Henry Kissinger: Hiện thân tiêu biểu của chủ nghĩa Machiavelli

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Phạm Vũ Thiều Quang

Kể từ khi Henry Kissinger mất vào tuần trước, đã có rất nhiều bài bình luận về di sản của ông như một trong những nhà ngoại giao, chính khách có ảnh hưởng và gây tranh cãi nhất trong thế kỷ 20. Có người cho rằng Kissinger là một chính khách thành công, đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy lợi ích của Mỹ trong thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh. Một số người khác gọi ông là tội phạm chiến tranh, người đã để lại một di sản đẫm máu với các chính sách dẫn đến chết chóc, đau khổ cho vô số thường dân vô tội, và bất ổn trên khắp thế giới. Và sẽ có những người đứng ở giữa, không hoàn toàn đồng ý với bên nào. Bất chấp quan điểm thế nào, ít ai có thể phủ nhận rằng Kissinger là một trong những nhân vật có ảnh hưởng đặc biệt lớn trong nền chính trị hiện đại, góp phần lớn trong việc định hình chính sách đối ngoại Mỹ trong thời đại cạnh tranh nước lớn.

Trong khi các bài báo đó đã tóm tắt lại cuộc đời của Kissinger, những quyết định của ông như ngoại trưởng và cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ dưới hai đời tổng thống, và các học thuyết và tác phẩm chính trị của ông sau khi rời Nhà Trắng, bài viết này sẽ xoay quanh một khía cạnh khác của Kissinger. Mặc dù một vài bài báo đã coi ông như một “Machiavelli hiện đại”, ít ai thực sự nhìn Kissinger qua lăng kính của chủ nghĩa thực dụng của Machiavelli. Bài viết này sẽ thu hẹp khoảng cách đó bằng cách phân tích sự nghiệp và tư tưởng của Kissinger dựa trên các lý tưởng của chủ nghĩa Machiavelli (Machiavellianism). Thường được gắn liền với sự thao túng, chính trị phi đạo đức, và theo đuổi quyền lực dưới mọi hình thức, chủ nghĩa Machiavelli dường như có thể đưa ra một khuôn khổ phù hợp để hiểu và đánh giá đúng các quyết sách và chiến lược của Kissinger.

Chủ nghĩa Machiavelli là gì?

Bắt nguồn từ những tiểu luận và tác phẩm của Niccolò Machiavelli, chủ nghĩa Machiavelli đã phát triển thành một thuật ngữ bao quát trong tâm lý chính trị, chỉ ra một cách tiếp cận cụ thể đối với chính trị và quyền lực. Chủ nghĩa Machiavelli gắn liền với việc không ngừng theo đuổi quyền lực, và đã góp phần lớn trong việc hình thành trường phái hiện thực (realism) trong chính trị quốc tế.

Niccolò Machiavelli (1469-1527) là một nhà ngoại giao, triết gia, và nhà văn người Florentine sống trong thời Phục hưng tại Châu Âu, được biết đến bởi chuyên luận chính trị “Quân vương” (The Prince). Tác phẩm này, được viết vào năm 1513, đưa ra lời khuyên cho các bậc quân vương mới lên ngôi về cách duy trì quyền lực và quản trị đất nước của họ. Trong khi tên tuổi của Machiavelli đồng nghĩa với những nước đi xảo quyệt và vô đạo đức trong chính trị hiện đại, thì việc đọc kỹ tác phẩm của ông sẽ cho thấy một bức tranh phức tạp hơn. Machiavelli sống trong một thời kỳ hỗn loạn của nước Ý, được đánh dấu bởi các cuộc tranh giành quyền lực không ngừng giữa các thành bang Ý,  những quan sát và khuyến nghị của Machiavelli phản ánh cách tiếp cận thực dụng ông coi là cần thiết để các chủ thể chính trị có thể sống sót trong thời đại này.

