Chuyển động Quốc Phòng (23/6 – 29/6/2023)

Print Friendly, PDF & Email

Thực hiện: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Chiến tranh Nga – Ukraine:

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:

Đông Nam Á:

Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ-Latinh:

Chuyên mục Phân tích:

Chiến tranh Nga – Ukraine:

Lực lượng Wagner phát động ‘cuộc nổi dậy’ vũ trang ở Nga

Ngày 23 tháng 6: Lãnh đạo Wagner, Yevgevny Prigozhin nói rằng “sự xấu xa” của giới lãnh đạo quân sự Nga “phải bị ngăn chặn” và lực lượng lính đánh thuê của ông ta sẽ dẫn đầu một “cuộc hành quân vì công lý” chống lại quân đội Nga. Sau đó, phó chỉ huy chiến dịch Ukraine của Nga, Tướng Sergey Surovikin, thúc giục lực lượng của Wagner từ bỏ việc phản đối giới lãnh đạo quân sự và trở về căn cứ của họ.

Ngày 24 tháng 6: Máy bay chiến đấu của Wagner tiến vào thành phố Rostov-on-Don, miền nam nước Nga. Sau đó, thống đốc vùng Rostov miền nam nước Nga tiếp giáp với Ukraine yêu cầu người dân giữ bình tĩnh và ở trong nhà. Cùng ngày, các máy bay trực thăng của quân đội Nga đã nổ súng vào một đoàn xe lính đánh thuê Wagner đã đi được hơn nửa đường tới Moscow trong một cuộc tiến công chớp nhoáng sau khi chiếm được Rostov trong đêm. Điện Kremlin nói rằng lính đánh thuê Wagner sẽ được ân xá nếu họ hạ vũ khí. Văn phòng của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nói rằng ông đã môi giới một thỏa thuận với Prigozhin, người đã đồng ý giảm leo thang tình hình. Prigozhin hiện sẽ đến và sống ở Belarus và sẽ không có cáo buộc nào chống lại ông. Thêm vào đó,  các chiến binh Wagner không tham gia cuộc tuần hành ở Moscow sẽ được ký hợp đồng quân sự với quân đội Nga.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Timeline: How Wagner Group’s revolt against Russia unfolded. Truy cập ngày 25/6/2023

Tên lửa Nga tấn công nhà hàng ở Kramatorsk của Ukraine giết chết ít nhất 8 người

Một tên lửa của Nga đã tấn công một nhà hàng ở thành phố Kramatorsk, miền đông Ukraine hôm thứ ba, khiến ít nhất 8 người thiệt mạng và 56 người bị thương. Một tên lửa của Nga cũng đánh trúng một cụm tòa nhà ở Kremenchuk, cách miền trung Ukraine khoảng 375 km về phía Tây, đúng một năm sau vụ tấn công vào một trung tâm mua sắm ở đó khiến ít nhất 20 người thiệt mạng.

Xem thêm tại: Reuters, Russian missile hits restaurant in Ukraine’s Kramatorsk killing at least eight. Truy cập ngày 28/6/2023

Quân đội Ukraine tiến công ở mặt trận phía đông

Quân đội Ukraine hôm thứ bảy đã đạt được tiến bộ gần Bakhmut, một trong những tâm điểm giao tranh ở mặt trận phía đông, và ở một khu vực xa hơn về phía nam. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar, cho biết một cuộc tấn công đã được phát động gần một nhóm làng bao quanh Bakhmut – thị trấn bị lực lượng lính đánh thuê Wagner của Nga chiếm giữ vào tháng trước sau nhiều tháng giao tranh.

Xem thêm tại: Jerusalem Post, Ukrainian military: Forces have advanced on the eastern front. Truy cập ngày 25/6/2023

Ukraine lấy lại lãnh thổ do Nga nắm giữ từ năm 2014

Các quan chức tình báo Anh cho biết Ukraine đã giải phóng một vùng đất nhỏ ở khu vực gần Krasnohorivka, cách thành phố Donetsk khoảng 10 dặm về phía tây nam, nơi nằm dưới sự kiểm soát của Nga kể từ năm 2014. Quân đội Ukraine được cho là đã giải phóng vùng đất này vào tuần trước, nhưng tin tức về chiến thắng đã được giữ bí mật cho đến nay vì lý do chiến thuật. Việc chiếm giữ đánh dấu lần đầu tiên kể từ cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2 năm ngoái, các lực lượng của Ukraine đã có thể chiếm lại vùng đất bị chiếm giữ trong cuộc xâm lược Donbas ban đầu 8 năm trước.

Xem thêm tại: The Telegraph, Ukraine recaptures territory held by Russia since 2014. Truy cập ngày 28/6/2023

Pháo binh Ukraine tiêu diệt hệ thống phòng không của Nga

Ukraine đã thực hiện các cuộc pháo kích khiến cho hệ thống phòng không Buk-M1(-2) TELAR của Nga bị phá hủy gần Novopetrivka, vùng Donetsk. Hệ thống tên lửa đất đối không dòng Buk có thể được nhìn thấy phát nổ thành một quả cầu lửa lớn sau cú tấn công đầu tiên khiến bệ phóng bốc cháy. Sau đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky báo cáo rằng các lực lượng Ukraine đã tiến công trong tất cả các khu vực đang hoạt động của mặt trận từ Donetsk đến khu vực Zaporizhia.

Xem thêm tại: Defence Blog, Ukrainian artillery blew up Russian air defense in huge explosion. Truy cập ngày 29/6/2023

Mỹ gửi đạn phòng không, xe bọc thép tới Ukraine

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết họ sẽ gửi cho Ukraine số lượng đạn dược, vũ khí và vật tư lên tới 500 triệu USD. Gói viện trợ mới bao gồm các loại đạn bổ sung cho hệ thống phòng không Patriot và NASAMS, xe chiến đấu bộ binh Bradley, xe bọc thép chở quân Stryker, hệ thống chống thiết giáp, tên lửa chống bức xạ tốc độ cao, các loại vũ khí quan trọng, và thiết bị khác.

