Biên dịch: Hồ Bạch Thảo
Xem thêm: Bài về tình hình các địa phương khác
Ngày 26 tháng Giêng [13/3/1836] đến tỉnh thành Thanh Hoa (cách Nghệ An 240 dặm) [1 dặm=0,576 km], trú tại nhà Thẩm Lượng (người đất Chiếu An) [Phúc Kiến]. Ngày hôm sau đến yết kiến quan Tổng đốc họ Nguyễn[1] (Thanh Hoa nhiều họ Nguyễn, tự cho là con nhà quyền quí khó trị, vì vậy phải chọn Tổng đốc người thân thuộc, để khống chế). Ông ta chỉ chỗ tại mặt tiền nhà, yêu cầu tôi đề câu đối, xem qua lòng rất hoan hỷ. Ông gọi các công tử ra gặp (trưởng công tử biết đánh đàn, giữ chức quan Phó vệ). Ông lại gửi giấy ra lệnh cho các đồn trên đường sắp đi, ban đêm lo phòng vệ. Kế đó gặp quan Bố chính họ Nguyễn[2] (tên Nhược Sơn, tổ tiên người Phúc Châu, Phúc Kiến; chú là Thượng thư bộ Lại, đã mất) được an ủi, biếu 1 lượng bạc và trà ngon; lại gửi thư đến Hà Nội dặn chuẩn bị thông dịch nói tiếng Triều Châu, Quảng Đông; bảo Phố trưởng thu góp tiền trợ giúp 10 [lạng?], tôi cảm động làm thơ tạ ơn.
Ngày 28 [15/3/1836], quan Giáo dụ Ông Ích Khiêm[3] mời đến nhà; vừa đến cửa, giang tay đón chào, cùng nhau chuyện trò vui cười; ông tự buồn lương bổng ít, biếu 2 quan tiền. Một số người đồng hương biếu một số tiền cộng là 3 quan, đều cảm tạ và xin hoàn lại; bấy giờ mặt trời đã lên cao, từ giã các quan lớn lên đường.
Ngày 29 [16/3/1836] đến tỉnh thành Ninh Bình (tục gọi là thành Bình Sáng), trú tại nhà Chúc Hạm (người Triều Châu, Quảng Đông). Ninh Bình cách Thanh Hoa 160 dặm, núi đá la liệt, nhô lên những chóp nhọn hình dáng kỳ dị, trong đó có những động hác sâu thăm thẳm, không đo nổi. Núi Phi Phượng [núi Dục Thúy] trấn tại tỉnh thành, trong thành có núi nhỏ chắn ngang như bình án. Hai núi này xưa nay được ca tụng là danh thắng, cảnh tượng hiên ngang, có thể gợi hứng cho khách du lãm, người xưa khắc chữ đề vịnh rất nhiều.
Vào ngày mồng một tháng 2 [17/3/1836] gặp quan Tuần phủ họ Nguyễn (Ninh Bình cũng có nhiều người họ Nguyễn, nên Vương dùng người thân làm Tuần phủ để dễ quản lý). Gặp lúc quan mới duyệt binh trở về, bèn lưu giữ dùng cơm sớm, gọi các quan bồi tiếp, thi nhau nhắm rượu, sáng tác thơ làm vui. Lúc ra về tặng 1 buồng cau, 5 quan tiền; lấy cau nhưng hoàn lại tiền. Ngày đó đi 60 dặm đến phủ Lý Nhân [Hà Nam].
Vào ngày mồng 2 [18/3/1836] quan Tri phủ (Tri phủ gọi là Tri phủ quan, hoặc Phủ đường quan) họ Lê (Tĩnh Uyên) mời uống rượu; tôi uống hết một bình rồi cáo lui (lấy trái bầu hồ lô làm bình rượu). Ngày mồng 5 [21/3/1836] trú tại phủ Thường Tín [thành phố Hà Nội] (cách Lý Nhân 240 dặm);[4] ngày mồng 6 đến thăm quan Tri phủ, nhưng không gặp. Từ Thường Tín trở lên phía bắc, ruộng lúa phì nhiêu, dân no đủ, nhà cửa có vẻ đẹp; qua 60 dặm đến tỉnh thành Hà Nội (tức Đông Kinh xưa, tên cũ là Thăng Long, nay cải tên là Hà Nội), trú tại nhà người Phúc Kiến. Hôm sau dời đến ở nhà đồng hương Tăng Thiêm (người Đồng An, Kim Môn). Vào ngày mồng 8 [24/3/1836] gặp quan Tổng đốc họ Nguyễn. Khi mới đưa danh thiếp xin gặp, ông vội ra, cầm tay mà bảo rằng:
“Không ngờ hôm nay được thấy văn sĩ thiên triều.”
