Vì sao Trung Quốc trải thảm đỏ đón Thống đốc Okinawa?

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Why China rolled out the red carpet for Okinawa governor,” Nikkei Asia, 13/07/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Tập Cận Bình đang dùng các hòn đảo của Nhật Bản để dễ bề giải quyết vấn đề Đài Loan.

Ngày 5/7 vừa qua, tại Bắc Kinh, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã gặp một phái đoàn từ Nhật Bản do Yohei Kono, cựu Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản, người cũng từng là Ngoại trưởng nước này, dẫn đầu.

Nhưng Thống đốc Okinawa Denny Tamaki mới là người được trao vị trí danh dự trong khi chụp ảnh. Tamaki được xếp đứng bên trái Lý Cường, trong khi Kono đứng bên phải. Cách sắp xếp này tiết lộ nhiều điều về ý định của Trung Quốc.

Chuyến thăm của Tamaki tới Bắc Kinh và Phúc Châu, nằm trên bờ biển tỉnh Phúc Kiến, đối diện với Đài Loan, đang gây xôn xao trên “không gian các quan điểm riêng tư” của Trung Quốc, với những câu hỏi về “nền độc lập của Okinawa.”

Nhiều cư dân mạng Trung Quốc đang kêu gọi độc lập cho Ryukyu (Lưu Cầu) – quần đảo Okinawa từng được gọi là Lưu Cầu Quốc – tin rằng một kết quả như vậy sẽ mang lại cho Trung Quốc chiến thắng lớn.

“Không gian các quan điểm riêng tư,” theo tên gọi ở Trung Quốc, bao gồm các bài báo, bình luận, và hình ảnh trên Internet được chấp nhận bởi Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, cơ quan kiểm soát tất cả các phương tiện truyền thông chính thức trong nước.

Một chuyên gia quen thuộc với quan hệ Trung-Nhật, bao gồm cả việc Okinawa thúc đẩy trao đổi khu vực, cho biết Trung Quốc đã trải thảm đỏ đón Thống đốc Tamaki, theo sáng kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Cường.

Thống đốc Okinawa Denny Tamaki (thứ hai từ phải sang) tại Đình Ryukyu ở Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến. Tamaki đã được chiêu đãi như một “khách mời danh dự” trong chuyến đi Trung Quốc vào đầu tháng 7. (Ảnh do chính quyền tỉnh Okinawa cung cấp).

Vị chuyên gia nhận định, “Có thể nói chắc chắn rằng vị khách danh dự thực sự không phải là Chủ tịch Hạ viện Yohei Kono, mà là Thống đốc Tamaki, người đã phản đối các chính sách an ninh liên quan đến Đài Loan của chính quyền Thủ tướng Fumio Kishida.”

Tamaki là thành viên của phái đoàn từ Hiệp hội Xúc tiến Thương mại Quốc tế Nhật Bản, trong khi Kono là chủ tịch của tổ chức này, vốn nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Dù Tập không gặp mặt Tamaki, nhưng Lý đã có sự biệt đãi bất thường với Thống đốc Okinawa, khi ông cùng lúc gặp cả Tamaki và Kono. Rất hiếm khi một thống đốc tỉnh của Nhật Bản có thể gặp thủ tướng Trung Quốc.

Lý là một trong những phụ tá thân cận nhất của Tập, từng là thư ký của ông khi cả hai còn làm việc ở tỉnh Chiết Giang. Hiện tại, trong hệ thống cấp bậc của đảng, chỉ có Tập xếp trên Lý.

Quan hệ tin cậy giữa hai người khác hẳn với quan hệ giữa Tập và thủ tướng tiền nhiệm Lý Khắc Cường, người từng cạnh tranh với ông để giành vị trí lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc trước đại hội đảng toàn quốc năm 2007.

Tập Cận Bình coi Lý Khắc Cường (trái) là đối thủ chính trị. Bức ảnh này ghi lại cảnh họ tham dự phiên họp toàn thể của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 11/03. (Ảnh của Yusuke Hinata)

Vì vậy, điều đáng nói là Lý không chỉ gặp mặt Tamaki mà còn xếp ông ở vị trí cao hơn Kono. Cách sắp xếp này gợi nhắc đến cách người cha lập quốc Mao Trạch Đông xếp chỗ cho các cấp dưới của mình mỗi khi chụp ảnh. Trong nhiều bức ảnh của Mao, người đứng bên trái ông hoặc là cựu Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ, người qua đời trong Cách mạng Văn hóa 1966-1976, hoặc là cựu Thủ tướng Chu Ân Lai.

Hình thức sắp xếp này đã có từ thời Trung Quốc cổ đại. Nếu có một viên quan đứng bên trái và một viên quan đứng bên phải, thì người bên trái thường có vị thế cao hơn.