Chủ nghĩa Machiavelli được đặc trưng bởi niềm tin rằng mục đích biện minh cho phương tiện. Nó thừa nhận rằng, để theo đuổi quyền lực và có được ổn định chính trị, người cai trị sẽ phải sử dụng sự lừa dối, thao túng, và thậm chí sự tàn nhẫn khi đưa ra các quyết định để đạt được mục tiêu chiến lược lớn hơn. Cách tiếp cận này trái ngược với quan điểm rằng người cai trị luôn phải hành động dựa trên các giá trị đạo đức và độ lượng. Machiavelli lập luận rằng, mặc dù vừa được yêu mến vừa được kính sợ sẽ là tình huống lý tưởng nhất cho một nhà lãnh đạo, nhưng nếu phải đưa ra lựa chọn thì quyền lực dựa trên sợ hãi sẽ an toàn hơn là dựa vào lòng yêu mến. Ông tin rằng bản chất con người ở mức cơ bản nhất là tư lợi, và một người cai trị khôn ngoan sẽ hiểu được thực tế để đưa ra các quyết định thực dụng, đôi lúc tàn nhẫn, dựa trên lợi ích của chính mình.

Quan niệm của Machiavelli về nghệ thuật lãnh đạo được coi là mang tính cách mạng vào thời của ông. Ông lập luận rằng các hành động chính trị nên dựa trên đánh giá khách quan về thực tế, chứ không phải dựa trên bất kỳ lý tưởng hay nguyên tắc đạo đức nào. Cách nghĩ thực dụng này là đặc điểm chính của chủ nghĩa Machiavelli. Machiavelli coi sự ổn định và an ninh của nhà nước là mục tiêu cao nhất, và mọi quyết định, từ ngoại giao đến quân sự, đều phải phục vụ những mục đích này.

Trong bối cảnh đương đại, Chủ nghĩa Machiavelli thường gắn liền với các chiến lược ưu tiên lợi ích quốc gia, lợi thế chiến lược, và củng cố quyền lực cho các nhà lãnh đạo. Mặc dù các đặc điểm của chủ nghĩa Machiavelli được thấy trong các chính trị gia trên khắp thế giới, không đâu rõ hơn là với các nhà lãnh đạo đang phải điều hướng bối cảnh địa chính trị căng thẳng. Họ bao gồm các nhà lãnh đạo của nước lớn (Mỹ, Trung Quốc, Nga), tại các quốc gia đang xảy ra xung đột (Ukraine, Israel), và các quốc gia đang gặp bất ổn nội bộ (Tây Phi, Ấn Độ, Argentina…). Khi phải đối mặt với các tình huống đòi hỏi giải pháp khả thi nhất, những nhà lãnh đạo này sẽ phải áp dụng chiến thuật thực dụng nhằm thích ứng vởi hoàn cảnh, thay vì phụ thuộc vào la bàn đạo đức.

Henry Kissinger và Realpolitik

Nhiệm kỳ của Henry Kissinger với tư cách là cố vấn an ninh quốc gia (1969-1975) và ngoại trưởng (1973-1977) đã đánh dấu một kỷ nguyên mới trong chính sách đối ngoại Mỹ, chịu ảnh hưởng nặng nề của triết lý Realpolitik. Thuật ngữ này, bắt nguồn từ nền ngoại giao Châu Âu trong thế kỷ 19, cho rằng các vấn đề chính trị quốc tế cần phải được giải quyết dựa trên hoàn cảnh thực tế, hơn là trên hệ tư tưởng hay các giá trị đạo đức của một nhà lãnh đạo hay của xã hội. Mối liên hệ giữa Realpolitik và chủ nghĩa Machiavelli nằm trong sự nhấn mạnh chung về chủ nghĩa thực dụng, quyền lực, và việc loại bỏ các cân nhắc đạo đức trong việc theo đuổi các mục tiêu chính trị. Cả hai triết lý đều ưu tiên lợi ích của nhà nước và ủng hộ một cách tiếp cận khôn ngoan, linh hoạt, dễ thích ứng trong ngoại giao.

