỏ lại trên tiền tuyến. Theo đó, lực lượng Nga đã bắn trúng hai phương tiện chiến đấu bộ binh của mình bằng tên lửa chống tăng dẫn đường ở khu vực Donetsk từ một máy bay trực thăng tấn công. Ngoài ra, một vụ đấu súng được cho là đã xảy ra giữa binh lính Nga và lính đánh thuê Tập đoàn Wagner do mẫu thuẫn về việc bên nào sẽ chịu trách nhiệm về những thất bại của Nga trong cuộc xâm lược Ukraine. Không có thành tích đáng kể nào trên chiến trường, Lực lượng Vũ trang Nga và Tập đoàn Wagner đang ngày càng cố gắng người để đổ lỗi cho những thất bại của Nga.

Xem thêm tại: Defence Blog, Russian Su-34 fighter-bomber strike own city. Truy cập ngày 22/4/2023; Russian attack helicopters destroy its own armored vehicles. Truy cập ngày 22/4/2023; Newsweek, Russian Soldiers and Wagner Mercenaries Start Fighting Each Other. Truy cập ngày 24/4/2023

Nga tuyên bố đạt được tiến bộ trong trận chiến giành Bakhmut

Nga hôm Chủ nhật cho biết các lực lượng của mình đã tiến vào Bakhmut trong khi một chỉ huy hàng đầu của Ukraine cho biết quân đội của ông đang trấn giữ tiền tuyến. Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội đã chiếm được hai khu nhà ở các quận phía tây và các đơn vị đổ bộ đường không đang cung cấp quân tiếp viện ở phía bắc và phía nam Bakhmut. Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu tập đoàn Wagner đang dẫn đầu cuộc tấn công Bakhmut, tuyên bố đã kiểm soát 80% thành phố. Tuy nhiên, Kiev đã nhiều lần phủ nhận tuyên bố rằng quân đội Ukraine sẵn sàng rút quân.

Xem thêm tại: Reuters, Russia claims progress in battle for Bakhmut. Truy cập ngày 25/4/2023

Nga tuyên bố sử dụng xe tăng Armata mới ở Ukraine

Các nguồn tin của Nga cho biết Moscow đang triển khai xe tăng T-14 Armata tại Ukraine. Vào đầu năm nay, tình báo Anh cho biết xe tăng T-14 của Nga có thể sẽ chỉ được triển khai cho mục đích tuyên truyền ở Ukraine, thay vì đóng vai trò là lợi thế quân sự. Quân đội Nga ban đầu lên kế hoạch mua 2.300 chiếc T-14 trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2020, nhưng do những khiếm khuyết về công nghệ đã khiến việc sản xuất hàng loạt xe tăng chiến đấu chủ lực Armata thế hệ tiếp theo bị trì hoãn nhiều lần.

Xem thêm tại: Defence Blog, Russia claims it uses new Armata tank in Ukraine. Truy cập ngày 26/4/2023

Mỹ bắt đầu huấn luyện quân đội Ukraine trên xe tăng Abrams

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết hôm thứ sáu rằng Mỹ sẽ bắt đầu huấn luyện lực lượng Ukraine về cách sử dụng và bảo trì xe tăng Abrams trong những tuần tới, đồng thời tiếp tục đẩy nhanh nỗ lực triển khai chúng càng nhanh càng tốt. Theo đó, 31 xe tăng M1A1 sẽ đến Khu vực huấn luyện Grafenwoehr ở Đức vào cuối tháng 5. Sau đó vài tuần, quân đội sẽ bắt đầu khóa huấn luyện kéo dài khoảng 10 tuần. Những chiếc xe tăng huấn luyện sẽ không phải là những chiếc viện trợ cho Ukraine. Thay vào đó, 31 xe tăng M1A1 đang được tân trang lại ở Mỹ và sẽ triển khai đến tiền tuyến khi sẵn sàng.

Xem thêm tại: AP News, US to begin training Ukrainian troops on Abrams tank. Truy cập ngày 22/4/2023

Tổng thư ký NATO tái khẳng định Ukraine sẽ gia nhập liên minh

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết tất cả các đồng minh NATO đã nhất trí rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên của liên minh nhưng trọng tâm chính hiện nay là đảm bảo Kiev thắng thế trước Nga. Tổng thư ký Stoltenberg cũng nói rằng một khi chiến tranh ở Ukraine kết thúc, Kiev phải đạt được “khả năng răn đe để ngăn chặn các cuộc tấn công mới”.

Xem thêm tại: Reuters, NATO’s Stoltenberg reaffirms Ukraine to eventually join alliance. Truy cập ngày 22/4/2023

Trung Quốc cử đặc phái viên tới Ukraine sau khi Tập Cận Bình điện đàm với Volodymyr Zelensky

Tập Cận Bình đã nói chuyện với Ukraine Volodymyr Zelensky qua điện thoại vào thứ Tư. Trong cuộc điện đàm, ông Tập cam kết hợp tác lâu dài với Ukraine, đồng thời cho biết Trung Quốc sẽ cử đặc phái viên về các vấn đề Á-Âu tới Ukraine và “các quốc gia khác”. Đặc phái viên, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Lí Hội (Li Hui), người từng là đại sứ Trung Quốc tại Nga trong 10 năm, sẽ là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc đến Ukraine kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Ông Tập hoàn toàn không nhắc đến tên Nga dù nhắc lại lập trường của Trung Quốc về cuộc chiến và kêu gọi đối thoại nhiều hơn. Trước đó, tổng thống Czech Petr Pavel cảnh báo rằng không thể tin cậy việc Trung Quốc làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine. Tổng thống Petr Pavel nói rằng Bắc Kinh là bên có lợi khi có thể lấy dầu, khí đốt và các nguồn tài nguyên khác giá rẻ từ Moscow – để đổi lấy quan hệ đối tác “không giới hạn” với Nga.

Xem thêm tại: SCMP,  Chinese President Xi Jinping to send special envoy to Ukraine after first talks with Zelensky since Russian invasion. Truy cập ngày 27/4/2023; Politico, China doesn’t want peace in Ukraine, Czech president warns. Truy cập ngày 27/4/2023

Ukraine cần viện trợ vũ khí ‘gấp 10 lần’ để chống lại Nga

Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrij Melnyk kêu gọi phương Tây viện trợ quân sự “gấp 10 lần” để có thể chống lại cuộc xâm lược của Nga. Thứ trưởng Andrij Melnyk kêu gọi bên ủng hộ Ukraine “vượt qua mọi lằn ranh đỏ giả tạo” – ám chỉ sự do dự của một số đồng minh trong việc cung cấp cho Ukraine các hệ thống vũ khí đặc biệt mạnh mẽ – và kêu gọi đồng minh chi 1% GDP để cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Xem thêm tại: SCMP, Ukraine needs ‘10 times more’ weapons aid to fight Russia, official says. Truy cập ngày 24/4/2023

Hàn Quốc xuất khẩu đạn dược sang Ba Lan nhằm ngụ ý viện trợ cho Ukraine

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm thứ Năm cho biết Seoul sẽ gửi 4,3 triệu viên đạn súng máy và 50.000 viên đạn cho xe tăng đến Ba Lan, ngụ ý viện trợ quân sự trực tiếp cho Ukraine có thể xảy ra trong tương lai. Seoul cũng nhấn mạnh rằng Ba Lan sẽ là nước sử dụng cuối cùng các loại đạn dược này. Mục đích của việc xuất khẩu là để bổ sung kho đạn dược đã cạn kiệt của Ba Lan. Cho đến nay, Hàn Quốc đã ngừng cung cấp vũ khí trực tiếp cho Ukraine để tránh xích mích với Nga vì lo ngại Moscow sẽ hỗ trợ cho Triều Tiên.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, South Korea exports munitions to Poland, hints at Ukraine aid. Truy cập ngày 21/4/2023

Canada cung cấp gói viện trợ quân sự bổ sung 39 triệu USD cho Ukraine

Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand thông báo Ottawa đang cung cấp gói viện trợ quân sự mới trị giá 34,6 triệu USD cho Ukraine. Gói này bao gồm 3,3 triệu lít nguồn cung cấp nhiên liệu thiết yếu, thiết bị cầu nổi mô-đun, 40 súng trường bắn tỉa 50 mm và đạn dược, 16 radio mới từ L3 Harris để đi cùng với xe tăng Leopard 2. Bộ trưởng Anita Anand lưu ý rằng tất cả 8 xe tăng Leopard 2A4 mà Canada cam kết cung cấp cho Ukraine đã được chuyển giao cho Ba Lan. Thêm vào đó, Canada đã triển khai 3 huấn luyện viên Leopard để hỗ trợ nỗ lực huấn luyện lính Ukraine về cách vận hành và chiến thuật của xe tăng Leopard 2A4.