Yohei Kono (hàng trước bên trái), Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Thương mại Quốc tế Nhật Bản; Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường; và Thống đốc Okinawa Denny Tamaki tại Bắc Kinh ngày 5/7. © Kyodo

“Dường như việc Thủ tướng Lý Cường gặp Thống đốc Tamaki đã được quyết định từ rất sớm,” một nguồn tin khác quen thuộc với quan hệ giữa Okinawa và Trung Quốc cho biết. “Có thể nói rằng quyết định đã được đưa ra theo mong muốn của nhà lãnh đạo cao nhất.”

Việc Trung Quốc đón tiếp Tamaki cũng có thể xem như màn thứ hai của một vở kịch. Màn thứ nhất đã xảy ra vào ngày 1/6, khi Tập Cận Bình đến thăm Cục Lưu trữ Văn hóa và Xuất bản Quốc gia Trung Quốc ở ngoại ô Bắc Kinh. Tại đó, ông đã đề cập đến lịch sử trao đổi giữa Phúc Châu và Lưu Cầu Quốc.

Lưu Cầu Quốc đã tồn tại trong 450 năm, từ năm 1429 đến năm 1879, và có quan hệ sâu sắc với Trung Quốc.

Trong giai đoạn 1990-2002, Tập đến làm việc ở Phúc Châu, giữ vị trí hàng đầu của Phúc Châu và sau đó trở thành quyền tỉnh trưởng Phúc Kiến, chức vụ số 2 của tỉnh.

Khi ở Trung Quốc, Tamaki cũng đã đến thăm Phúc Châu, nơi có Ryukyu-Kan, một cơ sở mang tính biểu tượng cho sự trao đổi giữa Ryukyu với triều đại nhà Minh và nhà Thanh của Trung Quốc. Một bức ảnh của Tập được chụp trong thời gian ở Phúc Châu hiện được trưng bày tại Ryukyu-Kan.

Để hiểu được loạt diễn biến gần đây liên quan đến Okinawa, cần phải hiểu ý nghĩa của chuyến đi của Tập đến Cục Lưu trữ Văn hóa và Xuất bản Quốc gia Trung Quốc, được đưa tin như một sự kiện hàng đầu trên trang nhất số ra ngày 4/6 của tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng.

Cơ quan lưu trữ vừa được khánh thành này nằm trong vùng núi ở quận Xương Bình của Bắc Kinh, cũng là nơi có Minh Thập Tam lăng – các lăng mộ tráng lệ của 13 vị hoàng đế nhà Minh, đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

Hiện tại, cục lưu trữ vẫn chưa mở cửa cho công chúng và những người trong ngành cũng chỉ mới bắt đầu ghé thăm nó.

Tòa nhà chính của Cục Lưu trữ Văn hóa và Xuất bản Quốc gia Trung Quốc nằm ở ngoại ô Bắc Kinh. Cơ sở này có mục đích tương tự như trung tâm xuất bản quốc gia thời nhà Minh. (Ảnh của Katsuji Nakazawa)

Tòa nhà chính của cục lưu trữ ở Bắc Kinh – cùng với ba chi nhánh ở Hàng Châu, Quảng Châu, và cố đô Tây An của Trung Hoa cổ đại – đang trở thành đại diện cho “kỷ nguyên mới” của Tập.

Các “trung tâm xuất bản quốc gia” của Trung Quốc lần đầu tiên được thành lập với hình thức rõ ràng vào đầu thế kỷ 15, dưới triều đại nhà Minh (1368-1644).

Cục Lưu trữ Quốc gia – đứa con tinh thần của Tập – hoạt động tương tự như trung tâm xuất bản quốc gia thời nhà Minh, nơi chứa các mộc bản dùng để in sách và các ghi chép lịch sử được nhà nước công nhận.

Hai ví dụ điển hình là Vĩnh Lạc đại điển, hay Bách khoa toàn thư Vĩnh Lạc, xuất hiện vào thời nhà Minh, và Tứ khố toàn thư của thời nhà Thanh. Việc biên soạn Tứ khố toàn thư do đích thân Hoàng đế Càn Long ra lệnh.

Người ta cho rằng Tứ khố toàn thư được biên soạn có tham khảo Vĩnh Lạc đại điển, sau đó được viết lại để có lợi cho nhà Thanh.

Bằng cách kiểm soát lịch sử và văn hóa, các hoàng đế ở Bắc Kinh, thủ đô của các triều đại nhà Minh và nhà Thanh, đã có thể thể hiện uy quyền của mình.

Quan trọng hơn, sự kiểm soát chặt chẽ của họ đối với lịch sử và văn hóa đã giúp nhà Minh và nhà Thanh cho các quốc gia chư hầu xung quanh thấy được “trật tự dĩ Hoa vi trung,” trong đó các hoàng đế Trung Quốc chính là trung tâm.