Realpolitik dưới thời Kissinger đặc trưng bởi sự cứng rắn của ông trong việc đối phó với bối cảnh địa chính trị thời Chiến tranh Lạnh, các sáng kiến ngoại giao của ông được đưa ra dựa trên lợi ích chiến lược của Mỹ trên hết. Một trong những ví dụ đáng chú ý nhất về Realpolitik của Kissinger là sự hoà hoãn với Liên Xô vào đầu những năm 1970. Nhận ra mối nguy hiểm chung của xung đột hạt nhân, Kissinger cho rằng lợi ích Mỹ vào lúc này là hòa dịu (détente) với Liên Xô. Chiến lược này không bắt nguồn từ lòng tôn trọng của Mỹ đối với Liên Xô và chế độ cộng sản, mà là một quyết định thực dụng nhằm tạo ổn định cho trật tự quốc tế, giữ vững vị thế quyền lực của Mỹ, và giảm nguy cơ đối đầu hạt nhân. Các cuộc Đàm phán Hạn chế Vũ khí Chiến lược (SALT) và Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo năm 1973 là sản phẩm của chính sách này, cho thấy nỗ lực có tính toán của Kissinger nhằm kiểm soát cạnh tranh giữa hai siêu cường.

Một dấu ấn khác của Realpolitik dưới thời Kissinger là khi ông dẫn đầu nỗ lực thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc. Kissinger đã kiến tạo điều kiện cho chuyến thăm Trung Quốc năm 1972 của Tổng thống Nixon – lần đầu một tổng thống Mỹ đến thăm Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa – khai thác chia rẽ Trung-Xô một cách hiệu quả để kéo Trung Quốc về phía Mỹ và định hình lại bối cảnh địa chính trị toàn cầu. Với thành công này, Kissinger đã ngăn chặn khả năng để Trung Quốc và Liên Xô có thể tái thiết lập liên minh nhằm cân bằng quyền lực với Mỹ, và chỉ sau khi Liên Xô tan rã thì mối quan hệ giữa hai quốc gia này mới được hàn gắn. Mục đích của Kissinger không phải là để thúc đẩy các nguyên tắc dân chủ hay nhân quyền của phương Tây tại Trung Quốc, thay vào đó, đây là một hành động khôn ngoan của ông nhằm củng cố quyền lực của Mỹ tại Châu Á-Thái Bình Dương. Vai trò của Kissinger đối với quan hệ Mỹ-Trung cho thấy Realpolitik ở dạng thuần tuý nhất – tận dụng quyền lực để thúc đẩy lợi ích quốc gia thay vì truyền bá tư tưởng.

Vai trò của Kissinger ở Trung Đông, đặc biệt là trong Chiến tranh Yom Kippur, càng làm rõ cách tiếp cận Realpolitik của ông. Kissinger đã áp dụng chính sách ngoại giao “con thoi” – khi hai bên xảy ra tranh chấp không thể công khai lẫn nhau về mặt ngoại giao, đòi hỏi một bên thứ ba truyền đạt thông tin qua lại và đóng vai trò làm người hoà giải – vào năm 1973. Chính sách này đã dẫn đến lệnh ngừng bắn giữa Israel, Ai Cập, và Syria, nhưng không nhằm mục đích bảo vệ hoà bình khu vực mà tập trung vào việc duy trì ổn định trong khu vực để đảm bảo lợi ích của Mỹ – đặc biệt là về dầu khí. Các cuộc đàm phán sau đó dẫn đến thoả thuận rút quân, nhưng không được thúc đẩy bởi mong muốn giải quyết xung đột Ả Rập-Israel một cách toàn diện, mà nhằm mục đích củng cố ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông.

Có lẽ tư tưởng Machiavelli rõ ràng trong chiến lược Realpolitik của Kissinger nằm trong cách ông sẵn sàng hợp tác với các chế độ chuyên chế và độc tài khi nó phục vụ lợi ích của Mỹ. Tại Mỹ Latinh, quyết tâm chống cộng của Mỹ đã dẫn đến việc Kissinger ủng hộ lật đổ chính quyền xã hội chủ nghĩa tại Chile và Argentina. Sự tham gia của Mỹ vào cuộc đảo chính Chile năm 1973, chống lại chính phủ Allende được dân bầu, được coi là một ví dụ rõ ràng về việc Kissinger ưu tiên các mục tiêu Chiến tranh Lạnh hơn là các nguyên tắc dân chủ. Tương tự như vậy, chiến dịch ném bom bí mật ở Campuchia được uỷ quyền bởi chính Kissinger đã khiến cho hàng trăm nghìn dân thường thiệt mạng trong khi thất bại trong mục tiêu phá huỷ các đường tiếp tế của Bắc Việt Nam. Những hành động này phản ánh đặc tính Machiavelli của Kissinger, khi mục đích – trong trường hợp này là ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản và duy trì ảnh hưởng của Mỹ – biện minh cho phương tiện, bất kể hậu quả đạo đức của nó.

