Thế giới hôm nay: 19/07/2023

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Donald Trump cho biết ông nhận được một lá thư từ bộ tư pháp Mỹ nói ông là “mục tiêu” của cuộc điều tra về những nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử 2020. Thông thường bộ sẽ gửi thư trước khi công bố bản cáo trạng; bản thân ông Trump cũng từng nhận thư trước khi có bản cáo trạng liên bang về xử lý sai tài liệu mật. Cựu tổng thống đang đối mặt với một số cuộc điều tra hình sự và các vụ kiện dân sự.

Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc (UNC), cơ quan chịu trách nhiệm duy trì hiệp định đình chiến ở Triều Tiên, thông báo một binh sĩ Mỹ đã bị Triều Tiên giam giữ sau khi vượt biên trái phép vào nước này. Được biết người này đang đi thăm Khu vực An ninh Chung, một phần của khu phi quân sự nơi các lực lượng UNC tương tác với các đối tác Bắc Triều Tiên.

Ngân hàng Morgan Stanley của Mỹ công bố lợi nhuận quý II giảm 14%. Nguyên nhân là do doanh thu giao dịch giảm vì lãi suất cao làm đứt mạch IPO và các giao dịch sáp nhập. Tuy nhiên, kết quả quản lý tài sản của ngân hàng vẫn cao hơn dự kiến ở mức 6,7 tỷ đô la, tăng từ 5,7 tỷ đô la của năm trước. Cổ phiếu Morgan Stanley tăng trong phiên giao dịch sớm.

Tổng thống Nam Phi nói việc bắt giữ Vladimir Putin, trong trường hợp ông đến Johannesburg dự hội nghị thượng đỉnh vào tháng 8, chẳng khác nào “tuyên chiến” với Nga. Với tư cách là thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế, cơ quan trước đó đã phát lệnh bắt giữ ông Putin, Nam Phi có nghĩa vụ bắt giữ tổng thống Nga; nhưng Cyril Ramaphosa dường như sẽ không làm vậy.

Một tòa án Ai Cập đã kết án nhà nghiên cứu Patrick Zaki ba năm tù, theo tổ chức phi chính phủ nơi ông làm việc. Ông Zaki lần đầu tiên bị bắt vì một bài báo năm 2020 do ông viết về hoàn cảnh khó khăn của những người theo đạo Thiên chúa Coptic, nhóm tôn giáo thiểu số ở Ai Cập. Vụ án của ông đã thu hút công luận quốc tế. Một số thành phố Ý đã trao cho ông Zaki, người từng học ở nước này, quyền công dân danh dự. Được biết Ai Cập có khoảng 65.000 tù nhân chính trị.

Sóng nhiệtcháy rừng tiếp tục thiêu đốt phần lớn bán cầu bắc. Ở California, nhiệt độ đã chạm mức 53,3°C, gần với mức kỷ lục mọi thời đại. Hậu quả là hoả hoạn, như đã xảy ra ở Hy Lạp và Tây Ban Nha. LHQ cảnh báo nắng nóng có thể gia tăng trong những ngày tới. Trong khi đó hàng chục nghìn người ở miền nam Trung Quốc và Việt Nam đã phải sơ tán để tránh một cơn bão lớn đổ bộ vào khu vực.

Liên Hợp Quốc cho rằng Dự luật Di cư Bất Hợp pháp mới của Anh vi phạm luật pháp quốc tế. Luật này sẽ nhanh chóng có hiệu lực sau khi chính phủ giành phần thắng trong một loạt các cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện vào thứ Hai. Nó sẽ cấm nhập cảnh hoàn toàn những người đi qua eo biển Manche bằng xuồng. Thay vào đó, họ sẽ bị giam giữ và trục xuất.

Con số trong ngày: 21,3%, là tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ thành thị ở Trung Quốc.

TIÊU ĐIỂM

Những ngày toàn màu hồng của Tesla qua đi

Sau khi ra mắt dây chuyền sản xuất xe bán tải điện đầu tiên chỉ vài ngày trước, Tesla của Elon Musk giờ đây sẽ quay trở lại với những mối quan tâm thường nhật hơn. Hãng đang trong một cuộc đua với phần còn lại của ngành công nghiệp xe hơi; và kết quả quý hai, dự kiến công bố vào thứ Tư, sẽ cho thấy triển vọng của họ.

Tâm điểm là tỷ suất lợi nhuận hoạt động, vốn đạt khoảng 17% vào năm ngoái, một con số đáng kinh ngạc so với tỷ suất lợi nhuận của các nhà sản xuất ô tô truyền thống. Tesla tự hào về việc làm nên những điều khác biệt so với các đối thủ lâu đời. Tuy nhiên, nhu cầu tăng chậm và hàng tồn kho tăng đã buộc hãng phải bắt đầu giảm giá vào cuối năm ngoái, kéo theo một đợt giảm giá chóng mặt của chính Tesla và các đối thủ cạnh tranh khác. Chính phủ Trung Quốc gần đây đã yêu cầu công ty và các đối thủ Trung Quốc ký một lá thư cam kết tôn trọng “các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi” và cạnh tranh công bằng. Trong quý vừa qua tỷ suất lợi nhuận của Tesla có thể đã giảm xuống dưới mức 11% của quý đầu, gần với hiệu suất của các công ty truyền thống Tesla từng bỏ lại phía sau.