Xem thêm tại: Defence Blog, US to send air defense ammunition, armored vehicles to Ukraine. Truy cập ngày 28/6/2023

Úc viện trợ cho Ukraine phương tiện, đạn dược trị giá 110 triệu USD

Chính phủ Úc cho biết sẽ cung cấp gói viện trợ mới trị giá 110 triệu USD cho Ukraine, bao gồm 28 xe bọc thép M113, 14 xe hoạt động đặc biệt, 28 xe tải hạng trung MAN 40M, 14 xe kéo và đạn pháo 105mm. Với gói viện trợ quân sự mới, tổng số tiền đóng góp của Úc trong việc hỗ trợ Ukraine đang được nâng lên thành 790 triệu USD, trong đó 610 triệu USD hỗ trợ quân sự.

Xem thêm tại: Def Brief, Australia pledges more vehicles, ammo in new $110M military aid for Ukraine. Truy cập ngày 27/6/2023

Thụy Sĩ phủ quyết xuất khẩu 100 xe tăng sang Ukraine dù không sử dụng xe

Thụy Sĩ đã phủ quyết kế hoạch xuất khẩu gần 100 xe tăng chiến đấu Leopard sang Ukraine sau khi viện dẫn luật trung lập. Điều đáng nói là những chiếc xe tăng này chưa bao giờ được quân đội Thụy Sĩ sử dụng và không được dự trữ tại nước này. Quyết định này sẽ khiến Thụy Sĩ cô lập hơn về mặt ngoại giao ở châu Âu khi nước này cố gắng bảo vệ một trong những nguyên tắc chính trị được tôn kính nhất của mình, đồng thời tìm cách duy trì quan hệ kinh tế với phương Tây và tự coi mình là nhà phê bình đạo đức đối với sự xâm lược của Nga. .

Xem thêm tại: Financial Times, Switzerland vetoes export of 100 tanks to Ukraine despite never using vehicles. Truy cập ngày 28/6/2023

Lithuania chuyển hai hệ thống phòng không NASAMS cho Ukraine

Litthuania sẽ cung cấp cho Ukraine hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến, hay NASAMS. Theo đó, tổng thống Litthuania Gitanas Nausea cho biết đang mua hai hệ thống phòng không NASAMS cho Ukraine theo hợp đồng mới ký ngày 27/6 với nhà sản xuất Kongsberg của Na Uy. Thêm vào đó. Na Uy cũng sẽ cung cấp thiết bị bảo trì cho các bệ phóng như một phần của thỏa thuận.

Xem thêm tại: Defence Blog, Lithuania to transfer two NASAMS air defense systems to Ukraine. Truy cập ngày 29/6/2023

 

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:

Quân đội Trung Quốc tạo ra kịch bản xung đột tổng lực để thử nghiệm và đánh giá vũ khí hải quân mới

Quân đội Trung Quốc mới đây đã bổ sung kịch bản “chiến tranh tổng lực” khi thử nghiệm, đánh giá hiệu năng của vũ khí mới trong bối cảnh nguy cơ xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ lên cao nhất trong nhiều thập kỷ. Fang Canxin, nhà khoa học thuộc Đơn vị 91404 của PLA cho biết trong kịch bản ngày tận thế Z mới sẽ có sự đụng độ về ý chí chiến lược và xung đột khu vực leo thang thành chiến tranh tổng lực. Đơn vị của Fang chịu trách nhiệm về các cuộc thử nghiệm với một số vũ khí hải quân mới nhất và mạnh nhất của Trung Quốc.

Xem thêm tại: SCMP, Chinese military conjures world war Z scenario of all-out conflict to test and evaluate new navy weapons. Truy cập ngày 29/6/2023

Nga và Trung Quốc hội đàm về phòng thủ tên lửa

Bộ Ngoại giao Nga và Trung Quốc hôm thứ ba đã tổ chức một vòng tham vấn về phòng thủ chống tên lửa. Bộ Ngoại giao Nga cho biết đã diễn ra một cuộc trao đổi quan điểm kỹ lưỡng về các khía cạnh khác nhau về phòng thủ tên lửa, bao gồm cả khía cạnh toàn cầu và khu vực. Kể từ khi xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Nga ngày càng xích lại gần Trung Quốc để được hỗ trợ về thương mại và ngoại giao. Trước đó, có báo cáo cho thấy Trung Quốc đang xem xét cung cấp vũ khí cho Nga, điều mà Bắc Kinh phủ nhận.

Xem thêm tại: Reuters, Russia and China hold talks anti-missile defence, Russian Foreign Ministry says. Truy cập ngày 29/6/2023

Thượng nghị sĩ Mỹ giới thiệu dự luật đẩy nhanh vận chuyển vũ khí đến Đài Loan

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jack Sullivan và Thượng nghị sĩ Rick Scott đưa ra dự luật ưu tiên cung cấp vũ khí cho Đài Loan do còn tồn đọng các lô hàng vũ khí trị giá 19 tỷ USD. Dự luật kêu gọi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin Lloyd đảm bảo Đài Loan được ưu tiên tiếp cận vũ khí phòng thủ và các dịch vụ được mua thông qua chương trình Bán vũ khí quân sự cho nước ngoài. Ông Sullivan chỉ ra rằng giới chính trị ở Washington đồng ý rằng Đài Loan đang bị Trung Quốc đe dọa. Tuy nhiên, sự chậm trễ trong các chuyến hàng vũ khí vẫn còn đang tiếp diễn. Lô hàng, được thực hiện bằng cách sử dụng cơ chế rút vốn của tổng thống, trị giá 500 triệu USD sẽ cho phép chuyển giao vũ khí tới nước ngoài và các tổ chức quốc tế để đối phó với “các trường hợp khẩn cấp không thể lường trước”.

Xem thêm tại: Taiwan News, US senators introduce bill urging faster arms shipments to Taiwan. Truy cập ngày 14/6/2023

Đài Loan nhận hơn 1.000 tên lửa nội địa vào năm 2024

Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia Chung Shan đang thực hiện kế hoạch cải thiện sức mạnh chiến đấu trên biển-trên không với ngân sách 7,38 tỷ USD gồm việc sản xuất các loại tên lửa và tàu hải quân hiệu suất cao. Các quan chức chính phủ cấp cao cho biết ngân sách 60,9 tỷ Đài tệ năm nay là khoản ngân sách lớn nhất của kế hoạch, trong khi sản lượng tên lửa sẽ đạt đến đỉnh điểm vào năm 2024, với hơn 1.000 tên lửa sẽ được chuyển giao. Hệ thống tên lửa đất đối không Wan Chien sẽ được hoàn thành vào năm 2024. UAV Chien Hsiang và tên lửa hành trình tấn công mặt đất Hsiung Feng II-E (HF-IIE) sẽ được hoàn thành cuối năm 2025.