Xem thêm tại: Army Recog, Canada offering additional $39 million military aid package for Ukraine. Truy cập ngày 22/4/2023

Đức chuyển giao cho Ukraine hệ thống tên lửa phòng không Iris-T SLM thứ hai trong số 4 hệ thống

Đức đã bàn giao hai trong số 4 hệ thống tên lửa phòng không Iris-T SLM và 16 tên lửa dẫn đường đã cam kết cho Ukraine. IRIS-T SLM cung cấp khả năng bảo vệ toàn diện 360° trước máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình và vũ khí dẫn đường. Hệ thống IRIS-T SLM  có khả năng tấn công đồng thời nhiều mục tiêu ở cự ly rất ngắn đến trung bình với thời gian phản ứng cực nhanh. Nhiều hệ thống radar đa chức năng khác nhau có thể được tích hợp vào hệ thống phòng không IRIS-T SLM, khiến nó phù hợp cho cả việc triển khai cả cơ động và cố định.

Xem thêm tại: Army Recog, Germany delivers to Ukraine second of four promised Iris-T SLM air defense missile systems. Truy cập ngày 22/4/2023

Tây Ban Nha cung cấp 6 xe tăng Leopard 2A4 cho Ukraine

Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha José Manuel Albares tuyên bố rằng Tây Ban Nha đã cam kết cung cấp sáu trong số mười xe tăng Leopard 2A4 đã cam kết cho Ukraine trong những ngày tới và một lô bốn xe tăng thứ hai sẽ tiếp nối theo sau. Leopard 2A4 được trang bị giáp tổng hợp thế hệ thứ ba để tăng khả năng bảo vệ trước các mối đe dọa khác nhau, chẳng hạn như thiết bị xuyên động năng và điện tích định hình. Ngoài ra, nó cũng có hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại, tích hợp máy đo khoảng cách laser, hệ thống chụp ảnh nhiệt và máy tính đạn đạo để cải thiện độ chính xác và khả năng tấn công mục tiêu.

Xem thêm tại: Army Recog, Spain delivers 6 Leopard 2A4 tanks to Ukraine and four would follow. Truy cập ngày 23/4/2023

 

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:

Thủy quân lục chiến Mỹ thành lập tiểu đoàn tên lửa Tomahawk vào năm 2030

Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ thành lập một tiểu đoàn có nhiệm vụ phóng tên lửa hành trình Tomahawk trên đất liền vào năm 2030. Đơn vị này sẽ trực thuộc trung đoàn thủy quân lục chiến số 11 ở California. Với việc thành lập đơn vị này, quân đội Mỹ sẽ ít có khả năng triển khai Tomahawk tới Nhật Bản. Vào tháng 3 năm ngoái, Mỹ đã thành lập Trung đoàn Duyên hải Thủy quân lục chiến (MLR) ở Hawaii và đang xem xét thành lập một trung đoàn khác ở tỉnh Okinawa của Nhật Bản gần Đài Loan vào năm 2025. Tiểu đoàn mới dự kiến ​​sẽ sử dụng các bệ phóng di động cho Tomahawk để có thể phối hợp chặt chẽ với MLR.

Xem thêm tại: Kyodo News, U.S. Marines to set up Tomahawk battalion by 2030. Truy cập ngày 21/4/2023

Tư lệnh Lực lượng Không gian cho biết Mỹ đang đối mặt với ‘kỷ nguyên mới’ của các mối đe dọa ngoài Trái đất

Tướng Chance Saltzman, người đứng đầu các hoạt động không gian của Lực lượng Không gian, cho biết Mỹ đang phải đối mặt với các mối đe dọa từ đối thủ chiến lược trong kỷ nguyên mới của hoạt động không gian. Tướng Chance Saltzman cho biết các chiến thuật dựa trên không gian của các đối thủ như Nga và Trung Quốc đang vận hành toàn diện, từ việc gây nhiễu thông tin liên lạc của chòm sao GPS; đến tia laze và “đèn chiếu sáng” gây nhiễu máy ảnh trên quỹ đạo để ngăn việc thu thập hình ảnh; đến các tên lửa chống vệ tinh mà Nga đã thử nghiệm vào cuối năm 2021.

Xem thêm tại: MSN, Space Force chief says U.S. is facing a ‘new era’ of threats beyond Earth. Truy cập ngày 21/4/2023

Mỹ chế tạo tàu ngầm do thám mới cho cuộc chiến dưới đáy biển với Trung Quốc

Mỹ có kế hoạch chế tạo một tàu kế nhiệm cho tàu ngầm do thám USS Jimmy Carter độc nhất của mình, nhằm mang lại những khả năng cần thiết cho các hoạt động tác chiến dưới đáy biển khi căng thẳng gia tăng với Trung Quốc. Tàu ngầm mới dự kiến ​​sẽ mang theo các phương tiện chuyên dụng dưới nước (UUV), phương tiện điều khiển từ xa và tàu ngầm hoạt động đặc biệt. UUV Orca XL có thể được triển khai cho các hoạt động giám sát và tấn công dưới đáy biển như rải mìn, chống tàu ngầm và các hoạt động đặc biệt. MK 11 SDV cũng có thể lén lút vận chuyển các đội SEAL để phá hủy các cơ sở quân sự của Trung Quốc ở các đảo xa xôi ở Biển Đông, thâm nhập vào các căn cứ hải quân của đối phương và đánh chìm các tàu chiến của đối phương tại cảng hoặc triển khai các đội SEAL ở các đảo xa để thực hiện giám sát hoặc chỉ đạo hỏa lực chính xác tầm xa.

Xem thêm tại: Asia Times, New US spy sub built for seabed war with China. Truy cập ngày 25/4/2023

Máy bay chiến đấu F-35 đứng đầu danh sách mối đe dọa của Trung Quốc

Một nghiên cứu của các nhà khoa học quân sự Trung Quốc đã chỉ ra rằng F-35 là mối đe dọa lớn hơn ở Biển Đông và eo biển Đài Loan so với máy bay F-22 cũ hơn. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trong khi cả máy bay chiến đấu F-22 và F-35 đều tạo ra mối đe dọa “đáng kể” đối với hệ thống phòng thủ của Trung Quốc ở tất cả các giai đoạn của chiến dịch, thì F-35A có thể là máy bay linh hoạt và có khả năng hơn trong bất kỳ cuộc xung đột tiềm ẩn nào tại vùng biển của Trung Quốc. Do đó, các nhà khoa học đề nghị Trung Quốc nên phát triển khả năng tác chiến điện tử “tiêu diệt mềm” cũng như vũ khí vật lý để đưa ra phản ứng “tiêu diệt cứng rắn”.

Xem thêm tại: SCMP, F-35 tops China’s threat list, beating older F-22. Truy cập ngày 21/4/2023

Trung Quốc kêu gọi đẩy mạnh phát triển vũ khí laser để bắt kịp Mỹ

Các nhà phân tích quân sự Trung Quốc cho biết Trung Quốc nên tăng tốc phát triển vũ khí laser để theo kịp tiến độ nhanh chóng của Mỹ. Lầu Năm Góc đang chi 1 tỷ USD mỗi năm để phát triển vũ khí năng lượng trực tiếp nhằm chống lại các mối đe dọa như drone và tên lửa. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu gần đây đã tập trung vào việc chế tạo vũ khí laser đủ nhỏ và nhẹ để một người sử dụng, nhưng vẫn đang đối mặt với thách thức trong việc vượt ra ngoài giai đoạn nguyên mẫu. Vũ khí laser được coi là một giải pháp tốt chống lại drone, vốn đã được sử dụng rộng rãi trong các cuộc xung đột hiện đại.

Xem thêm tại: SCMP, China urged to step up laser weapons development to keep pace with US. Truy cập ngày 24/4/2023

Trung Quốc lên kế hoạch tập trận quân sự quy mô lớn trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ

Quân đội Trung Quốc có kế hoạch tiến hành ít nhất 5 cuộc tập trận ở nhiều khu vực khác nhau, bao gồm cả vùng biển ngoài khơi bờ biển của nước này và ở Biển Đông, trong bối cảnh căng thẳng âm ỉ với Đài Loan và Mỹ. Một trong những cuộc tập trận quân sự được công bố sẽ được tổ chức trong ba ngày ở vùng biển ngoài khơi thành phố cảng Thanh Đảo, nơi có căn cứ hải quân lớn của PLA. PLA cũng sẽ tổ chức các cuộc tập trận bắt đầu từ 6 giờ tối thứ Sáu cho đến 8 giờ sáng Chủ nhật ở Biển Đông. Các cuộc tập trận này diễn ra trước cuộc tập trận quân sự lớn nhất của Mỹ-Philippines diễn ra vào tuần tới.

