10/08/1978: Xe Pinto của hãng Ford gây tai nạn chết người ở Indiana

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Fatal Ford Pinto crash in Indiana, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1978, ba cô gái tuổi teen đã thiệt mạng sau khi chiếc Ford Pinto đời 1973 của họ bị một chiếc xe tải đâm từ phía sau, khiến nó bốc cháy trên đường cao tốc Indiana. Vụ tai nạn chết người là một trong hàng loạt những vụ tai nạn với xe Pinto, mở đường cho một vụ bê bối quốc gia trong thập niên 1970.

Pinto nhỏ và tiết kiệm, ra mắt lần đầu tiên vào năm 1970, là chiếc xe nhỏ gọn đầu tiên của Ford được sản xuất trong nước, và là phản ứng đối với những chiếc xe nhập khẩu như Beetle của Volkswagen và Corolla của Toyota. Lee Iacocca, khi đó là phó giám đốc điều hành của Ford và sau trở nên nổi tiếng với tư cách là giám đốc điều hành Chrysler, là người đứng đầu dự án phát triển Pinto. Những đánh giá ban đầu về khả năng xử lý và hiệu suất của Pinto phần lớn là tích cực, và doanh số bán hàng luôn ở mức cao, với việc Ford giới thiệu các mẫu Pinto mới như Runabout và Sprint trong suốt đầu những năm 1970.

Tuy nhiên, đến năm 1974, tin đồn bắt đầu xuất hiện trong và ngoài công ty về xu hướng bốc cháy của Pinto khi bị va chạm từ phía sau. Tháng 5/1972, một phụ nữ ở California đã thiệt mạng khi chiếc Pinto của cô bốc cháy sau khi bị tông từ phía sau trên đường cao tốc. Người ngồi trên xe cùng cô, Richard Grimshaw, bị bỏng hơn 90% cơ thể, nhưng vẫn sống sót. Anh đã kiện Ford đòi bồi thường thiệt hại. Luật sư của Grimshaw chỉ ra rằng bình xăng của Pinto nằm phía sau trục sau, nơi nó đặc biệt dễ bị hư hại do va chạm từ phía sau. Ông cũng phát hiện ra bằng chứng cho thấy Ford đã biết về khuyết điểm này kể từ khi Pinto lần đầu tiên được bán ra, nhưng lại không làm gì để xử lý vấn đề, chủ yếu là do việc thay đổi thiết kế sẽ quá tốn kém. Một bài báo trên tạp chí Mother Jones vào mùa thu năm 1977 đã phơi bày những lo ngại về sự an toàn của Pinto với khán giả cả nước, và phán quyết của bồi thẩm đoàn California nhằm bồi thường 128 triệu đô la cho Grimshaw vào tháng 2/1978 đã khiến tin tức lan xa hơn. Tháng 6 năm đó, Ford tự nguyện thu hồi tất cả 1,9 triệu chiếc Pinto sản xuất trong giai đoạn 1971-1976 và Mercury Bobcats sản xuất trong giai đoạn 1975-1976 (do hai dòng xe có thiết kế bình xăng giống nhau).

Như Douglas Brinkley đã viết trong cuốn “Wheels for the World” về lịch sử của Ford, ba cô gái chết trong vụ va chạm ở Indiana vào ngày 8/8/1978 dường như không nhận thức được những mối nguy hiểm liên quan đến Pinto. Gia đình họ không nhận được thông báo thu hồi xe, mãi cho đến đầu năm 1979. Đại bồi thẩm đoàn sau đó đã đưa ra cáo trạng chống lại Ford về ba tội giết người, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử một tập đoàn bị buộc tội giết người. Ford tuyên bố rằng thiết kế bình nhiên liệu của Pinto cũng giống như các loại xe cỡ nhỏ khác, và công ty đã làm mọi thứ có thể để tuân thủ lệnh thu hồi xe sau khi nó được ban hành. Do thiếu bằng chứng, bồi thẩm đoàn tuyên Ford không có tội trong vụ việc này. Tuy nhiên, một tòa phúc thẩm ở California đã giữ nguyên phán quyết trong vụ Grimshaw, yêu cầu Ford phải trả 6,6 triệu đô la và tuyên bố rằng “tâm lý tập đoàn của họ đã cho thấy sự thờ ơ nhẫn tâm đối với an toàn của công chúng.”