Xem thêm tại: Taiwan News, Taiwan to receive more than 1,000 domestically-made missiles in 2024. Truy cập ngày 27/6/2023

Đài Loan sẽ đáp trả nếu máy bay quân sự hoặc khinh khí cầu do thám Trung Quốc xâm phạm không phận

Bộ Quốc phòng Đài Loan (MND) hôm thứ ba cho biết nếu bất kỳ máy bay hoặc “thực thể” quân sự nào của Trung Quốc đi vào không phận hoặc lãnh hải của hòn đảo mà phớt lờ các cảnh báo, quân đội Đài Loan sẽ tấn công để tự vệ. Quân đội Đài Loan vào thứ bảy đã phát hiện 19 máy bay quân sự Trung Quốc, bao gồm cả máy bay chiến đấu Thành Đô J-10 và Thẩm Dương J-16.

Xem thêm tại: Taiwan News, Taiwan to strike back if Chinese military aircraft or spy balloons enter airspace: MND. Truy cập ngày 28/6/2023

Đài Loan cho biết họ phát hiện hai tàu chiến Nga ngoài khơi bờ biển phía đông

Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết hai tàu khu trục Nga đã đi theo hướng bắc ngoài khơi bờ biển phía đông của hòn đảo và sau đó rời khỏi khu vực theo hướng đông nam ngoài khơi thành phố cảng Suao, nơi có căn cứ hải quân lớn của Đài Loan. Hãng thông tấn Nga hôm thứ ba đưa tin, một phân đội tàu thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã tiến vào phần phía nam của Biển Philippines để thực hiện các nhiệm vụ trong khuôn khổ một tuyến đường biển tầm xa. Đài Loan đã cùng với Mỹ và các đồng minh ban hành các biện pháp trừng phạt trên diện rộng đối với Nga sau cuộc xâm lược Ukraine.

Xem thêm tại: Yahoo News, Taiwan says it spots two Russian warships off its east coast. Truy cập ngày 29/6/2023

Đài Loan muốn trao đổi tùy viên quân sự với Úc

Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu nói rằng ông muốn một sĩ quan quân đội Úc đồn trú tại văn phòng đại diện của nước này ở Đài Bắc để liên lạc với các cơ quan an ninh của Đài Loan. Bộ trưởng Wu cũng cho biết Văn phòng Úc tại Đài Bắc (đại sứ quán trên thực tế của Úc tại Đài Loan) đã bắt đầu hội đàm với các cơ quan an ninh Đài Loan để “hiểu quan điểm về cách ngăn chặn điều tồi tệ nhất xảy ra”. Ông Wu nói rằng Đài Loan cũng muốn gửi một tùy viên quân sự của đại sứ quán không chính thức của mình tại thủ đô Canberra, nhưng ông nói rằng quyết định là tùy thuộc vào chính phủ Úc.

Xem thêm tại: Taiwan News, Taiwan wants to exchange military attaches with Australia. Truy cập ngày 26/6/2023

Quân đội Nhật Bản đang cân nhắc sử dụng dịch vụ vệ tinh Starlink của Musk

Quân đội Nhật Bản đang thử nghiệm dịch vụ internet vệ tinh Starlink của Elon Musk nhằm áp dụng công nghệ này vào năm tài chính tới. Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã có quyền truy cập vào các vệ tinh liên lạc trên quỹ đạo địa tĩnh, nhưng việc sử dụng công nghệ Starlink, do SpaceX vận hành, sẽ bổ sung thêm vệ tinh trên quỹ đạo thấp của Trái đất. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã thử nghiệm Starlink từ tháng 3 với hệ thống được triển khai ở khoảng 10 địa điểm và đang trong quá trình huấn luyện.

Xem thêm tại: Reuters, Japan’s military considers adopting Musk’s Starlink satellite service. Truy cập ngày 26/6/2023

Hàn Quốc nâng cấp lựu pháo K9

Các cơ quan quốc phòng của Hàn Quốc hôm thứ hai đã thông qua kế hoạch nâng cấp pháo tự hành K9 sản xuất trong nước để tăng cường khả năng tấn công. Ủy ban Xúc tiến Dự án Quốc phòng đã đồng ý với kế hoạch cơ bản trị giá 1,81 tỷ USD cho dự án nâng cấp thứ hai của K9 dự kiến ​​kéo dài đến năm 2027. Theo đó, dự án nâng cấp “Block-I” sẽ tìm cách tự động hóa quy trình nạp đạn cho súng chính của K9 để củng cố khả năng tấn công nhanh chóng của nó và nâng cao hiệu quả chiến đấu.

Xem thêm tại: Defence Blog, South Korea to upgrade K9 howitzer. Truy cập ngày 28/6/2023

Hàn Quốc công bố lệnh trừng phạt công dân Nga vì chương trình vũ khí của Triều Tiên

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết Seoul đã công bố lệnh trừng phạt mới đối với hai cá nhân và hai thực thể bị cáo buộc liên quan đến các chương trình vũ khí của Triều Tiên. Các biện pháp trừng phạt nhắm vào Choi Chon-gon, một cựu công dân Hàn Quốc đã nhập quốc tịch Nga, hai công ty thuộc sở hữu của Choi và một người Triều Tiên đã hỗ trợ Choi. Ông Choi bị buộc tội hỗ trợ các hoạt động tài chính bất hợp pháp của Triều Tiên, vi phạm lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sau khi nhập quốc tịch Nga.

Xem thêm tại: Reuters, South Korea unveils sanctions on Russian national over North’s weapons programmes. Truy cập ngày 29/6/2023

Mỹ gửi tàu ngầm lớn nhất của mình tới Bán đảo Triều Tiên trong thông điệp tới miền Bắc và miền Nam

Mỹ có kế hoạch gửi tàu ngầm vũ trang hạt nhân lớn nhất tới Hàn Quốc lần đầu tiên sau 4 thập kỷ, trong nỗ lực ngăn chặn Triều Tiên và trấn an các đồng minh của Mỹ ở Seoul. Các tàu ngầm lớp Ohio có thể lặn vô thời hạn và thực hiện các cuộc tuần tra kéo dài hàng tháng và có thể bắn đầu đạn hạt nhân vào các mục tiêu cách xa hàng ngàn dặm. Chuyến thăm cảng là một phần trong hiệp định được ký kết vào cuối tháng 4 giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Trong những ngày gần đây, USS Michigan, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể bắn tên lửa hành trình, cũng đã đến thăm Hàn Quốc để tham gia khóa huấn luyện phối hợp đặc nhiệm.