Xem thêm tại: The Star, China plans to conduct intensive military drills amid US tensions. Truy cập ngày 22/4/2023

Đài Loan tập trận cho một cuộc tấn công của Trung Quốc tại đảo tiền tuyến

Vào thứ năm, các nhân viên cấp cứu trên một hòn đảo do Đài Loan kiểm soát bên cạnh bờ biển của Trung Quốc đã diễn tập đối phó với một cuộc tấn công mô phỏng của Trung Quốc, hơn một tuần sau khi Bắc Kinh tổ chức các cuộc tập trận xung quanh eo biển Đài Loan. Các cuộc tập trận trên đảo chính Nangan của Matsu là một phần trong cuộc tập trận phòng thủ dân sự hàng năm của Đài Loan, và kịch bản năm nay đối với Matsu diễn ra khi Trung Quốc cắt đứt viễn thông và sau đó tấn công các đảo. Trước đó vào tháng 2, lỗ hổng của Matsu đã được nhấn mạnh khi hai dây cáp biển nối giữa các đảo bị cắt, có thể là do tàu dân sự Trung Quốc, khiến 14.000 người sống ở đó không thể truy cập internet.

Xem thêm tại: Reuters, Front line Taiwanese island drills for a Chinese attack. Truy cập ngày 21/4/2023

Tập trận Đài Loan tập trung chống phong tỏa, bảo toàn lực lượng

Cuộc tập trận quân sự Hán Quang (Han Kuang) hàng năm của Đài Loan trong năm nay sẽ tập trung vào việc chống lại sự phong tỏa hòn đảo và duy trì khả năng chiến đấu của các lực lượng. Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết cuộc tập trận Hán Quang sẽ được chia thành hai phần – tập trận trên sa bàn từ ngày 15-19/5 và sau đó huy động lực lượng từ ngày 24-28/7 bao gồm tập trận bắn đạn thật. Trọng tâm của cuộc tập trận sẽ là “bảo toàn” lực lượng chiến đấu và “đánh chặn hàng hải”, bao gồm việc sử dụng các sân bay dân sự và phân tán khí tài quân sự trên không, cũng như cách ngụy trang cho các lực lượng trên mặt đất. Phần hải quân sẽ tích hợp các lực lượng trên biển, trên không và trên bộ để tấn công các lực lượng và tàu tấn công đổ bộ của đối phương, đồng thời bảo vệ các tuyến đường biển để chống lại các nỗ lực phong tỏa.

Xem thêm tại: Reuters, Taiwan war games to focus on combating blockade, preserving forces. Truy cập ngày 27/4/2023

Đài Loan đàm phán với Mỹ về các kho dự trữ vũ khí tiềm năng trên hoặc gần hòn đảo

Thủ tướng Đài Loan Trần Kiến Nhân (Chen Chien-Jen) hôm thứ Hai cho biết Đài Bắc đang đàm phán với Washington về khả năng xây dựng các kho dự trữ vũ khí trong khu vực để hòn đảo này tiếp cận với vũ khí cần thiết để chống lại Bắc Kinh trong trường hợp xảy ra xung đột xuyên eo biển, kể từ khi Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Mỹ (NDAA) 2023 được Quốc hội Mỹ thông qua vào cuối năm ngoái. Cách tiếp cận này sẽ giúp Đài Loan cầm cự trước cuộc tấn công của Quân đội PLA nếu kho dự trữ vũ khí của Mỹ có sẵn trên đảo hoặc gần đó.

Xem thêm tại: SCMP, Taiwan in talks with Washington about potential weapons stockpiles on or near island. Truy cập ngày 25/4/2023

Nhà ngoại giao hàng đầu EU kêu gọi tuần tra hải quân châu Âu tại eo biển Đài Loan

Đại diện Cấp cao EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell nói rằng hải quân châu Âu nên đưa tàu chiến đến tuần tra eo biển Đài Loan đang tranh chấp, lặp lại những bình luận trước đó nhấn mạnh tầm quan trọng của Đài Loan đối với châu Âu. Những bình luận của Borrell được đưa ra sau khi tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, trong tháng này lập luận rằng châu Âu không nên “đi theo” Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan.

Xen thêm tại: SCMP, Taiwan Strait: top EU diplomat calls for European navy patrols. Truy cập ngày 24/4/2023

AFP để mắt thêm các căn cứ EDCA để ‘bảo vệ 360 độ’ cho Philippines

Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) đã đưa ra khả năng thiết lập các địa điểm bổ sung theo Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA) trong tương lai để cho phép “bảo vệ 360 độ” cho nước này. Theo Đại tá Medel Aguilar, người phát ngôn của AFP, việc xây dựng thêm các địa điểm EDCA sẽ giúp quân đội bảo vệ lãnh thổ hàng hải của Philippines, điều này cũng sẽ cho phép người dân tận hưởng các nguồn tài nguyên của nó. Tuy nhiên, nếu AFP quyết định bổ sung thêm nhiều địa điểm EDCA trên chín địa điểm đã hoàn thành và được đề xuất, thì họ sẽ cần một khoản ngân sách lớn để thực hiện điều đó. Trên thực tế, Mỹ đã tăng tài trợ cho việc phát triển bốn địa điểm EDCA bổ sung từ 82 triệu USD đến 100 triệu USD. Trước đó, Mỹ có kế hoạch chi hơn 100 triệu USD để nâng cấp chín căn cứ quân sự của Philippines. Việc mở rộng EDCA và các khoản tài trợ này của Mỹ phản ánh những tiến bộ nhanh chóng của liên minh Mỹ-Philippines trong năm qua, đảo ngược và thậm chí vượt xa với khoảng thời gian của chính quyền Rodrigo Duterte.

Xem thêm tại: Diplomat, US to Spend $100 Million on Upgrades to Philippine Military Facilities. Truy cập ngày 21/4/2023; Manila Bulletin, AFP eyes more EDCA sites for ‘360 degree protection’ of PH. Truy cập ngày 24/3/2023

Nhật cam kết phát triển drone để tăng cường an ninh hàng hải trước Trung Quốc

Nhật Bản cam kết thúc đẩy phát triển drone dưới nước để tăng cường an ninh hàng hải trước sự quyết đoán quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trong dự thảo sửa đổi chính sách đại dương 5 năm của Tokyo. Dự thảo cho biết Nhật Bản sẽ đẩy nhanh việc nghiên cứu và phát triển các phương tiện tự hành dưới nước và các phương tiện điều khiển từ xa cho các hoạt động giám sát và thăm dò tài nguyên.

Xem thêm tại: Kyodo News, Japan vows to develop drones to boost maritime security against China. Truy cập ngày 22/4/2023

Lực lượng phòng vệ Nhật Bản không đạt được hơn một nửa mục tiêu tuyển dụng

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã tuyển dụng chưa đến một nửa số lượng nhân sự biên chế theo kế hoạch cho năm tài khóa 2022, trong bối cảnh Tokyo đặt mục tiêu tăng cường khả năng phòng vệ của đất nước. SDF dự định tuyển 9.245 quân nhân biên chế vào tháng 3, nhưng chỉ tuyển được khoảng 4.300 quân nhân. Một số người trong Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng cuộc xâm lược Ukraine của Nga năm ngoái và các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc xung quanh Đài Loan đã góp phần làm giảm tuyển dụng bằng cách làm tăng nguy cơ chiến tranh. Cạnh tranh từ các doanh nghiệp đang tăng lương để chống lại tình trạng thiếu lao động của Nhật Bản cũng có thể là một yếu tố.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, Japan’s Self-Defense Forces miss recruiting target by more than half. Truy cập ngày 21/4/2023

Nhật Bản sẵn sàng bắn hạ mảnh vỡ vệ tinh do thám của Triều Tiên

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Yasukazu Hamada hôm thứ Bảy đã chỉ thị cho quân đội chuẩn bị sẵn sàng các tên lửa đất đối không PAC-3 ở phía tây nam Nhật Bản, bao gồm Okinawa và các đảo lân cận, nằm dưới đường bay của một tên lửa Triều Tiên sẽ mang theo vệ tinh. Bộ trưởng Yasukazu Hamada cũng ra lệnh triển khai các tàu khu trục được trang bị tên lửa đối hạm SM-3 đến vùng biển ven bờ. Trước đó vào đầu tuần này, Triều Tiên cho biết vệ tinh do thám quân sự đầu tiên của nước này sẽ được phóng vào một ngày chưa xác định.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Japan readies to shoot down North Korea spy satellite debris. Truy cập ngày 23/4/2023

