Nguồn: Route 66 decertified, highway signs removed, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1985, sau 59 năm hoạt động, Đường cao tốc 66 (Route 66) mang tính biểu tượng đã chính thức đi vào lịch sử, khi Hiệp hội Quan chức Giao thông và Xa lộ Tiểu bang Mỹ huỷ bỏ chứng nhận của con đường, và bỏ phiếu để loại bỏ tất cả các biển báo của nó.
Từng dài đến 3220 km vào thời kỳ hoàng kim, Đường 66 trải dài từ Chicago, Illinois đến Santa Monica, California, đi qua tám tiểu bang nước Mỹ. Theo một bài báo đăng trên tờ New York Times về việc hủy bỏ chứng nhận, phần lớn Đường 66 đi xuyên qua vùng hoang dã, dọc theo tuyến đường do Trung úy Hải quân Edward Beale tạo ra vào năm 1857, khi ông dẫn đầu một đoàn du mục. Trong những năm sau đó, các toa xe ngựa và gia súc cuối cùng đã nhường chỗ cho xe tải và xe hơi chở khách.
Ý tưởng xây dựng đường cao tốc dọc theo tuyến đường này nổi lên ở Oklahoma vào giữa những năm 1920, như một cách để liên kết tiểu bang này với các thành phố như Chicago và Los Angeles. Ủy viên Đường cao tốc Cyrus S. Avery đã giới thiệu nó là một cách điều hướng giao thông từ Thành phố Kansas, Missouri và Denver. Năm 1926, con đường được chính thức đặt tên là Đường 66.
Đường 66 đã liên kết hàng trăm cộng đồng chủ yếu là nông thôn với các thành phố dọc theo tuyến đường của nó, cho phép nông dân vận chuyển và phân phối ngũ cốc cùng nhiều sản phẩm khác một cách dễ dàng hơn. Đường cao tốc này cũng là huyết mạch cho ngành vận tải đường dài, mà vào năm 1930 đang cạnh tranh với vận tải đường sắt để giành vị trí thống trị thị trường vận tải.
Đường 66 cũng là nơi diễn ra cuộc di cư ồ ạt về phía tây trong thập niên 1930, khi hơn 200.000 người đi từ vùng Dust Bowl nghèo khó chuyển đến California. John Steinbeck đã biến con đường cao tốc, mà ông gọi là “Đường Mẹ” (Mother Road), trở nên bất tử trong tiểu thuyết kinh điển “Chùm nho phẫn nộ” (The Grapes of Wrath) năm 1939.
Kể từ những năm 1950, việc xây dựng một hệ thống đường cao tốc liên bang khổng lồ đã khiến những con đường cũ ngày càng trở nên lỗi thời. Đến năm 1970, các đường cao tốc bốn làn xe hiện đại đã đi qua gần như tất cả các đoạn của Đường 66 tại Williams, Arizona, và một năm sau, con đường bị mất giấy chứng nhận. Theo Liên đoàn Đường 66 Lịch sử Quốc gia, các tài xế vẫn có thể sử dụng 85% các đoạn của Đường 66, và nó đã trở thành điểm đến của khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới.
Thường được gọi là “Con đường chính của Mỹ” (Main Street of America), Đường 66 đã trở thành trụ cột của văn hóa đại chúng trong những năm qua, truyền cảm hứng cho một bài hát trùng tên (do Bobby Troup sáng tác vào năm 1947 và sau đó được thu âm bởi nhiều nghệ sĩ, từ Nat “King” Cole, Chuck Berry, đến The Rolling Stones) cũng như một bộ phim truyền hình thập niên 1960. Tuyến đường cao tốc lịch sử cũng đã xuất hiện trong bộ phim hoạt hình ăn khách “Cars” (2006).