Xem thêm tại: WSJ, U.S. to Send Its Biggest Sub to Korean Peninsula in Message to North and South. Truy cập ngày 28/6/2023

Triều Tiên chỉ trích Mỹ trong các cuộc biểu tình, cảnh báo về xung đột hạt nhân

Triều Tiên đã tổ chức các cuộc tuần hành lớn ở Bình Nhưỡng, nơi mọi người hô khẩu hiệu thề sẽ tiến hành “cuộc chiến trả thù” để tiêu diệt Mỹ, nhân dịp kỷ niệm 73 năm Chiến tranh Triều Tiên. Khoảng 120.000 người lao động và sinh viên đã tham gia các cuộc biểu tình được tổ chức trên khắp thủ đô vào Chủ nhật. Lễ kỷ niệm hôm chủ nhật diễn ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng có thể sớm tiến hành một vụ phóng vệ tinh do thám quân sự khác để tăng cường giám sát các hoạt động quân sự của Mỹ sau nỗ lực đầu tiên thất bại vào ngày 31/5.

Xem thất bại: Nikkei Asia, North Korea slams U.S. in rallies, warns of nuclear conflict. Truy cập ngày 27/6/2023

Mỹ biến Ấn Độ thành trung tâm hậu cần hải quân cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Mỹ đang tìm cách hỗ trợ Ấn Độ phát triển cơ sở hạ tầng hải quân và hàng hải để tạo ra một trung tâm sửa chữa và bảo dưỡng tàu khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, sau khi thành lập Hệ sinh thái tăng tốc quốc phòng Ấn Độ-Mỹ (INDUS-X) vào đầu tuần này. Ra mắt vào ngày 21 tháng 6 trong bối cảnh Thủ tướng Ấn Độ Modi thăm cấp nhà nước tới Mỹ, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố rằng INDUS-X sẽ phục vụ cho sự hợp tác công nghiệp quốc phòng giữa hai nước. Một khía cạnh của sáng kiến này là thành lập các trung tâm sửa chữa và bảo dưỡng tàu hải quân ở Ấn Độ, nơi mà Mỹ và các đồng minh khác có thể sử dụng.

Xem thêm tại: Naval Techno, US to make India into naval logistics hub for Indo-Pac region. Truy cập ngày 24/6/2023

Đông Nam Á:

Hàn Quốc kêu gọi hợp tác an ninh mạnh mẽ hơn với Việt Nam

Tổng thống Yoon Suk-yeol hôm thứ tư bày tỏ hy vọng hợp tác an ninh mạnh mẽ hơn với Việt Nam để đảm bảo trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và mở rộng quan hệ song phương trong ngành công nghiệp quốc phòng. Hàn Quốc mong muốn tăng cường hợp tác an ninh với Việt Nam và sẽ tiếp tục hợp tác với Hà Nội trong lĩnh vực an ninh hàng hải. TT Yoon nhấn mạnh sự cần thiết phải mở rộng hợp tác ngoài lĩnh vực sản xuất để bao trùm các lĩnh vực rộng lớn hơn, chẳng hạn như tài chính, công nghệ thông tin, văn hóa và dịch vụ.

Xem thêm tại: Yonhap News, Yoon calls for stronger security cooperation between S. Korea, Vietnam. Truy cập ngày 22/6/2023

Tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam giữa căng thẳng Biển Đông

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng xác nhận tàu sân bay USS Ronald Reagan chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Nimitz sẽ đến Đà Nẵng vào chủ nhật. Sự xuất hiện của tàu sân bay Ronald Reagan phản ánh sự hội tụ chiến lược nhanh chóng của hai quốc gia trong hai thập kỷ qua, được thúc đẩy bởi mối quan tâm chung – mặc dù không hoàn toàn đồng nhất – về sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc. Vào tháng 5, một tàu khảo sát của Trung Quốc cùng với một số tàu Trung Quốc đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở vùng lân cận Bãi Tư Chính.

Xem thêm tại: Diplomat, US Aircraft Carrier to Visit Vietnam Amid South China Sea Tensions. Truy cập ngày 23/6/2023

Trung Quốc đề nghị hợp tác quân sự chặt chẽ hơn với Việt Nam

Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc hôm thứ ba cho biết Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để tăng cường liên lạc cấp cao và hợp tác giữa quân đội hai nước khi ông gặp người đồng cấp Việt Nam, tướng Phan Văn Giang. Bộ trưởng Lý nói với tướng Giang rằng quan hệ giữa quân đội Việt Nam và Trung Quốc đã phát triển tốt đẹp, đồng thời nói thêm rằng PLA sẵn sàng thúc đẩy quan hệ lên một tầm cao mới.

Xem thêm tại: Reuters, China offers closer military cooperation with Vietnam. Truy cập ngày 28/6/2023

Thủ tướng Campuchia đưa quân tới biên giới Việt Nam bắn hạ drone

Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã ra lệnh gửi 500 quân tới biên giới phía đông với Việt Nam sau khi drone không xác định được phát hiện ở Ratanakiri, một tỉnh phía bắc Mondulkiri. Thủ tướng Hun Sen cảnh báo một số drone đã tiến vào tỉnh Mondulkiri của Campuchia vào đêm thứ ba nhưng các binh sĩ đã không bắn chặn. Thủ tướng Hun Sen cũng cho rằng các drone không xác định có thể liên quan đến cuộc tấn công gần đây của một nhóm vũ trang nhỏ nhằm vào các tòa nhà chính quyền địa phương ở vùng cao nguyên miền trung Việt Nam khiến 9 người thiệt mạng.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, Cambodia PM sends troops to Vietnam border to shoot down drones. Truy cập ngày 29/6/2023

 

Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ-Latinh:

Chiến đấu cơ Nga tập trận trên biển Baltic

Nga đã bắt đầu các cuộc tập trận máy bay chiến đấu chiến thuật trên Biển Baltic với mục tiêu kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu và các hoạt động đặc biệt khác ở Kaliningrad, một ngày sau khi Moscow điều máy bay phản lực để đánh chặn các máy bay quân sự của Anh trên Biển Đen. Hôm thứ hai, Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã điều động hai máy bay chiến đấu khi các máy bay chiến đấu Typhoon của Anh tiếp cận biên giới của nước này trên Biển Đen và các máy bay này đã “quay đầu lại và tránh xa khỏi biên giới Nga” sau sự can thiệp từ các máy bay chiến đấu của Nga.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Russian fighter aircraft hold combat drills over Baltic Sea. Truy cập ngày 28/6/2023