Ngày nay, Trung Quốc ẩn ý rằng Lưu Cầu Quốc đã được sáp nhập vào trật tự dĩ Hoa vi trung, nhưng nhiều tài liệu cổ quý giá lại được lưu giữ trong Bảo tàng Cố cung Quốc gia ở Đài Bắc.

Nguyên nhân là do Tưởng Giới Thạch của Quốc dân đảng, người thua trong cuộc nội chiến trước Đảng Cộng sản, đã mang theo nhiều tài liệu cổ và vô số kho báu khác trên đường rút lui đến Đài Loan.

Chắc chắn, Trung Quốc đã xác định chuyến đi của Tamaki tới Phúc Châu là một phần của dự án Cục Lưu trữ Văn hóa và Xuất bản Quốc gia, mà theo một nguồn tin là do Tập ra lệnh triển khai.

Viện trưởng Viện Lập pháp Đài Loan Du Tích Khôn (phải) và Hạ nghị sĩ Nhật Bản Keiji Furuya đến Tô Áo, Nghi Lan, Đài Loan, bằng thuyền từ đảo Yonaguni, tỉnh Okinawa, vào ngày 4/7. © Kyodo

Okinawa cũng đóng vai trò hàng đầu trong trao đổi giữa Nhật Bản và Đài Loan.

Ngày 4/7, trong lúc Tamaki còn ở Trung Quốc, Viện trưởng Viện Lập pháp Đài Loan Du Tích Khôn đã đến thăm đảo Yonaguni ở cực tây của Nhật Bản, một phần của tỉnh Okinawa, và gặp gỡ các quan chức cấp cao thuộc nhóm các nhà lập pháp Nhật Bản liên đảng chủ trương thúc đẩy quan hệ Nhật Bản-Đài Loan, bao gồm người đứng đầu nhóm này, Keiji Fuuya.

Du đã di chuyển bằng tàu từ huyện Nghi Lan ở đông bắc Đài Loan. Đài Loan hiện đang muốn thiết lập một tuyến phà thường xuyên giữa Nghi Lan và Yonaguni.

Tamaki cũng được cho là đang xem xét chuyến thăm Đài Loan vào đầu tháng 9. Nhưng Trung Quốc dường như rất quan tâm đến việc ông sẽ gặp ai ở đó.

Trung Quốc có lẽ chỉ muốn Tamaki gặp gỡ các quan chức của Quốc dân Đảng đối lập, mà Bắc Kinh hy vọng sẽ trở lại nắm quyền trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan vào năm tới, một nguồn tin tại Okinawa cho biết.

Nếu xét việc bầu cử sắp diễn ra vào tháng 1, việc chỉ gặp gỡ các quan chức của đảng đối lập sẽ là thiếu cân bằng.

Nếu Tamaki đến thăm Đài Loan, liệu ông có gặp Du Tích Khôn, một nhân vật nặng ký trong Đảng Dân Tiến cầm quyền của Tổng thống Thái Anh Văn không?

Đảng Nhân dân Đài Loan (TPP), một đảng đối lập chính khác, cũng đang đề cử ứng viên cho cuộc bầu cử tổng thống.

Nếu Tamaki thực sự đến thăm Đài Loan, ông phải đưa ra những lựa chọn khó khăn về việc sẽ gặp ai.

Tập Cận Bình-Lý Cường, bộ đôi đã trải thảm đỏ cho Tamaki, không coi Okinawa đơn thuần là một vùng của Nhật Bản.

Cả hai đang chuẩn bị để làm cho Okinawa – cùng với dự án lịch sử tượng trưng bởi Cục Lưu trữ Văn hóa và Xuất bản Quốc gia Trung Quốc – có thể trở thành át chủ bài trong ngoại giao đối với Nhật Bản và các quốc gia khác.

Động thái này cũng liên quan đến vấn đề Đài Loan, do khoảng cách địa lý gần với Okinawa.

Tập bắt tay Thủ tướng mới đắc cử Lý Cường tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào tháng 3. Hai người đã xây dựng một mối quan hệ dựa trên sự tin cậy. (Ảnh của Yusuke Hinata)

Gần đây, một tin đồn nghe hợp lý nhưng cuối cùng lại sai sự thật đã lan truyền trên mạng Internet của Trung Quốc, rằng các quan chức cấp cao của Okinawa và các nhà ngoại giao Trung Quốc đã đồng ý rằng Okinawa sẽ trở lại với tên gọi Ryukyu.

Dường như chính quyền Trung Quốc đang muốn gây áp lực với Nhật Bản bằng cách không ngay lập tức xóa các lập luận ủng hộ độc lập cho “Lưu Cầu” khỏi “không gian các quan điểm riêng tư.”

Họ đang chuẩn bị đối đầu và ngầm cảnh báo rằng nếu Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, và các quốc gia khác tiến thêm một bước trong vấn đề Đài Loan, Trung Quốc có thể đáp trả bằng lá bài “độc lập cho Lưu Cầu.”

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.