Quốc hội Thái Lan bỏ phiếu bầu thủ tướng lần hai

Vào thứ Tư, quốc hội Thái Lan sẽ bỏ phiếu — một lần nữa — để chọn thủ tướng mới. Đây là nỗ lực thứ hai của Pita Limjaroenrat, một chính trị gia trẻ tuổi theo chủ nghĩa tự do, nhằm giành lấy chức vụ và chấm dứt 9 năm cai trị của quân đội. Đảng Tiến lên ủng hộ dân chủ của ông đã thắng nhiều phiếu bầu nhất trong cuộc tổng tuyển cử tháng 5, nhưng ông không giành được đủ phiếu bầu ở quốc hội hôm 13 tháng 7. Bất chấp có được hậu thuẫn của một liên minh tám đảng, ông nhiều khả năng sẽ một lần nữa thất bại, đơn giản vì chính sách của ông đi ngược lại hoàn toàn với quyền lợi của những người bỏ phiếu.

Ông Pita muốn phá bỏ liên minh hoàng gia-quân đội của Thái Lan, hiện đang kiên quyết tập hợp chống lại ông. Trong số 249 thượng nghị sĩ tại quốc hội do quân đội bổ nhiệm, chỉ có 13 người bỏ phiếu cho ông trong vòng đầu. Con số này khó có thể thay đổi nhiều. Trong khi đó, cơ quan tư pháp quốc gia đang xem xét cấm ông khỏi mọi chức vụ công — có lẽ là theo yêu cầu của các phe phái đối thủ. Thái Lan vẫn còn một chặng đường dài trước khi công chúng có được nhà lãnh đạo như họ bầu chọn.

Lạm phát dai dẳng ở Anh

Dữ liệu lạm phát Anh cho tháng 6 sẽ được công bố vào thứ Tư. Các số liệu gần đây cho thấy lạm phát ở Anh cao hơn so với các nước tương đương. Đáng lo ngại nhất đối với Ngân hàng Trung ương Anh là việc các chỉ số phụ cho thấy giá cả tăng đặc biệt mạnh trong ngành dịch vụ, bất chấp lạm phát cơ bản giảm từ mức cao nhất của tháng 10, nhờ chi phí nhiên liệu thấp hơn và tốc độ tăng giá thực phẩm chậm lại. Thị trường hiện đang dự đoán ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất cao hơn và nhanh hơn so với kế hoạch trước đó, và rằng lãi suất sẽ vượt quá 6% vào tháng 2.

Các nhà kinh tế kỳ vọng số liệu của tháng 6 nói chung sẽ kể cùng một câu chuyện. Chỉ số giá sản xuất, vốn đo lường giá thành sản phẩm rời khỏi nhà máy, đã giảm mạnh trong năm qua, cho thấy áp lực giảm lạm phát. Song tăng trưởng tiền lương danh nghĩa vẫn mạnh, cho thấy lạm phát đang ngày càng gắn chặt vào các ngành dịch vụ, vốn sử dụng nhiều lao động hơn. Lạm phát đang tỏ ra bướng bỉnh một cách khó chịu.

Biểu tình lớn ở Peru

Người dân Peru có kế hoạch xuống đường ở Lima một lần nữa vào thứ Tư. Đây sẽ là cuộc tuần hành lớn thứ ba của họ ở thủ đô kể từ tháng 12, khi tổng thống Pedro Castillo bị bắt vì cố gắng giải tán Quốc hội để ngăn quy trình luận tội. Những người biểu tình dự kiến sẽ yêu cầu phế truất Dina Boluarte, người kế nhiệm và cựu phó thủ tướng của ông Castillo, tiến hành tổng tuyển cử vào năm 2026, và soạn thảo hiến pháp mới.

Lúc đầu, các cuộc biểu tình chủ yếu ủng hộ ông Castillo. Nhưng giờ đây đám đông đã thay đổi sau khi bà Boluarte cáo buộc biểu tình là do các nhóm khủng bố kích động mà không đưa ra bằng chứng. Cuộc đàn áp sau đó của cảnh sát và quân đội đã khiến hơn 60 người thiệt mạng. Vào tháng 6, khi một cuộc biểu tình khác được công bố, bà Boluarte nói: “Họ muốn thêm bao nhiêu cái chết nữa?” và thề sẽ tại vị cho đến năm 2026. Nhưng tỷ lệ tán thành của bà gần đây đã giảm xuống chỉ còn 14%, hứa hẹn một con đường gập ghềnh phía trước cho bà.