Lockheed, Rheinmetall bắt tay chế tạo bệ phóng tên lửa do châu Âu sản xuất

Lockheed Martin và Rheinmetall đang hợp tác để cung cấp bệ phóng tên lửa do châu Âu sản xuất dựa trên hệ thống Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) của Lockheed cho Đức và các nước láng giềng. Hệ thống GMARS là một hệ thống pháo bánh lốp thay thế các hệ thống tên lửa phóng nhiều lần MARS 2 đã cũ của Berlin. Khung gầm của GMARS sẽ dựa trên HX 8×8 có sẵn của Rheinmetall để tối đa hóa tính tương đồng và khả năng tương tác của cả hai bộ phận với các bộ phận hiện có và đang phát triển.

Xem thêm tại: Defense News, Lockheed, Rheinmetall pair up to build Europe-made rocket launcher. Truy cập ngày 25/6/2023

Đức đề nghị đồn trú 4.000 quân ở Lithuania để tăng cường sức mạnh cho sườn phía đông của NATO

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết Berlin sẵn sàng gửi khoảng 4.000 binh sĩ thường trực tới Lithuania để tăng cường sức mạnh cho sườn phía đông của NATO. Tháng 6 năm ngoái, chính phủ Đức cam kết thành lập một lữ đoàn chiến đấu sẵn sàng bảo vệ Lithuania trong trường hợp bị tấn công. Tuy nhiên, đã có những khác biệt về việc liệu các binh sĩ có nên đóng quân lâu dài ở Lithuania hay chỉ được gửi đến đó tạm thời để tập trận. Trong khi chính Vinius đã yêu cầu một sự hiện diện lâu dài, thì chính phủ Đức trong một thời gian dài rất miễn cưỡng thực hiện điều đó.

Xem thêm tại: AP News, Germany offers to station 4,000 troops in Lithuania to strengthen NATO’s eastern flank. Truy cập ngày 27/6/2023

Lính IDF tham gia bạo loạn ở Bờ Tây bị cảnh sát giam giữ

Một binh sĩ IDF đã bị Cảnh sát Israel giam giữ và sẽ bị điều tra vì nghi ngờ anh ta tham gia vào các cuộc đụng độ và bạo loạn ở làng Umm Safa, Bờ Tây. Những người định cư Israel đã đụng độ với người Palestine và đốt nhà và xe cộ ở Umm Safa vào chiều thứ bảy. Lực lượng an ninh Israel đã đến hiện trường để giải tán bạo loạn.

Xem thêm tại: Jerusalem Post, IDF soldier took part in West Bank riots, detained by police. Truy cập gna2y 26/6/2023

IAI của Israel giành được đơn đặt hàng drone sát thủ từ các nước NATO

IAI sẽ cung cấp đạn tuần kích Rotem cho ba khách hàng ẩn danh từ NATO. Rotem là loại đạn tuần kích cất và hạ cánh thẳng đứng (VTOL) đã được chứng minh trong chiến đấu dành cho lực lượng đặc biệt của khách hàng sử dụng và cũng có thể phục vụ cho mục đích thử nghiệm và đánh giá. Rotem là một phần trong dòng đạn tuần kích của IAI, bao gồm Harpy, Harop và Mini-Harpy, và đã cho thấy hiệu năng trong các tình huống chiến đấu khác nhau kể từ năm 2019. Loại đạn tuần kích này có hiệu quả trong phạm vi 10 km và được thiết kế để triển khai bởi một người lính tại cấp bộ binh hoặc đơn vị nhỏ/lực lượng đặc biệt.

Xem thêm tại: Defence Blog, Israel’s IAI wins killer drones orders from NATO countries. Truy cập ngày 27/6/2023

RSF của Sudan cho biết họ đã chiếm giữ căn cứ cảnh sát khi giao tranh ác liệt

Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) cho biết họ đã kiểm soát hoàn toàn căn cứ lớn thuộc Trung tâm Dự trữ Cảnh sát ở phía nam Khartoum và đăng tải cảnh quay các chiến binh của họ ăn mừng bên trong cơ sở, một số lấy các hộp đạn ra khỏi nhà kho. Sau đó, họ cho biết họ đã bắt được 160 xe bán tải, 75 xe bọc thép chở quân và 27 xe tăng. Kể từ cuối ngày thứ bảy, giao tranh đã gia tăng ở ba thành phố tạo nên thủ đô rộng lớn hơn – Khartoum, Bahri và Omdurman – khi cuộc xung đột giữa quân đội và RSF bước sang tuần thứ 11.

Xem thêm tại: Reuters, Sudan’s RSF says it seized police base as fighting rages. Truy cập ngày 27/6/2023

Những người Hồi giáo nhúng tay vào cuộc xung đột ở Sudan

Khoảng 6.000 người từng làm việc với tư cách là đặc vụ tình báo dưới thời cựu tổng thống Omar al-Bashir và có quan hệ với phong trào Hồi giáo của ông ta được cho là đang chiến đấu bên cạnh quân đội Sudan. Quân đội Sudan từ lâu đã bác bỏ cáo buộc của các đối thủ trong Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) rằng họ phụ thuộc vào những người trung thành mất uy tín của Bashir, vốn đã bị lật đổ trong một cuộc nổi dậy của quần chúng vào năm 2019. Sự trỗi dậy của lực lượng Hồi giáo ở Sudan có thể làm phức tạp hóa cách các cường quốc khu vực đối phó với quân đội, cản trở bất kỳ động thái nào hướng tới chế độ dân sự và cuối cùng đặt đất nước vào con đường dẫn đến xung đột nội bộ và cô lập quốc tế nhiều hơn.