Chính cách tiếp cận Realpolitik của Kissinger đã dẫn đến các thất bại ngoại giao lớn, hầu hết dựa trên một sai lầm chính của chủ nghĩa hiện thực– sự mù quáng trước sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc. Nhiều sai lầm lớn nhất của Kissinger nằm trong cách ông coi các nước nhỏ như những con tốt để hy sinh – cùng với người dân ở đó. Ông nhìn thế giới qua lăng kính của cường quốc và không nhận thức được rằng Việt Nam và Campuchia không đơn thuần là quân cờ domino trong chiến dịch chống cộng của Mỹ, chiến đấu theo mệnh lệnh từ Moscow, mà người dân tại đây còn có khao khát sâu sắc trong việc giành được độc lập dân tộc. Kissinger đã phạm sai lầm tương tự ở Bangladesh trong cuộc chiến năm 1971, đứng về phía Pakistan khi nước này tàn sát cả người Ấn Độ và người Bengal tại đây. Hàng trăm nghìn dân thường chết nhưng Bangladesh vẫn chiến thắng, làm bẽ mặt Mỹ và làm suy yếu vị thế của Washington tại Nam Á.

Henry Kissinger và chủ nghĩa Machiavelli

Về bản chất, trong khi Realpolitik là một cách tiếp cận thực dụng trong chính sách đối ngoại có yêu cầu những thỏa hiệp nhất định về mặt đạo đức, thì chủ nghĩa Machiavelli lại thiên về việc thực thi quyền lực một cách tàn nhẫn và xảo quyệt, thường có mức độ linh hoạt về mặt đạo đức và chủ nghĩa cơ hội cao hơn. Theo cách hiểu này, cuộc đời chính trị của Henry Kissinger, đặc biệt là sự thăng tiến và nhiệm kỳ của ông dưới ba đời tổng thống, thể hiện những đặc điểm thường được gắn liền với chủ nghĩa Machiavelli.

Con đường lên tới quyền lực

Sự nghiệp của Kissinger, đặc biệt trong giai đoạn đầu, thể hiện sự hiểu biết sâu sắc của ông về quyền lực trong hệ thống chính trị Mỹ. Là một người tài giỏi nhưng có tính khí nóng nảy và khá tự ái, Kissinger đã trau dồi tất cả cách cư xử nhã nhặn của mình trong quá trình trở thành một thành viên của “Eastern Establishment” – giới tinh hoa của đảng Cộng hoà ủng hộ các giá trị tự do vào giữa thế kỷ 20 – sau khi tốt nghiệp từ Harvard. Sau khi nhận bằng tiến sĩ, Kissinger bắt đầu xây dựng một sự nghiệp ấn tượng với tư cách là một tri thức hoạch định chính sách đối ngoại, thậm chí còn làm cố vấn chính sách đối ngoại cho ứng cử viên tổng thống cấp tiến của đảng Cộng hoà, Nelson Rockefeller, từ 1956 đến 1961, khi ông mới 33 tuổi.

Vị trí chiến lược của Kissinger trong quá trình chuyển đổi từ chính quyền Lyndon B. Johnson sang Richard Nixon làm rõ cách tiếp cận quyền lực thực dụng của ông. Sau khi làm việc cho Rockefeller, Kissinger trở thành một cố vấn về Việt Nam cho Johnson, làm một thành viên trong kênh liên lạc của Johnson với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thông qua mạng lưới trung gian ở Paris. Bất chấp những khác biệt về hệ tư tưởng và sự không ưa thích cá nhân của ông đối với Nixon, Kissinger lúc này nhìn thấy cơ hội để củng cố quyền lực của mình trong nền ngoại giao Mỹ. Bằng cách cung cấp những hiểu biết sâu sắc của ông cho Nixon trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 1968, bao gồm những thông tin gây tổn hại góp phần làm chấm dứt các cuộc đàm phán hoà bình của Johnson với Việt Nam, Kissinger đã giúp Nixon giành chiến thắng. Ngay sau đó, Nixon bổ nhiệm Kissinger làm cố vấn an ninh quốc gia, phát triển một mối quan hệ làm việc thân cận trong suốt nhiệm kỳ đầu – dẫn đến việc Kissinger trở thành Ngoại trưởng Mỹ vào năm 1973.