TT Biden cam kết các bước để ngăn chặn cuộc tấn công hạt nhân vào Hàn Quốc

Tổng thống Joe Biden sẽ cam kết các bước “đáng kể” để nhấn mạnh Mỹ cam kết ngăn chặn một cuộc tấn công hạt nhân của Triều Tiên vào Hàn Quốc. Chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài một tuần của ông Yoon từ thứ Hai diễn ra vào thời điểm nhiều người Hàn Quốc nói rằng đất nước của họ nên phát triển kho vũ khí hạt nhân để đề phòng cuộc tấn công của Triều Tiên trang bị vũ khí hạt nhân và kho tên lửa và bom ngày càng mở rộng của nước này. Sau cuộc gặp, Tổng thống Joe Biden và tổng thống Yoon Suk-yeol nhất trí về việc Mỹ cử tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo lớp Ohio tới Seoul. Thỏa thuận này nhằm củng cố độ hiệu quả của khả năng răn đe mở rộng dưới hình thức hữu hình. Các tính năng chính của tàu ngầm là hoạt động dưới nước một cách bí mật và có thể tấn công từ xa. Động thái này cũng sẽ cho người dân ở Hàn Quốc thấy rõ ràng rằng Mỹ cam kết bảo vệ đất nước của họ.

Xem thêm tại: Reuters, Biden to pledge steps to deter nuclear attack on South Korea. Truy cập ngày 23/4/2023;  Nikkei Asia, U.S. to send nuclear ballistic sub to South Korea in show of force. Truy cập ngày 27/4/2023

Máy bay ném bom siêu thanh của Mỹ bất ngờ xuất hiện trong cuộc tập trận gần biên giới Trung Quốc-Ấn Độ đang tranh chấp

Một cặp máy bay ném bom hạng nặng siêu thanh B-1B của Mỹ bất ngờ xuất hiện tại Cuộc tập trận Cope Ấn Độ – một cuộc tập trận chung do lực lượng Mỹ và Ấn Độ tổ chức không xa biên giới tranh chấp của Ấn Độ với Trung Quốc. Các máy bay ném bom sẽ tham gia giai đoạn không chiến của cuộc tập trận từ ngày 13 đến 24 tháng 4 tại Căn cứ Không quân Kalaikunda. Các nhà quan sát cho biết việc triển khai các máy bay ném bom nhấn mạnh mong muốn của Washington nhằm thúc đẩy Ấn Độ có lập trường hung hăng hơn đối với Trung Quốc.

Xem thêm tại: SCMP, US supersonic bombers to make surprise appearance in drill near disputed China-India border. Truy cập ngày 22/4/2023

Doanh số bán vũ khí của Nga cho Ấn Độ bị đình trệ do lo ngại về lệnh trừng phạt của Mỹ

Hoạt động cung cấp vũ khí của Nga cho Ấn Độ đã bị đình trệ khi Moscow và New Delhi đấu tranh để tìm một cơ chế thanh toán không vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. Các khoản thanh toán của Ấn Độ cho khoản vũ khí trị giá hơn 2 tỷ USD đã bị đình trệ trong khoảng một năm và Nga đã ngừng cung cấp tín dụng cho một đường ống dẫn phụ tùng trị giá khoảng 10 tỷ USD cũng như hai khẩu đội hệ thống phòng thủ tên lửa S-400. Chính phủ Ấn Độ đã đề xuất Moscow sử dụng đồng rupee từ việc bán vũ khí để đầu tư vào thị trường vốn và nợ của Ấn Độ nhằm tránh dự trữ đồng rupee nhưng chính phủ của Vladimir Putin không chấp nhận cơ chế này.

Xem thêm tại: Bloomberg, Russian Arms Sales to India Stall on Fears Over US Sanctions. Truy cập ngày 22/4/2023

Cộng hòa Séc muốn cung cấp thêm máy bay, radar cho Việt Nam

Việt Nam đang đàm phán với Cộng hòa Séc về nguồn cung cấp khí tài quân sự, bao gồm máy bay, radar, nâng cấp xe bọc thép và vũ khí, khi Hà Nội muốn đa dạng hóa kho vũ khí chủ yếu do Nga sản xuất. Cộng Hòa Séc được coi là có vị trí thuận lợi để đáp ứng một số nhu cầu an ninh ngày càng tăng của Việt Nam khi các công ty quân sự của họ vượt trội trong việc trang bị thêm thiết bị của Nga và thường sản xuất thiết bị mới tương thích với vũ khí cũ của Liên Xô. Hà Nội đã đặt hàng một chục máy bay chiến đấu hạng nhẹ L-39NG vào năm 2021 từ nhà sản xuất Aero Vodochody của Cộng hòa Séc, việc giao hàng sẽ bắt đầu trong năm nay.

Xem thêm tại: Reuters, Czech Republic looks to supply Vietnam more aircraft, radars. Truy cập ngày 25/4/2023

Úc công bố cải cách quốc phòng lớn nhất trong nhiều thập kỷ

Úc hôm thứ Hai công bố cuộc cải tổ quân sự lớn nhất trong nhiều thập kỷ, tái tập trung lực lượng vũ trang vào việc ngăn chặn những kẻ thù tiềm tàng ở xa bờ biển. Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles nói rằng bản đánh giá chiến lược quốc phòng sẽ chuyển trọng tâm sang việc ngăn chặn kẻ thù trước khi chúng đổ bộ – trên biển, trên không và trên mạng. Thêm vào đó, Úc đã công bố một công cụ quan trọng trong chiến lược mới của mình – đó là phát triển các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân tầm xa có khả năng tàng hình. Trên cơ sở đó, Lực lượng Quốc phòng Úc sẽ có được khả năng tấn công tên lửa tầm xa, cả phóng từ trên không và trên bộ.

Xem thêm tại: Yahoo News, Australia unveils biggest defence reform in decades. Truy cập ngày 25/4/2023

Thái Lan nhận tàu đổ bộ do Trung Quốc sản xuất

Tàu tấn công đổ bộ HTMS Chang do Trung Quốc chế tạo, một tàu đổ bộ Type 071E, được Thái Lan đặt hàng đã cập cảng một tuần sau khi được chính thức bàn giao cho Bangkok. Type 071E có thiết kế dài 210 mét, rộng 28 mét và lượng choán nước 25.000 tấn khi đầy tải. Type 071E có thể chở tới 4 tàu đổ bộ đệm khí cho các cuộc tấn công đổ bộ, trong khi cần trục gắn trên thân tàu có thể mang, phóng và thu hồi tàu đổ bộ thông thường. Ngoài ra, sàn xe của Type 071E có đủ chỗ cho 60 phương tiện chiến đấu bọc thép và có thể chứa 800 quân.

Xem thêm tại: Defense News, Thailand receives Chinese-made amphibious ship. Truy cập ngày 26/4/2023

Trung Quốc, Singapore tiến hành cuộc tập trận quân sự chung đầu tiên sau 2 năm khi Bắc Kinh tìm cách chống lại ảnh hưởng của Mỹ

Trung Quốc và Singapore sẽ tổ chức một cuộc tập trận quân sự chung ngay trong tuần này khi Bắc Kinh tăng cường quan hệ quốc phòng và an ninh với Đông Nam Á, khu vực có các đồng minh mạnh mẽ của Mỹ. Hải quân Trung Quốc sẽ triển khai tàu khu trục nhỏ mang tên lửa Yulin và tàu săn mìn Chibi trong cuộc tập trận. Cuộc tập trận chung giữa Trung Quốc và Singapore diễn ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, nơi thường xuyên có hải quân các nước phương Tây đi qua, bao gồm cả các tàu Mỹ đang tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải.

Xem thêm tại: SCMP, China, Singapore to launch first joint military drills in 2 years as Beijing seeks to counter US influence. Truy cập ngày 25/4/2023

 

Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ-Latinh:

Mỹ kêu gọi nhanh chóng phê duyệt tư cách thành viên NATO cho Thụy Điển

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III cam kết sẽ thúc đẩy để Stockholm “gia nhập nhanh chóng” vào NATO và nói rằng những phản đối về việc nước này trở thành thành viên NATO sẽ được giải quyết vào giữa mùa hè, khi các thành viên của liên minh gặp nhau ở Lithuania. Giống như Phần Lan, Thụy Điển quyết định từ bỏ vị thế trung lập sau khi Nga xâm lược Ukraine. Tuy nhiên, trước khi có thể gia nhập liên minh, Thụy Điển phải được hai đối thủ là Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary phê duyệt.