Xem thêm tại: Reuters, Islamists wield hidden hand in Sudan conflict, military sources say. Truy cập ngày 29/6/2023

Ít nhất chín người thiệt mạng trong các cuộc không kích của Nga ở Idlib của Syria

Ít nhất 9 dân thường thiệt mạng và hơn 34 người bị thương sau khi máy bay chiến đấu Nga thực hiện nhiều cuộc không kích vào Idlib ở tây bắc Syria. Một giám sát viên địa phương nói với Al Jazeera rằng hai chiếc Su-24 của Nga đã nhắm vào thành phố Idlib, thị trấn Bénin và khu vực núi al-Arbeen bằng 5 cuộc tấn công, trong khi một chiếc Su-34 của Nga tấn công Jisr al-Shughour. Các lực lượng Syria, với sự hỗ trợ của Nga, cũng nã pháo dữ dội vào ngoại ô thị trấn Sarja và Al-Rawihah ở miền nam Idlib. Damascus và Moscow trước đây từng tuyên bố rằng họ chỉ nhắm mục tiêu vào các nhóm nổi dậy.

Xem thêm tại: Al Jazeera, At least nine killed in Russian air strikes in Syria’s Idlib. Truy cập ngày 26/6/2023

HIMARS, quan hệ đối tác đồng minh tại trung tâm của cuộc tập trận Sư tử châu Phi

Quân đội Mỹ hôm thứ sáu đã kết thúc cuộc tập trận chung hàng năm lớn nhất ở Châu Phi. Sư tử châu Phi 2023 được tổ chức bởi bốn quốc gia châu Phi với sự tham gia của hơn 8.000 quân nhân. Mười bảy quốc gia và nhiều đối tác NATO đã tham gia cuộc tập trận kéo dài một tháng, được thực hiện từ ngày 13 tháng 5 đến ngày 16 tháng 6 tại Maroc, Senegal, Tunisia và Ghana. Trong cuộc tập trận, thủy quân lục chiến bắn HIMARS trên đất châu Phi lần đầu tiên. Cuộc tập trận năm nay kết thúc khi Mỹ cũng đang nỗ lực chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Trong khi quân đội Trung Quốc đã hoạt động ở Djibouti, có lo ngại rằng một căn cứ khác trên lục địa này có thể sẽ sớm được phát triển.

Xem thêm tại: Defense News, HIMARS, allied partnerships at center of African Lion drills. Truy cập ngày 22/6/2023

 

Chuyên mục Phân tích:

Cuộc nổi loạn ở Nga sẽ định hình chiến trường ở Ukraine như thế nào?

Ngày 24 tháng 6, lãnh đạo Wagner Yevgeny Prigozhin ra lệnh lực lượng của mình chiếm lấy thành phố Rostove-on-Don, vốn là trung tâm hậu cần và chỉ huy của chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Sau đó, Prigozhin nói rằng ông sẽ không cản trở cuộc chiến, nhưng việc ông chiếm được tổng hành dinh của quân đội Nga ở Rostov đã gây ra nhiều xáo trộn. Dù cuộc biến loạn đã kết thúc, nhưng Ukraine cũng đã tận dụng được thời cơ để tiến công ở phía đông, bao gồm thành phố Bakhmut vã đã đạt được “bước tiến trên mọi mũi tấn công”. Ngoài ra, các lực lượng Ukraine cũng đã đạt được tiến bộ đặc biệt gần thành phố Donetsk, chiếm ngôi làng Staromykhailivka, cách đó 14 km về phía tây.

Việc ông Prigozhin nổi loạn cũng sẽ để lại dấu ấn lâu dài trên chiến trường. Theo đó, cuộc nổi loạn phơi bày sự chia rẽ ngày càng sâu sắc bên trong giới lãnh đạo quân sự Nga khi phó giám đốc cơ quan tình báo quân sự GRU, Vladimir Alekseyev, mỉa mai bộ trưởng QP Nga Sergei Shoigu và tổng tư lệnh Valery Gerasimov trong một cuộc gặp với ông Prigozhin. Dù Wagner đã được điện Kremlin cho một con đường lui đến Belarus và miễn truy tố những quân nhân tham gia vào cuộc nổi loạn, thì sự trở lại của tập đoàn đánh thuê này tại chiến trường Ukraine sẽ gây ra xung đột với quân chính quy. Theo đó, Nga sẽ mất 30,000 binh sĩ bao gồm cả 5,000 binh sĩ tinh nhuệ có kinh nghiệm trận mạc, vốn rất khó thay thế. Mặt khác, hành động của ông Prigozhin cũng đã chọc thủng thẩm quyền của điện Kremlin khi một toán quân nhỏ Wagner đã đe dọa đến Moscow. Thêm vào đó, việc huy động hàng trăm nghìn tân binh cộng với cuộc chiến kéo dài sẽ làm cho chế độ của ông Putin còn dễ mỏng manh hơn. Cuối cùng, ông Prigozhin đã làm cho lời biện minh về cuộc chiến của ông Putin bị lung lay. Trước cuộc nổi dậy một ngày, trùm Wagner đã bác bỏ tuyên bố của Nga rằng Ukraine đã đánh bom vùng Donbas trong tám năm và cấu kết cùng NATO nhằm tấn công Nga. Hơn thế nữa, cuộc chiến tại Ukraine thật ra là để kiếm lợi cho giới “tinh hoa đầu xỏ” của Nga.

Xem thêm tại: Economist, How the mutiny in Russia will shape the battlefield in Ukraine? Truy cập ngày 25/6/2023

Nguyên nhân nào khiến cho Úc từ chối viện trợ quân sự Ukraine theo yêu cầu?

Úc công bố gói viện trợ quân sự và nhân đạo mới nhất trị giá 110 triệu USD cho Ukraine, bao gồm 70 xe cơ giới trong đó có 28 xe bọc thép chở quân M113 và các phương tiện hỗ trợ khác (xe tải, xe kéo và “phương tiện hoạt động đặc biệt”) cùng với đạn dược. Tuy nhiên, dù Ukraine chào đón gói viện trợ, nhưng nó cũng bị chỉ trích vì quá nhỏ, chỉ mang tính tượng trưng và không cung cấp mức độ thiết bị và hỗ trợ cần thiết để Kyiv chống lại cuộc xâm lược của Nga. Tại sao gói viện trợ mới nhất của Úc lại bị chỉ trích?