Ngồi chuyện trò, ý tứ diễn đạt triền miên, từ giờ Thìn đến giờ Ngọ [7-9 giờ tới 11-13 giờ] mới cáo từ. Lại gặp quan Bố chánh họ Trần[5] (tên Văn Trung, vào năm Nhâm Thìn Đạo Quang [2/2/1832-19/2/1833] cùng Bố chánh Cao Hữu Dực phụng mệnh Vương đáp thuyền đến Hạ Môn [Phúc Kiến]; lúc về được gia phong hàm Gia nghị đại phu). Khi đến nơi, thấy sảnh đường sán lạn, bày sẵn mấy chiếu tiếp khách; ông chỉnh tề y phục ra đón, hết sức khiêm nhượng, tự tay cầm chén trà mời khách; hỏi han tình hình Hạ Môn, Phúc Châu, cùng những vị quan từng quen biết. Ông mời lưu lại vài ngày, nhưng không thuận; biếu 10 lượng bạc, từ chối mãi mới thôi.
Vào ngày mồng 9 [25/3/1836], các Nho sĩ Trần Như Sâm, Trần Huy Quang, Hoàng Bích Quang (đều là người Quảng Châu, Quảng Đông) đến chơi; bảo rằng Đông Kinh đất rộng, giàu có, thành trì kiên cố, thị tứ phồn hoa, nguồn lợi trân quí đứng vào hàng đầu Việt Nam, lại nhiều bậc trí thức và thắng cảnh; không thể không chiêm ngưỡng. Rồi mời vào thành, xem cung điện cũ thời nhà Lê; rường cột khắc vẽ, lầu gác san sát, phô bày trên thảm cỏ đượm hơi sương. Qua khu thị tứ, tiền bạc chất đầy, kiểu cách mắt chưa từng thấy. Vượt sông Nhị Hà (xưa gọi là Phú Lương), xem sứ quán thiên triều [xã Gia Quất, huyện Gia Lâm, Bắc Ninh], tại phía bên trái sông Nhị Hà, bia lớn sừng sững, khí tượng hiên ngang. Lại đến xã Đồng Nhân [huyện Mê Linh, Hà Nội] xem miếu thờ hai bà (thời Vua Quang Vũ nhà Đông Hán, hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị làm phản, Mã Viện đến bình; hai bà chết tại sông Nguyệt Đức [sông Cà Lồ], thây trôi về sông Phú Lương, người trong xã bèn lập miếu thờ). Lúc trở về, trú tại nhà ông Sâm qua đêm; niềm cảm khái tràn dâng, ngâm vịnh suốt đêm, hiểu rằng những hình ảnh được thưởng lãm đã ghi sâu vào ký ức.
Sáng hôm sau tôi dậy trễ, Phố trưởng Quảng Đông Hà Nghi Hưng, Thông ngôn Trần Chấn Ký (đều người Quảng Châu), Trần Hoành Khoan (người Triều Châu) cùng những người đồng hương đến biếu 10 lượng bạc cùng đồ vật; Phố trưởng Phúc Kiến, Thẩm Lâm (người huyện Chiếu An) cùng đồng hương biếu 50 quan tiền, tôi tạ từ; duy chỉ nhận những vật tặng thêm như thức ăn và thuốc uống từ Dương Vạn Ký, Thành Ký (người đất Trường Thái) [Phúc Kiến], Hồ Vinh (cựu Phố trưởng, người đất Chương Châu). Ngày hôm đó [26/3/1836] người đồng hương thiết tiệc đưa tiễn, tôi đều làm thơ cảm tạ.
Ngày 11 [27/3/1836] từ biệt quan lớn họ Nguyễn, họ Trần, bàn nên theo lệ hộ tống quan lớn, dùng 50 tên lính; tôi lo rằng hao phí nhiều, xin theo con số [20 tên] như trước.[6]
——————————
[1] Đại Nam Thực Lục [ĐNTL], Hà Nội: NXB Giáo Dục, tập 4, trang 898, xác nhận vào tháng 3 năm Minh Mệnh thứ 17 [16/4-14/5/1836] Phạm Văn Điển làm quyền Tổng đốc Thanh Hóa; như vậy tác giả ghi họ Nguyễn vào ngày [13/3/1839], có thể không đúng.