Xem thêm tại: NY Times, U.S. Defense Secretary Urges Swift NATO Membership for Sweden. Truy cập ngày 21/4/2023

Tên lửa thử nghiệm của Thụy Điển vô tình rơi vào Na Uy

Một tên lửa thử nghiệm do Tập đoàn Vũ trụ Thụy Điển phóng vào đầu ngày thứ Hai từ Trung tâm Vũ trụ Esrange ở miền bắc nước này đã gặp trục trặc và hạ cánh 15 km bên trong lãnh thổ Na Uy. SSC cho biết đang được tiến hành một cuộc thu hồi và một cuộc điều tra để xác định các chi tiết kỹ thuật đằng sau đường bay trật hướng. Tuy nhiên, bất kỳ việc trục vớt nào trên lãnh thổ Na Uy cũng cần có sự đồng ý trước, nhưng Oslo đã không nhận được thông báo chính thức về vụ việc từ chính quyền Thụy Điển.

Xem thêm tại: Reuters, Sweden launches research rocket, accidentally hits Norway. Truy cập ngày 26/4/2023

UAE quan tâm đến xe chiến đấu bộ binh VN-20 IFV do Trung Quốc sản xuất

UAE đã bày tỏ sự quan tâm đến việc mua xe chiến đấu bộ binh (IVF) VN -20 mới do Trung Quốc sản xuất. VN-20 IFV được ra mắt vào năm 2022 tại Triển lãm Hàng không Trung Quốc ở Chu Hải và được coi là IFV chiến đấu được trang bị và bảo vệ nghiêm ngặt nhất. VN-20 được trang bị tháp pháo hai người, súng máy điều khiển từ xa trên nóc tháp pháo và một tính năng độc đáo: hai súng máy 7,62mm điều khiển từ xa gắn ở phía sau thân xe. Lớp giáp của VN-20 cũng có thể chống chịu đạn APFSDS và AP trong phạm vi 500m.

Xem thêm tại: Army Recog, United Arab Emirates shows interest in Chinese-made VN-20 IFV Infantry Fighting Vehicle. Truy cập ngày 21/4/2023

Iran buộc tàu ngầm Mỹ phải nổi lên ở vùng biển vùng Vịnh

Hải quân Iran đã buộc một tàu ngầm của Mỹ phải nổi lên khi tàu này tiến vào vùng Vịnh. Đầu tháng này, Hải quân Mỹ cho biết tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Florida, được trang bị hệ thống tên lửa dẫn đường, đang hoạt động ở Trung Đông để hỗ trợ Hạm đội thứ năm có trụ sở tại Bahrain. Thêm vào đó, Hải quân đã triển khai drone đầu tiên của mình qua eo biển chiến lược Hormuz vào thứ Tư, một tuyến đường thủy quan trọng đối với các nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu, nơi Mỹ chạm trán căng thẳng với lực lượng Iran. Chuyến đi của L3 Harris Arabian Fox MAST-13, một tàu cao tốc dài 13 mét mang theo cảm biến và máy ảnh, đã thu hút sự chú ý của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Iran says its navy forced US submarine to surface in Gulf waters. Truy cập ngày 21/4/2023; Defense News, US Navy sails first drone through Mideast’s Strait of Hormuz. Truy cập ngày 21/4/2023

Israel pháo kích vào địa điểm của Hezbollah ở tây nam Syria

Israel đã thực hiện một cuộc pháo kích nhắm vào một địa điểm thuộc phong trào khủng bố Hezbollah gần Quneitra ở tây nam Syria vào thứ Hai. Cuối buổi sáng cùng ngày, IDF được cho là đã thả các tờ rơi trong khu vực để cảnh báo Quân đội Syria không hợp tác với Iran và Hezbollah. Các tờ đơn nhấn mạnh rằng sự hợp tác sẽ “mang lại nhiều tác hại hơn là lợi ích”. Địa điểm Qurs al-Nafl đã nhiều lần bị Israel tấn công trong những năm gần đây.

Xem thêm tại: Jerusalem Post, Israeli artillery targets Hezbollah site in southwest Syria. Truy cập ngày 25/4/2023

Tình hình chiến sự Sudan: Một số sự kiện chính

    • Ngày 22 tháng 4: Giao tranh tiếp tục diễn ra sau khi lệnh ngừng bắn trong vòng 72 giờ thất bại. Giao tranh đã lan sang Bahri và Omdurman, các thành phố giáp thủ đô. Cùng với đó, các cuộc đụng độ cũng diễn ra xung quanh trụ sở quân đội và dinh tổng thống. Trong cùng ngày, đại sứ EU James Moran nói rằng do thành phố Khartoum, thủ đô Sudan cách hải cảng 800km nên ưu tiên lúc này là đảm bảo các sân bay cho việc di tản.
    • Ngày 23 tháng 4: Giao tranh ác liệt lại tiếp tục vào buổi sáng với những cột khói được nhìn thấy bốc lên trên đường chân trời của thủ đô. Cư dân ở thành phố Omdurman bên kia sông Nile từ Khartoum cũng báo cáo về các cuộc không kích và pháo kích dữ dội. Quân đội Mỹ cũng đã di tản nhân viên đại sứ quán, Pháp, Hà Lan, Anh, Ả Rập, Jordan, Hàn Quốc cũng đã tổ chức các cuộc di tản công dân trong cùng ngày.
    • Ngày 24 tháng 4: Các trận chiến đã nổ ra ở khu vực phía tây Darfur. Quân đội Sudan cho biết họ đã đẩy lùi một cuộc tấn công của Lực lượng Hỗ trợ Nhanh vào nhà tù Kober ở Khartoum, nơi nhà cai trị lâu năm của Sudan, Omar al-Bashir, và các cựu quan chức trong phong trào của ông đã bị giam giữ kể từ khi ông bị lật đổ vào năm 2019. Đức, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Nhật, Ai Cập, Ấn Độ triển khai kế hoạch di tản công dân trong cùng ngày.
    • Ngày 25 tháng 4: Các phe tham chiến của Sudan đã đồng ý ngừng bắn trong 72 giờ bắt đầu từ thứ Ba. Tuy nhiên, giao tranh đã nổ ra ở Geneina ở Tây Darfur. Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết trợ lý tùy viên hành chính tại đại sứ quán nước này đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh ở Khartoum. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo rằng Sudan đang ở “bờ vực” và bạo lực “có thể nhấn chìm toàn bộ khu vực và xa hơn nữa”.
    • Ngày 26 tháng 4: Một lệnh ngừng bắn do Mỹ làm trung gian ở Sudan dường như được giữ một phần, nhưng theo Liên Hợp Quốc, không có dấu hiệu nào cho thấy các phe tham chiến sẵn sàng đàm phán nghiêm túc về một nền hòa bình lâu dài. Lệnh ngừng bắn kéo dài ba ngày phần lớn được duy trì ở thủ đô Khartoum, mặc dù các cuộc đụng độ rải rác vẫn tiếp diễn ở những nơi khác trong nước.
    • Ngày 27 tháng 4: Quân đội Sudan và một lực lượng bán quân sự đã chiến đấu ở ngoại ô thủ đô Khartoum, vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, Lãnh đạo quân đội, Tướng Abdel Fattah al-Burhan, đã chấp thuận gia hạn thỏa thuận ngừng bắn thêm 72 giờ nữa và cử một phái viên đến thủ đô Juba của Nam Sudan để đàm phán. Trung Quốc, Indonesia, Canada sẽ phát triển khai khí tài và quân đội đến Sudan để di tản công dân của mình.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Sudan updates: Army says foreign evacuations to begin; Sudan fighting in its ninth day; Sudan fighting in its 10th day; Sudan fighting in its 11th day; Sudan fighting in its 12th day; Sudan fighting in its 13th day. Truy cập ngày 27/4/2023

Embraer của Brazil chế tạo máy bay được NATO phê chuẩn ở Bồ Đào Nha

Bộ trưởng Quốc phòng Brazil Jose Mucio hôm thứ Sáu cho biết nhà sản xuất máy bay Embraer SA (EMBR3.SA) sẽ sản xuất máy bay đáp ứng các yêu cầu của NATO trong quan hệ đối tác với công ty hàng không vũ trụ OGMA của Bồ Đào Nha. Embraer đã ra mắt chiếc A-29 Super Tucano vào tuần trước với cấu hình NATO, ban đầu tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu của các quốc gia châu Âu. Embraer cũng sản xuất máy bay vận tải quân sự KC-390 và hãng nhắm đến nhiều hợp đồng quốc tế hơn để bán loại máy bay này.

Xem thêm tại: Reuters, Brazil’s Embraer to build NATO-approved aircraft in Portugal. Truy cập ngày 23/4/2023

 

Chuyên mục Phân tích:

Tại sao Ukraine cần vũ khí mới thực hiện cuộc tấn công mùa xuân?

