16/07/1990: Động đất tàn phá Philippines

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Earthquake wreaks havoc in the Philippines, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1990, hơn 1.000 người đã thiệt mạng khi một trận động đất mạnh 7,7 độ richter tấn công đảo Luzon ở Philippines. Trận động đất kinh hoàng đã tàn phá một phần đáng kể Luzon, hòn đảo lớn nhất của Philippines, trong đó Thành phố Baguio là nơi bị tàn phá nặng nề nhất.

Tâm chấn của trận động đất, xảy ra lúc 4:26 chiều, nằm ở phía bắc Manila, thuộc tỉnh Nueva Ecija. Các báo cáo chỉ ra rằng rung lắc đã kéo dài gần một phút. Sụp đổ các tòa nhà là nguyên nhân chính gây thiệt hại và tử vong. Vào chiều hôm đó, việc thoát khỏi các tòa nhà cao tầng là một biện pháp phòng ngừa hiệu quả, nhưng nhiều người đã bị thương, thậm chí thiệt mạng, trong vụ giẫm đạp khi mọi người cố gắng rời khỏi toà nhà.

Tại Đại học Công giáo (Christian College), một tòa nhà sáu tầng đã bị sập hoàn toàn, khiến khoảng 250 sinh viên và giảng viên bị mắc kẹt bên trong. Những nỗ lực cứu hộ đã giúp nhiều người sống sót, nhưng một số nạn nhân khác không chết vì sập nhà mà vì mất nước, do không được kéo ra ngoài kịp thời.

Đủ loại công trình, kể cả một số khách sạn nghỉ dưỡng ở Baguio, được mệnh danh là Thủ đô Mùa hè của Philippines, đã bị thiệt hại nặng nề. Hầu hết trong số 100.000 cư dân của thành phố đã phải ngủ ngoài trời vào buổi tối hôm đó và trong suốt tuần tiếp theo; họ sợ phải trở về nhà giữa những cơn dư chấn thường xuyên. Suốt nhiều ngày, các công nhân đã kéo nhiều thi thể ra khỏi các tòa nhà bị phá hủy ở Baguio. Theo ước tính chính xác nhất, đã có 1.000 thi thể được tìm thấy và ít nhất 1.000 người khác bị thương nặng. Các nỗ lực cứu hộ bị cản trở nghiêm trọng vì ba con đường chính vào thành phố đã bị phong tỏa do sạt lở đất. Hàng trăm người lái xe cũng bị mắc kẹt trên đường. Bên ngoài Baguio, một vụ cháy nhà máy hóa chất cũng gây thiệt hại khủng khiếp. 30 công nhân làm việc ở khu mỏ vàng và đồng Tuba trong khu vực đã thiệt mạng sau khi một mỏ bị sập.

Baguio, nằm trên ít nhất bảy đường đứt gãy, hiện được liệt kê là một trong những thành phố dễ gặp rủi ro nhất ở châu Á. Ngoài nguy cơ động đất, lượng mưa hàng năm cao ở khu vực này cũng làm tăng khả năng xảy ra lở đất chết người.

Quân nhân Mỹ đồn trú tại Philippines đã tham gia nỗ lực cứu trợ. Thảm họa quay trở lại nơi này chưa đầy một năm sau đó, khi núi lửa Pinatubo phun trào. Một số nhà địa chất tin rằng hai sự kiện có liên quan với nhau.