Vấn đề chính của gói viện trợ nằm ở việc Úc gửi xe bọc thép chở quân M113 trong khi Ukraine yêu cầu xe bọc thép Hawkei. Xe bọc thép chở quân M1113 được chọn vì Úc đang thay thế loại phương tiện này bằng xe chở quân mới và có thiết kế hiện đại hơn. Chính phủ Úc giải thích việc từ chối cung cấp xe Hawkei cho Ukraine là do các vấn đề về phanh chưa được giải quyết và nguồn cung cấp phụ tùng thay thế bị hạn chế. Song rất khó để xác định một cách thuyết phục lý do tại sao Úc lại chọn khí tài quân sự như vậy cho gói hỗ trợ mới nhất của mình. Thay vào đó, Úc vẫn còn có những phương án khác khả thi hơn. Đầu tiên, Úc có thể viện trợ chiến đấu cơ F-16, vốn cung cấp cho lực lượng Ukraine khả năng không chiến và tấn công đáng gờm. Một lựa chọn khác cho Úc là phi đội F/A-18 Hornet cổ điển đã nghỉ hưu. F/A-18 có một số lợi thế so với F-16 và sẽ mang nhiều lợi ích cho lực lượng Ukraine. Đầu tiên, F/A-18 là chiến đấu cơ “hải quân”, có nghĩa là nó có phần gầm được tăng cường cho phép hạ cánh và cất cánh từ các sân bay gồ ghề hơn (và có thể là trên đường cao tốc), không giống như F-16 yêu cầu các sân bay được bảo trì cao. Thêm vào đó, phiên bản F/A-18 của Úc, F/A-18A, cũng đã được nâng cấp mạnh mẽ, làm cho phi đội của họ tương đương với tiêu chuẩn F/A-18C hiện đại hơn một chút. Hơn nữa, do các máy bay phản lực của Úc chưa được triển khai trong bối cảnh hải quân (ví dụ như trên tàu sân bay) và do đó phải chịu môi trường nước mặn, nên chúng ở trong tình trạng tốt. Tuy nhiên, việc viện trợ loại chiến đấu cơ này cũng sẽ gặp một số trở ngại. Trở ngại đầu tiên là việc xuất khẩu F/A-18C sẽ cần có sự đồng ý của Mỹ, vốn áp dụng cho tất cả khí tài quân sự Mỹ sẽ được bán lại hoặc tái xuất khẩu. Ngoài ra, nó cũng sẽ yêu cầu các phi công Ukraine phải được đào tạo trên nền tảng F/A-18. Tuy nhiên, đây sẽ là một vấn đề đối với F-16, hoặc bất kỳ máy bay chiến đấu phương Tây nào khác được gửi đến lực lượng không quân Ukraine.

Xem thêm tại: ABC, Australia is not giving Ukraine the military support it needs – sending our retired jets would be a start. Truy cập ngày 28/6/2023

Trung Quốc đang tìm kiếm nguồn lực xây dựng và vận hành chiến đấu cơ của mình thế nào?

Trung Quốc đang tuyển dụng các cựu phi công từ các nước NATO nhằm huấn luyện cho phi công của mình, từ đó Bắc Kinh tận dụng được kinh nghiệm không chiến và thay thế các học thuyết của Liên Xô bằng các phương pháp linh hoạt của phương Tây. Theo đó, Trung Quốc đã tuyển dụng các cựu phi công từ các nước như Anh, Đức và thậm chí là Mỹ. Cùng với đó, Bắc Kinh cũng đang tức tốc tìm kiếm công nghệ hàng không của phương Tây, đặc biệt là động cơ máy bay. Nền công nghiệp hàng không của Trung Quốc đã có sự phát triển vượt bậc, từ đạo nhái các mẫy phi cơ của Liên Xô đến tự sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình J-20. Tuy nhiên, điểm yếu chí tử của công nghệ hàng không Trung Quốc đó là phụ thuộc vào việc nhập khẩu động cơ kém chất lượng và tuổi thọ ngắn do Nga sản xuất. Hiện tại Bắc Kinh sử dụng động cơ WS-10 sản xuất trong nước, nhưng lại có chất lượng rất thấp. Mặt khác, Trung Quốc cũng đã cố gắng phát triển động cơ WS-15 tiên tiến hơn, nhưng dự án này cũng chỉ mới dừng ở giai đoạn phát triển. Để có thể sản xuất động cơ, Trung Quốc sẽ phải cần nhập khẩu các loại máy móc phức tạp, bao gồm các thiết bị do Đức, Nhật Bản, Ý, và Hàn Quốc sản xuất. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tìm cách khai thác bí quyết của phương Tây trong khi các nhà khoa học và kỹ sư của mình tích dần kinh nghiệm, bao gồm việc hợp tác với các trường đại học nước ngoài để tiếp cận kiến ​​thức kỹ thuật.

Xem thêm tại: Business Insider, China is looking all over the world for help building and flying its fighter jets. Truy cập ngày 27/6/2023

Tại sao NATO mở văn phòng tại Nhật Bản sẽ mang lại rắc rối?

Trong cuộc họp thượng đỉnh NATO sắp tới tại Lithuania, đề xuất mở văn phòng liên lạc tại Nhật Bản sẽ nằm trong chương trình nghị sự. Văn phòng liên lạc mới này sẽ tạo điều kiện cho việc thảo luận giữa bốn đối tác an ninh khu vực của NATO về các thách thức địa chính trị. Tuy nhiên, động thái này cũng sẽ làm gia tăng căng thẳng khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trước nhất, Mỹ và Nga đều lên tiếng phản đối đề xuất này trong khi phản ứng của các nước ĐNA phức tạp hơn. Mục tiêu của ASEAN là thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng tại khu vực và việc NATO đặt văn phòng tại Tokyo sẽ bị nhìn nhận là hành động làm gia tăng căng thẳng vốn có. Ngoài ra, dù các nước thành viên NATO có thể lách bằng cách giải thích việc đặt văn phòng tại Tokyo là hành động mang tính phòng thủ nhằm thúc đẩy ổn định khu vực, nhưng kết quả vẫn sẽ là ngược lại.