[2] ĐNTL, sách đã dẫn, tập 4, trang 797, xác nhận Án sát Nguyễn Nhược Sơn được thăng làm Bố chánh Thanh Hóa.
[3] Theo tiểu sử Ông Ích Khiêm sinh ngày 21 tháng 12 năm Mậu Tý [25/1/1829], bấy giờ mới 7 tuổi, không thể làm Giáo dụ được. Chắc tác giả nhầm tên với người khác.
[4] 240 dặm tức 138 km; ước tính sai, thực sự từ Phủ Lý Hà Nam, đến Thường Tín khoảng trên 20 km.
[5] ĐNTL, sách đã dẫn, tập 4, trang 876, xác nhận vào tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 17 [17/3-15/4/1836] Trần Văn Trung làm Bố chánh Hà Nội.
[6] Nguyên văn:
二十六日,抵清華省城距又安二百四十里,宿沈壬家詔安人。次日,見總督官阮公清華多阮姓,恃貴室難治,故以親屬總督官制之。公指堂上,索題楹帖,意甚歡,呼諸公子出見其長公子能琴,為副衛官;札飭前路所宿諸屯官,夜間防衛。繼見布政官阮公名若山,祖籍福建福州,其叔為吏部尚書,已故,蒙慰恤,以白金一兩及好茶相遺。複寓書河內,囑廣潮通言、庯長鳩助十金。餘感其意,報以詩。二十八日,教諭官翁益謙請過其署。甫抵門,撫掌出迎,相笑語;自傷俸薄,饋錢二貫。數同籍者共以錢三貫來,俱謝而還之。日已高,辭大官登程。
二十九日,抵寧平省城俗稱平創,宿祝艦家廣東潮州人。寧平距清華百六十里,石山羅列,竦銳多奇形,其中洞壑深不可測。飛鳳山為省城之鎮,而城內小山當其前,如屏案。二山舊稱名勝,境界軒昂,可供游眺;前人題詠頗多。
二月初一日,見巡撫官阮公寧平亦多阮姓,亦用親屬巡撫官理之。值閱兵回,留早膳,呼官屬相陪,賭酒催詩為樂。臨出,贈檳榔一莖、錢五貫;受檳榔而返其錢。是日行六十里,宿里仁府。
初二日,知府官知府稱知府官,亦稱府堂官黎公靜淵招飲,餘為盡一瓢而行以葫蘆匏作酒壺。初五日宿常信府距里仁二百四十里。初六日訪知府官不遇。過常信以北,沃野良田,民頗豐裕,屋宇漸華。六十里抵河內省城即古東京;舊名升隆,今改河內,止福建鄉祠。經宿,移主同鄉人曾添家同安金門人。初八日,見總督官阮公。投刺入,公遽出握手曰:『不意今日得見天朝文士』!既坐,詞意纏綿,自辰至午,始聽出。又見布政官陳公名文忠;道光壬辰年,與高公有翼奉其王命駕船至廈門,返加嘉議大夫銜。堂上燦陳幾席,公整衣履出見,極謙讓,茶必手捧而前;訪福州、廈門情事及所識官紳近狀。強留數日,不可;出白金十兩相贈,固辭乃已。
初九日,有儒士陳如琛、陳輝光、黃壁光俱廣東廣州人,能詩來訪,言東京地大物饒,城池鞏固,市井繁華,珍寶之利甲越南,又多衣冠勝跡,不可不一寓目。邀入城,觀黎氏故宮。畫棟雕甍,重樓複閣,歷歷煙草中。過廛肆,刀幣雲屯,目所未睹。渡珥河江古富良江,閱天使館在珥河左側;豐碑巍碣,氣象岩岩。又至同仁社,觀二女廟東漢光武中,女子徵側、徵貳反,馬援來平,二女死於月德江。其尸流回富良江,土人為立廟宇。返宿如琛園中,興懷憑吊,吟答終宵;覺觀覽之餘,別深寄托。
次日盱起。廣東庯長何宜興、通言陳振記俱廣州人、陳衡寬潮州人偕鄉祠諸人送銀十兩,佐以物事;福建庯長沈林詔安人偕鄉祠諸人送錢五十貫;餘概辭謝,惟受楊萬記、成記長泰人、胡榮庯舊長,漳州人、曾添等所餉藥物。是日,鄉祠各設餞席,俱謝以詩。
十一日,別大官阮公、陳公時,議照護送大員例,遣兵五十名;餘慮其浩費,請如舊數.