Trong những tuần qua, giới chức Ukraine đã liên tục nói rằng Kyiv sẽ không thực hiện một cuộc tấn công vào chiến tuyến Nga nếu như không có thêm vũ khí từ Mỹ và phương Tây, như pháo, xe tăng, hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS). Cho đến nay, giới chức phương Tây cũng đã từ chối yêu cầu viện trợ chiến đấu cơ F-16 và pháo cơ động tầm xa cho Ukraine. Dù Đức và Mỹ đã viện trợ xe tăng Leopard và Abrams cho Ukraine, nhưng có quan ngại rằng nỗ lực này vẫn quá nhỏ nhoi và đã quá trễ. Thêm vào đó, viện trợ từ Mỹ chỉ đang “nhỏ giọt” khi chính quyền Biden đang sắp kết thúc việc viện trợ số vũ khí còn lại trong kho dự trữ của Mỹ có thể gửi cho Ukraine. Ngoài ra, triển vọng của máy bay chiến đấu F-16 và Hệ thống Tên lửa Chiến thuật tầm xa của Quân đội Mỹ vẫn đang bị bó buộc trong các cuộc tranh luận nội bộ.

Tuy nhiên, cuộc chiến tại Ukraine được tính bằng ngày và tuần chứ không phải bằng tháng và năm. Trước đó sau cuộc tiến công mùa thu, lực lượng Ukraine đã đẩy lùi quân Nga sang phía bên kia sông Dnipro và tái chiếm thành phố Kherson. Trong cuộc tấn công tiếp theo, Ukraine có thể ​​sẽ  tiến về phía nam — mặc dù họ sẽ phải đối mặt với quân phòng thủ kiên cố của Nga bên kia sông — hoặc cố gắng tiến về phía đông vào các khu vực do Nga chiếm đóng ở tỉnh Zaporizhzhia trước khi đẩy mạnh cắt đứt các tuyến tiếp tế vào Crimea nhằm tránh một cuộc đổ bộ đầy rủi ro. Nhưng các quan chức Ukraine lo lắng rằng Nga đã bắt đầu điều chỉnh chiến thuật đủ để tạo ra sự khác biệt khi thời gian ngày càng kéo dài. Được trang bị tên lửa tầm xa, các tàu Nga đang bắn đạn chính xác vào các khu vực đô thị từ những nơi xa xôi như biển Caspian khiến cho Ukraine khó có thể thực hiện cuộc phản công. Một số quan chức Mỹ tin rằng với mỗi ngày Kyiv chờ đợi cho cuộc phản công, sức mạnh quân sự của họ sẽ suy giảm bởi cuộc chiến đang diễn ra ở các thị trấn như Bakhmut. Số khác tin rằng việc chờ đợi có lợi cho Ukraine khi Kiev đang thiếu nguồn cung cấp các công cụ khác ngoài vũ khí để giúp nước này chiến đấu với người Nga, chẳng hạn như thiết bị rà phá bom mìn, cầu nối và hậu cần.

Nhưng tại sao Ukraine cần chiến đấu cơ mới để có thể thắng Nga? Kể từ hồi tháng 10 năm ngoái, Nga thường tấn công bằng drone và tên lửa khiến cho Ukraine phải sử dụng lượng lớn tên lửa đất đối không (SAMAS). Dù tình hình đã ổn định trong vài tuần qua, nhưng nếu SAMAS cạn kiệt thì Ukraine sẽ phải chọn giữa bảo vệ thành phố, cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc là binh sĩ tiền tuyến. Về lý thuyết, chiến đấu cơ có thể thay thế cho hệ thống phòng không trên mặt đất bằng cách bắn hạ máy bay địch, drone và tên lửa hành trình. Tuy nhiên, các đội bay hiện tại của Ukraine, gồm Mig-29 do Ba Lan và Slovakia viện trợ, không có khả năng bay và đang được sử dụng làm phụ tùng. Do đó, Ukraine cần một đội bay hoàn toàn mới. Vậy chiến đấu cơ nào là ứng cử viên cho việc này? Đầu tiên là Gripen, sản xuất bởi Saab của Thụy Điển. Chiến đấu cơ Gripen được thiết kế đặc biệt nhằm phòng thủ trước chiến đấu cơ Nga. Thêm vào đó, Gripen cũng có khả năng hạ cánh trên đường băng ngắn và cả trên đường bộ, đồng thời chiến đấu cơ này cũng chỉ cần một kỹ thuật viên và năm lính nghĩa vụ để tiếp liệu trong 10 phút. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của Gripen nằm ở số lượng quá ít của chúng, ở mức dưới 100 chiếc. Hơn nữa, do đơn gia nhập NATO của Thụy Điển đang bị chặn bởi Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary, nên Stockholm cũng chần chừ trong việc chế tạo thêm.

Ứng viên kế tiếp mà Ukraine để mắt đến là F-16 từ Đức do phụ tùng và cơ sở bảo trì đã có sẵn ở những nước liền kề như Ba Lan và Romania, cũng như Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng vấn đề của F-16 lại là chi phí đắt đỏ của nó. Ngoài ra, một vấn đề khác đó là tình trạng sân bay của Ukraine. Theo đó, các đường băng được xây theo kiểu Liên Xô, với kiểu lát sàn cho phép chúng chịu được sự giãn nở và co lại do quá nóng và quá lạnh khiến cho rêu, đá và các mảnh vụn khác tích tụ ở phần giữa. Do đó, chiến đấu cơ Gripen, với các cửa hút khí nhỏ hơn và nằm cao hơn trên thân máy bay, sẽ xử lý vấn đề này tốt hơn nhiều so với F-16. Mặt khác, điều quan trọng như máy bay là vũ khí của nó. Trong trường hợp một tiểu đội bay Gripen chỉ từ 8 đến 12 chiếc, nhưng lại được trang bị tên lửa không đối không tiên tiến nhất thế giới Meteor, vốn được phát triển chung vởi Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Thụy Điển, thì chúng vẫn có thể kìm chân lực lượng không quân của Nga. Tuy nhiên, vướng mắc của tên lửa Meteor nằm ở chỗ các nước châu Âu có thể không muốn mạo hiểm để loại vũ khí tiên tiến này rơi vào tay Nga. Mỹ có thể do dự tương tự về việc gửi các biến thể mới nhất tương đương Meteor, AIM-120, vốn cần thiết để F-16 có tầm bắn tương đương với tên lửa tốt nhất của Nga. Cuối cùng, Ukraine sẽ cần các khả năng bổ trợ khác như chiến tranh điện từ để làm mù máy bay Nga hay đường truyền số kết nối chiến đấu cơ với radars phòng không trên đất liền.

Xem thêm tại: Foreign Policy, Ukraine’s Spring Offensive Is Waiting on Weapons. Truy cập ngày 21/4/2023; Economist, Ukraine’s top guns need new jets to win the war. Truy cập ngày 24/4/2023

Ukraine đang sử dụng xe tăng và pháo giả để gây rối lực lượng Nga thế nào?

Trái ngược với tuyên bố của Moscow rằng lực lượng Nga đã tiêu diệt một số bệ phóng tên lửa HIMARS do Mỹ viện trợ cho Ukraine hồi tháng 6, Kiev cho biết không có bất kỳ bệ phóng nào bị phá hủy trên chiến trường. Thay vào đó, chúng là những mô hình khẩu đội HIMARS nhỏ được làm bằng gỗ gắn trên xe tải. Trước đây, những nỗ lực của Ukraine trong việc sử dụng mồi nhử quân sự có phần đặc biệt, chúng là những mồi nhử hợp từ các mảnh vụn lại với nhau – hay còn gọi là “mồi nhử thủ công”. Các mồi nhử có thể bơm phồng (inflateble dummie) có một số lợi thế. Trước nhất, khác với các mô hình bằng gỗ rất nặng và hợp từ nhiều bộ phận cần xe để vận chuyển cũng như người lắp ráp và tháo gỡ chúng, mồi nhử bơm phồng được vá từ vải nilon rẻ tiền, nhẹ và có thể triển khai nhanh chóng. Thêm vào đó, tất cả các trang thiết bị từ xe tăng, pháo, pháo cối cho đến súng máy đều có thể làm giả ở thể bơm phồng. Người Nga, được cho là bậc thầy của thuật ngụy trang và trí trá, có nhiều nhà máy khinh khí cầu sản xuất các mô hình bơm phồng như chiến đấu cơ có thể được dàn thành hàng sao cho giống một căn cứ không quân hùng hậu.