Cách sử dụng quyền lực

Trong những năm dẫn đầu nền ngoại giao Mỹ, phong cách điều hành của Kissinger cho thấy rõ quan điểm theo tư tưởng Machiavelli của ông về quyền lực và duy trì sự bí mật trong quá trình đàm phán và đưa ra các quyết định. Kissinger thường bỏ qua các kênh ngoại giao truyền thống, thích đàm phán cửa sau và ngoại giao cá nhân. Cách tiếp cận này không chỉ tập trung quyền lực vào tay ông mà còn cho phép ông hành động tự do hơn, không bị ràng buộc bởi sự giám sát của bộ máy nhà nước hay công chúng.

Một ví dụ đáng chú ý về việc Kissinger tiếp cận các vấn đề một cách bí mật là vai trò chủ chốt của ông trong các cuộc đàm phán kênh ngầm năm 1971 với Trung Quốc. Các cuộc đàm phán này được tiến hành với mức độ bảo mật cao, giúp Kissinger kiểm soát câu chuyện được chia sẻ với công chúng và cách thông tin được tiếp nhận một cách hiệu quả hơn. Kissinger rất giỏi trong việc vận dụng thông tin để dàn dựng một câu chuyện phù hợp với các mục tiêu chính sách này. Khả năng thao túng thông tin này được thể hiện rõ trong cách Kissinger kiểm soát luồng thông tin đối ngoại đến tổng thống và những người ra quyết định khác trong Nhà Trắng và Quốc hội, định hình cách nhìn của họ về các vấn đề đối ngoại để phù hợp với tầm nhìn chiến lược của ông.

Khả năng thích ứng và tính linh hoạt của Henry Kissinger cũng quan trọng đối với sự thành công của ông trong việc nắm được các vị trí lâu dài trong chính phủ Mỹ. Như một người theo đuổi sự nghiệp trên hết, Kissinger có khả năng điều hướng bối cảnh chính trị luôn thay đổi tại Mỹ để giữ các vị trí quan trọng, từ cố vấn cho một chính quyền Dân chủ hay phe trung dung của đảng Cộng hoà, đến việc trở thành người có quyền lực cao thứ hai trên thực tế, chỉ sau Tổng thống trong chính quyền Nixon. Tính linh hoạt của Kissinger cũng được thể hiện rõ trong chiến lược ngoại giao của ông, luôn thay đổi cách tiếp cận dựa trên bối cảnh địa chính trị và không tuân theo bất kỳ quy tắc đạo đức hay lý tưởng nào. Khả năng thích ứng này là đặc điểm nổi bật của một người theo Machiavelli, do nó phản ánh khả năng điều chỉnh chiến thuật để duy trì quyền lực và đạt được mục tiêu, bất kể hoàn cảnh thay đổi hay môi trường chính trị khác biệt.

Ngoài ra, việc duy trì quyền lực cá nhân là một đặc điểm quan trọng của chủ nghĩa Machiavelli, và Kissinger đã cho thấy điều này trong sự nghiệp của ông. Ông tin vào tính hiệu quả của ngoại giao cá nhân, thường gạt Bộ Ngoại giao và các kênh chính thức sang một bên, và phối hợp với Nixon để đảm bảo ông có thể làm vậy trong suốt nhiệm kỳ ngoại trưởng. Việc tập trung quyền lực này đã cho phép Kissinger hành động với quyền tự chủ cao hơn – một điển hình của chiến thuật Machiavelli. Trong những năm 1970, Kissinger đã thành công xây dựng nên vị thế của mình để trở thành một nhà lãnh đạo không thể thiếu trong nền ngoại giao Mỹ, tận dụng kiến thức chuyên môn để tiếp tục là nhân vật trung tâm trong chính sách đối ngoại Mỹ, bất chấp chính quyền nào đang nắm quyền.