Có hai lý do giải thích cho điều này. Trước nhất, lập trường của Bắc Kinh và Moscow về văn phòng liên lạc khiến cho Trung Quốc và Nga còn hung hăng hơn đối với phương Tây và càng xích lại gần nhau hơn. Kế đến, Mỹ dù có sự hiện diện quân sự rộng lớn tại khu vực, nhưng các đối tác châu Âu lại hạn chế. Hiện tại, chỉ có Pháp và Anh duy trì hiện diện hải quân thường xuyên tại khu vực ÂĐD – TBD nhưng sẽ không thể triển khai thêm nhiều tàu chiến về lâu dài. Do đó, chiến lược hiệu quả hơn sẽ là tiếp cận với các nước châu Á thông qua EU nhằm gia tăng ổn định khu vực trước các động thái của Bắc Kinh hay Moscow. Đối với Nhật Bản, việc đặt văn phòng NATO tại Tokyo là nhằm để nhận được sự hỗ trợ từ liên minh này trong việc chống lại các thách thức từ Bắc Kinh và Bình Nhưỡng. Đối với NATO, bước tiến này sẽ có khả năng cũng giúp đảm bảo hỗ trợ rất cần thiết cho Ukraine. Tuy nhiên, việc NATO đặt chân đến châu Á sẽ gây hại nhiều hơn lợi. Do đó, thay vì mở rộng cuộc đối đầu đẫm máu đang diễn ra với Nga sang một khu vực mới, phương Tây nên tạo ra sự cân bằng với các quốc gia theo chủ nghĩa xét lại và cho các nước này thêm không gian trong hệ thống quốc tế.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, A NATO office in Japan would only bring trouble. Truy cập ngày 23/6/2023

Mỹ đang cố gắng thay thế vũ khí Nga tại thị trường Ấn Độ như thế nào?

Tổng thống Joe Biden đã ký kết với thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi một thỏa thuận hợp tác quốc phòng với mục đích giảm sự phụ thuộc của New Delhi vào vũ khí Nga. Kể từ sau khi Mỹ chỉ định Ấn Độ là “đối tác quốc phòng trọng yếu”, New Delhi đã đồng ý mua khí tài quân sự của Mỹ trị giá 20 tỷ USD, bao gồm máy bay vận tải Lockheed Martin C-130J Super Hercules, máy bay tuần tra biển tầm xa Boeing P-8I Poseidon, trực thăng tấn công Boeing AH-64E Apache và trực thăng vận tải hạng nặng Boeing CH-47F(I) Chinook. Trong thỏa thuận được ký trong chuyến thăm của thủ tướng Modi, General Electric đã đồng ý hợp tác với công ty Hindustan Aeronautics để chế tạo động cơ phản lực F414 ở Ấn Độ cho máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas Mark 2 đang trong quá trình phát triển. Thêm vào đó, New Delhi cũng có kế hoạch mua drone tầm cao, độ bền cao MQ-9B của General Atomics, đây sẽ là nhân tố thay đổi cuộc chơi khi có liên quan đến khả năng tình báo, giám sát và trinh sát của Ấn Độ.

Ngoài những thỏa thuận mua sắm khí tài quân sự, Mỹ và Ấn Độ cũng đã ký kết các thỏa thuận quốc phòng nền tảng, bao gồm Bản ghi nhớ về Thỏa thuận Trao đổi chuỗi cung ứng năm 2016, Thỏa thuận Bảo mật và Tương thích Truyền thông năm 2018 và Thỏa thuận Hợp tác và Trao đổi Cơ bản năm 2020. Chưa hết, New Delhi cũng tham gia Bộ Tứ cùng với Nhật Bản và Úc và tổ chức nhiều cuộc tập trận chung trên đất liền, biển và trên không. Tuy nhiên, dù có mối quan hệ trên đà phát triển với Mỹ, nhưng việc Ấn Độ rời bỏ Nga sẽ rất khó. Trước nhất, việc thay thế các khí tài chủ Nga như chiến đấu cơ Su-30 MKI hay hệ thống phòng không S-400, vốn là xương sống của lực lượng Ấn Độ, bằng nền tảng vũ khí Mỹ sẽ gặp trở ngại trong việc huấn luyện nhân sự. Trở ngại thứ hai là vị thế đang ngày càng tăng của Ấn Độ trên trường quốc tế với vị trí chủ tịch G20 năm nay, vốn trao cho New Delhi tiếng nói có sức nặng trong việc xây dựng chương trình nghị sự toàn cầu. Nhưng cuộc chiến tại Ukraine đã bộc lộ nhiều điểm yếu của vũ khí Nga, cộng với những lời đề nghị hấp dẫn về khả năng tiếp cận một số công nghệ quân sự tiên tiến nhất của Mỹ giúp tạo thêm động lực cho nỗ lực của Washington nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của New Delhi vào Moscow.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, The U.S. is slowly weaning India off Russian arms.t Truy cập ngày 28/6/2023

Đã đến lúc không thể ngó lơ mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên?

Khả năng quân sự của Triều Tiên hiện đang là mối đe dọa đáng gờm, với khoảng 1,2 triệu quân và 500,000 quân dự bị cùng với 40 đầu đạn hạt nhân. Bình Nhưỡng cũng đã xây dựng quân đội với tốc độ rất nhanh kể từ lần thử nghiệm bom nguyên tử lần đầu tiên vào năm 2006. Ngoài ra, chương trình tên lửa của Triều Tiên cũng rất đáng chú ý khi chỉ trong năm 2022, Bình Nhưỡng đã phóng hơn 70 quả tên lửa, trong đó có một số tên lửa đạn đạo. Thêm vào đó, chủ tịch Kim Jong-un cũng đã cho phát triển các loại drone hàng không và dưới nước rất hiệu quả. Tất cả điều này nói lên một điều rằng kho vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên đang ngày càng tăng lên. Vậy tại sao Triều Tiên có thể xây dựng quân đội lớn đến đến vậy?

Trước nhất, Trung Quốc và Liên Xô, cùng với Iran và có thể là Pakistan và Ấn Độ đã giúp Triều Tiên xây dựng kho vũ khí của mình. Trong khi đó, Hàn Quốc thì lại đang bận tái xây dựng lại đất nước còn Mỹ thì không quá để tâm đến Bình Nhưỡng so với hai người láng giềng khổng lồ của đất nước này là Trung Quốc và Liên Xô. Nhưng nếu Triều Tiên đã có thể sở hữu vũ khí hạt nhân, thì Hàn Quốc cũng chẳng có lý do gì để bị từ chối sở hữu chúng. Thậm chí Nhật Bản cũng đã gợi ý rằng sẽ đảo ngược Hiệp ước San Francisco để làm điều tương tự. Indonesia và Úc cũng sẽ bước theo, Việt Nam cũng sẽ không muốn bị bỏ lại, Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ muốn có được thứ sức mạnh tiềm năng này. Do đó, Triều Tiên là mắt xích đầu tiên có thể dẫn đến phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn cầu. Để ngăn chặn điều này, chúng ta phải sử dụng mọi phương tiện có sẵn và bất kỳ phương tiện nào cần thiết khi vẫn còn thời gian.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, The growing danger posed by North Korea cannot be ignored. Truy cập ngày 29/6/2023