Tuy nhiên, có một số vấn đề khi tái tạo các bộ phận nhọn của thiết bị nhô ra ngoài, chẳng hạn như ăng-ten trên hệ thống radar. Hiện tại, mồi nhử giả đang ngày càng trở nên chân thực hơn. Theo đó, mô hình xe tăng bằng gỗ tháo rời được vô cùng chi tiết và chân thực khi công nghệ bơm phồng sử dụng gương phản xạ linh hoạt để mô phỏng sức nóng của khẩu súng vừa mới khai hỏa, nhằm đánh lừa các camera chụp ảnh nhiệt trên drone. Do đó, hình nộm giả có thể có hiệu quả trong việc chống lại mối đe dọa từ drone Lancet của Nga, hiện đang hiệu quả trong việc tiêu diệt pháo binh Ukraine. Việc chống lại drone Lancet, vốn chỉ tốn dưới 50,000 USD cho một chiếc, có thể tiết kiệm được chi phí thất thoát của pháo M777 của Mỹ đang được Ukraine sử dụng, có giá thành lên đến 4 triệu USD.

Xem thêm tại: Economist, How Ukraine is using fake tanks and guns to confuse the Russians. Truy cập ngày 21/4/2023

Lý do Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan là gì?

Tuy không có dấu hiệu nào cho thấy việc huy động lực lượng hay một cuộc tấn công sắp xảy ra, nhưng việc Trung Quốc xây dựng lực lượng đổ bộ, củng cố kho vũ khí hạt nhân, thực hiện các cuộc tập trận quân sự, và khiến cho nền kinh tế dẻo dai hơn trước các lệnh trừng phạt cho thấy Bắc Kinh có thể sẽ tấn công Đài Loan. Tuy nhiên, sẽ rất nguy hiểm nếu giả định rằng đây chỉ là một màn kịch, và càng nguy hiểm hơn khi tin rằng Trung Quốc sẽ có thể dễ dàng bị ngăn chặn. Đây chính xác là những gì mà một số nhà quan sát lạc quan tin vào, rằng các nước dân chủ có thể ngăn chặn Trung Quốc khi một cuộc tấn công vào Đài Loan sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế, và ví dụ về cuộc kháng chiến của Ukraine với sự hậu thuẫn của phương Tây cũng cho thấy rằng chủ nghĩa kỳ vọng vào vũ trang sẽ không đứng vững. Nhưng khác với Nga, Trung Quốc có nền kinh tế lớn gấp 10 lần. Ngoài ra, vị trí địa lý của Đài Loan cũng rất khó để có thể viện trợ khi hòn đảo dễ dàng bị cắt đứt đường biển và hàng không.

Quan điểm rằng chỉ khi phương Tây cho thấy quyết tâm thì Trung Quốc mới không đánh liều sự thịnh vượng của mình hay sẽ tạm hoãn sự hung hăng vô thời hạn chỉ là một kỳ vọng hão huyền. Theo đó, các quốc gia có khả năng đôi khi sẵn sàng chấp nhận khủng hoảng nếu cảm thấy thời gian đang chống lại mình. Họ sẽ chọn hành động leo thang đầy rủi ro thay vì giữ nguyên hiện trạng nguy hiểm. Hơn nữa, Trung Quốc không chỉ đánh giá bản chất của các nguy cơ, mà còn vì khả năng chúng có thể sẽ phát triển về sau. Mặt khác, Trung Quốc nhìn nhận Đài Loan không phải như một câu hỏi rời rạc, mà là một phần của cuộc cạnh tranh gay gắt để giành vị trí bá chủ ở châu Á. Đối với Bắc Kinh, thống nhất với Đài Loan và ngăn không cho nước này trượt vào quỹ đạo phương Tây là vấn đề ưu tiên hàng đầu. Thêm vào đó, Ukraine cũng không phải là một lời cảnh báo răn đe đáng tin khi nó cho thấy phương Tây đã giảm bớt các lệnh trừng phạt nghiêm trọng lên các kẻ thù khác. Về mặt quân sự, các lực lượng của Mỹ đang cạn kiệt và bị chia rẽ, làm dấy lên cơn cám dỗ thà bây giờ còn hơn về sau. Vì Trung Quốc đánh giá cao Đài Loan, nên họ sẽ lên kế hoạch thành công ở nơi Putin thất bại, đánh nhanh để bắt chuyện đã rồi, cô lập quần đảo và đặt gánh nặng leo thang lên phương tây. Cuối cùng, đối thủ của Trung Quốc là Mỹ cũng lo sợ về tương lai và các xu hướng bất lợi. Khi Trung Quốc trỗi dậy, Washington có thể tiếp tục làm xói mòn Chính sách Một Trung Quốc, chính sách mơ hồ đã giúp duy trì hòa bình.

Xem thêm tại: Spectator, Why China might attack Taiwan. Truy cập ngày 24/4/2023

Tại sao xung đột Sudan quan trọng đối với thế giới?

Cuộc xung đột ở Sudan giữa các lực lượng trung thành với hai vị tướng hàng đầu đã đặt quốc gia  vào nguy cơ sụp đổ và có thể gây ra những hậu quả vượt ra ngoài biên giới. Vậy chuyện gì đang xảy ra tại Sudan? Tướng Abdel Fattah Burhan, người đứng đầu lực lượng vũ trang Sudan, và Tướng Mohammed Hamdan Dagalo, thủ lĩnh của Lực lượng hỗ trợ nhanh phát triển từ lực lượng dân quân Janjaweed khét tiếng của Darfur, mỗi người đang tìm cách giành quyền kiểm soát đất nước. Người chiến thắng trong cuộc giao tranh mới nhất có thể sẽ là tổng thống tiếp theo của Sudan, kẻ thua cuộc sẽ phải đối mặt với lưu đày, bị bắt giữ hoặc tử hình. Một cuộc nội chiến kéo dài hoặc sự phân chia của quốc gia Ả Rập và châu Phi này thành các thái ấp đối địch cũng có thể xảy ra. Vậy cuộc đối đầu này mang hàm ý gì cho các nước láng giềng? Đầu tiên là Ai Cập, vốn có quan hệ gần gũi với quân đội Sudan, sẽ có nguy cơ mất nguồn cung cấp nước khi Ethiopia đang xây một con đập khổng lồ ở thượng nguồn, vốn gây báo động cho cả Cairo và Khartoum. Ngoài ra, Sudan còn giáp với năm nước: Libya, Chad, Cộng hòa Trung Phi, Eritrea và Nam Sudan, đã ly khai vào năm 2011 và mang theo 75% tài nguyên dầu mỏ của Khartoum. Gần như tất cả đều đang bị sa lầy trong các cuộc xung đột nội bộ của chính họ, với các nhóm nổi dậy khác nhau hoạt động dọc theo biên giới.

Tuy nhiên, cũng có những cường quốc bên ngoài có hứng thú với Sudan. Trong những năm gần đây, Vịnh Ả Rập đã dòm ngó Sudan khi nước này tìm cách triển khai sức mạnh của mình trên khắp khu vực. UAE, một cường quốc quân sự đang lên vốn thân thiết với RSF, lực lượng đã gửi hàng ngàn chiến binh đến hỗ trợ UAE và Ả Rập Saudi trong cuộc chiến với phiến quân Houthi tại Yemen. Ngoài ra còn có Nga, từ lâu đã ấp ủ kế hoạch xây dựng một căn cứ hải quân có khả năng chứa tới 300 binh sĩ và 4 tàu ở cảng Sudan. Thêm vào đó, Tập đoàn Wagner của Nga cũng đã thâm nhập khắp châu Phi trong những năm gần đây và đã hoạt động ở Sudan từ năm 2017. Vậy liệu các cường quốc bên ngoài có thể tác động nhằm chấm dứt cuộc xung đột hay không? Những khó khăn kinh tế của Sudan dường như sẽ tạo cơ hội cho các quốc gia phương Tây sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế để gây áp lực buộc cả hai bên phải từ bỏ. Tuy nhiên, các nhóm vũ trang từ lâu đã làm giàu cho mình thông qua hoạt động buôn bán mờ ám khoáng sản quý hiếm và các tài nguyên thiên nhiên khác tại Sudan. Trong khi đó, số lượng lớn các bên có thể trở thành trung gian hòa giải — bao gồm Mỹ, Liên Hợp Quốc, Liên minh Châu Âu, Ai Cập, các quốc gia vùng Vịnh, Liên minh Châu Phi và khối tám quốc gia phía đông Châu Phi được gọi là IGAD — có thể khiến bất kỳ nỗ lực hòa bình nào trở nên phức tạp hơn.