Các đặc điểm tâm lý Machievelli của Kissinger

Bức chân dung tâm lý của Henry Kissinger, bao gồm sự khôn ngoan trong tư duy chiến lược, sự khách quan trong cảm xúc, và khả năng chấp nhận rủi ro có tính toán, đã vẽ nên hình ảnh của một nhà lãnh đạo thời Chiến tranh Lạnh đưa ra những quyết định có ảnh hưởng sâu rộng nhưng gây tranh cãi. Cách tiếp cận ngoại giao của Kissinger tương đồng với các đặc điểm tâm lý của một nhà lãnh đạo kiểu Machiavelli.

Tư duy chiến lược của Kissinger kết hợp giữa tầm nhìn xa và sự khôn ngoan, một thứ được những người ủng hộ ông coi là cần thiết để đạt được thành công trong bối cảnh địa chính trị của Chiến tranh Lạnh. Khả năng của Kissinger để dự đoán và hiểu sâu các xu hướng toàn cầu, cũng như động lực đằng sau những hành động của những người chơi khác trong chính trị quốc tế, gợi nhớ đến lời khuyên của Machiavelli dành cho các hoàng tử về tầm quan trọng của khả năng quan sát và dự đoán sắc sảo trong cai trị. Tuy nhiên, đối với Kissinger, sự nhạy bén chiến lược này đã nhiều lúc dẫn đến những quyết định mơ hồ về mặt đạo đức như đã nói trên, trong đó lợi ích chiến lược là tối quan trọng, và thường phải trả giá bằng sinh mạng của dân thường.

Sự tách rời cảm xúc (emotional detachment), hoặc nói cách khác là lý trí lạnh lùng, một đặc điểm quan trọng của chủ nghĩa Machiavelli, cũng được thể hiện rõ ràng trong quá trình ra quyết định của Kissinger. Sự tách rời này cho phép ông theo đuổi bất kỳ giải pháp nào ông coi là cần thiết cho an ninh quốc gia hoặc đạt được lợi thế địa chính trị, không có tình cảm cá nhân. Cách tiếp cận này quan trọng đối với sự thành công của Kissinger trong việc làm trung gian cho các cuộc đàm phán Yom Kippur, nhưng cũng đã dẫn đến nhưng quyết định gây thiệt hại đáng kể về sinh mạng, như đã thấy trong chiến dịch ném bom ở Campuchia. Sự tách rời khỏi yếu tố con người trong các quyết định chính sách phản ánh lời khuyên của Machiavelli về sự cần thiết của những quyết định khắc nghiệt vì lợi ích của đất nước.

Cách Kissinger theo đuổi các giải pháp có tiềm năng rủi ro cao nhưng được tính toán rõ ràng cho thấy tâm lý Machiavelli của ông trong việc đặt cược lên tình huống tốt nhất có thể có được từ một hành động táo bạo. Những hành động này, chẳng hạn như đàm phán bí mật với Việt Nam và thiết lập quan hệ với Trung Quốc, được thực hiện với tầm nhìn rõ ràng về lợi ích chiến lược có thể đạt được, giống với quan điểm của Machiavelli rằng những người cai trị thành công sẽ phải thực hiện những hành động táo bạo và mạo hiểm. Tuy nhiên, việc chấp nhận rủi ro này cũng đã dẫn đến các thất bại đáng kể, từ việc kéo dài cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam đến việc khiến cho nhiều quốc gia ở phương Nam thù ghét Mỹ.

Từ những phân tích trên, có thể thấy Henry Kissinger là một nhân vật hiện thân tiêu biểu cho chủ nghĩa Machiavelli. Tìm hiểu về Kissinger và vai trò của ông, dù ở khía cạnh nào, sẽ luôn là một thử thách thú vị đối với những người quan tâm đến chính trị quốc tế, và một phần lớn trong đó sẽ bao gồm những hành động của ông trong vai trò một nhà ngoại giao. Mặt khác, ông cũng là một học giả hàng đầu trong khoa học chính trị, và các nghiên cứu có tính học thuật của Kissinger sẽ là một di sản thú vị khác đáng khám phá trong những năm tới.

Henry Kissinger: Kẻ đạo đức giả hay nhà hiện thực tàn nhẫn?