Xem thêm tại: AP News, Why Sudan’s conflict matters to the rest of the world? Truy cập ngày 22/4/2023

Đồng minh theo dõi sát sao kế hoạch tái cơ cấu lực lượng vũ trang của Anh

Cuộc tấn công tổng lực của Nga vào Ukraine đã cho thấy những bài học quý giá về tác chiến thời hiện đại, đồng thời phơi bày sự mỏng manh của lực lượng vũ trang Anh, lực lượng mà Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace đã mô tả là “rỗng tuếch”. Các đồng minh của NATO cũng đang theo dõi sát sao cách mà Anh sẽ tái cơ cấu lực lượng vũ trang của mình, với ngân sách quốc phòng bị giới hạn ở mức bằng với các lĩnh vực công khác. Các nhà phân tích quân sự, cũng như các quan chức cho biết có ba lĩnh vực lớn mà Bộ quốc phòng (MoD) cần giải quyết. Đứng đầu danh sách là việc tái bổ sung số vũ khí và đạn dược đã được lấy để viện trợ cho Ukraine hồi năm ngoái khi Anh đang chuẩn bị cho một đợt viện trợ tương tự vào năm nay. Thứ hai đó là hệ thống mua sắm hiện tại, mà các tài khoản công khai của ủy ban quốc hội bị ‘đứt quãng” và có thể gây nguy hiểm cho khả năng đáp ứng các cam kết NATO của Anh. Nhiệm vụ thứ ba là xác định vai trò của quân đội, vốn đã trở nên kém cỏi sau khi kết thúc các hoạt động chống nổi dậy ở Trung Đông. Hải quân Anh đang dần xây dựng lại khả năng tấn công tàu sân bay, mặc dù hạm đội tàu hộ tống đã giảm xuống dưới 20 chiếc. Lực lượng không quân cũng đã bị thu hẹp nhưng đang dần nhận được những chiếc F-35 mới và đã bắt đầu một chương trình hiện đại hóa “máy bay chiến đấu tương lai” hay còn gọi là Tempest. Nhưng quân đội đã phải chịu hầu hết các đợt cắt giảm chi tiêu khiến cho quy mô bị thu hẹp xuống dưới 80.000 quân.

Trái với một số lời than thở về việc quy mô quân đội bị thu hẹp, cựu tư lệnh lực lượng vũ trang, Sir Richard Barrons, cho rằng những con số này là “đáng ngờ” và tin rằng công nghệ mới sẽ giúp lấp đầy một số khoảng trống. Tuy nhiên, sự ra đời của các công nghệ mới không loại bỏ nhu cầu của các ngành công nghiệp quốc phòng phương Tây trong việc sản xuất hàng loạt vũ khí cần thiết để chống lại các cuộc chiến tranh kiểu công nghiệp mà Nga đang tiến hành chống lại Ukraine. Nhưng một số người tin rằng nó sẽ mở đường cho một cách tiếp cận mới trong việc mua sắm sử dụng các công nghệ sẵn có của khu vực tư nhân — thay vì các hệ thống vũ khí có tính năng kỹ thuật cao thường vượt quá ngân sách và bị trì hoãn trong nhiều năm, chẳng hạn như hệ thống phương tiện bọc thép Ajax đang gặp khó khăn. Cuối cùng, các chuyên gia cũng cho rằng các bản đánh giá ngân sách quốc phòng sẽ cần đưa ra một tín hiệu mạnh mẽ tới các đối thủ tiềm năng và xoa dịu những lo ngại giữa các đối tác NATO về khả năng triển khai một lực lượng trên bộ hiệu quả của Anh khi liên minh gặp nhau trong một hội nghị thượng đỉnh quan trọng ở Vilnius vào tháng 7.

Xem thêm tại: Financial Times, Allies keep close watch on British plans to reshape armed forces. Truy cập ngày 27/4/2023

Ngân sách quốc phòng thế giới đạt ngưỡng cao nhất từ trước đến nay

Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) trong báo cáo hàng năm về chi tiêu quân sự toàn cầu cho thấy chi tiêu quân sự thế giới đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2,24 nghìn tỷ USD vào năm 2022, khi cuộc xâm lược Ukraine của Nga thúc đẩy chi tiêu quân sự trên khắp châu Âu tăng vọt. Tại châu Âu, ngân sách quốc phòng tăng 13%, cao nhất trong 30 năm trở lại đây. Lý do cho sự tăng vọt này liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine, nhưng các quốc gia khác cũng tăng cường chi tiêu quân sự để đối phó với các mối đe dọa từ Nga với chi tiêu của Phần Lan tăng 36% và chi tiêu quân sự của Lithuania tăng 27%. Tính đến năm 2022, chi tiêu quân sự ở Ukraine đã tăng hơn sáu lần lên 44 tỷ USD. Đối với Nga, ngân sách quốc phòng đã gia tăng 9,2%, khoảng 86,4 tỷ USD vào năm ngoái. Trong khi đó, Mỹ vẫn đứng đầu danh sách với 877 tỷ USD vào năm 2022, chiếm 39% tổng chi tiêu quân sự toàn cầu. Sự gia tăng này phần lớn được thúc đẩy bởi mức viện trợ quân sự chưa từng có cho Ukraine. Đứng sau Mỹ là Trung Quốc với con số ước tính 292 tỷ USD, tăng 4,2% so với năm 2021. Thêm vào đó, Nhật Bản cũng đã chi 46 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng vào năm ngoái, tăng 5,9% so với năm 2021 và là mức chi tiêu lớn nhất kể từ năm 1960. SIRPI cho hay Nhật Bản và Trung Quốc dẫn đầu chi tiêu quân sự ở châu Á và châu Đại Dương, lên tới 575 tỷ USD.

Xem thêm tại: Al Jazeera, World military spending reaches all-time high of $2.24 trillion. Truy cập ngày 25/4/2023

Tại sao Trung Quốc sẽ phản ứng dữ dội đối với đánh giá chiến lược quốc phòng mới của Úc?

Đánh giá phòng thủ chiến lược của Úc, được công bố vào thứ Hai, có khả năng gây ra phản ứng thù địch từ Trung Quốc và tạo ra một vòng yêu sách và phản tố mới về mối quan hệ bấp bênh giữa hai nước. Một số chuyên gia Trung Quốc lập luận rằng lối tiếp cận của Úc nên được điều chỉnh bởi các yếu tố rộng hơn ngoài quốc phòng và an ninh khi chương trình AUKUS cùng với bản đánh giá đã chú trọng hơn vào tình huống leo thang quân sự. Giáo sư Jocelyn Chey, cựu đại sứ cấp cao của Úc, nói rằng “hồi trống chiến tranh” đã được các nghị sĩ và quan chức chính phủ Úc dóng lên trong nhiều năm, và được khuếch đại bởi phần lớn các phương tiện truyền thông làm thay đổi đáng kể quan điểm của công chúng. Nhưng ngay cả trước khi bản đánh giá chiến lược quốc phòng được công bố, nó đã được coi là nhằm mục đích chống lại việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự và hải quân cũng như sự quyết đoán của Úc trong khu vực. Do đó, Trung Quốc sẽ phản ứng dữ dội và tiêu cực đối với bản đánh giá.

Tuy nhiên, sự lên án này sẽ dành cho người dân trong nước – những người sẽ mong đợi sự chỉ trích – vì nó sẽ là một tín hiệu thực sự về sự không tán thành đối với Úc. Mặt khác, tình trạng và an ninh của Đài Loan – thường là trọng tâm chính trong bất kỳ cuộc thảo luận nào của Úc về Trung Quốc – là “một vấn đề quan trọng” trong bản đánh giá chiến lược. Elena Yi-Ching Ho, nghiên cứu chính sách tại International Affairs và là một nhà phân tích an ninh mạng, cho biết việc tránh xung đột đối với Đài Loan sẽ được hỗ trợ bằng cách tăng cường hợp tác của Úc với hòn đảo thông qua các chuyến thăm chính thức, quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn và thúc đẩy quan hệ phi chính phủ. Do đó, Bắc Kinh gần như chắc chắn sẽ cáo buộc Canberra làm tổn hại đến mối quan hệ “đang ấm dần” giữa Trung Quốc và Úc, ngay cả khi bản đánh giá chiến lược quốc phòng không nêu đích danh Trung Quốc là đối thủ hay mục tiêu. Bên cạnh đó, bản đánh giá cũng sẽ châm ngòi cho cáo buộc tương tự với thỏa thuận tàu ngầm AUKUS, vốn bị Trung Quốc xem là thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang đồng thời gây tổn hại đến hòa bình và ổn định khu vực.

Xem thêm tại: Guardian, Australia can expect a hostile response from China to strategic defence review. Truy cập ngày 23/4/2023